Thứ Tư, 17 tháng 11, 2010

Đăng bài, rút tít về Viện NC Dư luận XH

“Nửa kín, nửa hở” về chuyện "đo" bức xúc của dân

"
Chúng tôi “quét” hết tất cả các thông tin về các vấn đề trong xã hội, có các phòng chức năng để nghiên cứu từng loại vấn đề: Người dân nghĩ gì? Nói sao? Ở đâu xảy ra chuyện gì? Tầng lớp nào bức xúc cái gì?..."

PGS.TS Vũ Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) trò chuyện về công việc của mình.
Dư luận, bức xúc, căng thẳng được "đo" thế nào?

PGS. TS Vũ Hào Quang
 
- Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội đã ra đời khá lâu, nhưng có lẽ gần đây người ta mới biết nhiều thông tin về nó. Ông có thể nói qua vài nét về Viện?
- PGS.TS Vũ Hào Quang: Viện này do Ban Bí thư cho phép thành lập, nhằm nghiên cứu những luồng dư luận trong các tầng lớp xã hội và được phép báo cáo thẳng lên cơ quan cao nhất của Đảng là Ban Bí thư và Bộ Chính trị.
Có hai loại báo cáo: Loại thứ nhất là báo cáo nhanh, mang “tính rộng” tới Chủ tịch nước, một số bộ trưởng hoặc một số thứ trưởng (không phải là tất cả).
Loại báo cáo thứ hai là dạng báo cáo mang “tính chất hẹp” dạng tuyệt mật, thì báo cáo trực tiếp lên đồng chí Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư để đồng chí báo cáo lại với Bộ Chính trị.
Viện này ngang các Vụ, nhưng chỉ có Viện này mới được báo cáo Bộ Chính trị mà không nhất thiết phải qua Ban Tuyên giáo TƯ, mặc dù nó trực thuộc Ban Tuyên giáo TƯ.
PGS.TS Vũ Hào Quang
- Sinh 1954, Quê: Nam Định
- 1977-1983: Đại học Tổng hợp Tashkent (Liên xô, cũ)
- 1990-1991: Cao học tại Đại học Lublin (Ba Lan)
- 1991-1994 : Bảo vệ tiến sĩ tại Đại học Lomonoxop
- 1994-2001: Làm việc tại khoa Xã hội học – Đại học KHXH&NV HN
- Từ 27-12-2007 đến nay: Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương)
- Nghiên cứu dư luận, nhưng cụ thể là nghiên cứu về cái gì, thưa ông?
- Chúng tôi “quét” hết tất cả các thông tin về các vấn đề trong xã hội. Viện có các phòng chức năng để nghiên cứu từng loại vấn đề: Người dân nghĩ gì? Nói sao? Ở đâu xảy ra chuyện gì? Tầng lớp nào bức xúc cái gì? Nguyên tắc của chúng tôi là trao đổi và thăm dò, nhưng không bao giờ nêu tên.
Chúng tôi tiếp nhận mọi luồng dư luận, kể cả từ thế lực phản động… và không hề có chuyện quy kết. Trên cơ sở những luồng ý kiến đó Viện sẽ tiến hành phân tích.
Chúng tôi muốn lắng nghe tất cả mọi ý kiến từ thượng vàng hạ cám: bức xúc về cắt điện, nước; giá cả leo thang làm đời sống nhân dân khó khăn… để phản ánh lên những lãnh đạo cao nhất của Đảng từ đó có những điều chỉnh kịp thời.
- Công việc hàng ngày của ông, với tư cách là một Phó Viện trưởng, là gì?
- Lãnh đạo Viện có 3 người. Riêng tôi phụ trách mảng nghiên cứu khoa học và đào tạo. Công việc chủ yếu của tôi là tham gia vào công tác đào tạo cán bộ, tổ chức những cuộc khảo sát.
Năm nay chúng tôi có 13-14 cuộc khảo sát (bình quân mỗi tháng có hơn một cuộc). Thông tin về kết quả của các cuộc khảo sát này thường ở dạng mật, không công bố, mà chủ yếu là để báo cáo lãnh đạo, mà cao nhất là Ban Bí thư và Bộ Chính trị.
