Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Bằng hữu.


     Cái gì trong cuộc sống làm nên ý nghĩa của nó. Bạn có thể có nhiều câu trả lời, tùy thuộc vào nhân sinh quan của mình và quan điểm của mình về ý nghĩa. Nhưng với tôi, tình bằng hữu là điều có ý nghĩa lớn. 



   Bạn sẽ nói, gia đình là nền tảng xã hội, nên điều đó có ý nghĩa. Không sai. Bạn cũng sẽ nói, quan hệ với bề trên, với các bậc sinh thành để đạt chữ hiếu đễ, kính trên nhường dưới, bởi câu '' Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ '', cũng chẳng sai. Bạn cũng sẽ nói, làm những điều có ích cho cuộc sống qua những công việc hàng ngày, những nghiên cứu mang lại phát minh cho nhân loại, lại càng chẳng sai, nhưng điều này nó cô đơn lắm. Bởi sáng tạo vốn là sự cô đơn.



   Và nhiều, nhiều những điều có thể nói lên ý nghĩa mà không thể phản bác được. Bởi cuộc sống là món quà lớn của tạo hóa ban cho con người, nên hiểu và làm những điều có ý nghĩa với cuộc sống là 1 sự tương tác trở lại với chính cuộc sống là điều tất nhiên. Nhưng trong suy tư của tôi, tôi muốn nói tới 1 khía cạnh làm nên ý nghĩa nhiều cho cuộc sống, đó là tình bạn, tình bằng hữu.



   Bạn có thể làm nhiều điều như trên, nhưng trước hết, bạn phải có bằng hữu. Có thể sống mà không có bằng hữu không, câu trả lời là có thể. Nhưng như thế, cuộc sống có ý nghĩa gì ??? 



     Không thể không có bạn, nhưng bạn như thế nào lại là chuyện khác. Bạn hay là bè ? Điều đó nó có ranh giới nhiều khi rất rõ ràng. Để có thể trở thành bằng hữu, không phải chuyện 1 sớm 1 chiều, mà điều đó phải được trải nghiệm qua năm tháng. Sự đến sớm đến muộn của giá trị bằng hữu, đương nhiên xuất phát từ sự hiểu biết lẫn nhau bằng trực giác, bằng việc làm cụ thể, và bằng vào tháng năm. Có thể quý mến nhau qua những lần gặp đầu tiên, và trực giác mách bảo về 1 sự quý mến có thể đi xa hơn trong quan hệ và trở thành bạn tốt, nhưng cũng có khi, chỉ là những thảng hoặc qua đường, hoặc chỉ dừng lại ở 1 sự quen biết có tính chất xã giao...



   Nhưng để trở thành bằng hữu, để có niềm tin nơi nhau, để có thể trở thành những chỗ dựa tin cậy, thì điều đó không dễ dàng. Bạn cũ như rượu lâu năm, để càng lâu uống càng ngon. Những người bạn chơi với nhau từ thuở thiếu thời, chia cái áo khoác lúc đông lạnh, hút cùng điếu thuốc lúc giá căm, cùng nâng chén rượu gạo nơi quán ga xô lệch và đầy phức tạp của xã hội khi đêm xuống, bởi chỉ có đủ tiền uống 1 chai rượu và 2 cặp chân gà, vào lúc 2h sáng, khi mà hầu hết các quán hàng đã đóng cửa và muốn uống, chỉ có cuốc bộ chứ không thể gọi xích lô... Những người bạn chỉ cần mình thèm rượu, lập tức đẩy nhanh cái dây chuyền bạc mấy chỉ ra hàng vàng, và ngày mai khi ông bô hỏi đến dây đánh cho khách đâu, thì sẽ nhăn nhở mà nói, con tiêu mất rồi, mặc kệ cho sự la mắng của bậc phụ huynh đáng kính vừa là cha, vừa là thầy dạy nghề bạc.



