Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Tự hào dân tộc - Một nhân cách.



   Tôi được một người bạn báo tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời, lúc đó vào khoảng gần 19h tối 4/10. Tức là chỉ khoảng sau hơn nửa tiếng thời điểm ông chính thức ra đi thì tôi được báo tin. Sự ra đi của ông dù không phải là bàng hoàng đột ngột, nhưng như nhiều người dân khác, tôi cũng không tránh khỏi một cảm giác hụt hẫng.


   Ông nội tôi và em ruột ông nội tôi là học trò của tướng Giáp tại trường tư thục Thăng Long, nằm ở phố Ngõ Trạm -  Hà Nội. Chính cụ Giáp là người đã giác ngộ cách mạng cho hai anh em ông tôi, để hết cấp 3, anh em ông tôi đi kháng chiến khi mới hết tuổi 17. Những câu chuyện thời xưa cũ của Hà Nội giữa những năm 30 thế kỷ trước được lồng ghép với những ký ức của ông tôi về tướng Giáp, mà thi thoảng tôi được nghe kể, đã hình thành trong tôi một niềm kính trọng với Đại tướng khi còn rất nhỏ. Những câu chuyện được kể bởi ông tôi nhiều hơn, là khi tôi học cấp 2, dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên, năm 1984.

 

    Có lẽ, trong lịch sử Việt Nam, ông là người duy nhất mà khi người dân gọi hai chữ Đại tướng thì có nghĩa là tên ông. Không thể trộn lẫn ông với các đại tướng khác, và chẳng có ai, kể cả các tướng lĩnh cao cấp cũng mang hàm đại tướng được gọi với một niềm kính trọng riêng biệt như vậy. Bởi vì, chỉ có ông trong các hàng tướng lĩnh quân đội, mới là anh hùng dân tộc, danh từ mà chỉ có cụ Hồ được suy tôn, và ông.

   Cuộc đời Đại tướng là một cuộc đời vĩ đại về tư tưởng quân sự, nhưng lại là cuộc đời bi tráng về chính trị. Nhưng ông, không ai khác, đã là người chứng kiến cái chết của các kẻ thù. Những kẻ thù chính trị, những người đã từng là đồng chí, đồng đội của ông, những người đã từng giữ trọng nhiệm lớn nhất đất nước. Tên tuổi của ông quá lớn. Tầm vóc tư duy quân sự của ông làm lu mờ những tên tuổi khác. Bởi trước hết, ông là nhà chính trị trước khi trở thành một nhà quân sự lỗi lạc. Điều đó đã làm nên sự bi tráng trong sự vĩ đại của tên tuổi Võ Nguyên Giáp.

   Tôi đã thắc thỏm, đã âu lo và cả cố kìm nén sự nôn nóng cũng như sẽ là sự phẫn uất, để chờ xem người ta sẽ cư xử với ông thế nào về tang lễ của ông. Một lễ tang cấp Nhà nước ư ??? Ông, một tượng đài của lòng tự hào Việt Nam, người thứ 2 sau Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn được thế giới tôn vinh trong mười vị tướng vĩ đại nhất trong lịch sử quân sự thế giới, một nhân cách văn hóa lớn của dân tộc cần được đối xử hơn thế nhiều. Và điều mà tôi cũng như hàng triệu người dân đất Việt mong muốn, là Quốc tang dành cho ông, cuối cùng cũng được Bộ chính trị quyết. Người ta đã khốn nạn với ông trong suốt mấy chục năm trời, bắt đầu từ năm 1982, người ta không thể khốn nạn tiếp tục sau khi ông đã mất bằng chỉ với một tang lễ cấp Nhà nước, thứ tang lễ mà một bộ trưởng cũng được hưởng, dù cách xa ông cả thế kỷ cả về tài năng lẫn nhân cách.


   Vị đại tướng đầu tiên và duy nhất của Việt Nam giữ trọng trách Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch quân ủy trung ương, Tổng tư lệnh tối cao, đánh thắng quân đội Pháp với một lực lượng được xây dựng ban đầu với mấy chục người, và cũng là người đầu tiên và duy nhất với oanh liệt hiển hách giữ chức Chủ nhiệm ủy ban dân số và sinh đẻ có kế hoạch, sau khi bị loại khỏi Bộ chính trị !!! Một mặt trận khôi hài của những trò chơi chính trị dành cho một vị tướng mà cho đến bây giờ, tên tuổi vẫn còn là đối tượng nghiên cứu cho các chuyên gia lịch sử quân sự thế giới.

   Cột mốc '' Sinh đẻ có kế hoạch '' là một thử thách nhẫn nhịn cho nhân cách văn hóa Võ Nguyên Giáp. Là một chiến lược gia đầy bản lĩnh trên phương diện quân sự cũng như sở học về lịch sử, bản lĩnh chính trị của ông lại được các người chơi cờ thuộc TW đảng và Ban tổ chức TW thời đó mang ra thử thách ông. Lịch sử thế giới và cả Việt Nam, việc hết cáo thịt chó săn chả phải chuyện lạ. Sử Tàu xưa, Phạm Lãi sau khi giúp Câu Tiễn lấy lại được nước Việt, diệt Ngô vương Phù Sai đã khôn ngoan lặng lẽ ra đi, ngao du sơn thủy chả phải là sự nhắc nhở đó sao. Sao Khuê nước Việt, Tư đồ Nguyễn Trãi với cái án Lệ chi viên tru di tam tộc có phải là nỗi đau nhắc nhớ không ??? Shakespeare với to be or not to be, có lẽ theo tôi là điều mà ông phải nghĩ tới và lựa chọn cho mình.

   Khi đã 80 tuổi, tên tuổi của ông vẫn còn là nỗi nhức nhối cho các đối thủ chính trị, hay là họ muốn hạ bệ tên tuổi ông, mượn sự hạ bệ đó để họ vươn lên trong trò chơi chính trị ??? Họ bịa đặt ra cái trò bẩn thỉu ông là '' con nuôi của một mật thám Pháp '', họ toan tính đưa ông và tướng Trần Văn Trà vào một '' âm mưu đảo chính '' trong vụ án được gọi là vụ Năm Châu - Sáu Sứ của tổng cục II - Bộ Quốc phòng. Nếu không nhờ vào sự hy sinh chính trị của tướng Võ Viết Thanh, thứ trưởng Bộ Nội vụ phụ trách an ninh (nay là Bộ CA) thời đó, chắc rằng ông và tướng Trần Văn Trà đã trở thành một nạn nhân của sự bẩn thỉu đó.

   Hai nhân vật Năm Châu - Sáu Sứ của TC II là những nhân vật trực tiếp của vụ án đó, đương nhiên họ phải làm việc theo chỉ đạo của ai đó. Bản báo cáo về âm mưu đảo chính được gửi đến cho ông Nguyễn Đức Tâm, lúc đó là trưởng ban Tổ chức TW (cơ quan đánh cờ). Ông Tâm gửi báo cáo đến Bộ Chính trị. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gọi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Mai Chí Thọ đến giao làm rõ. Ông Thọ triệu tập các thứ trưởng Bùi Thiện Ngộ, Cao Đăng Chiếm, Võ Viết Thanh, Phạm Tâm Long đến họp và giao đích danh ông Võ Viết Thanh điều tra. Theo lời ông Thanh, quá trình điều tra đã được nhiều người bỏ nhỏ rằng, ông nên làm báo cáo điều tra theo hướng báo cáo của ông Nguyễn Đức Tâm. Nhưng lương tri chân chính đã chiến thắng. Ông Thanh đã làm rõ sự bịa đặt đó và đã làm báo cáo trung thực. Chẳng có một tổ chức nào do cụ Giáp đứng đầu như báo cáo của ông Nguyễn Đức Tâm cả.