Tôi thường tham gia khảo sát ở từng địa bàn với anh em, với từng chủ đề cụ thể… rồi về viết báo cáo. 14 cán bộ của Viện làm việc không ngừng.
- 14 nhân viên mà khảo sát dư luận của cả xã hội, liệu có kham nổi không, thưa ông?
- Ngoài các báo cáo của chúng tôi, thì thường có các báo cáo của cộng tác viên. Chúng tôi có một đội ngũ đông đảo cộng tác viên, ở hầu hết các cơ quan chủ chốt. Một dạng là công khai, và một dạng là không công khai (người nào được giao thì chỉ người ấy biết – gọi là cộng tác viên đơn tuyến). Cộng tác viên của ai thì chỉ có người ấy mới được biết.
Những thông tin thu nhận được sẽ được trao đổi một cách thẳng thắn với lãnh đạo Viện, để báo cáo lên cấp trên. Chúng tôi không loại trừ bất cứ vấn đề nào, kể cả những bức xúc về kinh tế, chính trị, tôn giáo…
Chúng tôi muốn lắng nghe tất cả mọi ý kiến từ thượng vàng hạ cám: bức xúc về cắt điện, nước; giá cả leo thang làm đời sống nhân dân khó khăn… để phản ánh lên những lãnh đạo cao nhất của Đảng từ đó có những điều chỉnh kịp thời..."
- Xin hỏi thật ông, có bao giờ ông cảm nhận được cảm giác: liệu có người nghĩ rằng Viện này na ná một cơ quan mật vụ không?
- Nhiều người hiểu sai như vậy đấy. Chúng tôi khẳng định là Viện Nghiên cứu Dư luận là một cơ quan nghiên cứu khoa học nghiên cứu về dư luận, tìm hiểu một cách khoa học về thực tại của đời sống xã hội; tiếp nhận tất cả các ý kiến phản biện để giúp cho Đảng và Nhà nước nhìn thấy rõ hiện thực của các chính sách, chủ trương, nghị quyết… đã đi vào đời sống của người dân thế nào. Có gì chưa tốt để có thể tìm hướng khắc phục. Viện này rất gần với nhân dân.
Đừng ngại là chúng tôi thu thập thông tin của người nào đó, rồi về theo dõi họ. Hoàn toàn không có chuyện đó. Điều đó ngược với chức năng của Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội.
Chúng tôi nghe mọi ý kiến để nắm bắt được tâm trạng và suy nghĩ của mọi tầng lớp nhân dân: vui, buồn hay khủng hoảng ra sao?! Đây là cơ quan nghiên cứu duy nhất của Đảng về dư luận. Đóng góp cho Đảng những ý kiến trung thực nhất để góp phần làm xã hội tốt đẹp hơn!
- Lại xin hỏi ông một câu… thật hơn: Từ cương vị Trưởng khoa Xã hội học của trường Đại học KHXH&NV HN, bỗng chuyển sang làm Viện phó của viện này, bạn bè có dè dặt khi nói chuyện với ông?
- Tôi được các giáo sư rất tin. Người ta biết tôi làm Viện này, và người ta không có cảm giác phải e ngại, hay sợ sệt tôi. Khi có một sự kiện gì lớn, vì dụ: việc bắt các nhà báo, hoặc các sự kiện về tôn giáo… thì họ gọi điện cho tôi để chia sẻ quan điểm và tâm tư. Tôi rất vui vì điều đó.
- Có khi nào đó sau khi điều tra thấy dư luận rất bức xúc về một vấn đề nào đó. Nhưng vì sợ nói thật quá với cấp trên, “không phải đầu cũng phải tai”, nên trong báo cáo các ông phải “giảm áp” cho tình hình?
- Có lẽ với bản lĩnh của chúng tôi thì chắc chắn không có chuyện đó. Chúng tôi là những người khá từng trải, và được các lãnh đạo tin tưởng.
Chúng tôi không sợ bị quy kết là chao đảo lập trường, vì trong chức năng của Viện, nó được quyền nói (kể cả những luồng thông tin ngược). Nhưng điều tất nhiên là các thông tin đều phải qua bộ lọc của chúng tôi.
