Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

Hà Nội - Sài Gòn tản mạn.


     Thu rồi, Hà Nội có vàng hơn không ??? Gốc lộc vừng cổ thụ bên hồ Hoàn Kiếm có trổ vàng sắc lá trời Âu như tấm hình trên của những năm 2008 đó không, chắc là sẽ không thể biết. Nắng đã se mơ, không đỏ gắt chang chang với những hầm hập nữa.


    Nhìn màu nắng mơ qua khung cửa nhỏ, hắt ra bầu trời chói trưa vụt sừng sững nóc mái Keangnam 70 tầng, lại nhớ quãng này của năm ngoái, đang lang thang kiếm sống nơi Sài Gòn. Khi đứng giữa một cánh đồng đất Củ Chi ngắt xanh màu lúa, hay đi sâu vào những xóm làng miệt vườn, thấy sự thanh bình rất lạ. Quãng thời này của năm ngoái, Củ Chi tuần ba bận rảo bánh xe lăn. Đã đi nhiều những làng mạc Bắc bộ, nhưng làng xóm đất Củ Chi tạo cho tôi những xúc cảm rất thanh bình. Nhớ những con đường nhựa vòng vèo qua xóm lối, những vuông điền xanh ngát rặng dừa, những thân quen của cả một bạt ngàn vườn chuối với những cọ tàu quen thuộc, như đi qua một đồng đất ngoài bãi đê của ven ngoại sông Hồng...


    Khi đó, cảm giác thanh bình nơi làng mạc Củ Chi làm tôi bớt đi nỗi nhức nhối nhớ về Hà Nội, nhớ những đầm sen mạn hồ Tây với những chiều lộng mát gió sóng. Quán nhậu dân dã trong tít sâu làng xóm với độc món nhậu bình dân là thịt bò nướng và cái nồi đất nấu lẩu than với rượu đế, để mà quan chức từ Bí thư, Chủ tịch xã này khác cho đến các cán bộ Nhà nước thuộc bên A, nhà thầu Hàn xẻng và thầu phụ bản xứ, đều tụ cả về đó... Những cuộc nâng lên đặt xuống trong ồn ào, xóa bỏ cả những kiêng dè của thông thường làm ăn, để vỗ vai hẹn mua vịt cắt tiết, nấu xáo măng kiểu ngoài Bắc...

    

    

    Để mỗi tối trở về căn phòng nhỏ, một mình với can rượu nơi góc phòng, lại nhâm nhi nhớ trong những quanh quất, với mỗi khi mở tủ lạnh, thấy gói sấu xanh lại nhớ rằng, Hà Nội đã vào mùa sấu chín. Sấu chín ngào đường, ăn sống rôn rốt vị chua ngọt thanh thanh. Hoặc ngâm vào lọ, thành thức uống giải khát. Cứ miết mải thế trong lặng vắng suy tư.


    Mùa này, Hà Nội ngoài sấu chín đặc trưng, có cả một loại hoa cũng rất đẹp, là hoa Lưu ly. Cái bông nho nhỏ nhưng sắc tím như violet, đẹp lạnh lùng và kiêu sa. 


    Những bình tròn nhỏ, cổ thấp thường được dùng để cắm hoa này. Ở Sài Gòn, những hàng hoa tiệm hoa có cả, nhưng hoa dạo phố trên những xe đạp, thành thúng hay những thùng bừng sắc như ở Hà Nội thì tuyệt nhiên không có. Có lẽ sự khác biệt này cũng là điều làm nên cái nhớ. Hoa Hà Nội với những hàng hoa rong, thường được lấy từ các làng hoa ven ngoại, được đắp bồi bởi phù sa sông Hồng. Nó dân dã và mộc mạc hơn các loài hoa cao cấp ở các shop, chủ yếu được chở bằng máy bay từ Đà Lạt ra. 

   Tôi cũng đã đi ven ven qua các làng xóm như Bình Chánh, Long An hay Củ Chi, xuống đến Bình Dương, cũng chưa thấy làng hoa nào kiểu như Tây Tựu hay Thanh Trì hoặc bên Mê Linh như ở Hà Nội, dù sông Sài Gòn chảy cũng qua cả một vài địa phận. Hay khác biệt bởi điền địa không có phù sa lắng bồi ???



    Khi mà bây giờ, khi đã về Hà Nội thì tôi vẫn thỉnh thoảng nhớ về những tháng ngày ở Sài Gòn. Nhớ những cảm giác của cả một ngày không hề bước chân ra khỏi cửa, chỉ vọng lên những âm thanh cuộc sống qua khung cửa sổ của những tiếng rao... Nhớ những quán cafe với sự bình dân của giá cả và cả không khí của nó. Nhớ những cuộc dạo bộ lên khu trung tâm của những ngày đầu tiên mỗi buổi tối để trốn nóng, bởi căn phòng trọ ở khu chung cư cũ đoạn cắt Nguyễn Cư Trinh - Trần Hưng Đạo nóng hầm hập... Nhớ những cảm giác một mình khi đối diện với dặc dài những tháng ngày sẽ đón đợi...

   Nhớ những khi đi tìm nét quen vị Bắc hay cố để tạo ra cho mình cảm giác Hà Nội khi đi tìm một hàng quán vỉa hè. Góc Bùi Viện cắt ra Trần Hưng Đạo có một cửa hàng bán giò chả, tiếng Nam gọi là chả lụa và chả quế, nem thì gọi là chả giò. Cửa hàng tên Quốc Hương. Tôi tạt vào và hỏi mua, muốn tìm nhớ vị giò chả Quốc Hương của phố Hàng Bông. Cửa hàng đó nhận là có họ hàng với nhà Quốc Hương ngoài Hà Nội... 

   Nhớ cả đến những tủm tỉm cười một mình, khi có những anh em người Bắc, cũng đến từ tứ xứ cả thôi tụ hội về Sài Gòn thoáng rộng để mưu cầu cho cuộc sống. Những cuộc luận khi nhậu thường về những món ăn. Những cười mỉm bởi '' kiểu Bắc '' thì không có nghĩa là '' kiểu Hà Nội '', và vẫn thường kèm là những lời giải thích về sự khác biệt giữa cách dùng của người Hà Nội và của các miền quê. Đã có những anh em cứ trợn tròn mắt lên khi tôi mua rau rút (hay còn là nhút) về luộc lẫn với rau muống, chỉ bởi '' quê em không ăn thế ''... Thành ra, có lúc, tôi lại thành kẻ khó tính mỗi khi tổ chức những cuộc nhậu, bởi cách chọn đồ, cách nấu hoặc đơn giản, chỉ là cách uống.

    Sài Gòn, mảnh đất đã từng cưu mang tôi trong một giai đoạn khốn khó của cuộc sống. Từ trung tâm New World Hotel, đến Củ Chi, Bình Dương... Từ 30k/ly cafe ngồi cả sáng thêm 30k nữa cho 1 ly buổi chiều, tôi có một văn phòng mát rượi điều hòa, wifi lướt mạng và ghế dài êm ái để có thể ngủ trưa mà đến chiều khi tính tiền, nhận được một cái cười tươi rói và câu nhắn: Dạ, mai anh lại ghé... nhẹ nhàng và thoảng bẫng như không, đến những trưa nằm nghỉ ru võng đất Bình Dương...

    Lại nhớ, nhớ từ món cháo lòng má heo lần đầu tiên được thưởng thức khi chú em chở vòng vèo từ nhà đến quán, sâu lòng vòng để ấn tượng cho đến tận bây giờ. Để mà hẹn rằng, có dịp, sẽ lại tửu ẩm...

7 nhận xét:

  1. Khi nào em ra thì ticalonlon Chợ Bưởi phát nhóe, còn nếu anh vô thì chalonmahe lại hỉ :))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ticalolon chợ Bưởi giờ xưa như Diễm rồi chú Lãnh, ko thiếu chỗ ngon. Cứ ra là phục vụ tận răng :))

      Xóa
  2. Phong Ca dạo này viết khỏe ha ... Viết liên tục và bài nào cũng hay, mà Thụy thì bận quá, không rảnh để làm bài bình văn nào ... :D ... Em mà đọc một lần thì chưa ngấm, chưa thẩm thấu đủ để bình ...nhưng em mà bình, thì Phong Ca chỉ có nước ngữa mặt lên trời mà thốt lên câu nói của Cụ Nguyễn Tuân thôi đấy ... :D

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thoải con gà mái đi em. Cứ thoải mà bình đê. Câu nói dù sao cũng của cụ Nguyễn, còn cô Thụy chưa có '' sắc phong '' lên btv nên cứ vô tư đê, kkk...

      Xóa
  3. Hình như những bức ảnh được chọn lựa rất có chủ ý, nó góp phần làm nên sức nặng của ngôn từ trong bài viết này. happy
    Nơi tận cùng cảm xúc, vẫn là Hà Nội với những nét thanh lịch của đất và người. Bài viết làm mình nhớ đến một câu (không nhớ được cụ thể), nhưng đại ý là: người yêu quê thì sẽ nhớ quê ngay khi vẫn đang đứng trên mảnh đất ấy - đây có thể là một trong rất nhiều nét của MỘT NGƯỜI HÀ NỘI. big grin

    (mình viết sai chính tả ở trên nên xóa đi. Bạn xóa vĩnh viễn giùm nhé.:)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đang chờ Một người Hà Nội đây, kkk... :))

      Thank về những lời bình nhé, rất lắng và rất ''soi'' kkk.... :))

      Xóa
    2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa