Thứ Năm, 17 tháng 3, 2016

Kền kền hay chống tham nhũng?


     Hình ảnh này là một sự quen thuộc của lò gạch thủ công nung đất sét, thứ gạch chỉ mà chúng ta vẫn dùng để xây nhà.


    Nó được chụp tại Sóc Sơn - Hà Nội, trong một bài viết của báo Phụ Nữ khi thâm nhập để phanh phui sự bảo kê xây lò không phép tại đây, với giá gặp mặt phó Chánh thanh tra XD sở XDHN là 5 triệu, bảo kê xây lò không phép là 250 triệu.

     Đường link của nó đây: http://m.phunuonline.com.vn/thoi-su/xa-hoi/tham-nhap-lo-gach-tho-phi-thanh-tra-xay-dung-doi-250-trieu-dong-bao-ke-70925/?paged=2

     Xét về nội dung và cảm quan khi đọc, bài báo không sai khi phanh phui về cái việc tham nhũng này. Nhưng đọc xong toàn bài, thấy nó giống với việc cài bẫy nhau. Nó không có tình người.


     Những viên gạch này, giá thị trường dao động từ 1.300đ đến 1.600đ/viên, tùy vào số lượng chuyên chở theo xe lớn bé, và sẽ cao hơn nếu chở bằng xe cút kít vào ngõ ngách. Và nó được làm từ đất sét. Một thứ tài nguyên.

     Cách đây 8 năm, tôi là tư vấn lập dự án và thiết kế cho một công trình xây dựng nhà máy gạch không nung, tôi hiểu rõ cái tác hại về môi trường của các lò gạch thủ công, kể cả việc nung gạch này tại nhà máy. Nó tàn phá đất đai, khói thải ảnh hưởng như thế nào đến môi trường, việc hoàn thổ cho các khu đào đất làm gạch khó khăn và tác hại ra sao... Đương nhiên, tôi hiểu cũng rõ về quy trình làm gạch không nung, các nguyên liệu phế thải xây dựng để làm gạch, sức bền, sự cách âm của gạch, độ chịu ẩm, chịu thấm ra sao.

    Và hiểu rất rõ ưu điểm môi trường của gạch không nung.


     Là người viết dự án, đương nhiên việc tiếp cận các tài liệu, các văn bản pháp quy của Nhà nước về lĩnh vực này, tôi hiểu rất rõ. Cũng đương nhiên, tôi cũng hiểu và nắm bắt được về thị trường này, với quy mô các nhà sản xuất thế nào, các vùng nguyên liệu ra sao, cả những khó khăn khi để sản phẩm ưu việt này tiếp cận thị trường...


     Những sản phẩm như thế này, giá thành chỉ bằng phân nửa viên gạch nung truyền thống. Sức chịu lực rất tốt, chịu ẩm, cách âm hơn hẳn gạch nung, tính môi trường cao vì được làm từ tro bay, là nguyên liệu phế thải của các nhà máy xi măng, từ xỉ than, từ đất thải và từ phế thải xây dựng.

     Nước ngoài, như Nhật, Mỹ, Hàn... các quốc gia châu Âu và tiên tiến, 100% gạch xây là sử dụng gạch không nung, và họ cấm sản xuất gạch nung từ tám hoánh, từ đời ơ kìa. Gạch nung bây giờ ở những xứ đỏm dáng đó, chỉ dùng cho trang trí nội và ngoại thất. Đẹp long lanh.

     CP, từ lâu đã có những Nghị định về việc sử dụng loại gạch này, như xây nhà cao tầng phải dùng tối thiểu 50% gạch này để xây. Các công sở phải sử dụng gạch này khi xây mới...ect... Và cả Nghị định cấm sử dụng các lò thủ công công nghệ đời ơ kìa nữa.

     Tóm lại, gạch không nung chính là một giải pháp lâu dài và bền vững cho công nghiệp xây dựng và bảo vệ môi trường. Nhưng nó đến hiện tại, vẫn chỉ là mặt trắng của vấn đề.

     Mặt đen thì sao???

    Công nghệ và dây chuyền đắt, vùng nguyên liệu tản mát không tập trung, chuyên chở cũng là vấn đề. Ngoài ra, tính phổ cập không cao chính bởi nguyên liệu không sẵn có. Dù nó có giá thành chỉ bằng phân nửa viên gạch thường, nhưng với điều kiện phải xây cái nhà như tòa Keangnam 70 tầng, lại thêm việc bất cập bởi khổ gạch không thông thường, dẫn đến việc chậm chễ cả ra quy chuẩn xây cho loại gạch này...ect...