Chúng tôi là những nhà khoa học, có kinh nghiệm, nên dứt khoát là phải lọc tin… Các lãnh đạo không thể đọc hết mọi tin tức được.
- Có khi nào, sau khi đọc bản báo cáo của ông xong, một lãnh đạo nào đó đã gặp sự phản ứng ngay không?
- Không. Những báo cáo mà tôi viết thì không thấy có phản ứng.
- Làm ở Viện này, có lúc nào đi “hỏi thăm” những bức xúc của người dân, mà để lại ấn tượng khó quên trong ông?
- Có thể nói kỷ niệm thì nhiều lắm. Khi tôi đi qua 42 Nhà Chung, thấy bà con công giáo nhốn nháo, tụ tập đông người… Tôi tự đặt câu hỏi về nguyên nhân tại sao lại có chuyện đó? Có phải thuần túy đó là vấn đề họ chống lại Đảng, Nhà nước không? Tôi luôn tự đặt cho mình những câu hỏi và tự phản biện với mình như vậy.
Tôn giáo là một trong những vấn đề rất phức tạp, nên đòi hỏi cần tiếp cận nghiên cứu một cách khoa học và nghiêm túc, cẩn trọng. Những lần khảo sát thực tế như vậy, chúng tôi đã phân tích vấn đề dưới góc độ xã hội học và tâm lý học, và thấy được nguyên nhân của nó một cách khoa học, từ đó có thể đề đạt những cách giải quyết vấn đề một cách hợp lý nhất.
Xin nói “nửa kín, nửa hở” với anh rằng, Viện đã có quan điểm đóng góp với các lãnh đạo về cách xử lý một số vấn đề căng thẳng. Tôi cho rằng các đóng góp đó đã góp phần rất lớn vào các thành công trong việc xử lý các va chạm. Hiện nay căng thẳng giảm đi rất nhiều.
…Và "biểu đồ bức xúc"
- Tự dưng tôi liên tưởng việc những người làm nghiên cứu dư luận là những người “mang” cái “máy đo” đi đo các bức xúc của xã hội; như thế liệu họ có chịu áp lực nào không?
- Người nghiên cứu xã hội học bao giờ cũng chú ý đến tính chất khách quan và tính chất thực chứng của sự kiện. Nên áp lực của nó đỡ hơn so với những người nghiên cứu tâm lý học.
Trong Viện chúng tôi có hai trường phái: Một trường phái là xã hội học, và một trường phái nữa là tâm lý học. Tôi luôn dặn anh em làm xã hội học khi nghiên cứu dư luận là không được vui quá, không buồn quá, không lạnh nhạt, không vô cảm trước mọi vấn đề… Phải nhìn sự vật thật tường tận.
- Về mặt khoa học, khi nghiên cứu tần suất của các bức xúc xã hội, ông nhận thấy nó đang diễn biến theo biểu đồ dạng nào?
- Có thể nói tần suất căng thẳng, hay trạng thái căng thẳng xã hội xuất hiện theo những vấn đề xã hội. Ví dụ như năm nay (đặc biệt là 6 tháng đầu năm nay) bức xúc và căng thẳng tăng hơn năm ngoái nhiều, mặc dù năm ngoái chúng ta bị thiên tai ảnh hưởng khá nặng đến đời sống người dân.
Năm nay chúng ta phải chịu áp lực từ các vấn đề về kinh tế tài chính (có tính chất toàn cầu). Chúng ta bị ảnh hưởng tương đối trực tiếp từ việc gia nhập WTO, và xu hướng toàn cầu hóa. Giá xăng dầu tăng là một ví dụ điển hình, nó ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Căng thẳng xã hội bám sát với thị trường. Khi căng thẳng xã hội gia tăng, đời sống nhân dân giảm đi, thì có thể thấy được một điều khá rõ ràng là các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước sẽ nổi lên.

