Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Thời bao cấp #2.


   Để bắt đầu cho một tiếp nối của thời bao cấp, tôi cứ vân vi trong sự chọn lựa nên bắt đầu từ cái gì trước. Những mảng ký ức cứ đan xen trong nhau. Vậy thôi thì cái gì bật ra thì cứ kể trước, rồi theo mạch nhớ mà kể vậy.


   Hà Nội ngày đó, năm tôi bắt đầu có những lưu nhớ của nhận biết, cỡ từ năm 1978. Năm đó tôi vào lớp vỡ lòng mà bây giờ tương đương với lớp 1 vậy. Hồi đó nhà tôi ở trên phố Hàng Bột, giờ đổi tên thành đường Tôn Đức Thắng. Trông thẳng sang bên kia đường là một cái vườn hoa lớn, tiếp giáp với bức tường rào cũ kỹ của Quốc Tử Giám. Phố vắng lắm. Cũng bởi Hà Nội thời đó người còn thưa chứ không đông đúc thành quá tải như bây giờ. Tiếng động ngoài phố vọng lại cũng chỉ là những tiếng bánh sắt tàu điện nghiến xào xạo trên ray và tiếng leng keng, chen thỉnh thoảng những tiếng xe ô tô. Bởi thời đó, người ta di chuyển chủ yếu bằng xe đạp. Những tiếng leng keng tàu điện đã được tôi viết tặng một người bạn ở bài này http://tieuphongtlbb.blogspot.com/2013/07/tau-ien-leng-keng-xua-cu.html


   Đây là hình ảnh chiếc tàu điện từ thời Pháp thuộc đầu thế kỷ 20, chủ yếu chạy tuyến Bưởi - Thụy Khuê - Đồng Xuân - Hàng Ngang - Hàng Đào và Bờ Hồ. Tàu điện thời Pháp ban đầu cũng đẹp hơn hẳn thời kỳ sau, khi phát triển thêm các tuyến lên Minh Khai, Mai Động (ngày đó còn là các làng ngoại thành Hà Nội), và vào Hà Đông qua Ngã tư Sở.


   Phố Hàng Ngang - Hàng Đào với đường ray tàu điện nằm chính giữa, nối chợ Đồng Xuân xuống Bờ Hồ. Hà Nội thời trước với những cột điện bằng sắt rất mỹ thuật do Pháp làm, đặt dọc hai bên vỉa hè. Nhưng dù là thời nào, tuyến phố này cũng là nơi sầm uất nhất về mật độ doanh thương.


   Tùy từng tuyến phố, tàu điện đặt giữa đường hoặc sát mép vỉa hè. Phố Thụy Khuê, nơi đặt bản doanh của xí nghiệp xe điện thì còn có hai đường ray tàu, một đường sát gần vỉa hè, cách độ 80cm gì đó, một đường chính giữa.


   Tàu điện chợ Đồng Xuân - Bắc Qua:


   Xuống đến Bờ Hồ:



   Đến Bờ Hồ, tàu điện vào bến. Bến đó gần đài phun nước bây giờ tạo thành vòng xoay ngã rẽ Hàng Gai-Hàng Bông, ngã xuôi Hàng Đào - Hàng Ngang, ngã quặt Cầu Gỗ vào chợ Hàng Bè hoặc vòng Lê Thái Tổ... Xa xa ở bức hình trên là hiệu kem Hồng Vân - Long Vân xưa. Chếch sang bên trái bức hình là nhà Thủy Tọa. Đối diện bến xe điện ngày đó là một tòa nhà thấp, sau người ta phá bỏ và xây nên tòa nhà bây giờ mà dân vẫn gọi là hàm cá mập. Bởi sự vô duyên của dáng hình kiến trúc của nó, tạo ra một vẻ đầy đe dọa và xâm phạm cảnh quan hồ Gươm một cách thô bạo.


   Ở bức hình này, sẽ thấy rõ quang cảnh bến xe điện phía bên phải. Vòng xoay có một kiến trúc vòng cung với chiều cao thấp, thụt hẳn vảo bên trong với một khoảng lùi cực kỳ hợp lý. Người Pháp quy hoạch hồ Gươm rất khoa học để giữ gìn và bảo quản cảnh quan Bờ Hồ. Họ không cho phép xây những kiến trúc cao vượt quá 24m, và lấy đỉnh Nhà hát Lớn làm chuẩn. Tòa nhà chính diện trong ảnh bị phá bỏ cuối những thời bao cấp, khoảng năm 1990 để xây nên một kiến trúc thế này đây:


   Hà Nội ngày đó, từ cây kim sợi chỉ đến cái radio, cái xe đạp, giường tủ bàn ghế và các vật dụng sinh hoạt, đều có bán ở Bách hóa tổng hợp Bờ Hồ. Bách hóa này sau phá đi, cũng độ 1990 và để hoang toàng đến 5 năm mới tiếp tục xây lại thành tòa nhà Tràng Tiền Plaza bây giờ.



    Bách hóa này nguyên là nhà Gô-đa thời Pháp, dành cho sĩ quan và viên chức Pháp đến ăn chơi nhảy múa. Ở các quận của Hà Nội thời trước cũng đều có các nhà bách hóa, nhưng lượng hàng không nhiều và đầy đủ như ở Bách hóa tổng hợp. Ngày đó Hà Nội chỉ có 4 quận nội thành, là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng. Được lên Bờ Hồ chơi là kiểu gì cũng có hai nơi phải vào, là nhà Bách hóa và kem Tràng Tiền. Vào nhà Bách hóa chỉ để dạo chơi, xem hàng hóa mà thôi. Những thứ hàng mà ở các bách hóa tiểu khu hay những nơi khác không có hoặc có thì vặt vãnh và vớ vẩn.