   Sau đó, ông Thanh báo cáo ông Mai Chí Thọ và đề nghị ông Thọ ký, thì ông Thọ bảo: Cậu ký luôn, gửi và báo cáo anh Linh ! Sau đó, tổng bí thư nghe báo cáo và không nói gì, cũng không đưa vấn đề vụ án ra Hội nghị TW 12. Sự trung thực của ông Thanh đã nhận được đòn đánh dưới thắt lưng, kết thúc sự nghiệp chính trị tại hội nghị này: '' Đề nghị đồng chí Võ Viết Thanh sau giờ giải lao ra gặp Bộ Chính trị và Ban Bí thư có việc riêng ''. Cuộc gặp có ông Võ Chí Công, Nguyễn Đức Tâm, Đoàn Khuê, Nguyễn Quyết, Nguyễn Thanh Bình. Ông Võ Chí Công và Nguyễn Đức Tâm ngắn gọn với ông Thanh, đại ý khen ông là cán bộ cấp cao nhưng còn trẻ, nhiều triển vọng, nhưng ông đã mắc sai lầm khi bắt oan người của Bộ Quốc phòng sau khi giải phóng, và những người này đã mất tích. Hai là bố mẹ ông chết vì ta trừ gian, chứ không phải do địch giết. Vì vậy, ông Thanh không được tái cử vào TW khóa 7 nữa.

   Ông Thanh lúc đó đã rất tức giận vì sự xúc phạm đến cha mẹ ông. Cặp ông lúc đó có súng, ông đã định rút súng phát tác ngay lúc đó rồi tự sát, nhưng ông đã không làm. Cứu được tướng Giáp nhưng ông đã kết thúc sự nghiệp chính trị của mình vào thời điểm đó, 1991. Bởi nếu ông làm báo cáo theo hướng của ông Nguyễn Đức Tâm, thì ông sẽ không dừng ở đó, ông sẽ phải chỉ đạo việc bắt tướng Giáp và tướng Trà.

   Mới đây, tôi đọc một bài báo của ông Bùi Tín, người trước khi đào thoát khỏi Việt Nam đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước khi đang đương chức phó Tổng biên tập báo Nhân Dân. Bài báo nói về tướng Giáp khi ông mất. Tôi không muốn trích dẫn những dòng bẩn thỉu của Bùi Tín ra đây, bởi như vậy, tôi làm bẩn blog của tôi với những dòng của một kẻ bệnh hoạn. Bùi Tín trích dẫn lời của một viên tướng Mỹ, người đã làm nghiên cứu về tướng Giáp và viết sách, có đoạn đại ý: Tướng Giáp quả thực là có tài quân sự và điều đó không phủ nhận, nhưng ở Mỹ, sau chiến tranh thì tướng Giáp sẽ bị Quốc hội phế truất vì đã nướng quân trong các cuộc chiến tranh. Bùi Tín vơ vào cái nhận định đó với một thái độ của một thằng bố láo ăn cắp. Nếu tôi gặp viên tướng Mỹ đó, tôi sẽ nói với ông ta rằng: Nếu tao cho mày một đội quân được thành lập từ mấy chục con người với vũ khí thô sơ, mày sẽ làm thế nào để chiến thắng một đội quân có đầy đủ khí tài như quân đội Pháp lúc đó ???

   Hai nữa. So sánh rất khập khễnh của viên tướng thể hiện ở chỗ, hoàn cảnh ra đời của đội quân và thực trạng đất nước. Với một đất nước kiệt quệ sau 80 năm bòn rút tài nguyên của chính sách thực dân, với hơn 2 triệu người chết đói vì chính sách nhổ lúa trồng đay của Nhật, việc chống lại một sự xâm chiếm của một dân tộc có một ý chí rất quật cường, mà nếu không phải kẻ có am hiểu về tinh thần của dân tộc đó, sẽ không thể nào hiểu được. Và, viên tướng đó có hiểu không hay cố tình lờ đi hiểu biết của mình trong cái việc gọi là nghiên cứu đó, về việc cụ Hồ đã cố để làm hòa với Chính phủ Pháp sau năm 1945, bằng cách đề nghị để Việt Nam tham gia vào khối Liên hiệp Pháp, nhưng đã bị từ chối !!! Chúa của phương Tây dạy bị tát thì đưa nốt má kia ra, nhưng ở thời điểm đó của dân tộc, lý thuyết đó không áp dụng được. Chưa nói rằng, sự hy sinh của các liệt sỹ có ý nghĩa của nó, sự khác máu tanh lòng không thể nào hiểu được.