- Trong các bức xúc thì bó bức xúc nào là lớn nhất?

- Như tôi đã nói ở trên, bức xúc hàng đầu vẫn là kinh tế, giá cả hàng hóa… Người dân cần một biện pháp điều hành nhanh nhạy hơn, phù hợp hơn. Chúng tôi phản ánh chính cái đó…
- Sau bức xúc về kinh tế, thì xã hội bức xúc về chuyện gì, thưa ông?
- Xã hội có rất nhiều bức xúc, nhưng những bức xúc đó gắn chặt trước tiên với các nhu cầu kinh tế, sau đó mới là chuyện về văn hóa – tinh thần. Người dân khá bức xúc về việc một nhóm người giàu lên khá nhanh chóng bằng cách chụp giật, tham ô, bất chính. Bộ phận này chiếm tương đối. Các cán bộ hưu trí đặc biệt bức xúc về vấn đề này.
- Trong các nghiên cứu về căng thẳng xã hội, thì ông thấy căng thẳng nhất trong giới sinh viên hiện nay là gì?
- Nói thật, chúng tôi chưa có nhiều thông tin về sinh viên, có lẽ do đội ngũ cộng tác viên chưa đủ. Một trong những điều chúng tôi nắm được là việc sử dụng bằng cấp giả hiện nay.
Người học giỏi và học thật thì lo lắng ra trường không có việc, còn người học giả hoặc học dốt thì nghiễm nhiên có việc làm. Đó những bức xúc rất lớn trong sinh viên mà chúng tôi biết được.
Sinh viên hiện nay có 2 dạng rõ rệt nhất: một dạng là rất có hoài bão, sống có ước mơ lớn; còn một bộ phận chạy đua thành tích trong học tập, bằng cấp.
- Có bao giờ, về nhà thấy bà xã bức xúc về một vấn đề nào đó trong xã hội (chẳng hạn chuyện giá cả các mặt hàng tăng…), ông đã nghĩ đến một vấn đề bức xúc trong xã hội…?
- Có chứ. Từ đó mình phải biết cảm thông. Vợ kêu và tác động đến mình. Và chính vì điều đó đã thúc giục tôi tìm hiểu xem có bao nhiêu người khó khăn như gia đình mình, có bao nhiêu người không bị ảnh hưởng vì sự leo thang giá cả… Vì thực tế, có nhóm xã hội không bị ảnh hưởng khi giá cả tăng, nhưng nhóm khác lại bị ảnh hưởng rất nặng…
- Được biết ông đang có 2 người con đang đi học. Ông thấy dư luận thế nào trong gia đình mình (vợ, con…) về chuyện học phí nói riêng, và chất lượng nền giáo dục nói chung?
- Trong trường hợp học phí tăng, gia đình tôi lại thuộc nhóm xã hội không bị ảnh hưởng. Vì là đối tượng ưu tiên, tôi là thương binh, con tôi không phải đóng học phí; con tôi học trường ĐHKHXH&NV nên nhận được sự ưu tiên của nhà trường (nơi tôi đã và vẫn đang dạy).
Nhưng thông tin mà tôi biết, đại đa số xã hội rất không ủng hộ việc tăng học phí, dư luận phản đối kể cả chuyện thi gộp 2 kỳ thi trung học phổ thông và đại học làm một. Cái này chúng tôi cũng có ý kiến lên cấp trên.
- Cảm ơn ông đã trả lời phóng viên!
Lê Ngọc Sơn (thực hiện)

PHẢN HỒI CỦA ĐỘC GIẢ
(khi bài còn đăng trên VNN)
Họ và tên: Minh Khoa Địa chỉ: Quận Thanh Khê - ĐN Email: dmthe@vdc.com.vn
Qủa là một cuộc phỏng vấn đầy lý thú: Cái lý thú nhất là từ trước tới nay tôi chưa được biết có một Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội như trong bài phỏng vấn. Nhưng tôi cảm thấy vui hơn, tin hơn khi được biết điều này. Tôi cũng rất mong muốn Quý Viện hãy quan tâm hơn nữa đến dư luận xã hội, nhất là người dân. Vì hiện nay rất nhiều điều bức xúc về mọi vấn đề xã hội: Kinh tế, giáo dục, y tế, tệ nạn xã hội, tệ tham nhũng v.v... vẫn còn tiếp diễn ngày càng phức tạp, nó làm cản bước tiến của toàn xã hội. Những cơ quan cấp trên cần được biết một cách chính xác, cụ thể, từng thời điểm những thông tin về bức xúc trong xã hội mới có thể đưa ra được những đường hướng đúng nhằm phát triển đất nước một cách bền vững về mọi mặt.
Xin cảm ơn bài phỏng vấn của tác giả Lê Ngọc Sơn.

Họ và tên: Thanh Bình Địa chỉ: 21 Lê Trung Đình, Huế Email: sweet_and_bitter_forever@yahoo.com
Đọc xong bài này tôi vừa mừng vừa ngạc nhiên. Việc đo lường dư luận xã hội đã có từ rất lâu rồi. Điều này được bắt nguồn từ hàng loạt các học thuyết kinh tế -xã hội nhấn mạnh đến vai trò của người dân trong phát triển.

Tôi mừng vì lãnh đạo đất nước đã chủ động lắng nghe các bức xúc của dân. Nhưng cũng ngạc nhiên không kém vì theo lời ông Viện phó thì đây là cơ quan khoa học thế mà các kết quả nghiên cứu khoa học lại không được công khai. Tại sao thế nhỉ?

Nếu không công khai thì làm sao biết công việc của Viện này có tốt không nhỉ? Hay công khai thì sợ...loạn?

Họ và tên: Anh Trung Địa chỉ: HÀ Nội Email:
Tôi rất vui khi đọc bài phỏng vấn này. Vui vì lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã có một kênh thông tin gần như trực tiếp từ người dân, thậm chí từ phía "bên kia" tới. Mong quý Viện làm tốt chức năng của mình bằng tri thức và cái tâm thật trong sáng.
Họ và tên: Đào Thị Bình Địa chỉ: Cầu Giấy, Hà Nội Email: manuhangbt1965@yahoo.com
- Đó là một công việc hữu ích song cơ bản là nó được lắng nghe như thế nào? Điều chỉnh như thế nào? Nếu là phóng viên tôi rất muốn hỏi thêm: Nhờ nghiên cứu dư luận xã hội đã có vấn đề gay cấn nào được giải quyết hiệu quả theo đề xuất của Viện? Có thể kể một vài ví dụ không? Làm thế nào để không bị cộng tác viên hoặc bạn bè lợi dụng cung cấp thông tin không phổ biến, không có tính đại diện?