   Khi người ta phá nhà Bách hóa cũng là lúc đất nước bắt đầu khai mở các quan hệ với nước ngoài để thu hút đầu tư. Với người Hà Nội, nhà Bách hóa tồn tại như một biểu tượng của văn minh hàng hóa. Thời đó, vào các nhà bách hóa của các khu tập thể như Kim Liên, Trung Tự, Thành Công, Giảng Võ thì buồn lắm. Không gian huếch hoác đến tẻ nhạt. Vì không có hàng bày trên các giá. Lèo tèo dăm ba cặp dép nhựa xanh xanh đỏ đỏ, mấy cái ruột phích nước chen với những cái bút máy Hồng Hà. Ngày chiến tranh, bút máy Hồng Hà được sản xuất cũng tốt, bơm mực ngon lành và viết không bị chảy mực, quen thuộc đến mức ai đi bộ đội cũng được tặng một bút và một cuốn sổ nhỏ. Nhưng không hiểu sao khi đã hòa bình thì cái bút máy Hồng Hà lại xuống cấp tệ hại về chất lượng đến vậy. Bây giờ thì Hồng Hà đã thay đổi nhiều rồi, chất lượng khác hẳn.

   Không bao giờ có thể thấy một cái quạt hay một đồ dùng được quy thành tài sản như giường, ghế bàn tủ ở các bách hóa nhỏ lẻ. Đến mức, nếu ở những bách hóa nhỏ đó mà có hàng mới, y như rằng dân tình kháo nhau và đổ xô đến để rình mua. Cảnh những cô mậu dịch viên ở những bách hóa nhỏ ngồi ngáp vặt, tranh thủ đan len hay uể oải đến thờ ơ, như thể cuộc sống là một chuỗi những tháng ngày vô vọng thiếu sinh khí, thể hiện qua những ánh nhìn vô hồn không cảm xúc là điều chẳng làm ai ngạc nhiên. Bởi cái quầy hàng của cô, năm thì mười họa mới có khách vãng lai. Các cô chỉ thực sự bận rộn vào những khi hiếm hoi có hàng mới bổ sung, hoặc những ngày cận Tết, bởi những ngày đó hàng được phân phối về nhiều để phục vụ bà con.

   Ngày đó, nhà nào có cái quạt tai voi cũng đã là oách xà loách lắm rồi. Đa phần là dùng quạt con cóc. Nhà nào mà có cái quạt Nhật bổn hiệu Hitachi thì là hàng khủng. Phương tiện truyền thông chủ yếu là một chiếc đài bé như cái hộp bánh biscuit, treo trên tường hoặc chiếc tivi đen trắng 14 inch. Mà tivi cũng không phải là phổ biến, bởi để có nó thì phải có cây, có chỉ. Đài radio mà có chân thì bày trang trọng, bởi giá trị kinh tế của nó. Cuộc sống với tiêu chuẩn cán bộ phiếu D với E, cả hai vợ chồng được 1kg thịt, 1kg cá/tháng với đồng lương mỗi người mấy chục đồng thì tiền đâu mà sắm quạt to với đài lớn cho được. Được mua phân phối cái đài bé tý để nghe tin tức theo đường dây phát thanh đến tận nhà đã là hạnh phúc rồi. Xin nói rõ thêm, cái đài đó là đài mua phân phối, được sản xuất với sự mặc định tần số sóng, không có chuyện dò vì làm gì có núm dò. Đường dây phát thanh được chạy đến từng nhà, chỉ việc lắp đài, đấu dây là nghe. Nhà nào có cái đài bán dẫn, dò sóng chui mà nghe tin của '' các thế lực thù địch '' như BBC thì kinh lắm. Dò được sóng nghe tin là phải nhỏ âm lượng thôi, vì gọi là '' nghe đài địch '' mà. Vậy nên mới có câu: Đắp chăn, nghe đài, đọc báo Đảng.


                                                                        Quạt tai voi



                                                                        Quạt con cóc



      Nhà nào có chiếc quạt cổ từ thời Pháp như chiếc màu đen trong ảnh đã là sang lắm. Bởi nó tốt và bền. Quạt tai voi thì xuất xứ từ Liên Xô, còn quạt con cóc thì từ Trung Quốc. Gọi là quạt con cóc vì nó bé lắm, sải cánh đường kính chỉ độ 20cm, lại có cái dáng gù gù như con cóc, nhất là lúc điều chỉnh cho nó ngóc cổ lên thì trông nó thu lu như con cóc góc nhà vậy. Quạt tai voi vì cái cánh to bản như tai voi, quạt mát hơn quạt con cóc vì lớn hơn một chút, nhưng cũng như quạt con cóc, quạt tai voi không xoay được, chỉ mát được một hướng mà thôi.


   Quạt Nhật như trong hình thì thực sự là bố tướng thời đó. Bố tướng, mẹ tá, con đại úy là từ mà ngày đó người Hà Nội dùng để chỉ những gì đắt đỏ, xa xỉ, vượt ra khỏi khả năng của đồng lương hạn hẹp và tem phiếu tiêu chuẩn. Những vật dụng như ca tráng men hay bi-đông nước Trung Quốc là vật thường thấy tại các gia đình. Ở các khu tập thể, hình ảnh quen thuộc là như nhau tất. Mỗi nhà một bộ bàn ghế gỗ mộc, đệm hay lót là thứ xa xỉ không bao giờ có. Một cái tủ đứng hai buồng (tức là có hai cánh mở). Giường gỗ bình thường trải chiếu và trăm nhà như một là chăn con công. Đó là loại chăn có vỏ in hình con công màu hồng đỏ do Trung Quốc sản xuất. Các vật dụng cũng đơn giản. Nước thì đun sôi cho vào cái chai thủy tinh 65ml, cuộn tờ giấy thành cái phễu úp lên miệng cổ chai để tránh bụi. Nhà nào cũng thế cả.