   Bùi Tín còn nói đại ý, tướng Giáp chả bao giờ ra mặt trận, trong khi hàng loạt tướng lĩnh khác đã làm điều đó. Nói thật, không kìm được tôi đã văng ra: Đm thằng ngu này !!! Bùi Tín cố tình bẻ cong ngòi bút với một nhân cách quá tồi tàn. Người được coi là kiệt xuất là người biết chỉ huy các vị tướng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tướng của các vị tướng, là người sử dụng và chỉ huy các vị tướng, và chỉ có người có phẩm chất lãnh tụ mới làm được điều đó. Tướng Giáp không phải là người chỉ huy cầm quân như các tướng lĩnh bình thường, chả lẽ Bùi Tín có thể ngu đến thế sao ??? CS đã trao cho một thằng ngu, một thằng nhân cách và phẩm chất quá tồi tàn để mà ví với chó cũng là xúc phạm loài chó, một chức vụ phó tổng của một cơ quan ngôn luận của chính đảng mình cầm quyền.

   Bùi Tín có biết, trong kháng chiến chống Mỹ, tư tưởng quân sự của tướng Giáp là thế nào không ??? Ông không phải người đề ra chủ trương vũ lực quân sự bằng mọi giá để kết thúc chiến tranh. Ông không chủ hòa, nhưng ông muốn chiến lược đánh Mỹ là '' đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào '', tức là mục tiêu rất cụ thể, với từng bài bản. Ông là người chủ trương đánh quân sự kết hợp chính trị, nắm bắt cơ hội nào để có hòa bình thì đàm phán. Đối lập quan điểm này của ông trong Quân ủy TW là tướng Nguyễn Chí Thanh, người chủ trương đánh bằng quân sự mới giải quyết được vấn đề cách mạng miền Nam, quan điểm này được Lê Duẩn và Lê Đức Thọ hậu thuẫn. Nên nhớ, lúc đó tuy Đại tướng vẫn là Bí thư tổng quân ủy, nhưng Lê Đức Thọ chủ trương đưa 5 người vào gọi là tổ giúp việc TW chỉ đạo tác chiến miền Nam, gồm: Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Lê Đức Thọ và Phạm Hùng. Đương nhiên, Đại tướng chỉ còn một phiếu.

   Vậy nên, dù không đồng ý với Tổng tiến công 1968 mà đến giờ ai cũng biết, là một cuộc nướng quân khủng khiếp mà không thành công, dù có để lại dấu ấn mãnh liệt đi nữa, ông cũng không có cách nào khác, dù lúc đó tướng Nguyễn Chí Thanh đã mất đột ngột từ năm 1967. Sự ra đi của tướng Nguyễn Chí Thanh cũng làm ông sốc nặng và sau đó đã phải đi Hungary để dưỡng bệnh. Tôi chắc Bùi Tín phải biết điều này, vì lão đã từng là phóng viên quân đội lâu năm, bám sát các diễn biến. Lão đương nhiên hiểu nhưng vẫn bám vào mấy cái nhận xét lởm khởm của tay tướng Mỹ thời Obama này.



   Tấm ảnh này là bản phác thảo tượng Đại tướng, và bức tượng của Đại tướng sẽ là món quà của Nhà nước cho bạn bè quốc tế. Ý tưởng này đã được thông qua và tôi nghĩ, rất nhân văn. Niềm tự hào dân tộc cần được tôn vinh bằng những cụ thể như vậy. Và giờ, hình ảnh những đoàn người xếp hàng vào viếng Đại tướng trước cửa nhà ông với những sự tiếc thương thành kính, những dòng nước mắt, những bó hoa để trước cửa nhà, treo trên hàng rào 30 Hoàng Diệu đã nói lên hình ảnh của ông trong lòng dân chúng. Sau cụ Hồ, chỉ có ông mới được dân chúng kính ngưỡng thành thật đến thế. Sẽ không có, không bao giờ còn có một lãnh đạo nào mà khi ra đi mãi mãi được vọng ngưỡng như ông nữa. Tiền nhất cổ nhân, hậu vô lai giả. Tôi sửa một chữ trong câu Tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả để nói về sự ra đi của ông.