- Tôi thấy thích công việc này. Tôi có thể xin chuyển về công tác ở Viện được không? Tiêu chuẩn cán bộ của Viện thế nào?
Họ và tên: Lương ngọc nhật Linh; 28 tuổi Địa chỉ: ban QLDA Phù Cát Email: nhatlinhk22x1bd@yahoo.com
Chúc các bác sức khỏe và quét tham nhũng nhiều hơn, mạnh hơn và sắc bén hơn. quét tiền lương công chức mạnh hơn, quét bảo vệ sức khỏe nhiều hơn, quét giáo dục nhiều hơn, quét y tế nhiều hơn. quét bổ nhiệm công chức nhiều hơn. Theo tôi viện sẽ được dân tin yêu nếu viện tham mưu đạt hiệu quả
Họ và tên: Lê An Huy Địa chỉ: Hà Nội Email: anhuyfpt@yahoo.com.vn
Khi đọc trả lời của ông tôi thấy Ban tuyên giáo đã làm được một việc, nhưng đọc bài trả lời phỏng vấn của ông tôi chỉ tin 10% thôi vì nếu công việc của các ông "sát" dân như vậy, tại sao, chính sách vĩ mô, công tác cán bộ của chúng ta có nhiều sai sót thế.

Tại sao cũng chịu khủng hoảng kinh tế mà lạm phát của ta cao thế? Nạn chạy chức chạy quyền gần như ở Cơ quan Nhà nước nào cũng có tại sao ngày càng trầm trọng!

Trên thế giới, các cơ quan điều tra dư luận thế này, họ thường là các tổ chức phi chính phủ, tư nhân, bất ký Chính phủ hay một tập đoàn nào đặt hàng họ điều tra dư luận xã hội đều phải trả tiền và họ thực sự khách quan, độc lập (Vd: Viện Gallup của MỸ) nhưng Viện của ông Quang hay Ban Tuyên giáo nói chúng là một cơ quan của Đảng thì có khách quan được?

Ngay trong bài trả lời của mình, ông Quang cũng đã lảng tránh vấn đề tham nhũng trong khi dư luận bức xúc nhất là vấn đề tham nhũng- bài học Thái Bình xảy ra năm 1997 cốt lõi cuối cùng là do các cán bộ xã, huyện tham nhũng quá, và cách xử lý các vấn đề tham nhũng càng ngày càng lớn, ai cũng biết phải có chức, có quyền mới có thể tham nhũng được! Trên đây là mấy ý kiến xin Quý báo gứi tới ông Vũ Hào Quang !

Họ và tên: Nguyễn Ngọc Thắng Địa chỉ: 5 Lý Tự Trọng, Hải phòng Email: thangapl@yahoo.com
Không biết các vị đo bức xúc của dân và quét các thông tin bằng cách nào đây, vi hành chăng? Chẳng cần các vị đo hay quét đâu, cứ công khai địa chỉ, số điện thọai, fax, email của nơi cần tiếp nhận thông tin bức xúc, tôi đảm bảo rằng chỉ trong một ngày các vị cũng đủ thông tin để xử lý cho cả tháng .
Họ và tên: Hà Thị Thái Địa chỉ: Hà Nội Email:
Tôi đọc bài viết của anh Lê Ngọc Sơn tôi thấy PGS-TS Vũ Hào Quang đánh giá rất sát với thực tế xã hội 02 vấn đề:
1.Người học giỏi và học thật ra trường không có việc, còn người học giả hoặc học dốt thì nghiễm nhiên có việc làm. Tôi liên tưởng đến 01 em học trường DHSKDA Hà nội khoa K24 là sinh viên xuất sắc nhiều năm, nhưng đến nay công việc làm thật khó khăn tuy nhiên em có dự thi tuyển 01 số cq nhưng không có kết quả.
2. Các cán bộ hưu trí đặc biệt bức xúc về vấn đề: "Một nhóm người giàu lên khá nhanh chóng bằng cách chụp giật, tham ô, bất chính. Bộ phận này chiếm tương đối".Tôi rất đồng tình với PGS-TS Vũ Hào Quang đã có báo cáo vấn đề nhạy cảm với lãnh đạo cấp trên nhưng báo cáo cũng phải có hướng đề xuất, biện pháp phù hợp tới vấn đề tích cực của XH. Đảy mạnh công tác Phòng chống tham nhũng tới toàn dân.Phải hiểu đó là nhiệm vụ của mỗi người dân, tiến tới đất nước không còn bọn sâu mọt đục khoét.

