Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

Viết ba dòng lăng nhăng...


     Lâu rồi mới lại viết. Cũng bởi không rảnh nhiều. Thậm chí đến đọc cũng đọc ít. Thỉnh thoảng lướt net, lướt bọn tàu nhanh Express, bọn Dân trí, bọn Vietnamnet.... Thú thực, mình thích đọc bọn Vietnamnet nhất trong số bọn Media đang bùng nổ như bỏng ngô ở rạp cine, bởi có chất lượng hơn với cái chuyên trang Tuần Vietnamnet. Có tý gai góc, có tý động chạm chứ không ăn theo nói leo như bọn bồi bút bưng bô khác.

     Nhưng dạo này, bọn dở Vietnamnet này hết cmn chuyện hay sao ấy, thấy chúng nó bới móc chuyện Hà Nội kinh. Nào chuyện đăng hàng ăn bẩn thỉu, gần cống rãnh, đến chuyện chảnh chọe của dân phố, đến chuyện bát phở Bát Đàn kiểu mậu dịch, rồi gần gần đây là chuyện người Hà Nội mở mồm là chửi người khác là: Đồ nhà quê!!!

    Thực, hôm đọc cái đoạn stt của đứa nào dek nhớ up trên fb, cũng click vào xem chúng nó bi bô cái gì... Đọc xong, thốt thầm trong miệng: Dkm thằng điên, bố thằng thần kinh. Viết thế, bố gặp bố sẽ bảo mày mới đúng là thằng nhà quê.

     Nhưng thôi, dù sao chúng nó cũng phải kiếm cơm. Hết cmn đề tài rồi. Thời điểm nhạy con nhà bà cảm. Sang năm đại hội rồi, giờ mà cứ nhúng vào mấy cái chuyện thời sự, treo niêu sớm. Chờ qua đại hội, lại vung bút múa may sảng khoái. Hiểu thế cho chúng nó để mà lấy cớ thông cảm cho cái nghiệp cơm áo không đùa với khách...viết

     Thực sự thì mình không sống trên phố cổ. Cái vuông vuông của Hà Nội với đan xen ô cờ của các con phố. Chỉ biết mẹ mình đã từng sống ở đó suốt thời trẻ con đến lớn mới chuyển lên gần hồ Tây, mạn đối diện nhà thuyền. Bố cũng sống ở gần khu đó thôi. Hồi bé thì cả nhà ở đối diện vườn hoa Giám, cũng chả gần phố cổ lắm. Nhưng chả hiểu sao, mình yêu Hà Nội. Không bởi cái gốc gác lâu đời gì của cả họ nội lẫn ngoại, bởi cả dòng họ, chỉ có mình mình biết mình hiểu Hà Nội như thế nào...

     Tất nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó cả. Bởi nó vốn là thuộc tính xã hội, thuộc về tự nhiên. Bọn sống ở phố cổ có cái khôn ranh riêng mà không lẫn đâu được. Ngày nhỏ mình có anh bạn gần nhà, cũng hơi nhõng nhẽo với bạn bè một tý, nhưng chả sao. Lớn tý, vào cấp ba thì nhà nó chuyển lên phố cổ, tức là về lại nhà gốc của ông bà nó. Không chuyển về thì sẽ bị thôn tính, đại khái thế. Ông bạn sau vài năm ở đó, chất nó cũng đổi hẳn. Nó bán hàng cho người ta cũng chua ngoa và đanh đá hơn. Cách nó nói chuyện cũng sõng sượt hơn. Và giờ thì ông bạn làm to phết, địa vị xã hội oách xà loách roài. Đi làm, mình quen thằng bạn cùng nghề, nhà trên phố cổ. Dù nhà nó bé tý, vì chia đôi hai anh em kiểu chia đều tránh đổ máu, thành thử cái mặt tiền đang từ gần năm mét, chia ra còn được hơn hai mét, thì cũng sòng phẳng mà cắt cho đều. Cái cửa hàng thành thảm hại nhưng chẳng vì vậy mà không có khách thuê, cũng chẳng ngăn nó xây lên thành cái chuồng cu trên tầng, kê cái đệm là hết luôn chiều ngang căn phòng...

     Thằng này thì quái ơ luôn. Là kts, nhưng cái gì cũng biết, ông rành đủ món. Ăn chơi phố hay cái gì cần tránh trên đó, hỏi nó là okie. Đi làm, cần chạy dịch vụ gì đến nhà đất, hỏi nó là xong tuốt. Mình đồ là, nếu cần mua cỏ (cần sa), chắc nó hỏi ngược lại là ông lấy loại gì ấy!!! Nhớ đến nó là như nhớ về một chỗ dựa cực vững chắc về các loại dịch vụ nhà đất trong nghề của mình, và đồng thời là một thằng cực kỳ khôn khéo, cái khôn ranh của cư dân phố cổ.

