Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Thời lầm lỗi.


     Hà Nội đã vào Thu. Dù cái nóng không còn nồng gắt, không còn oi ao kể cả khi đã cuối chiều, khi những cụm mây đã bay đi đâu để lại một bầu trời cứ ngắt một màu xanh, rồi dần dần ngả xám. Mồ hôi vẫn ướt lưng, nhưng cái nóng không còn phả lửa nữa. Để lại bù vào đó một cái nóng khác, một cái nóng của sục sôi những vết thương xưa cũ của dân tộc, bằng một cuộc triển lãm này: http://vnexpress.net/photo/thoi-su/lan-dau-tien-cong-bo-hinh-anh-cai-cach-ruong-dat-3076449.html.

    Người ta nói rằng, đây là lần đầu tiên công bố những hình ảnh về Cải cách ruộng đất (CCRĐ) thời kỳ 1946-1957. Thực chất, việc CCRĐ được làm cùng với việc chỉnh huấn và chỉnh quân, cùng với việc trưng thu tài sản của các nhà tư bản ở thành phố. Cái gọi là Công - Tư hợp doanh. Về bản chất, nó là nỗi đau và là sự xấu hổ của miền Bắc Việt Nam, kể từ vĩ tuyến 17 trở ra. Với nông thôn, là CCRĐ, với thành thị, là cải tạo tư sản với trưng thu và Công - Tư hợp doanh, với cán bộ (chỉnh huấn-chỉnh quân), là Nhân văn giai phẩm.


    Người ta trưng bày những gian nhà tranh vách đất. Những bộ quần áo vá chằng vá đụp và dày cộp bởi sự chất chồng các mụn vải, những cái váy đụp điển hình của nông dân miền Bắc thời đó. Những bộ bàn đèn hút thuốc phiện, sập gụ tủ chè, giá thanh long và quần áo của địa chủ (xem link trên), những hình ảnh người cày có ruộng, bữa cơm quây quần sau khi có ruộng có thóc của người nông dân..., và chỉ độc một bức ảnh nói về sự sửa sai của đảng và Chính phủ khi nhận ra sai lầm và cái giá của nó. Nhưng bức hình ông Cụ khóc khi phát biểu tại hội nghị sửa sai như trên, thì người ta lờ tịt đi.


    Tôi không hiểu, mục đích của những người làm công tác tư tưởng, làm công tác tuyên truyền định truyền tải điều gì qua cuộc triển lãm này. Với 230m2 trưng bày và khoảng 150 hiện vật hình ảnh, họ định nói về sự đúng đắn của công cuộc phân chia lại ruộng cày cho nông dân, là về cuộc cách mạng và công bằng cho mọi người? Điều đó, khỏi phải bàn. Về ý nghĩa bản chất của nó là không có gì sai cả khi đặt trong bối cảnh lịch sử, khi Việt Nam bị chi phối bởi tư tưởng và ý thức hệ cộng sản từ phong trào thế giới và nhất là, sự độc đoán của Staline. Staline là chúa tể của cộng sản thế giới lúc đó, chi phối mọi đảng Cộng sản của các nước thuộc phe XHCN. Staline phân công TQ, cụ thể là Mao Trạch Đông giúp đỡ VN làm CCRĐ, vì TQ đã làm điều này và đã có kinh nghiệm !!! Nhưng cái việc trưng bày với cái định hướng kiểu cưỡng dâm tư tưởng như thế, với một cuộc hôn phối lệch lạc kiểu: "Có cái sai thì mới có cái đúng được. Điều tốt nhất là Đảng và Nhà nước đã kịp thời sửa sai. Thời đó tôi còn ít tuổi, đến giờ tuổi già càng nhận thức thấy cái sửa sai đó là dũng cảm, mạnh dạn"  như phát biểu của một bác già đến xem triển lãm, thì quả thực là buồn.


    Trung Quốc đã làm CCRĐ như thế này, và mô hình đó được copy y nguyên sang Việt Nam. Với những hình ảnh mà cuộc triển lãm không trưng bày, chỉ đọng lại trong tâm khảm rất nhiều người, như những bức hình dưới đây:





   Đó là sự đấu tố. Tầng lớp cố nông, bần nông đấu tố những người bị quy là địa chủ. Họ được dạy rằng: Địa chủ không phải là nhân dân, không được xếp vào hàng ngũ nhân dân. Địa chủ là phản động, là bóc lột và cần phải bị loại trừ. Xong buổi đấu tố, thì địa chủ bị đưa ra xét xử, và phần nhiều là bị bắn.




