Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

Thợ vẽ An Nam.


    Ở Việt Nam, có một nghề mà người làm cái nghề đấy, được gọi là Kiến trúc sư. Sư cơ đấy. là thày, mà gắn cả cái cụm từ đấy vào thành một danh từ, thì với gốc Khựa - Việt, có nghĩa là thày về kiến trúc cho người khác.


   Oách lắm. Học kiến trúc ngày xưa oách lắm. Vì khoác trước cái tên cha sinh mẹ đẻ dù là Vi Văn Kèo hay Ma Thị Cột, thì cứ năm năm sau rời ghế, say good bye với nợ quán, cắm thẻ là cầm cái mảnh giấy có chữ '' Công nhận danh hiệu Kiến trúc sư '', thế là điềm nhiên Mr.Kèo và Ms.Cột được gọi là Kiến trúc sư. Lại còn bò rách, lành cũng xẻ ra cho nát, cho bươm bả tả tơi ra, với cái bị cói khoác vai trang điểm những Metalica rũ rượi guitare, tóc xổ lồng tung bay như chim bằng xoãi cánh vẽ bằng mực tàu. Nâng niu bàn chân Việt là xuê xoa guốc mộc... Kinh lắm!

    Nhưng, kiến trúc có phải là một môn nghệ thuật không, thì ngay từ thi đầu vào, nó được xếp là khối A, tức là khối kỹ thuật với Toán - Lý - Vẽ. Nên sau này ra trường, bận tâm làm cái dek gì với chuyện nó có phải là nghệ thuật hay không, cứ vin vào cái này cho dễ nhận định: Cái đẹp người phụ nữ phụ thuộc vào con mắt thằng si tình! Vậy thì kiến trúc có phải một nghệ thuật hay không, nó thuộc vào người sẽ sử dụng nó. Nói kỹ hơn, văn vẻ kỹ thuật hơn thì nó thuộc về túi tiền, về lượng mỹ học mà chủ nhân sử dụng nó thụ hưởng, chứ dek phải do cái thằng vẽ ra nó.

   Ở các xứ giãy chết, người ta bảo Architectura là một nghệ thuật. Định nghĩa đỏm dáng này xin được tôn trọng các bạn đến từ xứ sở giãy chết, ở xứ ưu việt này, định nghĩa đó tạm xê ra cho người ta sử dụng nó theo cách người ta hiểu, mà chín người mười ý thì là chuyện bình thường, kinh tế đường phố* mà.

   Bởi thế, cách mà người ta hành nghề cũng khác nhau nhiều. Trước người ta vẽ bằng tay. Thể hiện từ mặt bằng đến phối cảnh đều by hand hết. Rồi màu chì, dạ, nước, sáp, bột màu... để tô vẽ. Nhưng bây giờ, vẽ máy và ảnh phối cảnh (3D) được Render bằng phần mềm. Đẹp lung linh. Khi vẽ tay, bản vẽ đẹp hay xấu nó được thể hiện bằng kỹ năng người sáng tác, nhìn vào là biết ngay trình độ. Nhưng kỷ nguyên máy tính đã giúp nhiều trong công cuộc xóa nhòa ranh giới, hay rút ngắn khoảng cách giữa những tài năng và vừa vừa, thậm chí là không vừa vừa. Không biết vẽ phối cảnh tay cũng chẳng còn quan trọng nữa. Cứ dựng cái mặt đứng lên, rồi render là okie. Có chăng, sự phát hiện kỹ năng sáng tác chỉ đến từ những người trong nghề, bởi cách lựa chọn góc camera khi dựng và render hình.


    Vẽ tay vất vả lắm. Sửa bản vẽ thì mới thấy nó vất vả khi mà chủ nhà, chủ đầu tư không ưng hay chưa vừa ý. Render, Autocad đã giúp các Kts rất nhiều trong công cuộc hành nghề. Cày bừa trên cánh đồng kiến trúc bây giờ là những con bò kiến trúc của thị trường thương mại. Công bằng mà nói, render giúp ích nhiều cho sự trực quan hơn khi thuyết trình với các chủ đầu tư. Nó sống động hơn, chân xác hơn so với cái nhăng nhít vẽ tay như ở bức hình cái phòng khách trên. Cái đó chỉ để thế hệ render trầm trồ ve vuốt cái tôi thảm thương của thế hệ thước T - ê ke mà thôi. Ấy thế mà bọn thước T lại xách mé gọi bọn render là cadman !!! Cadman, dịch nôm nó là Thợ vẽ.


