Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Tại sao ???



   Tôi chọn bức hình này làm minh họa mở đầu cho bài viết, chỉ để giải nghĩa thêm cho một thói quen của người dân. Một cá tính thuần túy của chấp hành mà nhiều khi không suy xét đến căn nguyên và nhất là, hoàn cảnh của thói quen. Đó là một câu hỏi. Một câu hỏi mà tôi vẫn thầm tự tìm cách trả lời... Và nếu, thói quen này trở thành một thuộc tính dân tộc, thì nó thật sự là một điều rất, rất đáng buồn.

   Bài viết này, có thể nói nó là một tự sự của diễn tiến bài viết trước, bài Tủ lệch http://tieuphongtlbb.blogspot.com/2013/09/tu-lech.html. Tôi chắc, với nhiều người nó là đề tài không thích hợp, nhưng với tôi, nói ra điều mình nghĩ quan trọng hơn nói theo điều người ta nghĩ hay thích.

   Ở bài viết trước, tôi đã đề cập đến khái niệm xã hội dân sự và phần nào đó, là những quan điểm của những người đang theo đuổi và phấn đấu, hay gọi một cách khác, là đấu tranh cho một nền dân chủ của đất nước. Và đâu đó, họ được gọi là những nhà bất đồng chính kiến. Và song cùng với bộ phận này, là một bộ phận khác, có trách nhiệm là đối lập lại họ trên những diễn đàn, những trang mạng public và những trang blog. Họ được người có trách nhiệm của cơ quan tuyên giáo gọi là những dư luận viên. Nhưng bài viết này không nhằm đề cập đến những dư luận viên, cũng không nói quá sâu về những người bất đồng chính kiến, những nhà dân chủ mà một cách gọi xách mé khác của những dư luận viên, là những rận chủ và những chấy thức. Tôi muốn nói lên suy nghĩ của mình, với những câu hỏi tại sao, tại sao những người bất đồng chính kiến này khó có thể lôi kéo, hoặc là, những điều họ đã làm, đã viết, vẫn chưa phải là sự thuyết phục với nhiều người.

   Có một tấm biển để ở một nơi như thế này:


   Vậy thì, muốn có một xã hội dân sự, phải có con người dân chủ. Con người dân chủ là thế nào, xin để một dịp khác sẽ bàn thêm, dù tôi chắc rằng, những ai đã đọc đến những dòng này, chắc hẳn đều đã có một ý niệm cho mình về hai chữ Dân chủ.

   Bài viết trước tôi đề cập đến những phong trào như 258 là một ví dụ cho việc theo đuổi một lý tưởng dân chủ. Và trước đó, là những cuộc biểu tình ở Hà Nội, ở Sài Gòn. Chắc hẳn rằng, ai đó sẽ bảo, phong trào đang lên rất cao và đang lan rất rộng, tạo sự ảnh hưởng lớn. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi cho rằng, họ còn quá yếu ớt kể cả trong việc tự bảo vệ chính mình bằng chính những kiến thức của tiến trình đòi hỏi dân chủ, ngoại trừ sự nhiệt huyết. Mà cái đấy, ngoài xã hội mỗi khi muốn hỏi ngược vẫn nói là: Thế thì làm bằng niềm tin à ???

   Thứ nhất, phải thừa nhận rằng, xã hội đang khủng hoảng niềm tin. Sự khủng hoảng đó đương nhiên phải có căn nguyên. Và những trí thức, những người nhìn nhận ra sự bất cập dẫn đến sự khủng hoảng đó đã là những người tiên phong trong việc lên tiếng nói. Nhưng điều gì đã làm tiếng nói của họ thiếu đi trọng lượng cần thiết để tạo dựng dấu ấn, dù rằng không thể nói trong số họ thiếu những cái tên đủ để khẳng định trí tuệ được tôn trọng. Tôi xin không nêu tên họ ở đây để tránh những phiền hà không cần thiết. Chỉ biết rằng, tướng lĩnh có, trí thức có, khoa học gia có, doanh nhân trí thức kỳ cựu có, những người có tôn giáo khác nhau như Công giáo hay Phật giáo có, những người đã theo đảng lâu năm có, và cả những người trẻ tuổi nữa.