Họ và tên: Lê Quang Hoà Địa chỉ: Hà Nội Email: quanghoa02@yahoo.com
Lúc đầu, tôi đọc bài "Nửa kín nửa hở..." do tò mò. Về sau thấy hơi hứng thú nhưng cuối cùng thì tôi thấy thất vọng.

Thứ nhất, đây là một Viện do Ban Bí thư thành lập, tuyển dụng, giao nhiệm vụ và trả lương thì rồi các vị cũng phải tìm cách nói sao cho lấy lòng được cấp trên để giữ cái ghế của mình. Điều này đã được chính ông PGS, TS Vũ Hào Quang trực tiếp thừa nhận: "Nhưng điều tất nhiên là các thông tin đều phải qua bộ lọc của chúng tôi." (chuyện này không có gì là ngạc nhiên ở nước ta).

Thứ hai, Viện có 14 người, kể cả lãnh đạo thì các vị làm sao đo được dư luận xã hội của 64 tỉnh thành với hơn 80 triệu dân. Thế mà các ông nói là mỗi năm Viện tiến hành được 13-14 cuộc khảo sát.

Tôi là một nhà Khoa học xã hội được đào tạo bài bản ở một trường đại học danh tiếng của phương Tây, tôi không thể hiểu nổi Viện khảo sát bằng phương pháp gì mà với hơn 10 cán bộ mà lại có thể làm được điều không tưởng đó.

Thứ ba, dư luận xã hội thì có gì là bí mật mà Viện phải giấu diếm các báo cáo của mình. Trên thế gian này có nơi nào ngoài Việt Nam người ta phải giữ bí mật dư luận xã hội không? Tôi cho rằng việc công khai các báo cáo của Viện cũng là một cách giám sát xem Viện có làm việc đàng hoàng và hoàn thành nhiệm vụ của mình hay không.

Viện không chịu sự giám sát của bất kỳ một bên thứ ba nào thì làm sao biết được Viện có hoạt động hiệu quả và khách quan.

Thứ tư, may mà hôm này có cuộc phỏng vấn này, tôi và rất nhiều bạn đọc khác mới biết trên đời này đã và đang tồn tại một Viện như vậy. Ấy thế mà ông Viện phó không nhân cơ hội này cung cấp cho bạn đọc biết địa chỉ, số điện thoại, số fax, email của Viện để đón nhận thông tin về những bức xúc của người dân.

Kính thư
Lê Quang Hoà
Họ và tên: Thái Phong Địa chỉ: Saigon Email: thaiphong16@yahoo.com
Dư luận xã hội luôn luôn tồn tại và là yếu tố quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế và phát triển cộng đồng, đặc biệt khi chúng ta biết phân tích và dự báo được chiều hướng tiến triển của nó.

Chúng tôi rất hoan nghênh sự ra đời của một Viện chuyên về vấn đề này. Hy vọng rằng vai trò nghiên cứu khoa học của Viện được phát huy đúng nghĩa của nó.

Chúng tôi chờ đợi nơi các nhà nghiên cứu của Viện một tinh thần khách quan trong nghiên cứu các vấn đề. Nhất là trong lãnh vực học thuật.

Như vậy theo tôi, Ông Phó Viện trưởng không nên dùng kiểu nói "thế lực phản động". Vì như thế dẫn đến việc mất đi tính khách quan trong nghiên cứu và có vẻ sẽ làm cho một số người phản cảm.

Họ và tên: Mạnh Cường Địa chỉ: Hà Nội Email:
Qua bài phỏng vấn tôi thấy rất lý thú vì Bộ Chính trị có một nguồn thông tin dư luận xã hội thông qua việc thu thập xã hội nhưng cũng có nhưng suy nghỉ xin được nêu lên để tác giả và bạn đọc xem xét.

1. Thông tin tôi cho rằng cần phải được công khai để xã hội biết cùng điều này giúp việc đánh giá của viện đã phù hợp chưa nếu phù hợp thì mọi người cũng biết việc thay đổi sự điều hành của đảng và nhà nước ra sao, có cải thiện được vấn đề không.

2. Nên nghiên cứu nhiều về giới trẻ đặc biệt là giới sinh viên và những người có độ tuổi từ 25-35 tuổi vì đây là thế hệ kế nhiệm tương lai (rất quan trọng), xem họ nghỉ gì về xã hội, kinh tế, thể chế trính trị.

