Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Mùa sen.

    Như  là 1 sự bù trừ vậy, Hà Nội hè về rất nóng, cái nóng nhiều khi ngột ngạt đến khó thở, không gian như 1 sự cô đặc trong cái luyễn loãng đuyển đoảng của 1 vài cơn gió như chỉ để tạo cho người ta cơn cớ để mà hiểu rằng, không khí vẫn còn chuyển động đấy. Nhưng trong cái nóng đầy sự ẩm ướt đó, có 1 góc mát xanh trong 1 tầm không gian trải rộng, khoáng đạt của hồ Tây, những bản lá sen to rộng, đu đưa, ve vẩy, chồi bật lên những búp nụ hồng chúm chím đầy vẻ hàm tiếu. Sen hồ Tây.


   Vào những buổi sáng sớm, khi mà mặt trời còn đang uể oải chưa vươn mình mà hắt chiếu xuống mặt đất những tia nắng gắt, khi những bản lá sen còn đọng đầy sương đêm, thì những người chủ đầm đã hối hả thúc người nhà, người làm thuê ra đầm rồi. Sen hồ Tây ít thả mặt hồ, chỉ có 1 góc rất nhỏ thôi, còn chủ yếu sen được thả ở các đầm quanh hồ. Để mà thầu được 1 đầm, không phải chuyện đơn giản, cũng toàn phải tay máu mặt cả. Đầm để thả cá, theo câu: Thứ nhất thả cá, thứ nhì gá bạc, thì muốn thả sen, phải để qua 1 mùa. Người ta hay thả xuống đầm cá những gộc tre lớn, để cá buộc phải bơi nhiều, lượn lách nhiều thì cá sẽ ngon thịt. Nhưng những gộc tre đó, để vớt lên cũng không dễ và phải có thời gian. Nhưng nếu để thì thầu đầm nuôi sen mùa đó, cầm chắc là hỏng bét.



   Bởi sen cần bùn phải được tái tạo. Mà rễ sen mọc ra đâu có thể để những gộc tre kia tàn hại được. Bởi vậy, nói sự máu mặt của những người thầu đầm, là không những phải có thế có lực nhất định, mà còn phải là người hiểu biết về sen và tính khí của sen thì mới trồng nổi sen. Bởi thế, sen vốn thanh tao, tuy mọc từ bùn tanh nhưng lại có khí chất không tục lụy. Ở 1 bài viết có nhắc đến rượu sen và trà sen, tôi đã nói chút ít về cách chế biến sen và sự lựa chọn  người làm sen.



   Những người chế biến sen, bắt buộc phải là các bà đã qua thời phụ nữ. Đã rất sạch sẽ rồi. Điều này không lý giải được. Chỉ cần chưa sạch, chưa hết là hỏng sen ngay. Đàn ông cũng làm sen, nhưng không nhiều. Công việc chế biến sen để ngâm rượu, ướp trà thường dành cho các bà, tuổi đã qua cả xế chiều và chả còn vương vấn gì với tục lụy phụ nữ nữa, chỉ còn là hình hài bên ngoài mà thôi. Ở mấy đầm sen bây giờ, người ta vẫn bán trà sen theo ấm, thậm chí mua rượu sen cũng có cả bình 5 lít mang ra, nhưng đó chỉ là hàng chợ, hàng thứ phẩm mua vui. Chỉ để mua chỗ ngồi ngắm đầm, hòa mình tý chút với sắc thẫm của đầm ngát xanh, với những búp nụ để mà ồ lên khi phát hiện ra có 1 nhánh sen đôi nụ mọc trên 1 thân. Thứ trà đó uống nước đầu có vị sen thơm, nhưng nước 2 đã như nước lọc, chả bằng quán trà chén vỉa hè.



   Nhưng cũng là sự công bằng. Ngắm sen với khoảng không vây quanh bát ngát là đầm, vậy ngồi chỉ là cái cớ để mua chỗ với ấm trà, giỏ bánh chả mà thôi, chứ với ồn ào xô bồ vây quanh của những chuyện, những nhóm tụ 5 tụ 3, của những ríu rít thay quần đổi áo chụp hình, thu lấy những khoảnh khắc cho riêng mình, thêm những ngả nghiêng xem ngó những tấm hình vừa chụp, bình phẩm râm ran, thì cái sự thưởng thức 1 ấm trà sen hạng cực phẩm nó chẳng phải là sự lệch lạc sao.