   Ảnh này là ví dụ cho những vật dụng thời đó. Đầu giường là chiếc quạt con cóc. Giường trải chiếu và chăn con công.



   Trong hình là cái chạn để bát đũa. Xe đạp có đèn soi, bộ phát điện lắp ở bánh xe trước. Khi đạp, ép cái bộ phát điện này vào lốp xe thì cơ năng đạp sẽ chuyển thành điện năng phát sáng. Nhưng vì ép nó vào lốp nên vô tình nó tạo ma sát lớn, đạp rất nặng.

                          Những chiếc ca sắt tráng men này là vật dụng bình thường ở mọi gia đình.


           Đồng hồ Slava của Liên Xô cũ. Khi chạy, hình con tảo biển thay cho kim dây, cứ chạy vòng tròn.


   Đây là hình ảnh điển hình của một căn hộ nhà cán bộ trung cấp kiểu trung gian nịnh thần. Có tivi, có tủ lạnh và bàn ghế, giường tủ...Trong một bài viết, tôi có đặt tên là Tủ lệch http://tieuphongtlbb.blogspot.com/2013/09/tu-lech.html, tức là tôi gọi kiểu nghĩa bóng. Trong hình, cái tủ lệch nghĩa đen là như vậy. Có cái tủ lệch là cũng sang lắm rồi. Vì nó có gương. Cánh đứng để quần áo, cánh lệch, tức là cái khúc nằm ngang để bày đồ ly tách ấm chén trang trí. Chiếc đài đặt cạnh tivi là đài bán dẫn, chạy pin. Đài này dò sóng được như đã nói ở trên, khác với đài sản xuất định sẵn tần số được phân phối.




  Xe đạp được mang biển số và có giấy chứng nhận (cà-vẹt) đàng hoàng. Vì cái xe cũng là mấy chỉ vàng rồi.


   Chỉ có ai đi công tác nước ngoài, thường là các nước XHCN mới có cái radio như thế này. Dưới là loa cùng các núm điều khiển âm lượng, dò sóng..., phía trên là để chạy đĩa than nghe nhạc. Những đài kiểu này chỉ có dạng vụ trưởng vụ phó hắt lên mới có, hoặc chức vụ tương đương.


   Năm 1976, bố tôi đi phép ra, mang theo cái tivi cửa lùa Deluxe có cái antenna bắt chéo, cái xe máy 67, một cái tủ lạnh nhỏ 50 lít và cái dàn Akai này. Chạy băng cối. Hồi đó chắc mới thống nhất nên chuyện nhạc nhẽo cũng thoải mái. Bốn tuổi đầu đã suốt ngày nghe Khánh Ly, Thanh Tuyền với Thái Thanh... Sau người ta cấm nghe nhạc vàng. Cũng chả rõ từ năm nào nữa, cái dàn máy Akai biến mất khỏi nhà tôi. Nó là thứ đồ đầu tiên ra đi vì công cuộc chỉnh đốn suy thể chất cho cả nhà. Chỉ nhớ trong tấm hình hồi học vỡ lòng năm 1978, tôi ngồi trên chiếc xe 67 và đằng sau vẫn còn bộ dàn máy, sau khi nhà tôi chuyển từ phố về khu tập thể. Chắc nó ra đi cỡ năm 1980 gì đó. Cái tủ lạnh nhỏ thì hoạt động hết công suất để làm đá bán cho người bán chè đỗ đen. Hồi đó, ngại nhất là hàng xóm sang xin đá. Vì đá cứ bán theo cân, nên cục lớn cục nhỏ bán tất. Không cho thì mất lòng nhau, mà cho thì hao cân hụt lượng. Mà nhà tôi lại là một trong số ít có thể đếm trên đầu ngón tay của khu tập thể có tủ lạnh.

   Sau đó thì là cái tivi ra đi. Hồi còn ở phố, mỗi tối trước cửa nhà tôi hàng phố mang ghế ra xếp kín vỉa hè để xem tivi. Năm 1979 mới xây đài truyền hình Trung ương ở Đê La Thành, nên tôi chẳng rõ những năm trước đó thì tiếp sóng ở đâu nữa, nhưng chương trình thì ít lắm. Mãi đến những năm 1980, cả tuần chỉ có tối thứ Tư mới có hoạt hình cho trẻ em, háo hức lắm, gọi là chương trình Bông hoa nhỏ. Phim cũng chỉ chiếu một tuần một lần. Sau thì có khá hơn, chương trình Thế giới động vật phát lúc 2h chiều Chủ nhật rất hấp dẫn.