     Họ bị trói, bắt quỳ, và mỗi người lên đấu tố là địa chủ bị ăn tát, bị nhổ nước bọt cùng với những câu xỉ vả, cuối cùng là những lời đấu tố, kể tội địa chủ đã bóc lột người nông dân ra sao...

     Nhưng có lẽ, để công bằng, xin kể ra đây những thành phần sở hữu những tài sản như thế nào thì được gọi là địa chủ, là bóc lột, là  phú nông, trung nông, là cố nông và bần nông. Địa chủ thì phân loại là địa chủ gian ác, địa chủ thường và địa chủ kháng chiến. Trung nông còn được chia loại là trung nông cứng và trung nông  vừa và yếu. Địa chủ là sở hữu đất, rất dễ hiểu rồi, phát canh thu tô cho tá điền. Còn Phú nông: Sở hữu hai con lợn, được gọi là phú nông. Trung nông cứng: Sở hữu một con bò, một con lợn và một đàn gà; Trung nông vừa: Sở hữu một con lợn và một đàn gà; Trung nông yếu: Sở hữu một đàn gà hoặc là không có gì cả; Còn lại thì gọi là bần nông hoặc cố nông.

    Hình thức phát canh thu tô của địa chủ cho tá điền được sửa sai bằng chính sách thoái tô, tức là tá điền phải trả thóc cho địa chủ trước kia, thì sau khi có chính sách này, địa chủ phải trả lại số thóc theo quy định cho tá điền. Việc thoái tô này làm nhiều địa chủ rơi vào cảnh khánh kiệt luôn. Không giãy dụa được. Bởi không trả được thóc, thì tịch thu tài sản để bù vào. Còn địa chủ gian ác thì bắt ngay không ỉ ôi, tịch thu sạch.


     Khi CCRĐ, có một địa chủ kháng chiến, người bị bắn đầu tiên trong chiến dịch, là bà Nguyễn Thị Năm sinh năm 1096, hay còn gọi là bà Cát Hanh Long. Bà lấy tên hiệu như vậy, là ghép tên hai con trai của bà, tên là Cát và Hanh. Bà Năm buôn giỏi nổi tiếng đất Hải Phòng, đi lên từ buôn sắt vụn. Bà có đồn điền tại Thái Nguyên. Thái Nguyên được chọn làm CCRĐ thí điểm đầu tiên, do ông Hoàng Quốc Việt làm trưởng ban, lúc đó là UVBCT. Ông Trường Chinh là tổng Bí thư, phụ trách chỉ đạo chung, ông Lê Văn Lương và UV dự khuyết BCT phụ trách chỉ đạo vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và ông Hồ Viết Thắng, UV dự khuyết BCHTW đảng là giám đốc điều hành chiến dịch.

    Bà Năm có hai con trai theo kháng chiến là ông Nguyễn Công và Nguyễn Hanh từ trước 1945. Ông Hanh là đại đội phó bộ đội thông tin khi CCRĐ xảy ra, đã từng bị thương ở Hà Nội khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ mùa đông năm 1946, còn ông Công đã từng tháp tùng ông Huy Cận, Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu...vào Huế tước ấn của vua Bảo Đại. Bà Năm được ông Nguyễn Đình Thi giác ngộ cách mạng, và bà đã từng nuôi dấu các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Lê Thanh Nghị, Lê Giản, Hoàng Tùng, Hoàng Hữu Nhân (Bí thư thành ủy Hải Phòng).....ngay tại nhà mình hàng tháng trời. Trong tuần lễ vàng, bà là người góp ngay lập tức hơn một trăm lạng vàng cho Chính phủ tại Hải Phòng, còn trước CM tháng Tám, bà đã ủng hộ Việt Minh số tiền là 20.000đ bạc Đông Dương (tương đương bảy trăm lạng vàng), chưa nói đến vải vóc và nhà cửa...

    Bà Năm trong thời kỳ kháng chiến, từng tham gia và lãnh đạo Hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên và Liên khu Việt Bắc. Các đơn vị bộ đội và nhiều cán bộ cách mạng thường tá túc tại đồn điền của bà, cho đến khi bà bị đưa ra đấu tố và bắn '' thí điểm ''.

     Chính ông Cụ, dưới sức ép của số đông và của cố vấn TQ, đã buộc phải không thể can thiệp vào việc xử tử bà Năm. Khi ông Hoàng Quốc Việt chạy về báo cáo ông Cụ việc này, ông Cụ đã nói sẽ can thiệp, nhưng ông Trường Chinh cũng đã im lặng. Lời của ông Cụ: ‘Chẳng lẽ CCRĐ không tìm được một tên địa chủ, cường hào gian ác là nam giới mà mở đầu đã phải bắn một phụ nữ địa chủ hay sao?” - Trích lời ông Đoàn Duy Thành, từng là Bí thư TU Hải Phòng, sau là Phó TTCP, và đây là lời của cố vấn TQ: “Hổ đực hay hổ cái, đều ăn thịt người cả!”. Còn ông Hoàng Tùng, trưởng ban Tuyên giáo TƯ thì kể: "Chọn địa chủ Nguyễn Thị Năm để làm trước là do có người mách cho cố vấn Trung Quốc. Họp Bộ Chính trị Bác nói: “Tôi đồng ý người có tội thì phải xử thôi, nhưng tôi cho là không phải đạo nếu phát súng đầu tiên lại nổ vào một người đàn bà, mà người ấy lại cũng giúp đỡ cho cách mạng, người Pháp nói không nên đánh vào đàn bà, dù chỉ là đánh bằng một cành hoa”. Sau cố vấn Trung Quốc là Lê Quý Ba đề nghị mãi, Bác nói: “Tôi theo đa số, chứ tôi vẫn cứ cho là không phải”. Và họ cứ thế làm".

     Câu chuyện bà Năm để lại trong dân gian một câu nói hài hước mỗi khi có chuyện đùa cợt là: Trả thù cho má Năm. Những người con của bà cũng rời khỏi mảnh đất Thái Nguyên đầy đau đớn. Một ông chết vì tai nạn giao thông năm 1989, là ông Cát, còn ông Hanh thì dắt díu vợ con về Hà Nội, tá túc nhà bạn bè và những người đã từng chịu ơn gia đình ông, mãi sau ông mua được căn buồng nhỏ ở 117 phố Hàng Bạc, cả nhà ở đó. Bà Năm trước khi bị bắt, có ném lại cho con dâu một túi kim cương, nhưng cũng bị tịch thu, và bà con dâu có nói đại ý, không biết cái túi đó có được sung công không. Còn bà Năm, mãi về sau này người ta mới giảm thành phần cho bà từ địa chủ gian ác xuống địa chủ kháng chiến. 

   Cuộc triển lãm cũng không nói về chuyện khi sửa sai, ông Trường Chinh buộc phải từ chức Tổng bí thư, ông Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương thì kỷ luật rời khỏi BCT, ông Hồ Viết Thắng thì rời khỏi TƯ đảng và câu nói lưu truyền đầy hài hước chua cay trong dân chúng. Sự đau thương chưa dừng lại sau khi những người được giải oan quay lại trả thù những người đã làm mình vào vòng lao lý, và sự trả thù bạo động với 20.000 nông dân vác gậy gộc chống lại lực lượng trấn áp tại Quỳnh Lưu, Nghệ An là một ví dụ điển hình.

     Trong thời kỳ đó, câu chuyện của bà Năm chỉ là một điển hình cho các địa chủ kháng chiến mà thôi. Còn ở thành phố, thì rất nhiều những câu chuyện bi thương khác dành cho số phận các cán bộ bị quy vào thành phần tư sản. Nhà tôi là ví dụ nhỏ thôi, rất nhỏ nhưng nó in sâu vào tâm khảm bà ngoại tôi như một vết thương không thể lành nổi. Dù việc sửa sai kịp thời và đúng lúc, không gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng bà ngoại tôi đã mất niềm tin vào chính những người thân của gia đình mình, cho đến cuối đời, cụ mới chấp nhận nhìn nhận lại những người thân đó.

