Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Trung Thu.



   Qua tiết phân Thu là trung Thu. Mùa hội của con trẻ. Chả mấy nữa. Hàng phố lúc này trên Hàng Mã đã ngập tràn sắc đỏ. Màu chủ đạo của các thứ đồ chơi, đèn lồng, hoa đăng...


   Những con chong chóng xoay bằng giấy gấp nếp, kết đủ màu sặc sỡ, thả từng dải cứ xoắn lấy nhau, đu đưa khe khẽ qua những xao động của không gian. Một rẻo Hàng Mã chỗ từ Hàng Ngang cắt sang, kéo đến đầu Hàng Lược, giáp Lương Văn Can, người với người ken dầy trong cái óng ánh, cái long lanh sặc sỡ của sắc màu, của đủ loại đồ chơi...

   Những đồ chơi cho con trẻ các loại. Hàng truyền thống chả bao giờ thiếu. Những văn minh tiên tiến thời thượng dành cho trẻ con luôn song hành với những cũ kỹ xa xưa. Cứ mỗi dịp trung Thu, tôi lại cho trẻ con lên Hàng Mã chơi. Chả hấp dẫn gì với đồ chơi đâu, nhưng không đi không được. Vì trẻ con bây giờ không thiếu đồ chơi, nhưng tết của trẻ con, phải cho trẻ con hòa vào cái không khí của ngày hội. Những không khí đó, những khung cảnh đó sẽ thành ấn tượng cho sự non thơ con trẻ, để mà nhớ, để mà thấy, để lớn lên sẽ suy nghĩ về những thơ bé, và để rút ra những gì cần cho mình...

 

   Tạo dựng niềm vui cho con trẻ là trách nhiệm của bậc sinh thành. Những niềm vui đúng với sự trong sáng của thơ ngây non dại. Có phải súng lục bắn từ những bây giờ thì tương lai sẽ có đại bác không, nếu hiểu theo ý nghĩa của sự tích cực chăm lo ???

   Mọi năm, tôi vẫn vẽ những bức phông để làm tấm background trên sân khấu cho lũ nhỏ. Đề tài cũng quanh quẩn thôi với ánh trăng và lũ trẻ tung tăng rồng rắn, hoặc là chú Cuội nghịch ngợm bên gốc đa đang xoắn tai trâu, tay thì vung vẩy cái bánh nướng, còn chị Hằng thì đang đòi đổi cái đèn ông sao với chú Cuội... Mỗi năm 1 hình ảnh. Có thể nghiêm túc, có thể có đôi chút nghịch ngợm hài hước, nhưng những nhân vật thì không đổi. Và bọn trẻ sẽ tung tăng vào ngày đêm hội. Chúng sẽ có đủ trò để vui. Có màn tự múa lân, có màn ca hát tự biên tự diễn, có màn diễn ảo thuật, có màn tung hứng... Người lớn chia nhau ra, mỗi người mỗi việc. Ai đóng nền sân khấu, ai lo âm thanh, ai giúp ánh sáng... Các bà, các mẹ tíu tít chia nhau người mua bánh trái, người mua hoa quả... Bọn nhỏ có quần áo biểu diễn đàng hoàng, lóng lánh như bước ra từ đoàn tạp kỹ nào vậy.

   Những hình ảnh chuẩn bị, những sống động ồn ào đêm hội cứ diễu qua tâm trí. Năm nay tôi chả làm gì cả. Tôi ngồi và nhớ về trung Thu những năm trước. Hẳn lúc này thì mọi sự ở nhà cũng đã hoàn tất cơ bản rồi. Có lẽ ngày đó thì chỉ có gọi về nhà thôi, và sẽ nghe con trẻ háo hức khoe đủ mọi sự...

   Sự xa xôi địa lý cứ đẩy đưa những tâm tư riêng biệt. Những đoạn ký ức chảy trôi trong bất tận đan xen hình ảnh. Một ngày trung Thu cách hơn 20 năm trước, ngồi bên đoạn vỉa hè trông thẳng sang bờ Hồ, uống rượu đựng trong những cái ca nhôm quanh 1 đĩa chân ngỗng, cái nào cái nấy to như bằng 3 ngón tay chụm lại. Hào hứng, bất cần, chen lẫn những lặng lẽ uống... Rồi tự nhiên có thằng đổ kềnh ra, ngủ. Thằng say ít chở thằng đi không vững. Say oặt, mềm như mớ giẻ vắt lên yên sau xe đạp, vừa đi vừa quài 1 tay ra sau giữ bạn cho khỏi ngã... Loạng choạng đi rồi cũng loạng choạng về được đến nhà.

   Lại có những trung Thu, sau màn uống rượu là màn đi dạo mát. Năm thằng mà chỉ có 1 cái xe đạp. Tặc lưỡi kiểu bây giờ vẫn nói: Thích là nhích. Bắt xế lô hì hục đạp lên phố. Hai thằng ngồi thùng xe, 2 thằng ngồi thành xe, 1 thằng ngồi yên sau tăng bo cùng anh xế, mỏi thì đổi ca. Uống rượu chân ngỗng, vẫn như mọi khi. Chuyếnh choáng cũng vừa nửa đêm. Đi bộ giữa khuya khoắt thành phố. Xuyên qua các con phố, dưới những tàng cây đêm xen vào ánh đèn vàng soi góc loang lổ mặt đường những khoảng thẫm len sáng. Có thằng bảo: Tao đố bọn mày, Hà Nội có bao nhiêu cây hoa sữa ??? Thế là chí chóe, thế là cãi nhau, cứ vung tý mẹt. Rồi thống nhất, đi đếm cây hoa sữa..... Những rồ dại đáng yêu của những tuổi trẻ đã qua mà khôn thì chưa có. Đi đếm hoa sữa nhưng qua ngã tư, cả loạt dàn hàng ngang, cởi cúc tè loang giữa phố ...