   Di nguyện của ông là được an nghỉ tại quê nhà Quảng Bình, và di nguyện đó đã được tòng phục. Đúng thôi. Quê cha đất tổ, nơi đã sinh ra một người con vĩ đại của dân tộc thì sự trở về của ông là lẽ tất yếu. Nơi đó có cha mẹ ông, những người thân yêu ruột thịt của ông, họ tộc làng xóm và những người dân gần gũi, luôn mong muốn về sự hiện diện của ông trong tâm thức. Ông sẽ nằm đó trong vây quanh của yêu thương thân thiết, chứ không phải lạnh lẽo bên cạnh những kẻ đã cố đủ mọi cách để hãm hại ông. 
 

 

22 nhận xét:

  1. Một bài viết hay bởi tính chân thực và trung lập nhất so với những bài viết mà em đã đọc từ mấy hôm nay.
    Thích đoạn kết.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông cụ là lịch sử. Là một phần lịch sử quan trọng của dân tộc thời cận đại. Không được phép đối xử với ông cụ như thời của những kẻ đánh cờ đầy thủ đoạn trước đây. Còn đoạn kết, rất đồng ý với em. Nghĩa trang Mai Dịch đầy những kẻ đã từng cố hết mọi cách hạ bệ ông cụ, những kẻ cư xử với đồng chí, đồng đội đầy dã man. Ông cụ là đại tướng với lẫy lừng tên tuổi khắp năm châu khi đầy rẫy những kẻ chỉ là cán bộ tiểu đoàn, hoặc chỉ là những đại tá vô danh. Ông cụ đã rất sáng suốt khi về với quê cha đất tổ, nơi chôn nhau cắt rốn, chứ không phải sẽ bên cạnh những kẻ thù.

      Xóa
    2. Chuẩn xác bác Tiêu Phong ạ.

      Bác Giáp là một người học trò xuất sắc nhất của Chủ Tịch Hồ Chí Minh (Không một ai sánh bằng).
      Do đó, Thi hài của Bác Giáp một là được nằm cạnh Chủ Tịch Hồ Chí Minh, hai là phải nằm ở một nơi thật thanh khiết, một nơi mà tràn đầy lòng thương yêu, lòng tiếc thương và biết ơn vô hạn của Nhân Dân, nơi mà ông đã cất tiếng khóc chào đời. Nơi đó không đâu khác chính là Quảng Bình, quê hương của ông.
      Xin vĩnh biệt Đại Tướng!
      Cảm ơn Tiêu Phong, bài viết quá hay.

      Xóa
    3. Vâng, cảm ơn anh đã chia sẻ. Chúc anh cuối tuần ấm áp nhé.

      Xóa

  2. Cảm ơn vì Phong Ca đã viết một bài rất hay về Đại Tướng, một Niềm tự hào dân tộc - người mà với riêng Thụy, chỉ bằng linh cảm - đã có một sự kính trọng gần như tuyệt đối !

    Gọi là "linh cảm" bởi vì em chỉ nghe tên tuổi Ngài Đại Tướng qua lịch, sử sách báo, qua trận chiến thắng Điện biên phủ ngoạn mục - chứ không hề có một phần trăm hiểu biết nào xác đáng về những chuyện chính trường như Phong Ca viết trên đây. Hoặc nếu có, thì cũng là những hiểu biết rất phong phanh mơ hồ ... Thế nhưng với linh cảm của một phụ nữ "rất nội trợ" không hề quan tâm đến chính trị - em đã nghĩ rằng ông đáng được cả dân tộc này tôn thờ - sau Hồ Chủ Tịch.