   Tôi đã đọc họ từ lâu và đã hiểu tư tưởng của họ. Nhưng điều tôi nhận thấy là họ thiếu sự kết nối. Độ chênh về tuổi tác, về vị trí xã hội, kể cả về tư tưởng trong mong muốn đòi hỏi dân chủ giữa họ đã là điều đầu tiên tạo nên khoảng cách. Thiếu kết nối, họ đã thiếu đi sức mạnh của sự dẫn dắt, và ý tưởng của họ trở thành sự rời rạc, dù rằng, có những bài viết của họ đầy sức thuyết phục. Logic, chặt chẽ và uyên bác. Lý thuyết về sức mạnh của bó đũa là điều mà họ thiếu trong sức lôi cuốn số đông. Cụ Hồ đã trở nên vĩ đại và được gọi là lãnh tụ, vì Cụ đã rất biết khai thác một điểm chung trong một xã hội đầy đủ thành phần giai tầng và chưa thể nói là dân trí cao, để làm nên một cuộc cách mạng và giành được độc lập dân tộc. Lưu Bị tài văn, mưu lược đâu thể bằng Khổng Minh, uy vũ đâu thể bằng Quan Vân Trường, dũng mãnh đâu thể bì được với Triệu Tử Long, thô hào sảng khoái cương chính đâu thể bằng Trương Phi, nhưng vẫn là lãnh tụ của những con người điển hình đó của tính cách. Đó là vì đã biết thu phục nhân tâm qua một tín điều chung, một ngọn cờ chung.

   Điều bất cập nêu trên dẫn đến những hoạt động cho phong trào dân chủ không gây được tiếng vang lớn và thuyết phục với đại đa phần dân chúng, hay cụ thể hơn, họ không gây được ấn tượng lớn với những tiêu chí cụ thể nào đó. Sự cô lập của họ do chính họ tự tạo ra bởi sự thiếu kết dính, và đương nhiên, họ dễ dàng bị chia tách và phân hóa bởi chính thể. Điều này thể hiện ở những câu từ như bị lợi dụng bởi các thế lực thù địch, dẫn tới sự nghi ngờ, không tin tưởng của nhiều tầng lớp xã hội, kết quả là họ không tranh thủ được nhiều từ giới trí thức và các thành phần xã hội khác.

   Sự kêu gọi và thức tỉnh cần phải có môi trường để phát tán và tạo tầm ảnh hưởng. Nhưng họ bị bó buộc. Họ không có một cách chính thức, những diễn đàn mở công khai để thảo luận và khai mở ý tưởng đến công chúng, và đương nhiên đây là một mặt hạn chế rất tích cực đến mục tiêu họ đeo đuổi. Vì vậy, sự loanh quanh của các bài viết để khẳng định lập trường chỉ diễn ra tại một không gian hẹp, không thể tạo dựng nên một sự vận động xã hội trên diện rộng. Vẫn chỉ là họ với nhau trong sự thông cảm, tôn trọng của một vài cá thể hiểu biết và có cùng mong muốn, nhưng không thể làm gì khác.


   Một điều nữa là sự hạn chế về tầm diễn đạt, hay nói một cách khác, là hiểu biết đôi khi còn sai lầm đến mức ngô nghê. Trần Mạnh Hảo, vốn là một nhà thơ với nhiều bài thơ mà tôi rất thích, cũng đồng thời là một người rất hay '' cà chớn với chế độ '', đụng chạm với không ít các nhân vật và bày tỏ thái độ một cách thẳng thắn và công khai với những bất cập xã hội, đã hiểu về xã hội dân sự là: Xã hội do dân làm chủ mọi sự !!! Dường như với ông, civil society (xã hội dân sự) chỉ đơn giản là thế mà thôi. Vậy thì, với những lý thuyết và các khái niệm khác về quá trình chuyển đổi dân chủ ông sẽ lý giải ra sao, tỷ dụ như power of powerless (quyền lực của những người không có quyền lực), hay lý thuyết và diễn giải về đấu tranh bất bạo động (ôn hòa) ??? Rõ ràng, sự hạn chế về mặt tiếp cận thông tin cũng như tài liệu làm giảm đi rõ rệt hiệu quả của mong muốn thay đổi dân chủ. Cũng phải thú thực rằng, các tài liệu nói về dân chủ phương Tây xuất hiện ở VN là không nhiều, nhất là bản Việt ngữ. Các đường link dẫn đến các trang mạng cũng không phải là sự thông suốt bên cạnh sự hạn chế về khả năng ngoại ngữ để mà đọc. Tôi cũng thế thôi, tiếng Anh là để giao tiếp công trường, chấm hết. Nhưng sự tìm tòi để trang bị cho mình kiến thức về dân chủ, về những quá trình đã dẫn đến dân chủ, hay nói cách khác, là sự đấu tranh của dân chủ trên các nước đã và đang diễn ra (thông qua các bài viết), lại là điều có thể hoàn toàn làm được.

