Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Bài cho giữa Thu.


     Hà Nội những ngày cuối tháng 9. Lác đác trên phố đã có hương hoa sữa thoang thoảng. Những đêm nướng cá bọc lá sen cũng sẽ chỉ để dành cho năm sau. Những đầm sen đã tàn nhiều. Người ta hái lá sen thành bó bán ngoài chợ, 20.000/chục. Bọn tôi ra mua độ hai chục lá, một ít than củi, một con cá hồ, chỉ là chép thôi, cỡ hai cân rưỡi, bó cá trong bốn đến năm cái lá sen, buộc chặt và nướng trên bếp than hoa. 

    Nướng cá, nếu có trắm đen thì tuyệt nhất. Trắm trắng cho không đắt chứ đừng nói mua. Trắm đen là loài cá ăn ở tầng nước sâu, sục bùn và món khoái khẩu của nó là ốc. Những loài cá ăn ở tầng nước sâu mới là loài cá ngon. Chứ trắm trắng ăn tầng nước mặt, thịt nhạt mà không dai. Nhưng trắm đen hồ Tây thì khó đặt hàng, bởi người ta còn dành để bán cho các nhà hàng ven hồ. Mấy ông tửu đồ bọn tôi có mua thì chỉ mua được cá chép, hoặc giả là rủ rê mấy ông câu trộm, còn gọi là dân bụi hồ, câu được thì tổ chức luôn bên bờ hồ. Dân hồ người ta muốn bắt trắm đen đưa nhà hàng thì cũng cầu kỳ lắm. Họ mua ốc về giã nhỏ, trộn với thính rang thơm điếc mũi, rồi lặn xuống các hốc ở ven đáy hồ hoặc chỗ mà người ta tạo ra để nhử cá. Họ móc sẵn móc câu. Gặp con quái thì nó rỉa sạch mồi. Thế để biết là dân nhậu amateur rất khó mua được trắm hồ là vì vậy.

    Cái thú đó, vài ngày nữa thôi là hết.



    Cầu Long Biên. Cây cầu lịch sử. Cây cầu khi ra đời được gắn với sứ mệnh của công cuộc thực dân của người Pháp. Họ làm nó để thuận cho việc vận chuyển tài nguyên của thuộc địa, và ngày đó người ta lên án cây cầu như một biểu tượng của thực dân bóc lột. mười chín nhịp cầu như một sự hùng hồn cho niềm tự hào Pháp tại thuộc địa của khai hóa văn minh, bởi khi đó, cây cầu thuộc dạng có tiếng trên cả thế giới, và tác giả của nó, chính là người đã sáng tác ra tháp Eiffel, công trình khi mới ra đời được gọi là '' quái vật Paris ''. Và để với tháng năm, cây cầu đã trở thành một phần của Hà Nội. 

    Lan man nhớ những ngày cấp 3, đạp xe qua cầu sang Gia Lâm chơi với những đầu đời thơ mộng. Dắt xe đi bộ bên triền đê đầy hoa cỏ may bám vướng những ống quần. Về bạn quý, chép tặng cho một bài thơ về hoa cỏ may để ghi nhớ kỷ niệm trong sáng. Bài thơ đã mất cùng cuốn sổ nhỏ. Tháng năm xa ngái, nhớ lại vẫn thấy những bồi hồi và những cảm xúc trong trắng thời mới lớn. Sự ghi dấu những cảm xúc này, tồn đọng như những thuộc tính tự nhiên, âu là để đắp bù cho những chai sạn của thường nhật, của những dửng dưng trước những cảnh đời mà thường là chép miệng cho qua, bởi sự vô cảm, hay thói quen dần trở nên '' chép miệng '' của cuộc sống.


    Cuộc sống vẫn tiếp trôi trên những mảnh đời mưu sinh. Một người đàn ông với chiếc xe đạp thồ chở than tổ ong. Thứ than độc hại bởi khí thải CO2, được làm từ bùn vét. Thứ than trở thành một phần của văn hóa tiêu dùng Hà thành thập kỷ 90 của thế kỷ trước, kéo dài lan sang những năm đầu 2000. Thứ nguyên liệu cho cơm canh nóng sốt, cho trà đá vỉa hè, trở thành mịt mù đặc trưng cho giờ cơm chiều tại các khu tập thể, các vỉa hè phố. Những bãi trống dựng lên một cái lều nhỏ, những khuôn dập than và những chồng than xếp đống, đen sì trở thành quen mắt tại bất kỳ đâu.