   Thời gian bán tivi, tôi cũng cùng bọn trẻ con trong khu đi xem nhờ khắp nơi. Sau thì nhờ bố tôi quan hệ thế nào đó không rõ nữa, mua lại được rẻ một chiếc tivi đen trắng. Mãi đến những năm 1990, nhà dì tôi bán lại cái tủ lạnh cũ hiệu Saratop của Liên Xô, thì mới lên đời về chức năng làm lạnh và cất giữ thực phẩm. Chiếc bàn là trong ảnh là bàn là dùng than, có từ đời ơ kìa của thực dân Pháp. Ngày ấy, muốn giữ cơm nóng (để tiết kiệm dầu và điện), thì hay ủ nồi cơm vào báo và quấn kín cái chăn bông to sụ xung quanh. Sáng nấu cơm, cả nhà ăn xong cho cơm vào cặp lồng mang đi bố mẹ ăn trưa, còn lại thì cơm ủ để trưa đi học về con cái lôi ra ăn. Mãi về sau, những người đi lao động ở Liên Xô hay đi công tác mang về những chiếc bình nóng-lạnh thì mọi nhà ra sức tiết kiệm để mua một chiếc. Ủ cơm cũng tốt mà đựng đá cũng tiện.


    Chiếc máy khâu Singer này là phương tiện kiếm sống của không ít gia đình. Nghề may chả cần tay nghề cao cũng sống được. Ngày ấy, người ta liên hệ, từ mà chính thống không ít các quan chức dùng kiểu giáo điều là móc ngoặc, với các cơ quan nhà máy hay hợp tác xã về may mặc để mua vải vụn. Vải vụn đó được mua về và ráp lại, khâu thành những chiếc vỏ chăn hoặc may quần đùi cho đàn ông và trẻ con. Nhìn hoa hòe hoa sói cực. Vỏ chăn may bằng vải vụn bán rẻ nên phù hợp với cuộc sống thiếu khó đó. Tăng xin, giảm mua, tích cực cầm nhầm là câu phổ biến. Xin được là xin nên thời đó, nhan nhản các ông ra bể nước công cộng với quần đùi vải vụn. Những người buôn bán ngoài hệ thống quốc doanh thì cán bộ gọi họ là gian thương !!! Cơ quan đi liên hệ được cái gì về phân phối mà nếu không đủ thì phải rút thăm xem ai được, nhưng nêu ý kiến là bán cái thứ liên hệ được ấy đi để lấy tiền chia đều cho anh em, thì ngay lập tức bị chủ tịch công đoàn công ty phê bình ngay: Đồng chí làm thế là tiếp tay cho gian thương ! Mà cơ khổ, chia xong thì rồi ra cổng cơ quan là người ta bán ngay đi cho gian thương để lấy tiền, kể cả đồng chí chủ tịch công đoàn cũng chẳng ngoại lệ.


   Các cửa hàng, cửa hiệu ngày đó cũng bày biện đơn giản, biển hiệu cũng không màu mè đèn nến gì. Chỉ là những miếng tole đóng vào cái khung gỗ rồi kẻ vẽ chữ bằng sơn. Những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, tôi vẫn đi đánh quả ngoài giờ học bằng nghề quảng cáo. Hoàn toàn làm thủ công bằng tay hết, từ lên maquette cho khách duyệt đến khi ra cái biển. Nghề quảng cáo hồi đó sống cũng khỏe và đa phần là họa sỹ mở, nên có một ông tên Trung, buôn ngoài thành thần cũng mở cửa hàng trên phố Nguyễn Thái Học, gần cửa hàng bọn tôi làm. Ông này đúng dân kinh doanh, buôn như chảo chớp, kẻ vẽ maquette gì gì không hề biết. Vì nghề đơn giản, đồ đạc cũng chả mấy, vốn liếng không nhiều, nên ông ấy tuyển mấy chú lao động phổ thông về làm việc sơn phết, đóng biển và mang đi treo cho khách, còn maquette thì ông ấy sang thuê bọn tôi làm. Maquette có tỷ lệ rõ ràng, nên về ông ấy chỉ việc bảo thợ phóng to ra là okie. Bọn tôi gọi ông ấy là Trung maquette. Có những cái biển phải viết chữ kiểu viết tay, gọi là phăng-tê-di, thì thợ ông ấy bó tay, lại phải sang thuê bọn tôi phóng, những trường hợp đó thì công thiết kế maquette và phóng chữ bọn tôi tính nửa lãi của ông ấy, càu nhàu cũng phải chịu. Nhưng độ năm sau, Hà Nội bắt đầu có máy photocopy phóng to thu nhỏ, ông ấy mang maquette ra thuê phóng chữ vừa khổ biển, rồi cắt ra ép vào mặt biển cho thợ tô theo đường viền, bọn tôi trơ mắt ra nhìn. Sau có biển mica thì biển sơn ít người thuê làm, cũng bắt đầu quãng năm 1992.


   Xích lô Hà Nội. Những người thất nghiệp, bộ đội xuất ngũ hoặc công nhân lương thấp bỏ việc ra ngoài đa phần chọn nghề đạp xích lô. Hà Nội ngày đó ít xe ba gác. Rất ít là đằng khác. Chủ yếu là xích lô. Nó là phương tiện vận tải chủ yếu trong nội thành. Mãi đến thời kỳ cuối của bao cấp, là những năm 1990-1991 mới có thêm xe lam. Xe lam là cái xe ba bánh như trong hình ở mé phải.

