Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

Tự do hay không ???


       Chúng ta đang sống ở xã hội, và chúng ta có thấy chúng ta là con người tự do không ??? Câu trả lời tùy thuộc vào mỗi người.

       Nhưng với tôi, trước hết phải trả lời câu hỏi, thế nào là tự do đã. Rất nhiều người nói rằng, cả tôi cũng vậy, nói rằng tự do nhưng phải có khuôn khổ. Không sai chút nào. Nhưng lại là một câu hỏi tiếp, vậy thì khuôn khổ đó là như thế nào ???

      Khuôn khổ đó, đương nhiên là một định chế xã hội, bao gồm luật pháp, một thiết chế ràng buộc và bảo vệ, ngăn chặn cũng như phát huy, tiết chế và củng cố các hành vi của con người. Bao trùm lên đó là chính quyền, để đảm bảo cho sự ổn định xã hội. Với xã hội phong kiến, thiết chế chính quyền là hàng dọc, kiểu '' dân chi phụ mẫu '', và tế bào xã hội nhỏ nhất là gia đình. Triều đình cho rằng họ là con trời, được quyền cai quản và quan lại cai trị là cha mẹ dân. Cách cai trị đó đàn áp ý thức hệ của người dân. Lịch sử thế giới là vậy. Nhưng với sự văn minh của nhân loại, cách cai trị theo hàng dọc kiểu phong kiến đã xoay chiều, và với tiến bộ xã hội, với một xã hội dân sự, hay còn gọi là xã hội công dân, thì đơn vị tế bào nhỏ nhất của xã hội là người dân, chứ không còn là gia đình nữa.

       Nếu coi hình thức biểu đạt bên ngoài của một xã hội là bao gồm đủ hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp là một xã hội dân chủ có tự do thì là không chính xác. Con người tự do phải được là một con người dân chủ. Vậy con người dân chủ là như thế nào ??? Con người dân chủ thì phải có tư duy dân chủ. Tư duy con người thì hữu hạn, không thể nói rằng anh biết tuốt và mọi điều anh nói đều là chân lý. Điều này dẫn đến cách lắng nghe nhau và biết cùng thảo luận. Mọi luân lý được cho là tuyệt đối đều là cực đoan và lý thuyết giáo điều. Điều đó sẽ dẫn đến sự độc tài hoặc phát xít.

       Không bỗng dưng mà phương Tây có một phương thức thỏa hiệp và áp dụng rất thành công trong đàm phán, đó là nguyên tắc Win-Win, cả hai bên cùng thắng. Đó là bởi sự dung nạp được của thỏa hiệp, của lắng nghe, của thảo luận. Bởi anh không thể chắc rằng anh nắm toàn bộ cái đúng hay toàn bộ chân lý thuộc về anh, mà anh chỉ nắm một phần của nó thôi, và đối phương cũng nắm điều tương tự. Biết được điều đó là một sự dung nạp. Sự dung nạp này dẫn đến điều chỉnh ý thức của bất đồng chính kiến, chấp nhận nhau hơn và thỏa hiệp được ở sự khác biệt.

        Khi đã có thể lắng nghe, đối thoại, dung nạp và thỏa thuận chia sẻ, thì ý thức trách nhiệm sẽ là điều tiếp diễn. Trách nhiệm trong một công việc cụ thể, trách nhiệm trong một cộng đồng chung, trong cách ứng xử và sinh hoạt tương tác lẫn nhau để cùng điều chỉnh hành vi ý thức. Trách nhiệm như vậy sẽ hướng con người ta gần gũi nhau hơn với ý thức cộng đồng tập thể, ý thức vì tập thể và do đó, sẵn sàng san sẻ và giúp đỡ người khác. Người ta sẽ tự nguyện mà làm những công việc có tính cộng đồng thiện nguyện cao mà không cần sự chi phối, hay tác động từ phía chính quyền. Xã hội dân sự được hình thành như vậy. Và cốt lõi là ý thức trách nhiệm đã hình thành các tổ chức trung gian thiện nguyện, hành động vì lợi ích chung, đứng giữa người dân và chính quyền. Đó là cách mà người dân thực sự làm chủ xã hội. Nhưng trở lại với đầu bài, thực sự, chúng ta đã đủ tự do với môi trường cần thiết để phát triển những điều đã nói kia chưa ???

        Quyền lực nhà nước để điều hành xã hội phải được thực sự xuất phát từ người dân chứ không phải từ trời cho. Các cuộc cách mạng từ châu Âu đã là tiên đề cho luận điểm này. Và với ý thức trách nhiệm cộng đồng, các tổ chức xã hội dân sự ra đời với mục đích phi lợi nhuận (NGO) để điều chỉnh sự tư lợi của các cá nhân cầm quyền. Các NGO này tuy không hoạt động để lật đổ chính quyền, hay nói cách khác là không phải là một tổ chức chính trị, nhưng phương cách hoạt động lại có tính chính trị, nhằm để duy trì sự công bằng cho người dân và kiềm chế sự tư lợi của phía cầm quyền. 

        Bởi tư duy ý thức không bị áp chế, các thành viên đều có thể nói lên điều mà mình suy nghĩ, cho dù sự khác biệt có thể là lớn, nhưng tính tự nguyện và ý thức trách nhiệm cộng đồng là điều cơ bản và then chốt được tôn trọng. Sự tranh luận sẽ dẫn đến mấu chốt vấn đề cần sáng tỏ và quan trọng là thỏa hiệp ở một điểm chung, và đương nhiên tư duy dân chủ sẽ được bồi đắp và củng cố. Tư duy như vậy cũng hình thành và phát triển ở nguyên tắc lãnh đạo. Lãnh đạo dân chủ. 