   Những người bạn mà chỉ cần biết mình có va chạm, không cần biết đúng sai, sẵn sàng ngồi chờ trước cổng trường hoặc '' Triệu Quang Phục '' kẻ thù của mình, để bổ cho cả cái ghế đẩu hàng nước vào đầu, hay cái điếu cày vào mang tai, hay khi sự va chạm đã đến hồi quyết liệt, sẵn sàng dắt dao thửa vào người đi tìm kẻ va chạm với bạn mình để chém... Những người bạn mà khi mình thất cơ, sẵn sàng ở bên mình hàng tháng giời để ăn cùng mâm, ngủ cùng giường và nhắc mình uống thuốc... Những người bạn như vậy, tình bằng hữu xả thân như vậy, chỉ có thể có từ những tháng năm khi ta còn trẻ, và cho đến khi ta đã qua cái nông nổi thiếu thời, đi vào tháng năm của '' bất nghi hoặc '', và vẫn còn có thể nghĩ về nhau như những sự dịu nhẹ và đầy thân thiết, ấm áp. Có thể cả năm chả gọi cho nhau lấy 1 cuộc điện thoại, trừ vào dịp Tết. Có thể hàng tháng giời mới ới 1 câu vu vơ '' tao đang uống rượu, mày rảnh ra đây '', hay chỉ là 1 câu chọc chạch '' ku đang đâu đấy, cafe XYZ đi ''... Nhưng tình bằng hữu vẫn còn nguyên, bởi không cần điện thoại nhưng vẫn có thể biết về nhau, tường tận. Và biết rằng, sự tin tưởng là tuyệt đối.



   Trong những câu chuyện của Cổ Long, tình bằng hữu luôn được ông nhắc đến như 1 sự không thể thiếu. Tình bằng hữu luôn là sự trung thành với nhau. Hoa Mãn Lâu với Lục Tiểu Phụng, Lục Tiểu Phụng với ông chủ bà chủ, Lục Tiểu Phụng với Tây Môn Xuy Tuyết. Hoặc như Đạo soái Sở Lưu Hương, chàng lãng tử thích can thiệp vào việc bất bình của kẻ khác, gọi là Đạo soái, bởi khả năng lấy đồ trong túi kẻ khác, còn tinh vi hơn cả nhân vật Tư Không Trích Tinh. Trích Tinh tức là lấy cả sao trên trời còn được thì thá gì đồ của người khác, nhưng so với biệt tài của chàng họ Sở thì có lẽ còn thua 1 bậc. Sở Lưu Hương cũng vậy, cũng có những người bạn rất tốt như Hoa Hồ Điệp Hồ Thiết Hoa, Phó Hồng Tuyết và Trung nguyên Nhất điểm hồng.


   Trong Anh hùng vô lệ, Cổ Long cũng nhắc đến sự trung thành, qua nhân vật Đinh Hài với Châu Mãnh, hoặc thấp hơn 1 chút như A Căn với Tư Mã Siêu Quần. Những Đinh Hài với A Căn, đều trung thành với chủ, với những anh hùng như Châu Mãnh và Tư Mã, và đều từ khi những vị anh hùng này bắt đầu khởi nghiệp. A Căn chỉ gọi Tư Mã Siêu Quần là '' lão tổng '', 1 danh xưng từ khi họ Tư Mã bắt đầu khởi nghiệp tiêu đầu, tức là bảo tiêu hàng hóa. Còn Đinh Hài cũng vậy, sẵn sàng bán mạng cho Châu Mãnh, bị chém đứt 2 tay 1 chân vẫn lăn xả, trước khi chết bị chém đứt mũi, dứt mũi cho vào mồm nuốt, rồi quay đao đâm chết nốt một mạng rồi mới chịu ngã xuống. Đinh Hài với sự trung thành của mình, cũng là 1 anh hùng. Chí khí anh hùng. Những người đi theo anh hùng, cũng phải là những người có khí chất anh hùng.

   Trong Lộc đỉnh ký, tác phẩm '' gác bút phong đao '' của Kim Dung tiên sinh, Vi Tiểu Bảo là 1 nhân vật đầy thú vị. Một kẻ xuất thân hạ lưu, là con của 1 kỹ nữ nên từ bé đã nhiễm đủ thói xấu cũng như các trò hạ lưu của giới lầu xanh, nhưng cũng lại vô tình trở thành thái giám (không hoạn) rất xảo hợp, là bạn của Khang Hy hoàng đế, là học trò của Trần tổng đà chủ của Thiên Địa hội, tổ chức đối lập với triều đình. Trò làm quan xảo trá thế nào, trá ngụy ra sao cứ xem Vi Tiểu Bảo ứng xử nơi triều đình khắc rõ. Nên sự xảo hợp của trò hạ lưu kỹ viện lầu xanh lại tương đắc với trò gian trá nơi triều đình cũng là nét khắc họa thú vị cho nhân vật này. Vi Tiểu Bảo tham tiền đương nhiên, nhưng lại rất rộng rãi phóng khoáng. Không biết võ công nhưng sẵn sàng dùng thủ đoạn để chiến thắng mà không hề áy náy, dù là thủ đoạn hạ lưu. Rất mê gái, bị gái lừa cũng nhiều nhưng không bao giờ lăn tăn. Nói tục chửi bậy như ranh nhưng người đọc không thấy khó chịu với câu cửa miệng '' Con mẹ nó ...''. Đặc biệt, điều đặc biết nhất ở tính cách Vi Tiểu Bảo, là dù rất gian ngoan và xảo quyệt có thừa, nhưng Vi Tiểu Bảo là người rất nghĩa khí và rất trọng chữ tín với bạn bè, bất chấp mọi thủ đoạn miễn đạt được mục đích nhưng không bao giờ bán đứng bằng hữu.