3. Chúng ta vẫn mắc một bệnh chung đó là nói nhiều, làm ít, làm không tới nơi tới chốn, nói hay làm không ra gì. Tôi nghĩ cũng cần nghiên cứu về vấn đề này.
Họ và tên: Tran Anh Hieu Địa chỉ: Trung Tu Email: Utopia102008@gmail.com
Theo cuộc phỏng vấn thì được biết Viện Nghiên cứu dư luận là cơ quan của Đảng. Đảng chăm lo đến quyền lợi của dân, chủ trương xây dựng "nhà nước của dân, do dân và vì dân", vậy các thông tin dư luận lấy từ nhân dân, dù Viện có được độc quyền xử lý, thì cũng nên công khai phần nào chứ.

Thí dụ công khai 50% các cuộc thăm dò nghiên cứu, 50% còn lại có thể là chưa cần thiết vì dân trí ta... còn thấp, có thể gây bất ổn xã hội.

Cách lấy ý kiến dư luận trong thời buổi CNTT là rất hiệu quả: Thông qua môi trường Internet. Rất nhiều website đã tổ chức lấy ý kiến dư luận theo cách này, nhưng họ chỉ được làm điều tra về những vấn đề tầm phào như ăn chơi, cá cược...

Tại sao Viện ta không dùng cách làm hiện đại này cho những vấn đề nghiêm túc của xã hội, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tăng tính trung thực và hiệu quả điều tra nghiên cứu.

Xin đừng ngần ngại rằng công khai cách làm này là bất lợi cho Viện, cho Đảng hay cho dân, bởi Viện vẫn toàn quyền xử lý các thông tin này mà!
Họ và tên: Phùng Phương Thảo Địa chỉ: UBND phường Cửa Nam Email: dangthao7779@gmail.com.vn
Tôi không thích tiêu đề của bài viết vì nó gợi trí tò mò và sự liên tưởng về một vấn đề gì đó không minh bạch, rõ ràng. Nó có vẻ không phù hợp với nội dung của bài viết.

Bài phỏng vấn cho tôi một cái nhìn toàn cảnh hơn về công tác nghiên cứu và thu thập thông tin dư luận xã hội. Tôi nghĩ đây là một việc làm hết sức cần thiết và thường xuyên.

Ở đây mới chỉ đề cập tới cấp trung ương, thực ra mạng lưới dư luận xã hội và cộng tác viên thì có từ cấp cơ sở, quận huyện, tỉnh thành tới trung ương. Vì công tác trực tiếp tại cấp phường xã, tôi thấy việc duy trì mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội do thành phố Hà Nội thời gian vừa qua làm rất tốt.

Ở đây có một bạn đọc băn khoăn rằng liệu đại diện cho cơ quan Đảng thì việc thu thập thông tin liệu có khách quan không?

Nhưng tôi thì nghĩ, mạng lưới được tổ chức từ cấp cơ sở, với đội ngũ cộng tác viên được lựa chọn từ trong nhân dân, cho nên ý kiến phản ánh với Ban tuyên giáo các cấp là trung thực và khác quan.

Còn việc chính sách của chúng ta vẫn còn nhiều sai sót, hoặc những bức xúc của nhân dân để có thể giải quyết được ngay lập tức đòi hỏi phải có một cơ chế đồng bộ, sự đầu tư nghiên cứu và những quyết sách hợp lý, và phải diễn ra từng bước thì mới có thể đáp ứng được mong mỏi của nhân dân.

Nên tôi nghĩ những việc mà viện nghiên cứu dư luận xã hội đã và đang làm là cả một nỗ lực và cố gắng rất lớn, giúp cho Đảng và Nhà nước ta có những chính sách tốt trên con đường đổi mới của đất nước hôm nay.

Tôi rất mong muốn mạng lưới dư luận xã hội không chỉ từ cấp trung ương mà cả ở tỉnh thành, quận huyện, phường xã được nhân dân biết đến, tin tưởng để các cấp ủy Đảng, chính quyền quan nhiều kênh, nắm bắt được nhiều thông tin, thực hiện tốt nhiệm vụ của mình
Họ và tên: Nguyên Hà Địa chỉ: Email: Nguyenha@yahoo.com
Tôi rất đồng tình với ý kiến của bạn Lê Quang Hoà - Hà Nội. Nghe tiêu đề bài báo thấy vô cùng hấp dẫn, gây được sự chú ý của người đọc nhưng khi đọc nội dung thi thấy nó nhạt nhẽo chung chung.