   Khánh Trắng, một đại ca giang hồ trùm sò giới cửu vạn chợ Đồng Xuân - Bắc Qua cũng xuất thân từ anh đạp xế lô. Một người khác, tên là Đường bia, giờ là một tài phiệt, đồng thời cũng là một người có số má với xã hội đen, cũng xuất thân từ nghề đạp xích lô. Ông Đường chuyên đạp xích lô chở các bom bia từ nhà máy bia ở đường Hoa Hoa Thám đến cho các quán bia hơi ở những năm 1980. Bia hơi ở Hà Nội là một văn hóa độc nhất vô nhị. Bia ngon là lẽ thứ nhất, lẽ thứ hai là bình dân. Ông Đường là người có đầu óc. Ông thấy ngay cái lẽ ra tiền của bia hơi. Ông đề nghị với nhà máy bia để ông độc quyền chuyên chở và tiêu thụ bia với nhà máy, ông cam kết tiêu thụ với số lượng khủng, từ đó, các quán bia hơi lại thành phụ thuộc nguồn bia từ ông. Giờ thì ông làm chủ của mấy cái tòa cao ốc ở Hà Nội, đồng thời là đầu nậu cung cấp bia cho hàng loạt các quán bia. Các hãng bia tươi sản xuất ở Hà Nội, hầu như tất cả đều lấy nguyên liệu từ ông.



   Nghề mài dao kéo và sửa chữa giày dép là thứ nghề thủ công đơn giản. Giờ thì các nghề đó vẫn còn, nhưng tinh vi hơn rồi. Phố Hàng Dầu bên hồ Hoàn Kiếm vẫn còn một vài hàng sửa giày dép, nghề cha truyền con nối. Nghề khắc bút (khắc vẽ tên người hay các hình phong cảnh lên bút máy) trước thịnh hành bên hồ Hoàn Kiếm, đoạn cầu Thê Húc trông sang, giờ chỉ còn một ông lão đã hơn 80 tuổi còn cầm cự. Ông cụ giờ sống chủ yếu bằng trông giữ xe. Ngày xưa mà có một cái bút Kim tinh nắp vàng thân nâu đỏ của Trung Quốc, mang lên khắc tên thì tự hào kinh khiếp. Thước kẻ cũng khắc để đánh dấu. Ra chiến trường thì hầu như 100% những chiếc bút Hồng Hà được mang lên Bờ Hồ khắc để làm kỷ niệm.




      Những hình ảnh trên là những hình ảnh của thời kỳ cuối của bao cấp rồi. Có những sinh hoạt, buôn bán vẫn vậy, đã thành truyền thống như nghề bán tranh tre nứa lá hay nghề cắt tóc vỉa hè, nghề bán hàng quán vỉa hè, bia hơi vỉa hè thì trở thành một thói quen. Nhậu vỉa hè đã thành sự quen thuộc. Tôi mỗi khi nhậu, cũng chỉ thích ngồi vỉa hè bệt bạt cho khoáng đạt, chứ không thích vào nhà với bàn ghế cao ngỏng.


                                               Nghề bán tre pheo và các loại sản phẩm từ tre.


                                                   Bia hơi vỉa hè những năm cuối bao cấp.


                                                 Hàng quán vỉa hè trở thành nét quen thuộc.


                                                    Các cụ ông đọc báo bên hồ Hoàn Kiếm.


   Hà Nội có món giò chả rất ngon. Cỗ xưa Hà Nội không thể thiếu món này. Giò thái miếng to, dày, cắn gọi là ngập răng. Hiệu giò chả nổi tiếng Hà Nội là hiệu Quốc Hương ở phố Hàng Bông. Bà Chấn là chủ hiệu. Giò chả hiệu này bán trong ngày. Sáng làm chiều tối tầm 6h hơn một chút là hết hàng. Giò chả phải giã bằng tay mới ngon, mới nhuyễn và ngọt thịt. Nghề giò chả có xuất xứ từ làng Ước Lễ, đã thành thương hiệu Giò chả Ước Lễ rồi. Nhà Quốc Hương cũng xuất xứ từ làng này. Mỗi khi lên Tạm Thương uống rượu (xem bài http://tieuphongtlbb.blogspot.com/2013/09/gio-mua-quan-coc.html), tôi thường ra hiệu Quốc Hương mua một ít làm đồ nhậu. Vào Sài Gòn, tôi lang thang ở đường Trần Hưng Đạo, góc cắt với Bùi Viện, nhìn thấy một biển hiệu Quốc Hương cũng bán giò chả, liền ghé vào mua và hỏi, thì bà chủ bảo bà là em họ nhà Quốc Hương ngoài Hà Nội. Tuy nhiên, vị giò chả này không thể so sánh được với vị giò chả Quốc Hương chính hiệu được.


   Những cảnh sinh hoạt như thế này là điển hình thời bao cấp. Ghế gỗ cho quán bán trà chén, tếu táo gọi là trà chát. Quán có thuốc lá bình dân, kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo bột và kẹo chè lam. Cái điếu cày với gói thuốc lào lẻ là thường trực. Hút thuốc lào nâng cao sỹ diện, bật que diêm như bật phong ba... Nhớ ai như nhớ thuốc lào, đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên... Bằng Kiều, ca sỹ có giọng hát cao vút như chưa bao giờ trải qua thời kỳ vỡ giọng của tuổi dậy thì, nghiện thuốc lào nặng. Thế mà hát vẫn tốt, vẫn kiếm xiền như ranh :))


   Hà Nội những năm bao cấp. Pa nô tuyên truyền, tranh cổ động ngàn ngạt các ngã tư. Người ta còn đắp cả phù điêu tướng sỹ tượng ở ngã tư Ô Chợ Dừa. Thời đổi mới, tức là bắt đầu từ năm 1986 do cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh khởi xướng với chữ ký tắt N.V.L, cùng khẩu hiệu Nói và Làm. Đổi mới, tức là bắt đầu chấp nhận những thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, được cho tự do giao thương giữa các vùng miền. Cũng chính ở thời ông NVL, Vua lốp Nguyễn Văn Chẩn được thả, nhưng công cuộc đòi lại tài sản bị tịch thu thì kéo mãi đến giữa những năm 1990, mà cũng chẳng được trả lại bao nhiêu.


   Giao thông không lộn xộn vì cũng vắng, nên các chiến sỹ cảnh sát giao thông cũng nhàn nhã. Xe DD đỏ ớt này ngày đấy là kinh lắm rồi, ngang với SH bây giờ, 5-6 cây vàng/chiếc, trong khi nhà chỉ hai hoặc ba cây là mua được một căn. Mà dám chắc, ngày đấy làm gì có khái niệm làm luật với mấy chiến sỹ này.


                                                                    Đường phố vắng vẻ.


   Chủ yếu phương tiện thô sơ. Xe ô tô chủ yếu là Gát 69 của Trung Quốc hoặc com-măng-ca của Liên Xô.


   Bến xe trước cửa công viên Thống Nhất. Những chiếc xe này giờ đã thành đồ bảo tàng, nhưng mãi đến những năm 1995 vẫn còn xả khói mù mịt trên đường phố Hà Nội.



                                                      Cửa hiệu sửa chữa cơ khí lặt vặt...


                                                         Hiệu giày dép phố Hàng Dầu.

                                         Nghề làm điếu cày. Giờ thì họ không làm trên phố nữa.


                               Xe thồ gạo. Xe này liên tưởng đến xe thồ thời Điện Biên của cụ Giáp.




                                                             Bán tranh Tết thời bao cấp.



   Gói quà Tết tiêu biểu thời đó. Một bao thuốc lá Điện Biên, một hộp mứt, một cân đường, ít bánh đa cuốn nem (miền Nam gọi là chả giò), một chai rượu Chanh và một miếng bóng bì để nấu canh.



                                   Quầy hàng Tết điển hình những năm bao cấp tại các bách hóa.


                       Luộc bánh chưng Tết. Luộc xong là công đoạn nén cho bánh được rền và ngon.


                                          Cưới hỏi cũng đơn giản. Hoa cưới là một bó Lay-ơn.


                                           Báo chí hướng dẫn sử dụng tem, phiếu vào dịp Tết.


                                                   Những người thuộc quân đội có tem riêng.


                                Chợ hoa Xuân. Chủ yếu là chống rét bằng áo bông hoặc áo đại cán.


                                       Áo đại cán chính là chiếc áo mà các bác bộ đội này mặc.


                  Một trong những chiếc tàu điện hiếm hoi có màu sơn còn sạch sẽ chạy tuyến Bờ Hồ.

   Những năm bao cấp, xe máy chủ yếu là xe Mobilette hoặc Babetta của các nước XHCN. Chạy lâu nên máy xuống, ọc ạch nên cứ phải dắt chạy để nổ nên còn gọi là xe Ba-bét-nhè. Xe tư bổn của các nước giãy chết thì chủ yếu là xe 67, xe Honda 50. Xe phân khối lớn hơn có xe Con thỏ của Liên Xô, xe Simson, còn gọi là xe kích của Cộng hòa Dân chủ Đức.


                                                                        Xe Babetta      

                 
                                                                         Xe Con thỏ


                                                                          Xe Simson

   Đa phần lúc đó mua được cái xe đạp Phượng Hoàng hay Vĩnh Cửu của Khựa như cái hình dưới đây là oách hơn hẳn xe đạp Thống Nhất nội địa rồi.


Về cuối những năm bao cấp, bắt đầu đổi mới nên xuất hiện những dòng xe của các nước tư bản. Ban đầu là xe Cup 70. Hoành tráng lắm, hơn đứt xe 67.

                                                                             Cup 70

                                                                          Honda 50


   Rồi xuất hiện thêm xe cup Nhật bãi rác đời 78, 79 cánh én, đánh điện má vít. Gọi là xe bãi rác bởi nó được thu mua từ bãi thải xe cũ của bên Nhật. Cánh én là vì ốp máy có dạng hình chiếc cánh én. Điện má vít nên hay trục trặc bộ điện, khó nổ. Nhưng đến đời chiếc 81 kim vàng giọt lệ như trong hình trên thì oách hơn hẳn rồi. Kim vàng là chiếc kim chỉ tốc độ màu vàng, có một cái nháy đỏ báo tốc độ xe khi vọt qua 40km/h nên gọi là giọt lệ. Học đại học mà có cái kim vàng giọt lệ này thì chỉ có hạng thiếu gia trở lên, thằng nào mà vi vút DD hay xe 82 xanh đèn vuông đít vuông, Dream 1 đời đầu yên liền thì bố tướng sành điệu rồi. Xem ảnh thời Sài Gòn hòn ngọc viễn đông những năm 60, xe Honda nhiều như quân Nguyên mà so với Hà Nội những năm 90 thì đúng là chán như con gián.


   Những chiếc xe trong hình chủ yếu là xe máy Honda đời 81 điện má vít. Chiếc màu nâu của ông đội mũ cối là Suzuki 110cc, thuộc loại xe sang ngày đó vì thuộc loại đèn vuông, đít vuông, yên liền. Đằng sau có bác đội mũ cát két là chiếc xe 82 màu xanh dương, cũng thuộc hàng khủng thời đó.