   Sự hạn chế về việc nêu lên những ví dụ, những dẫn giải có tính ôn hòa về lý thuyết dân chủ có tính thuyết phục đã không thể kết nối được với một tầng lớp được hiểu là quan trọng trong xã hội, đó là tầng lớp trí thức. Thiếu những đồng tình của tầng lớp này, mà trong số đó, có rất nhiều những trí thức được xã hội tôn trọng bởi sự thiết thực của trí tuệ, làm cho tính vận động xã hội của họ kém đi rất nhiều. Nếu đã không thuyết phục thì làm sao lôi kéo được ??? Kể cả những người có hiểu ra vấn đề, thậm chí hiểu rất rõ và rõ hơn rất nhiều so với chính những người bất đồng chính kiến, thì họ cũng có sự e ngại trong hợp tác để mà nêu ý kiến, chứ chưa nói, có thể sẽ trở thành một trong những hạt nhân của phong trào. Với tầm hiểu biết của họ, họ thừa hiểu một diễn tiến của dân chủ sẽ là sự tất yếu, nhưng để đạt được điều đó mà với những sự cộng tác thiếu hiểu biết, họ cảm thấy thiếu tin tưởng và đương nhiên, cùng với nó sẽ là sự phó mặc mà thôi, với tâm tư của những Lã Vọng câu cá nơi sông Vị.

   Một điều thiếu khôn ngoan của những người bất đồng chính kiến là sự phê phán trực diện vào thể chế  hoặc các nhà lãnh đạo. Những bài viết hô hào dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí hay những chỉ trích về vấn đề cương thổ quốc gia, chủ quyền dân tộc nhiều khi được thể hiện với thái độ tiêu cực. Thay vì viết với thái độ mở rộng cách nhìn nhận sát thực hơn với cuộc sống, với những ngôn từ dễ hiểu, để mà đến với dân chủ, thì họ viết những điều mà đa phần người dân chả quan tâm như chính trị, như tự do ngôn luận hay tự do báo chí, những thứ đó là sự xa xỉ với cuộc sống thường nhật cơm áo gạo tiền của người dân. Chính trị đời sống là giá xăng giảm hay tăng, là mớ rau con cá lạng thịt ký tôm, chứ không phải những học thuyết với đầy những ngôn ngữ xa lạ ở thượng tầng kiến trúc nào đó. Các nhà cai trị luôn mở đài với '' dân chủ ở ta là cơ chế tập trung dân chủ '', những ngôn từ mà hỏi kể cả một kỹ sư mới ra trường, một cử nhân đã đi làm vài năm mà còn biết chết liền, nữa là với người dân ở chợ, thì với những nhà bất đồng chính kiến, ngôn từ của họ cũng không kém phần thách đố trí tuệ là bao nhiêu. Có chăng đi nữa, thì sự đồng cảm hiện thực được đến từ những người dân bị lấy đất làm sân golf, làm dự án thương mại hay với vô vàn lý do đang diễn ra của thu hồi mà thôi.

   Và, không thể không kể đến một tâm lý e ngại của đại bộ phận các trí thức hay người dân khi tham gia vào phong trào. Đó là sự chi phối của thể chế vào cuộc sống của họ, cuộc sống với hiện thực là những đồng lương, là thu nhập hàng ngày, là tương lai con cái... Một ông đại tá của một trường chính trị quân đội đã đăng đàn diễn giảng với một số cơ quan đoàn thể với một đe dọa thiết thực về đồng lương hưu khi kêu gọi bảo vệ thể chế. Mà chắc hẳn rằng, nhiều và rất nhiều trong số những trí thức có thể nhận ra sự bất cập hẳn phải đồng ý với cái lý thuyết thực tế về đồng lương hưu kia của ông đại tá. Ông đại tá nói đại ý, chúng ta phải bảo vệ thể chế bởi thể chế đảm bảo cho chúng ta đồng lương hưu sau khi đã hết thời gian phục vụ, đại khái thế. Còn với những tầng lớp mà đặc quyền đặc lợi đã gắn kết với họ qua bao tháng năm, thì đương nhiên dân chủ sẽ là một điều xa vợi và ảo tưởng mà thôi.