   Vi Tiểu Bảo là 1 khắc họa rất đời về tính cách con người của Kim Dung, 1 tuyệt bút của ông về tính cách. Sự nổi bật của sự tôn trọng bằng hữu, không bao giờ bán đứng bạn bè, thà bỏ hết địa vị cao sang nơi triều đình để không phản lại Khang Hy, thà bỏ hết địa vị rất cao trong Thiên Địa hội để không bán đứng Trần tổng đà chủ cũng như các huynh đệ Thiên Địa hội. Vi Tiểu Bảo có gian nhưng không ác. Thích gái đẹp nên lấy cả 7 cô vợ và không bỏ bất kỳ cô nào, dù hoàn cảnh có ra sao cũng bất chấp. Một điển hình của tính cách chân tiểu nhân. Chân tiểu nhân như vậy còn anh hùng hơn gấp vạn lần kẻ ngụy quân tử '' Quân tử kiếm Nhạc Bất Quần '' trong Tiếu ngạo giang hồ, kẻ sẵn sàng hy sinh cả vợ con, cả đến chính bản thân, tự cung (tự hoạn) để đạt cho bằng được địa vị võ lâm minh chủ. Đọc Kim Dung, mới thấy những tính cách ngụy quân tử nhan nhản ngoài xã hội, nhưng những tính cách chân tiểu nhân thì lại ngày càng hiếm. Âu cũng là 1 cách dạy đời của Tra tiên sinh (Kim Dung tên thật là Tra Lương).

   Vậy nên, đã là bằng hữu, đã xưng bằng hữu, thì âu chăng hãy cố để sống với 2 chữ đó cho xứng đáng. Thà hãy nói rằng, chỉ là yêu mến nhau qua quen biết, sẽ hy vọng tình bằng hữu đó sẽ là sự đậm đà để là bạn của nhau, chứ đừng nói khơi khơi nơi cửa miệng là sự yêu mến, nhưng trong bụng thực chất tích đầy mưu toan. Đời này, ai chả có tính vụ lợi riêng tư, nhưng hãy bỏ qua cái đó khi nhắc đến 2 chữ bằng hữu. Bằng hữu được đo bằng tình cảm và hành xử qua tháng năm, chứ đâu bằng câu chữ hay những behavier của bên ngoài, với những sự sơ sài của biểu hiện mà chủ nhân, với những tầng văn hóa và xuất phát điểm khác nhau, dễ đem lại cho nhau những ấn tượng. Để nói lên với 1 người rằng, đó là bạn tôi, không phải điều dễ dàng gì.

   Bằng hữu, đó là sự tôn trọng lẫn nhau của các chủ thể. Bằng hữu, không có nghĩa cứ luôn quan hoài đến nhau với những hành động cụ thể nào đó, mà sẽ gây ra những nghĩ suy là đụng chạm đến sự riêng tư của nhau. Bằng hữu, đó là luôn sát cánh, kể cả âm thầm và lặng lẽ, kể cả ồn ào náo nhiệt, nhưng hãy là sự chân thật và tôn trọng khoảng cách. Bằng hữu, không hẳn là không bao giờ dấu giếm, nhưng hãy là sự tôn trọng khi thừa nhận những điều không tốt của mình, bởi sự đàng hoàng. Đàng hoàng không có nghĩa luôn phải là người tử tế không vết nhám. Tròn trịa như hòn bi trái bóng thì đâu có gì thú vị, bởi nhìn góc nào chả vậy. Nhưng cần nhớ 1 điều, trái bóng thì hình tròn, nhưng không phải hình tròn nào cũng là trái bóng.

   Bằng hữu, là biết cách quan tâm và bảo vệ lẫn nhau, bằng cách này hay cách khác. Một người xấu cũng có bằng hữu của mình. Đó là luật đời nên mới có câu Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Một người xấu về 1 nết cách, cũng không hẳn đã là xấu tất khi trong cái xấu vẫn thể hiện được sự đàng hoàng. Một người xấu theo 1 nghĩa đen nào đó, theo cách xã hội chính thống nhìn nhận, cũng chưa chắc đã không thể kết bạn, khi người đó cũng có những sự khoáng hoạt trong tính cách. Tôi có thể kết bạn với nhiều người, nhiều hạng người, nhưng tôi không kết bạn với kẻ hèn. 

   Và chắc sẽ có nhiều người hỏi, vậy thế nào là hèn ??? Tôi sẽ nói, chắc chắn trong cuộc đời mình, sẽ có nhiều người gặp những kẻ có đủ tư cách được gọi là hèn, bởi những hành động của họ mà chỉ chính mình nhìn nhận. Nếu bạn chưa gặp, bạn là người may mắn. Xấu xa gian hoạt như Vi Tiểu Bảo, cũng không bao giờ là hèn. Vuốt râu thư thái đạo mạo tiên phong như Nhạc Bất Quần thì cũng không gọi là hèn, mà chỉ là ngụy quân tử. Nhưng ngụy quân tử hay tính cách hèn kém, cũng đều không nên kết bạn.


28 nhận xét:

  1. Ái chà ...tâm trạng thế Phong Ca ? Hì ...

    Nhưng entry dù dài vẫn rất mạch lạc. Phong ca "thấm" Kim Dung
    ghê ha ...

    Thụy thích nhất đoạn nói về Vi Tiểu Bảo :

    "...Thích gái đẹp nên lấy cả 7 cô vợ và không bỏ bất kỳ cô nào, dù hoàn cảnh có ra sao cũng bất chấp. Một điển hình của tính cách chân tiểu nhân. Chân tiểu nhân như vậy còn anh hùng hơn gấp vạn lần kẻ ngụy quân tử '' Quân tử kiếm Nhạc Bất Quần '' trong Tiếu ngạo giang hồ, kẻ sẵn sàng hy sinh cả vợ con, cả đến chính bản thân, tự cung (tự hoạn) để đạt cho bằng được địa vị võ lâm minh chủ..."

    Một chân tiểu nhân đáng kính, dám làm dám chịu...

    Mà thôi, em đi ngủ đây ( đọc xong rồi )

    Chúc Phong Ca ngày mới thắng lợi mới ... Hì ...


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thức hơi khuya đấy. Định làm vạc đêm sao đó em?

      Anh cũng thích Vi Tiểu Bảo, nhưng cái vụ 7 vợ này của hắn thì anh phải thừa nhận là anh không thể có bản lĩnh bằng 1/7 hắn :))

      Xóa
  2. Trong cuộc đời, với em, chỉ cần 1 người bằng hữu thật sự là đủ.
    Bè thì nhiều, bạn thì....chắc đếm trên đầu ngón tay . cũng như anh thôi. Viết blog để bày tỏ tâm tư, có người chia sẻ cũng vui. Nhưng rồi, cuối cùng cũng tự một mình giải quyết, có buồn mấy cũng tự mình ngồi với chính mình thôi.

    Đúng như Ca nói, kẻ xấu có bạn của kẻ xấu, không ai là không có bạn cả. Nhưng bạn với ...Nhạc Bất Quần thì... ai sao em hổng biết, em hổng đủ bản lĩnh, nên chắc đứng xa tám trượng vẫn hơn.

    Em thích có 1 tri kỷ hơn là 1 người yêu. Tri kỷ thì không bỏ ta đi, còn người yêu thì...hên xui, khi thăng khi giáng. Hì hì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là ở đời, chỉ cần 1 bằng hữu thật sự là đủ ấm áp rồi. Cái sự viết, là viết cho mình. Trong dòng cuốn đời này, cần có 1 sự giải tỏa, 1 phương pháp lấy lại cân bằng, mà anh nghĩ rằng viết là 1 phương cách tương đối hữu hiệu.

      Chốt: Tiếc là ở đời, loại ngụy quân tử như Nhạc Bất Quần thì đầy rẫy. Vậy nên, sự tỉnh táo khi giao kết cũng lại là do mình. Cũng là sự tự bảo vệ.

      Xóa
  3. Phải công nhận anh Tiêu Phong phân tích quá tuyệt luôn đấy. bằng hữu trong đời thật khó kiếm. Nhưng ngụy quân tử thì trong cái xã hội này đầy rẫy anh há. Chúc anh ngày mới an vui nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thanks BN nhé.
      Chúc em tránh xa những Nhạc Bất Quần nhé :))

      Xóa
  4. sao anh viết về cái gì cũng cặn kẽ, sâu sắc vậy???

    Trả lờiXóa
  5. Vậy một người có sự hiểu biết uyên sâu có thể làm bạn với 1 người hiểu biết bt , hay là khiêm tốn k anh nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ai chả làm bạn được với nhau. Chỉ đừng là như trái bóng, tròn quá lăn nhanh và khó tóm bắt. Bạn với người như thế chả có gì thú vị cả.
      Khi 1 nhà bác học làm bạn với 1 anh nông dân, thì nhà bác học cũng học được từ anh nông dân những điều chân thật, thậm chí là ngây ngô với những kho kiến thức bác học, và điều đó cũng là 1 khía cạnh thú vị của cuộc sống. Còn anh nông dân, đương nhiên cũng sẽ học được nhiều từ phía nhà bác học. Đó là sự tương tác trong cuộc sống.

      Xóa
    2. Chỉ đừng là như trái bóng, tròn quá lăn nhanh và khó tóm bắt. Bạn với người như thế chả có gì thú vị cả"
      Cái câu nỳ hay ghê anh ạ! chí lý ! chí lý!

      Xóa
    3. Hay thì vỗ tay chứ nào :))

      Xóa
  6. Trang sang tham Tieu Phong ...chuc ban luon co nhieu nieu vui trong cuoc song....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Trang nhé. Luôn vui vẻ là lời chúc luôn cần thiết phải không. Thanks again.

      Xóa
  7. Để có thể trở thành bằng hữu, không phải chuyện 1 sớm 1 chiều, mà điều đó phải được trải nghiệm qua năm tháng. Sự đến sớm đến muộn của giá trị bằng hữu, đương nhiên xuất phát từ sự hiểu biết lẫn nhau bằng trực giác, bằng việc làm cụ thể, và bằng vào tháng năm. Có thể quý mến nhau qua những lần gặp đầu tiên, và trực giác mách bảo về 1 sự quý mến có thể đi xa hơn trong quan hệ và trở thành bạn tốt, nhưng cũng có khi, chỉ là những thảng hoặc qua đường, hoặc chỉ dừng lại ở 1 sự quen biết có tính chất xã giao...
    ..............
    Em lúc nào cũng luôn thích các bài viết của anh. Ngày vui anh nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Ru. Dạo này bận bịu quá nên ít thấy bài hả. Em cũng thế, vui vẻ và bình yên nhé.

      Xóa
  8. Em đọc đi đọc lại xong rờ trán phát, thấy trong cuộc sống thường nhật, thi thoảng cũng ngụy quân tử chút đỉnh, còn lại thì thấy mình toàn là quân tử...tàu. ha ha :))
    Bác còn ở trỏng hem?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế là anh em mình giống nhau đới, tuồng 1 loại chân tiểu nhân, nhể :)), khà khà...

      Chú Thiên có khi nào củ lạc vào Sài, ới anh phát nhé, nhậu bữa. Anh vẫn đây.

      Xóa
  9. Haiza...
    Đọc bài này kết quá cơ! Chuẩn không cần chỉnh.
    Cô nương em có được vài ba tình bạn quý hiếm, và cố giữ tình bạn ấy, cảm thấy đó như báu vật của mình. Thích lắm.

    Trả lờiXóa
  10. Chắc lại nhớ Đoàn Dự rồi !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, nhớ thêm cả Hư Trúc hòa thượng nữa bác ạ :))

      Xóa
    2. Hư Trúc nay đã có công chúa Tây hạ, họ Đoàn thì nữa bước cũng không rời Vương ngọc Yến.
      Chỉ Tiêu tráng sĩ cô đơn ngồi nhớ bằng hữu thôi, chức mừng !

      Xóa
    3. Ăn mày thì chỉ làm bạn với bị gậy, nhưng có cái thú của bị gậy, khà khà khà...:))

      Chỉ cần cứ có Hoàng Dung nấu ăn với chuẩn bị rượu, thì Hư Trúc cứ thoải con gà mái bên công chúa, Vương Ngữ Yên cứ tha hồ đọc kinh kiếm cho Đoàn lão đệ, bác ạ. Nhưng lúc bọn chúng chán girl, bọn chúng ắt lại phải nhớ đến rượu, mà nhớ cái món đấy, bọn chúng lại quay về với Tiêu mỗ, khà khà khà...:))

      Ít giờ nữa là tuần mới, chúc bác thật an lành. Kính bác.

      Xóa
  11. Mặc thiên hạ cứ đổ xô đi thoải mái, Bang chủ cứ ung dung "chỉ còn ta với nồng nàn" và thoải. . . trống hehe. tuần mới lên. . đô nhe!

    Trả lờiXóa