   Uống rượu sen cũng vậy. Cũng phải uống trong sự bớt ồn ào, trong cái vui chuyện của 1 người đưa dẫn có khiếu nói năng và 1 tầm hiểu biết, sự hiểu biết về thập tam trại quanh hồ Tây, về các sản vật của vùng vốn rất dày về văn hóa của Hà thành xưa này. Hồ Tây với văn hóa ẩm thực, với văn hóa tâm linh là cả 1 câu chuyện dài với rất nhiều nét ngỡ ngàng, thú vị, đan cài cả những bi phẫn, đan xen những huyền hoặc và không thiếu những thi vị...



   Rượu sen trong những buổi hiếm hoi, trong 1 cái se giá của rét nàng Bân, thứ rét sót lại của mùa Xuân như 1 lần thêm nhắc nhớ rằng, hãy xoa xuýt nốt đi trong buổi ngồi hôm nay, bên 1 ven bờ đầm Trị, hay bên 1 bàn rượu nhỏ có đủ tứ quý, ở 1 nơi lán góc tre pheo giăng nóc, gió vẫn lùa khe khẽ qua những cổ áo kéo cao đóng kín, những khăn phu-la quấn sùm sụm, mà nhỏ nhẻ từng ngụm sánh óng màu mật ong, đưa thoảng hương sen qua khứu giác, bên 1 đĩa lạc rang vừa, giòn êm vị bùi, thêm 1 cá nướng lá sen...



   Mùa sen, tôi thường nếu được, hay mua sen dâng Mẫu Liễu phủ Tây Hồ. Mẫu đứng đầu các hàng Thánh trong văn hóa tứ phủ, nhưng Mẫu cũng được phong Phật, nên dâng Mẫu vốn chỉ dâng chay như cúng Phật vậy. Chỉ hiềm 1 nỗi, khó có thể mua được sen hồ, bởi giá đắt mà khó mua. Nhưng thôi, dâng Mẫu là dâng tâm, không được sen hồ thì sen ở các đầm ven ngoại đô cũng là sự thành tâm rồi.


   Mùa sen. Sen Hà Nội luôn gắn với những hè nắng oi ao và gắt nồng, nhưng cũng luôn đem lại cho tâm thức những hư hao về 1 cõi nhớ. Chả cần khi đi xa. Ngay cả khi qua đi những oi gắt nắng hạ, trong luôn 1 lòng phố, khi bất chợt nhận ra 1 cơn thoảng của heo may báo hiệu lập thu, cũng đã nhớ ngay đến những bản lá đang tàn héo trên những vùng mặt nước kia. Xa và nhớ.....

22 nhận xét:

  1. Nipem được tem vàng, chúc Tiêu huynh an giấc, còn mùa sen mai thong thả đọc nhen

    Trả lờiXóa
  2. Anh trả tiền bản quyền cho chị ấy chưa? ;)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị bạn này sắp làm bà ngoại rồi, nên khoản bản quyền trả chậm đến khi lên bà nội cũng được mà.

      Xóa
  3. Quả là rất đặc trưng cho Hà Nội anh há. Và cũng phải công nhận rằng chỉ có những người yêu quê hương tuyệt đỉnh như anh mới cảm thấy hết những vị giác như thế. Cuối tuần rảnh mà ở Thành phố Sài Gòn thì alo cho bọn em anh nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ừ, những đặc trưng theo mùa mà em. Thanks nhé. Nếu thèm rượu anh sẽ ới :)

      Xóa
  4. từng ngụm sánh óng màu mật ong, đưa thoảng hương sen qua khứu giác, bên 1 đĩa lạc rang vừa, giòn êm vị bùi, thêm 1 cá nướng lá sen
    -------
    Oaw... em cũng muốn nhậu

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi nào ra HN, nhớ đến hồ Tây hỏi rượu sen nhé Ru :), nhậu thoải mái :)

      Xóa
  5. Em viết rất hay, như một nhà văn ấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn chị. Vì chị nói nhớ sen Hà Nội, mà em cũng đang xa HN, nên viết cho chị và cả cho em nữa.

      Xóa
  6. Thụy đã được nghe một vài lần về Thập Tam Trại - 13 làng nghề phía tây Thành Thăng Long - cũng như đã được nghe về cách chế biến trà sen, rượu sen vô cùng cầu kỳ ... Nhưng Phong ca nói " Hồ Tây với văn hóa ẩm thực, với văn hóa tâm linh là cả 1 câu chuyện dài với rất nhiều nét ngỡ ngàng, thú vị, đan cài cả những bi phẫn, đan xen những huyền hoặc và không thiếu những thi vị..." nên em lại muốn được nghe câu chuyện dài đầy thi vị này ... ( Hì ... )

    Chúc anh ngày mới an lành !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chuyện về hồ Tây có nhiều mảng lắm. Nhớ cái gì viết cái đó thôi em. Chứ kể như sách, thì ra hàng, mua về đọc là biết ngay mà :)

      Xóa
    2. Cảm ơn Võ Mỹ Thụy giới thiệu cho mình một bài viết ở trang này thất hay và công phu trong cách viết. Và nhờ đây mình được biết thêm về mùa sen Hà Nội....Cảm ơn Tiêu Phong, Cảm ơn Võ Mỹ Thụy nhé! Thân!

      Xóa
    3. Cảm ơn anh. Em cũng chỉ là viết chơi thôi. Được bạn bè quý mến mà giới thiệu đến cả tác giả Kính vạn hoa qua cổ vũ thì vui gì bằng.

      Xóa
  7. Bác Tiêu Phong thân mến,
    Em chôm của bác Bài Góc Nhỏ Hà Nội về treo ở nhà vì bài rất hay. Cám ơn bác nhiều.
    Có bạn tên Hạnh vào đọc bên trang nhà em và phát hiện có vấn đề về tác giả tứ thơ. Bác đọc và xem lại nhé.
    http://trelangblogspotcom.blogspot.com/2013/06/goc-nho-ha-noi.html

    Bạn ấy còm thế này:

    hanh says: 16:08 20/06/2013 Reply
    Non Sông Gấm Vóc.rất đẹp,nhưng bác VHS nhầm tác giả của bài thơ Hoàng Hạc Lâu không phải là Tô Hiệu; cái này em trích dẫn các pác xem thử có đúng không
    " Hoàng Hạc Lâu là bài thơ nổi tiếng của Thôi Hiệu (崔顥), một nhà thơ thời nhà Đường. Tương truyền rằng, Lý Bạch khi đến Hoàng Hạc Lâu định làm thơ, đã thấy thơ Thôi Hiệu đề trên vách, đọc xong, vứt bút, ngửa mặt than rằng:

    Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
    Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu...


    Dịch nghĩa:
    Trước mắt thấy cảnh không tả được
    Vì Thôi Hiệu đã đề thơ trên đầu "

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn Vũ Hoàng Sơn thân mến.

      Đúng là Tiêu mỗ gõ nhầm. Là Thôi Hiệu. Nhưng chả hiểu sao đọc lại vẫn ko phát hiện ra mình gõ nhầm tên người :)

      Xóa
  8. Em chưa dc uống rượu sen bao giờ,
    và khi đọc "trong cái vui chuyện của 1 người đưa dẫn có khiếu nói năng và 1 tầm hiểu biết, sự hiểu biết về thập tam trại quanh hồ Tây, về các sản vật của vùng vốn rất dày về văn hóa của Hà thành xưa này. Hồ Tây với văn hóa ẩm thực, với văn hóa tâm linh là cả 1 câu chuyện dài với rất nhiều nét ngỡ ngàng, thú vị, đan cài cả những bi phẫn, đan xen những huyền hoặc và không thiếu những thi vị..." em lại tiếc bao nhiêu cái chuyến thăm HN hè này ko thực hiện dc, nhất là với lời hứa của một ng với sự hiểu biết....đến cỡ em ko tươn tượng dc...:))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rượu sen thì đến ngay cả những người biết và muốn uống cũng khó mà tìm được nếu không biết cách em à. Vì người ta ngâm ko phải để bán, nếu là ngâm thứ rượu đúng là cực phẩm.
      Cứ đi HN, em có thể tự khám phá HN mà :)

      Xóa
  9. Bên blog yahoo của em cũng có ENTRY " Hồn sen" đó Tiêu huynh. Nhớ sen HN thật.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh rảnh sẽ qua đó đọc nhé Lip. Đang bận quá. Cuối tuần vui vẻ nhé em.

      Xóa
  10. Anh bận rộn vậy thì thật tốt. Hì.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đôi khi, bận rộn chỉ là để nhắc mình đỡ thừa thãi thôi Lip à. Thế nên dù: Đời rất dở nhưng lắm lúc vẫn phải niềm nở :))

      Xóa