        Tóm lại, xã hội dân sự không thể không có tư duy dân chủ. Và yếu tố cốt lõi là tư duy đó xuất phát, hình thành từ người dân. Người dân nào thì xã hội đó. Cổ nhân xưa đã nói vậy và giờ cũng không sai, bởi cổ nhân xưa nói bất sai ngoa. Xã hội dân sự vững mạnh thì tất yếu kiềm chế sự lũng đoạn, độc đoán, lạm quyền của những nhà cai trị. Tuy nhiên, chúng ta sẽ còn nghĩ và mơ về một xã hội dân sự đa nguyên như vậy ở môi trường mà chúng ta đang sống. Một cấu trúc xã hội cần có sự cải tổ từ phương pháp tư duy lãnh đạo.

        Chúng ta vẫn mơ về một cấu trúc xã hội dân sự như vậy, nhưng chính chúng ta phải là thành tố cốt lõi về tư duy dân chủ, dù rằng chúng ta ở các lĩnh vực hoạt động khác nhau. Ý thức trách nhiệm sẽ đưa con người dân chủ đến với các sinh hoạt xã hội đa nguyên và tôi nghĩ, sự hình thành các tổ chức xã hội như vậy sẽ là sự tất yếu. Hãy cứ thế thôi, và tôi không, hay chưa muốn nói đến một nền chính trị dân chủ.

        

12 nhận xét:

  1. Đúng như cái nhãn của bài viết, vấn đề chính trị luôn rất biết cách làm người ta thiếu tỉnh táo (vì nhiều lí do như kiến thức, kinh nghiệm, tư duy...).
    Tuy nhiên, đọc bài viết của bạn lại rất khúc chiết: "Tóm lại, xã hội dân sự không thể không có tư duy dân chủ. Và yếu tố cốt lõi là tư duy đó xuất phát, hình thành từ người dân. Người dân nào thì xã hội đó." :)

    Bạn có thể lý giải tại sao xã hội ta e ngại cái chữ "dân chủ" này, dù luôn nói về nó như là thành tựu nổi bật của chế độ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thùng không chứa nước thì đập vào nó mới kêu to được bạn à. Nước sơn có bóng bẩy thì chỉ để che cái chất gỗ tạp. Gợi ý của bạn là một gợi ý hay, dù rằng nếu ở một quán rượu vỉa hè, chuyện này dễ dàng có thể nói, nhưng ở phạm vi một bài viết với môi trường này, sẽ có sự lăn tăn nhất định. Có lẽ tôi sẽ suy nghĩ để lựa chọn cách thể hiện.

      Xóa
    2. Mình sẽ chờ bài viết đó nhé.

      Xóa
    3. Một ngày đẹp trời nào đó, kkk:))

      Xóa
  2. Lâu nay các nước muốn đầu tư hợp tác với Việt Nam còn dủng dằng cũng vì hai chữ dân chủ này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói hẹp lại một tí, hồi em làm thư ký ISO ở công ty, các chuyên gia họ tư vấn và giúp mình hiểu về chuyện win-win, sau đó sếp bảo em xây dựng quy chế dân chủ, mới bấy nhiêu thôi nó đã đá nhau lộn tùng phèo. Em tẩu hỏa luôn.

      Xóa
    2. Về nhà bán cà phê cho nó lành.

      Xóa
    3. Bản thân người lãnh đạo nếu ko hiểu các khái niệm cơ bản của dân chủ thực sự là gì, thì tự nó sẽ là sự hạn chế. Nó hạn chế ở ngay chuyện mời chuyên gia tư vấn rồi lại giao nhân viên làm cái điều được '' tư vấn ''. Nếu anh hiểu thực sự, anh sẽ mời luôn chuyên gia đấy xây dựng quy chế rồi mới phổ biến và tập huấn quy chế đó. Sếp em nửa vời, làm quy trình ngược.

      Xóa
  3. Lâu nay các nước muốn đầu tư hợp tác với Việt Nam còn dủng dằng cũng vì hai chữ dân chủ này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng chưa hẳn thế đâu em. Cái gì càng thiếu minh bạch thì càng dễ lợi dụng, vấn đề là cách thức thôi. Cocacola là 1 ví dụ đấy thôi. Nó báo lỗ triền miên gần 2 chục năm qua tại VN, thế tại sao nó không rút? Công nghiệp xe hơi ở VN tại sao cứ lẹt đẹt không cất nổi đầu ở cái tỷ lệ nội địa hóa ko vượt được ngưỡng 20%?

      Xóa
  4. Entry và các comment thú vị.
    Tôi đọc ở Blogspot thấy blogger Nhà Gom Lá Bàng rất mê nhân vật Tiêu Phong. Giờ nhìn thấy nick Tiêu Phong tôi vội nhảy bổ vào dòm coi có... dễ thương không. Có dễ thương. Để rồi tôi đọc dần dần xem có bị... mê không.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn độc giả mới nhé. Cmt dễ thương rồi đấy. Để xem cmt khác dần dần có bị...mê không nữa nhé, kkk :))

      Xóa