    Kiến trúc, dù sao cũng đi vào cuộc sống một cách thiết thực và thực tế hơn hội họa. Thế nên render và Autocad nó cũng trở thành tất yếu cuộc sống. Hội họa thì nghệ thuật rõ rồi, bàn về nó có phải là nghệ thuật không thì quá là bảo con bò nó cũng như con trâu. Hội họa thì hàn lâm lắm, hơn hẳn cái đi vào đời sống và phục vụ thiết thực cho đời sống như kiến trúc. Nên lăn tăn làm gì khi cứ phải buộc cho nó cái mác của nghệ thuật. Đến hội họa hàn lâm còn phục vụ con người nữa là bình dân kiến trúc. Chỉ khác cái là hội họa thì dek render được, còn kiến trúc thì một phát là xong. Cái khác này, bọn xách mé nó còn gọi là kiến tờ rúc !!! Bố khỉ...


    Với kiến trúc, rõ ràng là từ các nhân dân anh hùng, tầng lớp vỉa hè làm chợ theo đúng định nghĩa '' kinh tế đường phố '' của bà Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH), cho đến các địa chủ thời @ không bị CCRĐ khi nhìn bản 3D, sẽ thấy thuyết phục hơn nhiều so với cái phối cảnh vẽ tay, bôi bác đen trắng cho dù anh bố cục không gian mặt bằng cực kỳ hoàn hảo, tiết kiệm không gian đến tối ưu. Tính vượt trội là hơn hẳn, ghi điểm thấy rõ và thỏa mãn cái trực quan. Khi mà đã thích thì nhích chỉ là chuyện nhỏ, và sự no say với trực quan sẽ tiếp theo là những phẩm bình về phong cách mang đầy đủ trí tuệ mỹ cảm mỹ học của chủ đầu tư... Nhưng với các thước T, chuyện phải vẽ lại sẽ dần dần nản, nhưng các renderman hay cadman, thì sự nhấn tổ hợp bàn phím chỉ là tốn thêm tý điện, cho dù mỗi lần như vậy, sản phẩm sẽ xấu xí hơn khi tự vấn với lương tâm! Nhưng có sao, bởi đã chẳng lăn tăn rằng mình không làm nghệ thuật, thì có rỗi hơi mà vân vi với nó.

    Nhiều Kts đàn em bảo tôi rằng: Em muốn vẽ đẹp hơn, em muốn hoàn hảo hơn cho người ta mà chịu anh ạ. Người ta nhiều tiền lắm và không tiếc tiền làm đồ tốt, nhưng em không sao nghĩ ra làm thế nào cho đẹp hơn được !!! Rồi đưa cho tôi xem những sản phẩm đó. Tôi bảo: Nó đi vào cuộc sống rồi. Nó thành xu trong tài khoản của chú rồi, nó thành cafe cho anh em mình ngồi đây đấy. Nó hiệu quả là được! Cái sự buồn lòng, cái sự phiền não của lực bất tòng tâm nhưng bù lại là có hiệu quả đời sống được tôi an ủi cho chú em, dù rằng nó nể tôi là đàn anh nên nó không nói nữa, chứ thực thì tôi biết nó vẫn ấm ức lắm. Tôi đành bảo nó: Có muốn đi Sài Gòn một năm như anh không???

    Ở xứ sở mình, cái thân phận Thợ vẽ An Nam nó chính xác hơn cái danh hiệu Kts. Thậm chí có lần, có một bảnh bao hàng hiệu đặt hàng tôi vẽ cho một quán cafe. Hàng hiệu trình bày ý tưởng xong và bảo tôi vẽ. Tôi thuê một cadman chạy ảnh. Xong, hàng hiệu bảo tôi là: Anh trả chú 30% giá trị nhé, vì ý tưởng là của anh. Anh đưa ra ý tưởng và chú chỉ thực hiện nó trên giấy thôi mà... Tôi rút ra được một kinh nghiệm khác khi làm việc là: Phải rạch ròi khái niệm giữa Ý TƯỞNG và Ý ĐỊNH. Nhưng dù thế, thì tôi cũng chả khác gì chú em render ảnh cho mình, cũng là Thợ vẽ mà thôi. Vẽ thuê cho người ta, gọi mịa thế cho nhanh, Kts chuyển thành kiếm chác xu là đúng cách.

    Kts VN có sáng tạo không? Có ý tưởng không? Trả lời: Có. Rất đầy đủ nữa. Nhưng tại sao Kts VN lại không sống sung sướng bằng Kts cùng loại cùng lứa so với các bạn giãy chết, dù rằng sự lao động kéo cày của các con bò kiến tờ rúc thì bằng mấy lần bọn đỏm dáng bên kia bán cầu cùng nghề nghiệp, nhưng thu nhập thì lại thấp mịa nó hơn cũng nhiều lần ??? 

    Và cái này nữa mới khôi hài. Nhiều khi tôi cứ tự hỏi: Họ làm cái dek gì mà lúc nào cũng giục, cũng ép tiến độ thế??? Có cái thiết kế xong, để hàng năm chả thấy gì, nhưng khi đàm phán thì cứ như không làm nhanh, tận thế đến nơi thì không có nhà to mà sử dụng ấy! Thế nhưng, xong cái đấy thì chuyện xu hào lại cũng như đi xin, đau đầu con quốc quốc lắm.... À, cái này không kể thì lại thấy có lỗi với bản thân. Có lần thiết kế cải tạo một cái khách sạn hồi cuối những năm cùng tận của thế kỷ trước ở một vùng du lịch, đến khi xem bản vẽ, một tay phó GĐ đang làm tiến sỹ của Sở Xây dựng tỉnh mới nhận xét thế này: Sao lại vẽ mây như thế này? Tôi ngơ ngác thật sự vì không hiểu, bèn hỏi lại là: Mây thì làm sao ạ??? Đang làm tiến sỹ phán: Trời mùa đông thì mây phải kiểu khác, mùa hè mây phải kiểu khác. Đây là mây mùa hè. Giờ đang là mùa đông cơ mà !!!

    À, vì hồi đó cái phối cảnh tôi vẽ tay. Có minh họa cận cảnh thằng ku đi mô tô mặc áo hầm hố kiểu Harley Davison. Áo đấy đúng mùa đông cmnr. Nên mây cũng phải thế. Chắc thế.

    Tư duy quản lý Nhà nước, hay tư duy sử dụng sản phẩm, nếu chỉ cứ mây trời non nước cây xanh người đi, mà không nghĩ cho cái thằng Thợ vẽ và cái mà nó sẽ vẽ như thế nào, làm cái gì để cái nó làm không phải là vẽ, mà là sự sáng tạo, bằng những thiết thực hơn và gần gũi hơn, như thanh toán đúng thời hạn chẳng hạn, chỉ cần thế thôi, nghiệp Thợ nó cũng được an ủi phần nào.

P/s: * Kinh tế đường phố: Lời phát biểu của Madam viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội.

6 nhận xét:

  1. Người ta đánh giá rất cao các sản phẩm handmade, riêng kiến trúc thì có vẻ ngược lại nhể?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đâu em, chỉ là họ không phân biệt được thợ và thày thôi :))

      Xóa
  2. Bức tranh thứ 2 anh vẽ màu sắc hài hòa, độ cao vừa phải tạo không gian thoáng và màu xanh của cây kiểng mang lại cảm giác thoãi mái, đó là 3 màu em thích nhất khi trang trí cơ sở và nhà ở,
    bức tranh màu tím tuy modern nhưng hơi chật chội trong không gian hạn hẹp, hai màu đậm đi với nhau (tím-đen) thích hợp vào những ngày lạnh lẽo như mùa đông, khiến mọi người muốn "lại gần" nhau...
    bức tranh cuối như trong Mall, trần nhà hơi thấp nên nhìn thiếu dưỡng khí, hiiii em nghĩ sao nói vậy thôi nhé
    Còn bức đầu tiên chắc là vẻ anh nên giống y choang, :))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tất cả các nhận xét đều xác đáng. Bởi nó đúng với thực tế của từng không gian và cách mà người ta muốn ở những cái không gian đó. Thế nên mới nói, nghệ thuật hay không cái chính là sự nhận biết của chủ sử dụng :)

      À, anh thích cái suy nghĩ về màu tím của em ở cái không gian cafe :))
      Nhân tiện, bức đầu đương nhiên là chân dung tự họa rồi :))

      Xóa
  3. "Lại còn bò rách, lành cũng xẻ ra cho nát, cho bươm bả tả tơi ra, với cái bị cói khoác vai trang điểm những Metalica rũ rượi guitare, tóc xổ lồng tung bay như chim bằng xoãi cánh vẽ bằng mực tàu." - đoạn này là tuyệt tác của các kts tương lai mà mình đã từng chứng kiến trong quá khứ.:)
    Ngoài lề một tẹo về quả chân dung này: có chàng kts tương lai đã về ra mắt nhạc phụ, nhạc mẫu tương lai y chang như vầy. Và nhận được một câu nhận xét của song thân Nàng: tao trông nó y như thằng ăn cắp chứ kiến trúc cái gì.:D

    Mình không hiểu về nghề này lắm. Nhưng đọc bài phân tích này thì hiểu chút ít.
    Vẫn nhìn thấy cái Tâm của người "thợ vẽ", dù có những bực bội, bất lực về sự phiến diện của số đông. Người ta nói đó là cái đau nghề - nỗi đau ngọt ngào và cay đắng vì đã "vướng vào nghiệp duyên". :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Kkk... '' Tao trông nó y như thằng ăn cắp...'' kkk... :))

      Nghề thôi, nghiệp nó khác :))

      Nhưng đúng, nghề và nghiệp đều gắn với duyên Lờ Vờ ạ :))

      Xóa