     Chính bởi thế, giá thành để người dân có thể dùng để xây rất cao, các đại lý không thể phổ cập nó đến từng khu, từng phố như nhan nhản các cửa hàng, các đại lý vật liệu xây dựng như hiện tại.

     Mặt khác, chính sách về việc sản xuất loại gạch này còn để mặc cho DN tự xoay sở, sự trợ giúp về chính sách như thu gom tro bay, xỉ than hay phế thải xây dựng chẳng hạn, không gây khó dễ cho DN khi chuyên chở, các loại thuế phí, việc quy định thu mua còn thả nổi mà vai trò điều tiết, quản lý NN gần như là không hề có.

    Không ai nói NN phải cầm tay chỉ việc cho DN, nhưng khung khổ và hành lang pháp lý cho DN dễ thu mua, gom tập và sản xuất phải dễ dàng, như thế mới thuận lợi cho DN mở và tiếp cận thị trường. Ngay như việc mua tro bay, nhiều nhà máy xi măng vất vả cho việc tìm đầu ra cho loại phế thải này, thậm chí còn gần như là cho không, nhưng nhiều DN sản xuất gạch không nung lại vất vả cho việc thu gom loại nguyên liệu đó, không phải vì giá cả thu mua, mà chính là vì việc chuyên chở gặp nhiều khó khăn, trong đó có cả việc nhũng nhiễu.

     Công tác quản lỹ vĩ mô, không phải một sớm một chiều, nhưng cũng không thể dềnh dang. Công tác đó liên quan mật thiết đến cuộc sống người dân, đến sức khỏe DN.

    Khi các công tác xây dựng lộ trình để gạch không nung hoàn toàn thay thế gạch thủ công chưa thể hoàn thiện, thì việc để người dân có thể sống được cần phải nghiêm túc đặt ra và sâu sát, chứ không thể duy ý chí bằng những lệnh cấm. Sự cân bằng giữa quản lý NN và đời sống người dân cần phải được thực tế hóa bằng một quy hoạch, trong đó nêu rõ việc sản xuất gạch nung bằng lò thủ công phải được quản lý cụ thể bằng công nghệ, vùng nguyên liệu, có tính đến giải pháp khi chấm dứt sản xuất theo lộ trình thì hoàn thổ thế nào, thậm chí, hướng dẫn người dân dần dần có thể sản xuất gạch không nung thay thế dần gạch nung thủ công.

     Bởi, đầu tư một lò gạch thủ công bây giờ, cũng phải vài tỷ đến chục tỷ/lò. Các hộ cá thể có thể hình thành HTX để thành một xí nghiệp tư doanh cổ phần quy mô nhỏ sản xuất gạch không nung công nghệ trung bình, chỉ dùng đất thải và phế thải xây dựng, để sản xuất ra loại gạch không nung loại 2, loại 3, chưa phải loại 1 như công nghệ dùng tro bay. Những việc như vậy, chức năng của các sở ngành như môi trường, khoa học công nghệ hoàn toàn có thể làm thành đề tài nghiên cứu để phổ cập cho người dân.

     Sự phổ cập để thay đổi một thói quen tiêu dùng, trước hết cần sự rõ rệt của vai trò quản lý NN trong cụ thể định hướng, từ đó mới có sự xuất hiện của giá thành chấp nhận được thì mới có sự phổ quát tiêu dùng. Lộ trình cần sự cụ thể, mà việc cụ thể trước mắt là đừng tước đoạt đi sinh kế của người dân bằng những áp đặt hành chính trên mây trời, dưới nước tuôn.

     Người dân cần sinh kế thì phải tìm mọi cách để làm. Và đương nhiên làm sai. Làm sai thì đương nhiên phải mất tiền cho quan làm trái. Chẳng có quan chức nào tự tìm dân để vòi vĩnh, cũng như sinh kế người dân được đảm bảo, chẳng ai chịu mất tiền không đâu.

     Cuối cùng, chỉ là đám kền kền nhảy vào cài bẫy. Quan thì mất chức, dân thì mất việc.

     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét