Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

Niệm Thu.


                                                      ... Nhìn những lần Thu đi
                                      Tay trơn buồn ôm nuối tiếc
                                      Nghe gió lạnh về đêm
                                      Hai mươi sầu dâng mắt biếc
                                      Thương cho người rồi lạnh lùng riêng.
                                      ......
                                      Gió heo may đã về
                                      Chiều tím loang vỉa hè... ''


     Ca từ đẹp, dịu dàng và tha thiết của người nhạc sỹ tài hoa, nhân triết của dân tộc Việt bỗng vang lên trong một sáng Thu bàng bạc không có nắng. Bỗng thèm một ly cafe, ngồi bên ven hồ Tây mà ngắm nhìn cái mặt nước xám một màu nhờ, trong một khoảng bao la chỉ có màu xanh của cây cỏ, với vùng trời không thấy rõ những cụm mây, chỉ nhờ nhờ bàng bạc một màu.

    Trong len lỏi của tâm khảm, một sự chơi vơi sâu lắng như trùng hợp với hai mươi sầu dâng mắt biếc lại hiển hiện trong một niềm man mác. Thu gợi những niềm nghĩ, mùa trùng với nghĩ suy trong những đơn côi của những ý niệm không chia sẻ. Sự liên tưởng ca từ bài hát với hiện tại, với những bức tranh phố Phái, với những bông cúc tím trải dọc luống hàng ở một cánh đồng ngoại ô đang thì trổ mã, như một dẫn dắt của dòng suy tư về chơi vơi... Mùa này cúc tím cũng đang thì độ đẹp, đẹp như những hư hao của một nỗi nhớ...


    Những làng ven ngoại trồng nhiều cúc. Những luống hàng đa sắc và bật lên sắc vàng, trắng, tím, đỏ của cúc. Cúc cũng như hồng, quanh năm suốt tháng, nhưng đẹp thì tùy đất tùy độ của tiết, theo mùa. Đẹp nhất có lẽ từ độ Thu đến sang Xuân, phỏng là thế bởi hợp mùa theo tiết. Chả thế mà có Thu ẩm hoàng hoa tửu, Đông ngâm bạch tuyết thi. Thôi Hiệu quả là tay biết thưởng thức.

    Hà Nội cũng có rượu hoa cúc, thường gọi tắt là rượu cúc. Rượu cúc chính là Hoàng hoa tửu. Rượu cúc thường làm từ cúc trắng, nơi nổi tiếng làm thứ rượu này là Thanh Trì, mạn dưới Văn Điển - Thường Tín. Nhưng rượu cúc cũng cầu kỳ về cách ngâm, cách phơi hoa như rượu sen vậy, không khéo, không chăm thì cũng hỏng như chơi. Vị cúc thoang thoảng và nhẹ hơi ngay khi cảm nhận đầu lưỡi. Nhưng cái thú chơi này, cái thú của tửu ẩm này mang tính cầu kỳ và sang lịch, nên giờ muốn kiếm cũng phải lặn lội mà đặt hàng. Văn hóa không bao giờ mất, nhưng sự xô bồ cuộc sống, chen lấn của mưu cầu đã hụt hao đi ít nhiều, phong vị muốn có, cũng lại phải đặt hàng. Âu cũng là lẽ buồn, âu, cũng là lẽ vui khi nhìn nhận sang một hướng khác, góc khác...


    Trong những miên nghĩ của niệm suy, lại tròng trành về một phong vị mà đã lâu chưa nếm tới của rượu cúc. Chả biết anh bạn từng cho rượu cúc giờ đã lưu lạc chốn nào. Cuộc xô lắc sống đời đã làm gián đoạn sự liên lạc, cách đứt thông tin khi một ngày đi xa trở về, đến quán quen thì cửa đã đóng, thuê bao quý khách vừa gọi... trả lời với giọng đọc quen thuộc của NSND Kim Tiến.


    Những sắc cúc hợp mùa. Hợp với cả những gửi gắm của người họa sỹ tài danh đất Bắc, người lưu giữ hồn cốt cổ phố Hà Nội qua những nét cọ tài hoa. Cũ kỹ những phôi pha của tháng năm, lô xô mái thấp hay cả những đời thường sinh hoạt nét phố được ông hiển hiện lên mặt toan, thành hiệu danh Phố Phái. Bùi Xuân Phái, người con của Hà Nội.




    Hà Nội mùa Thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ...mùa cốm xanh về... Phố của ông dường như gom cả ca từ của '' thầy phù thủy của ngôn ngữ* '' vào trong đó. Khi mà sắc Thu đang loang dần, đang trải ra trong không gian trời đất, những bức tranh phố cổ như một hiện thực của nhắc nhớ khôn nguôi, hợp người hợp cảnh trong một niềm u hoài, một niệm buồn của man mác. Ông như phủ màu của sắc Thu lên phố, qua những nét cọ tinh tế lên mặt toan. Phố của ông là một sâu kín của tâm thế thanh lịch, trầm mặc của thế sự đã vần xoay. Một tình yêu gửi gắm hồn cốt vào những bức tranh.


    Hà Nội cổ kính, mặc trầm qua từng bức họa. Lịch sử có thể thấy ngay với dáng dấp xưa kia được tái hiện bởi những không gian đóng khung của sắc màu. Trong sự u cảm của ngày Thu, tự dưng những miên man nhớ lại dịch chuyển đến, như kết nối niềm liên tưởng của phố, của tranh, của hoa, của sắc, của ca từ và cả những gửi gắm của những bậc tài hoa với những đọng niệm trong lòng của vấn vương... Như hòa vào nhau trong niềm tổng thể của man mác, lẫn quẫn...

    Đầu Thu, với một suy tưởng về một câu thơ cũ đã viết từ lâu trong một chiều trên phố... Tím bớt nhạt chiều những mái xô...

* Trong một từ điển nào đó của Pháp ( vì đọc đã lâu và không nhớ), tên của Trịnh Công Sơn được định nghĩa là: Thày phù thủy của ngôn ngữ.

6 nhận xét:

  1. Chiều cuối trời nhiều mây
    Đơn côi bàn tay quên lối...
    Haiza, hôm nào có thể gặp ông anh đối ẩm mà đàn ca sáo nhị đây?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Kinh, hết uống rượu rồi lại đàn ca hả, ok, kkk... Uống tây tây rồi hát cho hả men, nhể, kkk... :))

      Xóa
    2. Thì phởi trọn bộ nó mới ra ngô ra ngoai chứ ạ.

      Xóa
    3. Buồn ngủ quá hay sao mà gõ phím hay chưa cô Di, kkk... :))

      Xóa
    4. Há há...
      Ngọng rồi í nhỉ?
      Thì... khoai!
      Em cũng mê tranh bác Phái, tít thò lò.

      Xóa
    5. Đắt lắm đấy cô nhé :)

      Xóa