    Và quả là ...cuộc đời Đại Tướng là một bản Anh hùng ca bi tráng. Đến cả cái chuyện " Nghĩa tử là nghĩa tận " cũng bị người ta chần chừ, tính toán ...

    Chiều thứ sáu em cũng nghe tin, và sáng thứ bảy mấy đứa bạn trên fb bắt đầu rọ roạy vì chẳng thấy ai đá động gì đến chuyện tang chế cho ông. Hóa ra ...

    Ngậm ngùi thay ...

    Xin gởi lại đây một nén hương lòng, cầu mong Đại Tướng thanh thản ra đi.
    Xin cảm ơn vì Ông đã đi qua cuộc đời này, đã sống rất cạn kiệt và xứng đáng, đã cháy hết mình như một ngọn nến ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
    2. Ông cụ xứng đáng được Quốc tang. Cty anh cũng treo cờ rủ và băng tang để để tang ông cụ.

      Xóa
  3. HV ghé thăm anh, bài viết rất hay và nhiều cảm xúc... Chúc anh đầu tuần mới bình yên nhẹ nhàng trôi nhé :)

    Trả lờiXóa
  4. Kính cẩn cúi đầu trước anh linh .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu ở HN bây giờ, chắc chắn anh sẽ đến 30 Hoàng Diệu viếng cụ.

      Xóa
  5. " Có lẽ, trong lịch sử Việt Nam, ông là người duy nhất mà khi người dân gọi hai chữ Đại tướng thì có nghĩa là tên ông. Không thể trộn lẫn ông với các đại tướng khác, và chẳng có ai, kể cả các tướng lĩnh cao cấp cũng mang hàm đại tướng được gọi với một niềm kính trọng riêng biệt như vậy. Bởi vì, chỉ có ông trong các hàng tướng lĩnh quân đội, mới là anh hùng dân tộc, danh từ mà chỉ có cụ Hồ được suy tôn, và ông."

    Hoàn toàn đúng như vậy!

    Trả lờiXóa
  6. Đọc đi đọc lại mấy lần bài viết của bạn mà vẫn muốn đọc.TBT N.V.L là người trung thực,vậy nhóm người định hạ bệ ĐẠI TƯỚNG-một ĐẠI ĐỆ TỬ của CỤ HỒ hồi đó có phải là......trong vụ Sáu Sứ không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đại đệ của Cụ gọi từ Nam ra thì đúng là cầm đầu vụ hạ bệ Đại tướng rồi, mở màn là vụ sinh đẻ có kế hoạch đấy bạn. Còn vụ 6 Sứ thì đại đệ đi rồi, đệ của đại đệ có tên ở trên đấy bạn.

      Xóa
    2. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Mai Chí Thọ-(em ruột Lê Đức Thọ) ?

      H.N chưa rõ bạn ơi!

      Xóa
    3. Chuyện triều đình sẽ dần dần kể vào lúc khác bạn à :))

      Chúc vui vẻ nhé.

      Xóa
  7. Đọc bài này của anh thấy rưng rưng. Sao các "ngài" viết điếu văn cho Cụ kém cỏi thế. Hay ko phải tại vì kém cỏi mà vì... sợ CỤ vĩ đại quá!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng, họ không kém đâu bạn ạ. Họ có bằng lý luận chính trị cao cấp đấy. Nhưng họ hèn. Họ sợ đến cả những bóng ma.

      Xóa
  8. Nói chung bác Tiêu Phong afh.Em biết blog bác qua blog của thằng Phẹt liệt.mấy hôm nay đọc lốc bác thấy hay quá.Nhưng em nghĩ bớt chính trị 1 chút để còn thấy mặt trời.Em cũng thích chính trị nhưng chính trị nhiều không tốt phải không bác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tớ có viết nhiều về chính trị đâu :)

      Nhưng cảm ơn bạn đã đọc. Dù sao, cũng là viết và đưa ra quan điểm của mình thôi. Và đồng ý với bạn, chính trị nhiều trên blog thì vứt cmn đi, kkk... :)

      Xóa