     Đã có thời điểm, sản xuất than tổ ong như một giải pháp thoát nghèo cho nhiều gia đình, có anh còn được lên báo, biểu dương vì đã loại bỏ được một phần độc hại của CO2 ra khỏi thành phần khói, như một sự kích thích về niềm tin cho người dân về giải pháp đun nấu và tiết kiệm ngân sách gia đình.


    Hà Nội, bên những hào nhoáng lóng lánh của những đô thị mới mở Royal City, Times City, của những thép kính Keangnam, Lotte, của KFC, của BBQ, của hỗn độn còi xe tạo thành ô nhiễm âm thanh, của tắc đường ngày hai bận sáng chiều, vẫn tồn đọng những mảnh gần gũi, cũ kỹ của dưa cà mắm muối. Chỉ khác là, xưa người ta muối dưa cà vào những vại sành, hay những lọ thủy tinh to thổi ẩu đầy bọt khí của công nghệ lạc hậu, thì nay người ta tận dụng những bình nhựa đựng dầu ăn. Những thói quen sinh hoạt hay mưu sinh cũ kỹ vẫn còn đó như một nét văn hóa.


    Hình ảnh đẹp về một bác thợ cơ khí già bên máy cắt, máy khoan của một cửa hàng nơi phố cổ Lò Rèn, như một đặc trưng nghề thợ mà qua năm tháng văn minh vẫn không mất đi. Nó gợi nhớ một sự quen thuộc. Dân phố vẫn sống bởi đặc trưng tên phố, cho dù biến thiên thời cuộc đã làm cho hào nhoáng hơn, lóng lánh hơn trên nền mặt phố của những kiến trúc cũ, của những tàng cây vẫn thế và không gian vẫn thế.


    Mỗi một lúc nào đó, đều có thể nhận thấy những nét quen thuộc. Khi ở Sài Gòn, chỉ từ con phố nhỏ Nguyễn Văn Tráng bắt ra đường Nguyễn Trãi đầu quận 1 về đêm, là đã có thể thấy những hàng quà rong với những chiếc xe đẩy. Có mực nướng, có ngô luộc, có trứng vịt lộn, có cả bánh trưng bánh giò luộc, và là người Bắc bán trăm phần trăm. Nhưng tất cả đều xa lạ bên cái vỏ xứ Bắc. Bởi bánh giò bóc ra có thể để nguyên lớp lá trong cùng mà cầm tay đưa lên miệng, khéo léo lót miếng giấy ăn thì có khi không cần phải rửa tay. Nhưng bánh giò Hà Nội thì phải cho vào đĩa và cầm thìa xúc. Miếng bánh thơm và ngậy, lớp mỡ chảy từ trong nhân ra cả lớp ngoài cùng của lá gói. Trong mịn và mỡ màng chứ không khô đục đến dửng dưng như miếng bánh ở Sài Gòn. Trứng vịt lộn thì bóc cái đầu vỏ quả trứng và để gọn trong cái ly nhỏ. Hà Nội thì người ta cắt vỏ cho vào cái bát con, cho lẫn rau răm, dấm ớt, gừng thái chỉ vào... Nếu xếp khéo, cái màu vàng nâu của quả trứng, lẫn với màu xanh răm ngọn, vàng tươi gừng chỉ, đỏ thẫm ớt xắt, chút tỏi trắng xen vào, đã là rất bắt mắt trong cái bát con. Thêm chút gia vị, mì chính cho đậm vị và húp ngay cái nước mới thấy vị ngọt tươi của thứ quà bình dân.



    Những ngày hanh hao bắt đầu. Chả mấy sẽ lạnh. Nhưng đến khi lạnh thì sẽ có những ngày thật đẹp của tiết Thu. Ngắn ngủi nhưng là sự đặc trưng, để mà mỗi khi đi xa, nỗi nhớ nhiều khi như trở nên sự dày vò đến không thể chịu đựng nổi.

    Những dòng viết cho mùa thu của sự trở lại. Tản mát trong những chợt đến chợt đi của những nghĩ suy.

6 nhận xét:

  1. Em chôm đoạn tản super hay này về facebook (có ghi xuất xứ) để bạn bè em được đọc, nhóe anh!
    Thèm hôvilô tóa!

    Trả lờiXóa
  2. Vẫn luôn thích các bài tản văn về thu... về HN của TP, cái thảm lá sấu vàng... tuyệt thật đấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn đã và vẫn theo dõi Tiêu mỗ. Chúc vui vẻ nhé.

      Xóa
    2. Doi theo .. . khong phai theo doi... hihi

      Xóa
    3. Ok. Tiêu mỗ đảo sai từ :)

      Xóa