     Khi mẹ mình đi bán hàng cùng bà cô trên phố Hàng Đào, thời cuối những năm bao cấp, thì mình được chứng kiến cách người ta bám vỉa hè để kiếm sống, và từ đó hiểu ra câu: Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố. Gọi là bán hàng trên phố cho oai, chứ làm gì có cửa hàng mà bán. Mẹ làm viên chức nghèo, ngày đi làm có nửa buổi, thu nhập còi như rau muống ruộng cạn. Bà cô ruột mình lấy chồng Hàng Đào, trung tâm của trung tâm Hà Nội. Nhà gốc tư sản nhưng sau vụ cải tạo tư sản với công thương, thì mất gần hết, chỉ còn căn gác trên tầng 2 chia cho năm người con với hai ông bà ở. Bà cô bỏ mậu dịch, ra bán hàng vỉa hè. Cứ bám lấy cái tường cạnh cửa hàng quốc doanh mà đóng đinh, treo giá rồi mắc quần áo vào mà bán. Chỗ ngồi đương nhiên là chiếm dụng vỉa hè.

     Rồi bà cô rủ mẹ mình vào cuộc. Chung vốn buôn quần áo. Chả cửa hàng cửa hiệu gì. Mưa thì trùm nilon, nắng thì quấn khăn vào mặt cho đỡ rát. Ấy thế mà hiệu quả. Bao cấp đói kém, tem phiếu thiếu thốn. Sau vài tháng buôn bán chân trong chân ngoài, bố đã không còn phải đi bỏ mối thuốc lào thuốc lá sau giờ làm việc, mình chấm dứt vụ bán đá tủ lạnh. Mình rảnh học là tót tàu điện lên chơi, xem người ta bán hàng. Cùng phố Hàng Đào nhà mình có nhà họ hàng, bà ấy là em bà nội mình, nhưng khá hơn là giữ được nhà và cửa hàng. Bà ấy có mấy ông con, cũng loại rạch giời khôn như ranh cả. Có ông út bằng tuổi mình, mình phải gọi bằng chú. Nhưng hồi bé đó thì chả chú cháu gì, mày tao cá mè một lứa tuốt.

     Ông chú đó suốt ngày bày trò phố cho mình xem, ngược lại thì mình bày nó cách bơi, cách đánh nhau kiểu giáp lá cà trẻ con, cách câu cá câu lươn... Lớn tý, có người yêu rồi, mình gặp đang xách hàng đi ăn, ông chú cười toét miệng: A, ông cháu, ra uống với chú ly rượu. Rồi quay sang nhỏn nhẻn cực cute với hàng: Cháu anh, cháu ruột anh đấy!!! Dù hôm trước ở đám giỗ, vừa mày tao cứ nhộn cả sân khấu lên, đến mức các cụ còn dỗi: Cái nhà này họ nhà tôm cứt lộn lên đầu à mà chú cháu mày tao chí tớ thế hảaaaa... Nó nháy mắt kéo mình đi chỗ khác sau khi nhăn nhở: Mợ cứ toáng lên, con đùa nó đấy... Rồi bảo: Có mợ tao với bà mày, không mày tao nhé...

     Rồi thì khi lấy vợ, nghiêm chỉnh gọi mình bằng cháu và mình nghiễm nhiên phải gọi bằng chú cực lễ phép, chả cần thống nhất gì nữa. Rồi ông chú tiếp quản cửa hàng cùng  mấy bà chị dâu, làm ăn tốt kinh. Thay đổi hẳn kiểu khôn ngoan, nó lặn luôn vào trong chứ chẳng phô phang như khi nhăn nhở mời mình ly rượu với hàng lúc đó và là vợ bây giờ. Mình đâm nể và gọi chú ngọt như đúng rồi.

    Ngày mình lên đó chơi khi mẹ bán hàng, ấn tượng nhất là chuyện một con bé bằng tuổi mình, cũng trông hàng cho mẹ nhưng là cửa hàng tử tế. Nó gọi hàng rong bán khoai lang luộc vào mua. Nó mua không mặc cả. Nó bóc ăn, chẳng may miếng khoai không ngon như nó muốn hay vẫn ăn hàng ngày, nó nhả ra và bắt trả lại tiền ngay lập tức, không đổi củ khác mà là nó không ăn nữa. Mình trợn mắt nhìn. Vì ở khu nhà mình, chuyện kem nước đá là chuyện thường ngày ở huyện rồi, đến mức giờ kể chuyện kem nước đá mà có bạn ở phố chả hiểu nó như thế nào nữa. Đơn giản, nó là nước đường pha, cho vào ống sắt tây đóng đá lại, chứ làm gì có sữa hay bột gì mà thành kem, nhai cứ lạo xạo như đi đường rải đá răm vậy.

     Bên ngõ Gia Ngư, có hàng xôi lúa, xôi ngô cực ngon. Bán từ sáng đến chiều mà miếng xôi mềm oặt, bột đậu thơm phức và hành phi vẫn giòn tan. Mẹ bảo, không như thế không ai ăn hàng cả. Chuyện con bé trả khoai, mẹ cũng bảo: Trên này là thế đấy. Không ngon người ta trả lại luôn. Lớn lên, mình đi ăn và bắt đầu chú ý, thì đúng là phố cổ bán chả có gì không ngon. Không ngon thì người ta không ăn và thế là hỏng. Nên buộc phải ngon mới tồn tại được. Hồi đại học, làm ở xưởng thiết kế ngoài Bạch Đằng, mình vẫn thường từ xưởng qua phố Lò Sũ, có bà cụ bán xôi xéo ngon thôi rồi Lượm ơi, ngon ngang ngửa với hàng xôi bên ngõ Gia Ngư. Sau bà cụ chắc mất nên chả ai bán nữa. Thỉnh thoảng nhớ, vẫn cứ thấy ngẩn ngơ.

     Những loạt bài về cafe, về các món ăn vặt hay cả phở nữa, mình thường dẫn từ phố cổ. Hồn cốt Hà Nội, cái phong tư Hà Nội nó gửi gắm cả ở cái 36 phố phường ấy. Người trên phố, nhất là người kinh doanh buôn bán, sự sắc sảo nó hiện ra ngay cả ở nét mặt. Khó mà lừa hay qua mặt được người ta. Và ở ngay cả cái cách mà người ta nhìn nhận một vấn đề, nó cũng khác với người khác. Nó già dặn hơn, tinh quái hơn, sắc sảo hơn và nhất là đúng người đúng việc, kiểu ăn tùy nơi chơi tùy chỗ vậy. Đã lên phố, chả thiếu cái ăn ngon, ăn kiểu thưởng thức hay kiểu chợ búa bày đàn cũng đều có đủ. 

     Duy nhất có một điều, không phải trên phố thì cứ tụ điểm là ăn ngon. Cũng đã có sự biến tướng. Như giữa phố Mã Mây, giờ thành cơm rang trắng với nướng, đủ kiểu hầm bà lằng. Hồi đầu tiên thì ngon với chỉ một hàng, giờ thì thành chợ. Mà xuống cấp kinh khiếp về chất lượng. Cũng do thị hiếu dở của đám đông trẻ ranh. Đi qua sẽ thấy đối tượng ăn chủ yếu là đối tượng nào, mình chả phải đồ nữa mà khẳng định luôn, là bọn thực bất tri kỳ vị. Rồi thì chợ đêm  Đồng Xuân với đủ kiểu ăn uống nhậu nhẹt. Mấy cái dạng thức đó không để phục vụ người dân phố, mà là phục vụ thị hiếu xô bồ đám đông mà thôi. Mà đám đông, thì vốn là người tứ xứ.

     Dù sao đi nữa, với mình, Hà Nội vẫn là Hà Nội với những sự tinh tế trong cách vận dụng các quy luật thị trường và điều chỉnh xã hội. Dù mảnh đất này, gọi là gốc Hà Nội ở các phố phường xưa kia mà giờ thành phố cổ thì là sự buồn cười. Bởi gốc Hà Nội thì lại không ở các phố đó, mà là ở khu ngoại vi như Bưởi, như Nghĩa Đô hay Cầu Giấy, Thụy Khuê, Nghi Tàm, Quảng Bá, hay Bạch Mai, Vân Hồ... Bởi đó mới là các phụ cận làng mạc của Hà Nội xưa cũ. 