   Vì vậy, những hô hào, phản đối trực diện mà không mang ý nghĩa thiết thực, chính trị đời sống chứ không phải thượng tầng mây bay, thì sẽ chỉ mang lại những khó chịu cho nhà cầm quyền, bất cập thêm ở sự lãnh đạm của công chúng mà thôi. Đối lập với giáo điều này bằng một giáo điều khác không mang tính hiện thực, thì chả nói được gì nhiều.

   Có lẽ, để kết thúc bài viết, cần nêu lên rằng: Anh phê phán trực diện vào thể chế nhưng không có một giải pháp thay thế với logic dễ đọc, dễ hiểu và dễ thuyết phục thì rất khó để lay động. Một mô hình nào đó cho sự chuyển đổi cần được nghiên cứu và thuyết minh với những dẫn chứng cụ thể từ kinh nghiệm của thế giới, của các nước đã và đang trải qua quá trình đó. Và nó cần phù hợp với đất nước, văn hóa và cấu trúc xã hội Việt Nam, gạn lọc được những tinh hoa qua những trải nghiệm đã qua của quá trình dân chủ trên thế giới. Nhưng với tôi, quan trọng nhất là sự tự chuyển hóa của tư duy nội tại trong thể chế.

   Lại nhớ đến câu: Biết zvậy mà hổng phải vzậy ..... Haizzz....

 

 
 

14 nhận xét:

  1. Đã đọc hết một lượt, rồi lại thêm lượt nữa nhưng nó vẫn cứ mịt mùng nên để mai đầu óc tỉnh táo đọc lại rùi phát biểu ý kiến vậy! :-)
    Ah, mà cái anh cho là quan trọng nhất ấy, cái sự tự chuyển hoá của tư duy nội tại của thể chế ấy, nó không đơn giản. Thực ra thì là có tư duy đấy chứ, chỉ là họ đang tư duy theo chiều hướng có lợi cho cá nhân trước đã, thế nên dù trong một tập thể cũng không có sức mạnh tập thể. Cho nên hình tượng bó đũa vẫn chỉ là viễn cảnh ở thời nay thôi. :)
    Ngủ thôi anh. Mai em sẽ đọc kỹ lại để có thể hiểu sâu hơn! :-)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh không dùng '' bó đũa '' cho thể chế hiện tại, mà là dùng cho đối tượng chính của bài viết.

      Còn sự chuyển hóa tư duy nội tại, nếu sự chuyển hóa không vì cái gốc, thì câu chuyện nước lật thuyền sẽ có thể là điều xảy ra vào lúc nào đó.

      Xóa
  2. " Xã hội do dân làm chủ mọi sự !!! "
    Với em, hiện tại thì : Xã hội dân chủ mọi....rợ. Hì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đề nghị đồng chí Thiên quán triệt lại tư tưởng đi nhóe ... Phải nghiêm khắc phê và tự phê mới mong tiến bộ được. Chi bộ vẫn hy vọng nhiều ở đồng chí.


      P/S : Bao giờ Nam tiến ? Hội Hoa Sơn luận kiếm Saigon chỉ còn thiếu có đồng chí nữa thôi đấy nhá :))

      Xóa
    2. Kiểu này anh phải khen thưởng Truyền thông trưởng lão Lãnh lão bản thôi. Đã thực hiện rất tốt chủ trương đường lối của bản bang, đưa tư duy lý luận cập nhật đến cả cô Thụy.

      Xóa
    3. Kiểu này anh phải khen thưởng Truyền thông trưởng lão Lãnh lão bản thôi. Đã thực hiện rất tốt chủ trương đường lối của bản bang, đưa tư duy lý luận cập nhật đến cả cô Thụy.

      Xóa
  3. Nghiêm túc quá, anh hỏi tại sao ai bik làm thao đâu... Ghé thăm anh, lâu rùi k gặp :)

    Trả lờiXóa
  4. Một bài viết của Tiêu Phong thật dài nhưng rất xác đáng! Tôi rất đọc những bài viết này của bạn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh. Đề tài '' khó nhằn '' này có người chịu đọc, lại quan tâm nữa thì đúng là của hiếm đấy anh :))

      Xóa
  5. Bác Tiêu Phong này em cảm thấy bác như kẻ sĩ không gặp thời quá.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. May quá, tưởng bạn lại bảo tớ là '' Vĩ nhân không gặp thời '' thì tớ khóc ra tiếng Mán, kkk... :))

      Xóa