    Ông ngoại bà ngoại tôi đều xuất thân ở một làng ngoại thành Hà Nội, bên Gia Lâm. Nhà bà ngoại tôi gốc gác quan lại, còn ông ngoại tôi thì đến ông tôi là ba đời làm nhà giáo. Mẹ tôi là con cả, nên theo truyền thống, ông tôi không cho mẹ tôi học ngành khác, mà phải theo nghề giáo để nối nghiệp. Tôi vẫn nhớ mỗi khi lên nhà ông bà trên hồ Tây, hàng phố toàn gọi ông bà tôi là ông giáo, bà giáo. Bà giáo là cách gọi theo nghề chồng, cách gọi ngày xưa. Hoặc là gọi theo tên chồng, nghề chồng, hoặc gọi theo tên con trai cả.

   Năm đó, ông bà mới sinh mẹ tôi được mấy tháng. Trước đó, khi dịch đói 1945 xảy ra, ông bà tôi có nhận nuôi bác tôi khi bố mẹ đẻ ra bác không thể nuôi nổi. Ông tôi là giáo học, lương đủ để nuôi gia đình nên ông bà nhận nuôi bác. Khi mẹ tôi được mấy tháng thì ông tôi bị bắt, ai đó đã báo lên chính quyền rằng ông tôi thuộc thành phần tư sản. Là nhà giáo, lúc đó ông ngoại tôi đã tham gia Việt Minh và là cán bộ thuộc Bộ Giáo dục thời đó của ông Hoàng Minh Giám. Ông tôi bị bắt, nhà trên phố Mã Mây bị tạm thu. Bà tôi một tay dắt bác tôi đang lũn cũn đi chưa vững, một tay bế mẹ tôi đi xin họ hàng nhà ông tôi để ở nhờ. Quanh phố Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Hàng Bạc, nhà các anh em của ông tôi đều ở đó, nhưng không một ai cho ba mẹ con ở nhờ. Họ sợ liên lụy. Anh thương cô và các cháu lắm, nhưng cô thông cảm, chú bị bắt, anh để cô và các cháu ở nhờ thì dễ rằng cả anh và gia đình cũng bị bắt theo....

   Mãi sau, họ ngoại của bà tôi thu xếp cho bà tôi căn buồng ở 87 Mã Mây, căn nhà bây giờ trở thành điểm du lịch tham quan bởi nét kiến trúc còn nguyên sơ của nó. Và bà tôi lại tiếp tục dắt díu bế bồng hai đứa trẻ trong cuộc sống mưu sinh và giải oan cho chồng. Cho đến một tối mùa đông sau ba năm bằn bặt tin, một người đến gõ cửa nhà bà tôi, ông ấy không vào nhà mà chỉ đứng ngoài giữa trời mưa phùn gió lạnh, nói ngắn gọn: Bác đã nhận được đơn của chị. Bác đã chỉ thị giải quyết trường hợp của anh. Bác đã biết anh bị oan. TƯ cử tôi đến thông báo cho chị biết để chị yên tâm. Tuy nhiên chị phải chờ một thời gian nữa, vì phải xác minh giải quyết nhiều trường hợp... Chị yên tâm nhé. Người đó không nói tên và bà tôi cũng chả kịp hỏi. Sau một năm rưỡi nữa thì ông tôi được về và phục hồi công tác.

   Và tóc ông tôi bạc trắng như cước. Bà tôi thì không làm Nhà nước nữa mà bỏ ra ngoài đi buôn. Ông tôi không muốn vậy, nhưng không bắt được cái lẽ của bà: Những năm ông bị bắt, không buôn tôi lấy gì nuôi con và chạy xin giải oan cho ông??? Vì thế, dì sau mẹ tôi kém mẹ tôi đến cả gần chục tuổi, cậu út thì kém đến 16 tuổi.

    Lịch sử dân tộc, lịch sử đất nước gắn kết với từng số phận của từng gia đình, qua từng khúc nhôi của nó. Gần 5 năm với bà ngoại tôi, là một quãng đời không quên và đầy day dứt. Với những gia đình khác, những phận số khác mà trong cuộc đời tôi đã gặp, đã biết, thì cũng nhiều những đau lòng mà nói ra chỉ là sự buồn bã. Không một ai không yêu quê hương đất nước và dân tộc mình, nhưng đừng làm những điều trí trá với dân tộc bằng những hành động mỵ dân như cái triển lãm vừa qua. Sai thì phải sửa. Nhưng sửa như thế nào, có dũng cảm thừa nhận nó như một vết đau, nhớ đến nó để răn mình hay không, lại đòi hỏi thái độ của sự trung thực.

14 nhận xét:

  1. Kinh hồn đến vậy sao anh?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài này chỉ muốn nói lên sự trí trá và ngụy biện của những người làm công tác tư tưởng văn hóa thôi em. Chứ không muốn đi sâu quá nhiều vào những sự kiện của CCRĐ. Sự thực nó hơn cả kinh hồn em ạ.

      Xóa
  2. Em đọc sách về thời này rất nhiều và gần như là bị ám ảnh, rất sợ mỗi khi cầm trên tay một quyển nào đó viết về chuyện cải cách ruộng đất ...Nó làm em liên tưởng đến nhà tù diệt chủng Pol Pot ...


    " Sai thì phải sửa. Nhưng sửa như thế nào, có dũng cảm thừa nhận nó như một vết đau, nhớ đến nó để răn mình hay không, lại đòi hỏi thái độ của sự trung thực..."

    Câu này ...thật đáng buồn là ... khó làm lắm , Phong Ca ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Theo tớ nó không phải là sự diệt chủng.

      Xóa
    2. Mình không nói nó là sự diệt chủng, mà sự dã man của nó, hành vi dã man của nó khiến mình liên tưởng đến sự dã man của Pol Pot, Uyển Di ạ !

      Xóa
    3. Thụy đọc sách nhiều và nhất là đọc về thời kỳ này, Thụy nói không sai đâu Di ạ. Tất nhiên rằng, mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng sự dã man trong cách đối xử với đồng loại thì rất tương xứng khi Thụy liên tưởng đến sự dã man của hành động diệt chủng.

      Anh quên không viết thêm cái điều này Di ạ: Năm 2004, người ta có làm một cái việc gọi là sửa thêm cho cái sửa sai, là họ đền bù cho mỗi trường hợp oan sai của CCRĐ là 3 triệu đồng. Chả biết nên cười hay khóc nữa. Bởi 3 triệu, so với nửa thế kỷ hàm oan, cái oan đeo đẳng và làm điêu linh không chỉ một người bị quy là địa chủ, mà nó làm điêu đứng cả đến thế hệ con cháu họ nữa. Bởi chủ nghĩa lý lịch. Bởi cái lý lịch con địa chủ.

      Với cái lý lịch đó, con cháu họ đừng mơ bước chân vào đại học hay cao đẳng hoặc trung cấp. Không bao giờ được phép. Thậm chí muốn vào bộ đội, muốn thoát ly làm công nhân xa xứ thì cũng không có cửa với cái lý lịch đó. Và tự dưng, họ thậm chí còn không được xếp vào hạng công dân loại 2 nữa. Chỉ có cửu vạn, bốc vác, đạp xích lô là không xét lý lịch. Hay gan hơn, may mắn còn chút vốn giấu được mà đi buôn kiếm miếng cơm.

      Như các con bà Năm, bà con dâu thì may nhất, những năm đầu 80 được xếp lại là cán bộ hoạt động lâu năm, còn ông Hanh và ông Cát thì mãi đến 1998 người ta mới công nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa. Mà lúc đó, ông Hanh cũng ở tuổi gần đất xa trời, ông Cát thì đã chết vì tai nạn.

      Những chuyện đấu tố, con bị ép phải mắng bố là địa chủ, đấu tố bố, họ hàng đấu tố nhau đến không còn tình nghĩa cực kỳ đau lòng. Người ta định ra cái chỉ tiêu phải đạt được 5% địa chủ cho mỗi xã, người ta rủ rỉ đến các bần cố nông để cố khơi gợi hay thậm chí là bịa đặt ra các chi tiết không có của địa chủ để mà đưa ra danh sách. Ngay cái chỉ tiêu 5% cũng đã phải bịa đặt và lôi hàng đống người vào vòng oan sai, thì cái chuyện bịa đặt chi tiết để đấu tố chỉ là chuyện nhỏ mà thôi.

      Xóa
    4. Haiza, nghe rồi chỉ biết ngậm ngùi.

      Xóa
  3. Một bài viết rất đáng để đọc nhiều lần bạn ạ. Tiếc là nó sẽ không được phép "bán lấy tiền" - nếu mà bán được thì không chỉ là 990k đâu.:D
    Cuộc triển lãm là một trong vô số những "công việc to lớn" của nghị quyết mới nhất của TW mà.:)
    Gia đình mình cũng có duyên nợ với CCRĐ. Ông ngoại mình, theo mẹ mình và các bác kể lại, thì đã bị đấu tố xong, đã bị giam vào chuồng trâu chờ hai ngày nữa thì đem đi bắn. Đúng lúc ấy Bác ra lệnh sửa sai. Vì thế mà ông thoát nạn. Ông bà ngoại thừa hưởng chút vốn liếng của cụ ngoại làm nghề dạy học. Rồi bà ngoại giỏi việc chăn tằm, dệt vải nên bị quy vào thành phần trung nông. Trong nhà có đào một cái hầm để nuôi giấu cán bộ Việt Minh, nhưng khi bị đấu tố thì chính những người trong họ lại nói đó là cái hầm chứa của cải.
    Còn bà nội mình thì là người từng tham gia đấu tố chính...bố chồng của bà đấy. Bạn xem bài này nhé: http://emvandoianhve.blogspot.com/2012/11/la-vang.html
    Ở bài đó, mình đã viết một chi tiết về nguyên nhân bà phải đấu tố. Nói vậy để thấy rằng chuyện CCRĐ là những bi kịch: bi kịch chính trị, bị kịch kinh tế; bi kịch văn hóa mù lòa; bi kịch của những tấm lòng....
    Vì thế nên mình cũng nghĩ rằng nếu như triển lãm về CCRĐ thì phải triển lãm bức ảnh Bác lau nước mắt ở trên.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Việc đó chính xác là bi kịch. Bi kịch của dân tộc, nỗi đau và sự thù hận mà có lẽ sẽ còn dai dẳng trong tâm trí nhiều người.

      Xóa
  4. Đã đến và đã đi!
    (Đọc chẳng hiểu gì, nên Obama nói, "Thế thì đi dzia!"...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tây Độc lúc nào chả vậy, cứ tưng tửng thế, tọa sơn quan hổ đấu, nhể, kkk... :))

      Xóa
  5. Cũng khá lâu không đọc vài entry của TP
    nhưng vẫn thích cái khẩu khí của em.
    Có một diều rất lạ là tại sao khi mà người ta có thể giết người
    mà lại không nghe xúc động ?
    Bây giờ sau cuộc"long trời lỡ đất" ngày xưa
    thì có kẻ lại làm một cuộc triễn lãm "những giọt nước mắt"
    Một thời chảy xuống ràn rụa tan nát của dân tộc VN.
    Tôi cứ tìm hiểu hoài,nhưng vẫn không thể hiểu.
    Vì sao dưới ánh sáng của mặt trời mà những u mê
    lại làm cho con người đắm chìm tới độ sâu như thể
    không có đáy.
    ...
    Sẽ gặp nhau với chén thù chén tạc TP nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người ta thiếu học thức anh ạ. Căn bản văn hóa không có. Thế giới người ta làm những cuộc phân chia lại ruộng đất cũng nhiều sau các cuộc cách mạng, ngay cả miền Nam cũng đã làm, nước Nhật cũng vậy, nhưng chỉ có ở TQ và miền Bắc VN mới có cái trò tồi tàn đến vậy, để lại một di chứng không nhỏ cho vết đau dân tộc.

      Xóa
    2. Chúng ta sống và chứng kiến của những kẻ thành công đào cái hố ngăn cách thật sâu
      và người thất bại trút xuống đó nước mắt,kết cuộc sau vài mươi năm,đời người trôi qua
      và chấm hết.Tình thân ái của người VN theo thời thế ngày càng khó hàn gắn,nếu có,cũng
      chẳng qua vài lớp sơn phết qua loa như một thái độ giả hiệu thiếu lòng chân thật,giống
      như mặt nạ ra ngoài mưa,nắng dễ bị đổi màu,cuối cùng thì tất cả lộ ra chân tướng.
      Mà cũng thật đáng tiếc,vì một đời người,vỏn vẹn có bao nhiêu,chưa kịp biết thật tỏ tường
      nhũng gì mà con người,khi là người thì sẽ được hưởng thì đời người đã khép lại.
      Đáng tiếc và cũng đáng buồn thay.

      Xóa