   Chiếc áo cô bạn này mặc là thời trang thời thượng. Áo lông Đức bên ngoài, áo len cổ lọ bên trong. Bên cạnh là playboy với áo Nato Mỹ, mũ bò Levi's. Hồi đó hay có trò cướp mũ. Mũ lưới lưỡi trai, mũ bò hay kể cả bộ đội với ổi tàu cũng bị vợt như thường. Hồi đó có mốt quân khu. Tức là thanh niên ăn mặc toàn đồ lính. Mốt này xuất phát từ các khu gia binh. Những thanh niên con nhà bộ đội thường lấy quần áo quân trang của bố ra mặc. Cấp nào quần áo ấy. Úy thì có quần pho úy, tá thì có pho tá. Pho tức là vải pho của quân đội Liên Xô. Mặc mùa hè thì nóng mà mùa đông thì lạnh bởi vải pha nilon nhiều. Ông nào mà bố cấp tá được diện nhờ bộ quần áo dạ tá, chân đi đúc tàu, lại thêm cái xà cột nữa thì khệnh lắm. Thanh niên ăn mặc đồ lính, với quần áo gabadin xanh Trung Quốc, mũ cối ổi tàu thì được gọi là ga cả cành. Về sau biến tấu đi, những giang hồ ăn mặc như vậy được gọi là bộ đội, không gọi là quân khu nữa. 

   Vì là khu gia binh, hợp chủng các quân khu, quân chủng...nên thành từ ban đầu là quân khu. Mốt này bắt đầu từ những năm 1980. Sau thì ăn mặc của quân khu, của bộ đội là quần xanh chéo hải quân, áo bay hoặc áo trắng xẻ tà vạt vuông thả ngoài quần, dép nhựa trắng Tiền Phong, gọi là . Thứ trang phục này vừa tiền cho những bộ đội. Còn đẳng cấp hơn là ga cả cành, đúc tàu, bởi cái đó đắt tiền hơn nhiều. Một đôi đúc tàu giá cả vài chỉ vàng chứ không ít. Ổi tàu lòng vàng giá cũng cả chỉ vàng luôn. Xe đạp thì bộ đội là phải Phượng Hoàng nó mới đúng chất. Nên bộ đội mà đi Phượng Hoàng, thì bộ đội khác có con 67 hay cup đi qua là vợt ổi hay vợt mũ ngay. Hoặc nếu đi đông thì trấn cướp công khai luôn.



   Ngày đó, những cô nàng nào mà thích yêu những anh quân khu, thì được gọi là đú khu. Phải nói rằng, xã hội cũng có những ngôn từ thích hợp với hoàn cảnh thật. Chuyện về bộ đội, xin được để lại vào những lúc thích hợp sẽ xin kể sau. Gọi theo chuyện kể chương hồi, sẽ là, hồi sau sẽ rõ.

16 nhận xét:

  1. Trời ơi, đọc tới đâu mắc cười tới đó. Công phu quá anh ạ.

    Trả lờiXóa
  2. Đọc rất lâu nha Ca. Dài quá mà bảo, chữ nhỏ xíu nữa, đọc xong mắt tăng thêm độ nữa rùi nè.
    Bài viết đầu tư công phu, tỉ mỉ, đọc mà cứ hình dung ra cảnh thời ấy. Hay thiệt.
    Đúng là cái thời...khó tả thiệt. Mà sao Ca có nhiều ảnh quý dữ vậy ? Toàn ảnh độc không hà.
    đến cái xe đạp mà cũng cấp giấy chứng nhận, rùi ...có cản biển số tứ quý 8 thì thiệt là....
    Ca ngày xưa chắc cũng xếp vô dạng thiếu gia nhỉ ? Vì thấy có tủ lạnh, tivi sớm nè. Chứ em nhớ, mãi tới năm em học lớp 8, bà nội em mua trả góp cái máy radio, mà em bắt ghế ngồi sát máy luôn, em nghía coi người ta đứng chỗ nào mà hát hay dzạ? Ở miền Tây em lúc đó không ai biết cái bánh chưng nó ra làm sao hết. Đến khi em lên Sài gòn, lần đầu tiên thấy cái bánh chưng, em không dám mở ra ăn. Vì người ta gói đẹp quá, vuông vức, xinh ghê.
    giờ thì...ở quê em, muốn ăn bánh chưng cũng chả còn là chuyện khó nữa rùi.
    Nghe Ca kể chuyện ngày xưa, em nhớ bà nội em quá. Cũng hay kể lại những chuyện xưa như vầy nè.
    Mai mốt rảnh kể chuyện ời đó nghe nữa Ca ui

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cuộc sống ngày càng đi lên mà. Có những cái như bây giờ thì cũng có những thời khốn khó như ngày xưa. Nhà anh tuy là ban đầu có những vật dụng đầy đủ, nhưng sau cũng phải bán gần hết để chống đói. Hồi đó cuộc sống cào bằng hết mà em.

      Kể chuyện cũ thì cũng cần có minh họa cho nó dễ hình dung hơn. Cũng lạ, những hình ảnh thời thiếu thốn sao mà nhớ kỹ đến thế :))

      Xóa

  3. Ơ ... Thụy đi vắng có mấy ngày nhà Phong Ca đã sắm sửa được một đống đồ cổ như thế này rồi à ? ...Hì ...

    Like mấy cái quạt tai voi với quạt con cóc gì đấy nhất, tướng tá chúng trông thật buồn cười, xấu ơi là xấu ! Thích mấy chiếc xe nữa, tân trang lại, vẽ hoa vẽ lá, ong bay bướm lượn gì đấy lên thì thôi rồi Lượm ơi luôn, bán cho mấy quán cafe chuyên sưu tầm, trưng bày đồ cổ là hơi bị nhiều tiền đó nghe ... :))

    Gần chổ em có một quán đầy đồ cổ như thế này, từ chiếc lọ hoa đến cây quạt để bàn ... Nhạc thì được hát thì bằng mấy dàn Akai âm thanh tuyệt hảo ... Bao giờ có dịp em sẽ đãi Phong ca cafe ở đấy nhé ... :D

    Bài viết công phu, tư liệu quý giá !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. À, Hà nội giờ còn xích lô không ạ ? Ở đây bị dẹp một thời gian giờ có lại rồi, chủ yếu là phục vụ cho khách du lịch nước ngoài nên xích lô mới, đẹp, trang nhã hơn. Cũng có những đám cưới chơi nổi, đón dâu bằng một hàng dài xích lô trông cũng bắt mắt lắm ... :)

      Xóa
    2. Ờ. Lúc nào '' Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân '' thì nhớ dắt anh đến cái quán bán đồ cổ đó nhé :))

      À, Hà Nội giờ có mốt chơi đồ cổ :)), có hẳn cả 1 câu lạc bộ chuyên chơi xe đạp từ thời ơ kìa đấy :))

      Xóa
    3. Quên, HN giờ vẫn có xế lô. Nhưng xế lô giờ có lọng che tua rua bắt mắt, có đệm ngồi sạch sẽ, xe thì sáng nhoáng, tài thì ăn mặc đồng phục, thậm chí cravat nghiêm chỉnh, thương hiệu chuẩn luôn: Sans-souci hay gì gì đó tương tự vì tiếng Pháp ngoài '' cô giơ mông tôi xoa '' thì anh không biết thêm từ nào :)). Và xế lô đó để phục vụ cho khách du lịch thuộc địa bàn phố cổ và quanh bờ Hồ thôi, không được hoạt động quá khu vực đó.

      Xóa

    4. Tiếng Pháp của Phong Ca nghe cứ lổn nhổn, gập ghềnh như Nguyễn Việt Hà khi nói về một dịch giả tiếng Nga củ chuối với một đoạn dịch thế này : " Bà Anna đi mi tơ rốp trô va ơi, thằng bé Anđờrây xéc xờ ki cô vích nhà tôi nó yêu con bé Nataxa bê du khốp cô va nhà bà " :)) ...

      Vì thế Thụy thành thật khuyên Phong Ca dù có năng khiếu ngoại ngữ đến đâu cũng chớ có nói câu tiếng Pháp nào nữa, nước Pháp mấy hôm nay được nhắc nhớ nhiều lắm, họ tìm đến xin chữ ký bây giờ ... :))

      P/S : Thời Ơ kìa diễn ra và kết thúc vào những thập niên nào ạ ? Sao sử sách chẳng thấy ghi ? :))

      Xóa
    5. Nhất trí quan điểm về ngoại ngữ của Thụy :))

      À, thời ơ kìa nó diễn ra từ rất lâu rồi và không có sự kết thúc. Ví dụ, đến khi Thụy trở thành một bà lão móm mém, chân đi không vững thì những năm 2000 sẽ thành thời ơ kìa của lúc móm mém :))

      Xóa
    6. Lấy Thụy thời móm mém ra để làm ví dụ, cụ thể nhỉ ? Đừng hòng, em thuộc dạng không có tuổi mà, đừng có mà mơ một ngày nào đấy sẽ thấy Thụy móm mém nhá ...:P

      Anh chơi với NKT nên bắt đầu giống hắn rồi, luôn tranh thủ dìm em ... Mơ đi Phong Ca, em sẽ trẻ mãi, tóc vẫn đen mượt hoài ngồi bên cửa sổ để nhìn anh và NKT chống gậy dìu nhau qua ... haha ... :))

      Xóa
  4. Dìm hàng là nghề của anh mà :))

    Trả lờiXóa
  5. Vậy là Phong nhỏ tuổi hơn anh rồi,nếu như hệ thống lại được ký ức như vậy là người có trí nhớ rất tốt.
    Nhưng ở đời có khi trí nhớ tốt lại làm người ta khổ đó Phong nhỉ ? Anh sinh ra và lớn lên ở miền nam
    nên có những diều đáng lẽ nên quên đi thì anh không thể xoá nó khỏi trí nhớ của mình nên thấy mình cũng
    khổ tâm,mặc dù biết rằng mọi thứ rồi cũng sẽ qua mau,qua mau như một thời tuổi trẻ của chúng ta.
    Vài hàng tâm sự với TP,cho anh tạm dừng ở đây nhé.hẹn gặp lại.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạ. Em nhỏ tuổi hơn anh nhiều mà.

      Em cũng không hiểu tại sao những ký ức tuổi thơ nó lại ám ảnh em và trở thành gắn nhớ đến như vậy. Có thể là khổ mà cũng có thể nó lại là tiền đề để mình có một vốn lưu trữ anh à.

      Sự đời, cái muốn quên nhiều lắm anh. Nhưng em không muốn quên điều gì cả. Trừ là tự nó xóa khỏi tâm trí với sự vô thức thôi anh.

      Xóa
  6. Rất nhiều đồ dùng trong những bức ảnh trên nhà mình cũng có. Và đến bây giờ mẹ mình vẫn giữ lại một số thứ. Ví dụ như cái quạt tai voi,quạt con cóc. Máy khâu bươm bướm :D

    Ấn tượng của mình về ngày đầu lên Hà Nội (dạo ấy hình như 8 hay 9 tuổi gì đó) là Hà Nội rất nhiều xe đạp.

    Trả lờiXóa
  7. Cảm ơn bạn về bài viết về thời xa xưa đó.
    Góp ý nhỏ về tấm hình những chiếc đồng hồ Slava Liên Xô : đó không phải là con tảo biển thay cho kim giây. Đó là vệ tinh Sputnik đấy bạn ạ.

    Trả lờiXóa