     Thành Thăng Long thành kinh đô, thì các phố phường được lập nên để phục vụ cho quan lại và triều đình. Thế nên hình thành các phường buôn và hàng nghề. Các phường buôn họp lại thành khu, thành phố nên gọi gộp là 36 phố phường. Các hàng nghề thì chính xác là tuyển lựa từ các làng nghề danh tiếng và các thợ giỏi tứ xứ lai kinh để phục vụ triều chính. Họ lập phố để hành nghề, ví dụ như nghề thợ bạc ở phố Hàng Bạc bây giờ, thì chủ yếu là quê gốc Thái Bình lên. Mỗi một hàng nghề như vậy, họ đều lập một ngôi miếu thờ tổ nghề, gọi là đình, để không quên gốc gác và nghề tổ. Nên nói gốc Hà Nội cũ, thì không thể gọi những nhà lâu đời trên phố là Hà Nội gốc, mà gốc Hà Nội thì chỉ là những làng xóm, những địa danh xưa quanh kinh thành mà thôi, tỷ như khổ thơ:

            Gió đưa cành trúc la đà
            Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
            Mịt mù khói tỏa ngàn sương
            Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.

    Những địa danh nhắc đến là quán Trấn Vũ bên đường Thanh Niên bây giờ, và thuộc huyện Thọ Xương xưa kia. Cũng như làng Yên Thái là làng làm giấy dó nổi tiếng, nhịp chày ở đây là nhịp chày giã cây dó để làm giấy, thứ giấy để quan sức xuống các huyện hoặc cao cấp hơn là giấy để vua viết chiếu chỉ. Sau này, giấy dó còn dùng để vẽ, nhất là vẽ kiểu thủy mặc.

      Viết mấy dòng, chả phải để nói về chuyện phiếm khi nhớ lại những gì đã đọc của những ngày trước, nhưng là để nói ra rằng, sự nhận định cũng cần cân nhắc khi dùng câu chữ của một số nhà báo. Chẳng bỗng dưng người ta bảo các anh là những con kền kền. Như cái tấm ảnh đăng Ngô Bảo Châu lên cái bản vùng cao thăm trẻ em dân tộc, chỉ là cuộc thăm viếng bình thường của Châu cùng anh Trần Đăng Tuấn trên hành trình thiện nguyện của chương trình Cơm có thịt do anh Tuấn khởi xướng, và không có nhà báo đi cùng. Nhưng tấm ảnh lộ ra, Châu đi dép tổ ong, thế là nhao lên viết mà không tìm hiểu chân xác ra sao. Chỉ là Châu đi bộ xa, mưa ướt thì giày không đi được nữa, Châu mượn đôi dép để đi, thế thôi. Lên trường thăm các cô và trò, thì đã tan học, còn có vài đứa ở lại, Châu hỏi thăm đơn giản về chữ, về câu xem chúng nó có đánh vần đúng hay viết đúng tên hay không, chỉ là thế thôi. Thế mà các anh viết như đúng rồi là Châu đi dạy học và giản dị này kia... Haizz...
     

7 nhận xét:

  1. Sáng lễ liếc, uống cà phê nhẩn nha đọc bài viết của ông anh mình (cho phép em bắt quàng làm họ tí).
    Lễ Hà Nội lặng lẽ, vắng vẻ do kỳ nghỉ kéo dài cũng lên báo kìa anh, cũng chả biết cho lê báo để nói lên cái gì. Cái sự vắng vẻ nó cũng như con người có lúc nọ lúc kia, thế mà vẫn cứ thích lý giải.
    Vừa đọc vừa mỉm cười thú vị, vì cái giọng điệu rặc người bắc của anh. Nhất là cái đoạn mày tao chú cháu í. Hài nhắm!

    Trả lờiXóa
  2. Đoạn đầu còn nguyên nỗi bực cái bọn "bới móc" :D
    Nhưng đoạn sau thì vẫn là những ưu tư đằm sâu về Hà Nội, những ưu tư phía sau những phân tích, những mẩu chuyện đời thường về người Hà Nội, tuy giọng văn có vẻ "tưng con bà tửng" - hehe - mình học được cách nói này từ bạn và bạn Lãnh đó.
    Một sự trân trọng Hà Nội sâu sắc thông qua tiếng nói của "người trong cuộc, người gần cuộc" :)
    Có lẽ chỉnh sửa một chút (ở đoạn đầu - đoạn đi guốc vào bụng...nhà báo) là đăng báo được ngay đó bạn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Học được thì trả bản quyền đó nhé :))
      Còn chỉnh sửa, bạn Lờ Vờ biên tập đê, đăng được trừ tiền bản quyền nhé, kkk... :))

      Xóa
  3. Viết cả trang, em út vừa đọc vừa cố bơ mỏ ra hiểu mừ Ca kêu ...viết ba dòng ?!
    Miễn bàn, dzụ án hóng hớt nì là Ca trùm mafia roài. Đọc để biết thêm có một Hà nội đẹp như thế thui. hì hì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lâu lâu mới gặp cô Tám, dạo này khỏe không em :))

      Xóa