   Những con phố đêm trung Thu ngày đó, sau nửa đêm là vắng tịnh không bóng người. Đã về nhà cả sau những hồ hởi chơi trăng. Nghịch phá, cầm 1 viên đá ném lên ban công nhà người ta, cứ rào rào như mưa hạ đập mặt bạt, rồi sằng sặc ù nhau té khi người ta mở cửa với theo: Tiên sư bố lũ mất dạy... Và cuộc lang thang từ bờ Hồ xuôi dốc Bà Triệu, ngoặt Nguyễn Du qua hồ Thiền Quang, ngược Quang Trung lên Tràng Thi, hồ Tây trực chỉ. Lại thèm rượu. Lại gom tiền, cuốc 1 thôi bộ dài xuyên Quán Thánh, Cửa Bắc lên đê Yên Phụ trên tìm hàng ăn khuya. Lại 1 cuốc ngược về hồ Tây, lúc đó mới bày rượu, bày đồ ra bãi cỏ ven hồ, chỗ vườn hoa đối diện đền Quán Thánh.

   Lại say ngất ngư, say đến đứng dậy đi tưới cây cũng đổ dúi đổ dụi, cười sằng sặc cả chập như những thằng dở. Lúc đấy thì cũng chả còn tiền mà đi xích lô về nữa. Cũng 3h sáng rồi. Ghế đá thành giường. Đêm trung Thu những năm đó đã lạnh rồi, sương xuống lạnh run đến tỉnh rượu. Ôm nhau nằm úp thìa chống rét...

   Những mùa trung Thu, những mùa đã qua. Có mùa nhớ, có mùa quên. Nhưng những ấn tượng va đập trong tâm thức cứ dội về trong khoảng nhớ nhớ quên quên này. Sài Gòn, trăng cũng tròn như xưa kia vẫn thế, nhưng lúc này, lòng lại không tròn...

 

 

14 nhận xét:

  1. Em thích bài này...

    Lan man nỗi niềm. Và những nỗi nhớ ngập tràn cứ tuôn chảy dưới trăng ...

    Sẽ còn có rất nhiều những mùa trung khác bên con trẻ mà ... Phải không Phong Ca ?

    Thụy không chúc vui vẻ hay hạnh phúc gì đâu ...bởi vì entry này nhiều tâm tư quá. Chúc - hóa ra thành sáo rỗng ...

    Em chỉ chúc phía sau mùa Trung thu là những mùa an lành mãi mãi ... :)



    Trả lờiXóa
  2. "Sài Gòn, trăng cũng tròn như xưa kia vẫn thế, nhưng lúc này, lòng lại không tròn..."
    Đọc những câu văn kiểu này thì lại muốn... uống rượu! Uống để che lấp đi cái cảm xúc đang nghèn nghẹn... vậy thôi. Lũ trẻ sẽ vui nếu chúng biết cha chúng vẫn luôn làm mọi việc vì chúng. Như thế là tròn đầy rồi...
    Em vẫn cười khi đọc lại những ký ức này... Chả khi nào chán cả! :-)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cười mà uống rượu là sặc đấy, đỡ không nổi đâu em :))

      Xóa
  3. Bất luận lòng ta tròn hay méo thì trung thu cũng sắp tới rùi kìa, Tiêu huynh không còn ra " bãi cỏ trước đền Quán Thánh" nữa thì đi cafe bệt SÌ GÒN ngắm zăng hông?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có nhậu bệt Sì Gòong ngắm zăng thì okie lun :))

      Xóa
  4. Cứ văn xuôi là hay thôi, hehe
    (Chọc rồi thì phải chạy, huhu )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khà khà..., nhà sẵn rổ đựng đá, ném thoải con gà mái HV nhóe :))

      Xóa
  5. Tiêu ca quá nhiều kỷ niệm cũng như quá nhiều trăn trở khiến em phát ganh tỵ mất đấy ạ. Hy vọng đất Sài thành cũng sẽ lưu lại trong lòng Tiêu ca nhiều kỷ niệm há. Ngày mới an vui anh nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sống đâu quen đấy mà em. Cũng vì mùa này Hà Nội bắt đầu mát và dễ chịu hơn, không còn những cái nóng như thiêu nữa, nên nếu ở HN, uống rượu lúc này cũng thú vị hơn, nhất là khoảng tối sau chiều muộn.

      Xóa
  6. Tiêu huynh thiệt là một ông bố dễ thương, đọc hết bài của huynh muội lại thấy nhớ Hà Nội mất rồi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thích là nhích đi Thúy, '' bọn chúng '' bảo thế đấy :))

      Xóa
  7. Thăm tiêu huynh nè. Đêm an lành huynh nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thanks.

      Lúc nào '' con rận '' lại đốt thì nhớ uống cafe em nhé :))

      Xóa