Đây là một cơ quan của Đảng để thập ý kiến phản hồi của người dân nhưng liệu những bức xúc có đến tai những lãnh đạo thật không sau khi đã qua" bộ lọc".

Ta không thể trách những nhân viên làm trong viện kể cả Viên phó Quang, họ cũng chỉ là những người làm công ăn lương không dại gì " nói thẳng làm thật" để tự gây " áp lực" cho mình. Bởi điều này là việc làm đúng trong xã hội ta bây giờ.

Nếu Đảng và Chính phủ thực sự muốn biết những bức xúc của người dân sao không thực hiện một cuộc chưng cầu dân ý về lòng tin của người dân đối với Đảng và Chính phủ một cách công khai như các quốc gia khác vẫn làm?

Họ và tên: KhôiNguyên Địa chỉ: Hải phòng Email: khôinguyên@yahoo.com
Tôi thấy ý kiến của các bạn: LÊ AN HUY, NGUYỄN NGỌC THẮNG, LÊ QUANG HOÀ rất hay. Đấy là những ý kiến đóng góp thực sự và cũng là những bức xúc của nhiều người dân. Liệu các thông tin có được phản ánh trung thực hay đã được lọc cho trau truốt và không bao giờ dám công khai cho dân biết, thậm chí có phần né tránh khi động vào "vùng cấm".

Ở các quốc gia khác đã là luật thì không có "vùng cấm", nó chỉ áp dụng khi đụng đến bí mật quốc phòng an ninh quốc gia còn ở nước ta được dùng thường xuyên nếu không muốn nói là đụng đâu có đấy khi có liên quan đến quyền lợi kinh tế, uy tín của lãnh đạo.

Tôi đã gừi nhiều thư phản hồi sau khi đọc các bài báo xong không được đăng hết nội dung bởi cũng đã được thông qua "bộ lọc". Phải chăng ngay cả Ban biên tập cũng không muốn " tăng áp" cho mình khi đăng những ý kiến của tôi. Điều này tôi cũng rất thông cảm với Ban biên tập vì đó là việc làm chính đáng trong xã hội ta bây giờ. Hy vọng bài viết này của tôi sẽ không phải qua "bộ lọc" mà được đăng đầy đủ nội dung. Xin chân thành cảm ơn.

Họ và tên: Huyền Châu Địa chỉ: Nghệ An Email: huyenchau77@yahoo.com.vn
Tôi đã được nghe nhiều về giáo sư Quang. Ông là người chuyên giảng dạy về lý thuyết xã hội học và xã hội học quản lý. Cuối tháng 12 năm vừa rồi ông đã chuyển từ vị trí chủ nhiệm khoa Xã hội học trường ĐH KHXHNV sang vị trí P.Viện trưởng Viện DLXH. Những sinh viên của ông đều rất kính nể ông vì kiến thức uyên thâm trong 2 ngành này.

Sở dĩ nói qua background như vậy vì tôi muốn thể hiện sự tin tưởng của bản thân vào công việc hiện tại và những nỗ lực mà Viện đang thực hiện để đời sống nhân dân dần được cải thiện.

Tôi đọc ý kiến của các bác ở trên thì thấy nhiều người còn hoài nghi. Hoài nghi là nên nhưng không vì thế mà bác bỏ.

Dư luận xã hội là cực kỳ phức tạp. Chả nói đâu xa trong gia đình thôi đã nhiều luồng ý kiến huống chi là cả xã hội. Nhưng người chủ gia đình thì không thể quan tâm hết đến mọi điều thị phi được mà họ phải có sự sàng lọc và tính quyết đoán. Xã hội của chúng ta cũng vây.

Viện này thu thập tin tức rồi cũng fải qua bộ lọc va bằng những kiến thức chuyên môn tìm ra những gì cần báo cáo. Tôi nghĩ sự sàng lọc mà ông Quang nói ở đây là như vậy. Chúng ta không nên hiểu chệch đi theo hướng khác.

Tôi cho rằng cái gì cũng phải dần dần, chứ đổi mới không thể diễn ra sau một đêm được. Quá nóng vội sẽ làm cho mọi sự đổ vỡ. Điều này đã là quy luật.

Những vấn đề mà ông Quang nhắc đến đã thể hiện rằng Viện đã "gãy đúng chỗ ngứa" của lòng dân. Như vậy đã là một sự khởi đầu đúng hướng.

Chúng ta cần chờ đợi và ủng hộ.

Tôi sẽ trả lời nghiêm túc và trung thực nếu như được hỏi về vấn đề xã hội đang bức xúc vì đấy là cách thiết thực nhất để đất nước ta phát triển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét