Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Một câu chuyện đời.


        Bầu trời sũng sịu một màu xám. Xám đến nặng nề, xám như u uất. Trời sắp mưa đây. Tiếng anh khe khẽ khi vẫn đang lúi húi bên cái chõng tre, đã lỉnh kỉnh mấy con cá đã mổ ruột, chờ nướng, với chai rượu trong vắt ngạo nghễ bên mấy cái chén con. Mớ rau thơm xanh ngắt đã rửa còn nguyên cành cuộng, vài trái ớt đỏ lẫn với khế xanh đã thái ngôi sao.

         Tôi đã mất không biết bao suy nghĩ để lý giải tại sao anh lại chọn cách sống này. Một cái lều nhỏ giữa cái bãi bồi, trồng rặt một loại cây ăn quả, chuối. Nhưng dòng sông Hồng đang lựng lờ kia thì ổn. Tôi thích nó. Không gian quạnh vắng. Gian lều tre, vách liếp, lợp lá cọ, có một cái mái vẩy ra trên một hàng hiên đắp đất cao hơn mặt sân cũng đất nện. Cái màu không gian bàng bạc lúc xế chiều rất hợp với cái khoảnh sân nhỏ này, giờ đã ù ù gió trong cái xám u linh của cơn mưa sắp đến.

         Chúng tôi uống rượu. Chỉ có tiếng cạch nhẹ của chén sứ nâu non. Anh vẫn thế, vẫn tinh tế trong từng thứ lựa chọn kể cả với một cuộc sống tưởng như tạm bợ và cô độc này. Bộ chén uống rượu màu nâu non này, là kiểu chén hạt mít anh lựa mua bên Bát Tràng. Ấm chén uống trà, bát cơm đôi đũa, anh cũng lựa chọn cẩn thận từ màu men đến kiểu dáng. Không cầu kỳ, nhưng toát lên sự tinh tế. Rượu trong chai đã được trút sang một cái nậm làm bằng quả bầu khô rồi. 

          Lặng lẽ. Chúng tôi nhìn ra khoảnh không gian đang mịt mù màn xám bạc của mưa giời. Những tàu lá chuối xô rạp trong cơn mưa gió, cọ quẹt trong những tiếng rít xô đầy cam chịu. Tôi biết anh lại đang có tâm sự gì đây.


         Con lớn anh đã ra nước ngoài du học. Hai đứa còn lại đang học cấp ba rồi. Chúng nó đều ngoan ngoãn. Hình như, cái thứ ngoan ngoãn của những đứa trẻ biết thân biết phận của những cuộc sóng gió gia đình lại là thứ mà cha mẹ chúng cảm thấy đó là sự may mắn vậy. Bởi chúng không mặc cảm mà phẫn hận, không buồn chán mà phá đời, không bị mất niềm tin mà bỏ mặc bản thân trong những ma mãnh cuộc đời luôn giăng sẵn và chờ đợi. Dường như, với cha mẹ chúng, đấy là điều mà họ còn an ủi khi chia tay nhau.

         Khi tôi vào đời, anh là người anh lớn dẫn dắt tôi những bước đi nghề nghiệp. Những sáng tạo kiến trúc non nớt của tính bay bổng tuổi trẻ bị anh dìm xuống đất một cách tàn bạo. Mày vẽ cho khách hay mày vẽ cho mày hả con ??? Người ta trả tiền cho mày để mày vẽ theo cái mà mày thích à ???... Đại loại vậy. Liệu pháp sốc anh dành để dạy dỗ tôi với những đầu đời thật không dễ nuốt trôi. Để với thời gian trôi đi, tôi vẫn cặm cụi bên bàn vẽ, thước tê, bút mực đến hai, ba giờ sáng thì anh đã là một ông chủ thầu xây dựng với cái đầu sỏi to như nắm đấm. Anh vẫn bảo tôi: Kiến trúc sư như anh với mày, không thành công cũng phải thành nhân em ạ. Dẹp bớt cái tôi đi... Để mãi sau này, tôi mới hiểu cái triết lý của anh. Mới hiểu mỗi khi anh nhìn thấy một tác phẩm nào ưng ý, mắt anh vẫn ánh lên một sự thích thú. Cái tia sáng của một người yêu nghề nhưng lại lựa chọn con đường khác để thành nhân.

        Anh đã có đủ tiền và thực chất, anh đã có rất nhiều tiền với một gia đình đầy đủ. Những khi anh em vui vầy bên một cuộc rượu chén chú chén anh nâng lên đặt xuống, tôi đọc thấy bên cạnh vẻ tự tin của một người thành đạt của anh có một cái lẽ gì thiếu mà tôi không lý giải nổi. Không phải là việc anh sớm rời con đường tay bút tay thước với sự dẹp bỏ chuyên môn, không phải vì những ấm ức thủ đoạn trên chiến trường kiếm sống, và tôi chắc cũng không phải lý do gia đình. Vợ anh, tuy không cao ráo nhưng cũng ưa nhìn và nhất là, chị cũng là người biết kiếm ra tiền và thu va hà vén cho cuộc sống, chăm lo con cái. Những ánh xám thoáng buồn cứ phảng phất qua người đàn ông phong trần lãng tử ngày nào trong những cuộc rượu, với tôi, là một câu hỏi không lời giải đáp.

         Khi cơn sóng đầu tư bất động sản và chứng khoán tràn lên như một thứ bệnh dịch, thành một thứ virus không có kháng sinh của xã hội thì anh cũng cuốn vào nó. Không mất tất cả, nhưng anh gần như phá sản. Tóc anh đã bạc xám sau những tranh đấu để có hợp đồng xây dựng, giờ thành gần như trắng xóa sau một cơn bão tài chính. Nhưng anh kiên quyết không động đến những tài khoản anh đã dành cho con cái sau những tích lũy của đổ mồ hôi sôi nước mắt. Sóng gió gia đình cũng nổi lên từ đó. Tôi không thể tham gì vào chuyện nhà anh, khi có một hôm, ngồi nơi quán rượu ven hồ Tây, anh bảo anh chị chia tay rồi. Nhà cửa anh bỏ lại hết cho chị và các con, tiền ở các tài khoản dành cho con, anh chỉ yêu cầu được giám sát bởi luật sư do anh chỉ định, để chị không xâm phạm vào.


         Căn lều ở nơi bến nước ngoài bãi đê này là nơi cuối cùng anh còn lại. Đất năm phần trăm trong một cuộc đánh bạc với số phận, cũng chỉ là tiền lẻ với anh khi cuộc bạo động đầy tính điên cuồng về đầu tư, về lướt sóng trong cơn say máu của xã hội đồng tiền. Mảnh đất rộng hơn năm trăm mét vuông, đất nông nghiệp năm phần trăm này giờ người ta bán với giá hai triệu một mét. Anh về dựng cái lều nhỏ, cũng ra dáng lắm với cái mái cánh diều cũng vút lên ở các đầu mái. Để cho thoáng, anh bảo thế. Anh vẫn chưa quên cái nghề được học ngày xưa.

         Chầm chậm, chúng tôi cứ từng chén đẩy đưa. Rồi anh chợt hỏi: Chú có chơi phây-búc không ??? Mái đầu trắng sẽ thả vài lọn tóc xuống trán khi anh nghiêng người rót cho tôi. Em cũng có, nhưng chỉ để tán gẫu với bạn bè thôi. Tôi trả lời. Cũng không hỏi thêm. Không cần thiết. Tôi biết thế bởi anh đã nói thì có nghĩa không cần phải hỏi nữa.

         Anh cũng mới có. Mới lập. Thằng út nó bảo bố chơi phây đi. Có phây, bố gần bọn con nhiều hơn. Rồi nó lập cho anh một cái. Anh thủng thẳng rồi chợt cười nhẹ. Cái cười vừa có sự vui vẻ rồi lại ngay đấy là một sự chua chát nhè nhẹ thoáng qua trên gương mặt phong trần, đã có những chân chim nơi khóe mắt. Người đàn ông gần năm mươi với một thời tuổi trẻ đầy hào hoa, cái đuôi tóc buộc lại như đuôi ngựa thoảng lại vật qua vật lại, đầy những sợi trắng đến đuôi ngọn tóc. Người đàn ông với những kiêu hãnh tuổi trẻ, thành công với gương mặt góc cạnh đang ngồi cạnh tôi, với ánh nhìn xa xôi vào màn mưa trĩu trịt, dường như đang cố để chọn lọc một từ ngữ để nói...

         Anh vừa gặp lại một người bạn. Gần ba mươi năm rồi. Giọng anh như chùng xuống trong sự khó khăn của việc diễn tả. Là một người anh đã từng yêu. Khi đó anh mới học đại học, còn cô ấy học cấp ba, năm cuối. Tôi lặng im. Cơn mưa đã không còn ào ạt như lúc mới đầu nữa, nhưng vẫn còn nặng hạt. Những giọt nước cứ thay nhau rỏ xuống qua mái gianh thành những hàng dài liên miên, bất tuyệt. Dường như cơn mưa chùng xuống lại làm cảm xúc anh dâng lên. Giọng kể đã đều đều và chỉ thỉnh thoảng ngắt quãng khi anh đưa chén lên tợp từng ngụm nhỏ. Anh gặp trên phây à? Khẽ gật đầu, anh nói, qua một người bạn anh. Cô ấy cũng là bạn của bạn anh.

         Ở đâu anh? Ở Mỹ. Bạn anh cũng thế.

         Anh kể về một thời tuổi trẻ. Thời sinh viên đầy sôi động. Anh là một người đàn ông hội đủ sức hấp dẫn với phái yếu. Anh đẹp trai với nét ngoại hình của một lãng tử, nhưng lại đầy đủ cá tính đàn ông của sự mạnh mẽ. Không khó hiểu khi ngày đó nhiều người thích và mê anh. Người yêu đầu của anh là bạn học cùng cấp ba. Nhưng chính anh lại là người thất bại khi người yêu anh không vượt qua được sự cấm cản của gia đình. Vì nhà anh nghèo hay vì sự lo lắng về ngoại hình của anh mà bà mẹ cấm cản quyết liệt. Anh không biết điều đó và bạn anh cũng không nói. Chia tay trong một tối cũng đầy mưa gió như hôm nay, cả anh và bạn cùng khóc trên con đường có hai hàng cây sấu độc nhất vô nhị của Hà Nội. Từ đó anh thề, sẽ không bao giờ nghèo và cũng không bao giờ bị để phụ nữ bỏ mình. Chỉ anh mới làm điều đó.

         Anh gặp cô trong một ngày đi đánh quả về. Anh bị ấn tượng bởi chiếc răng khểnh ở một cô bé có suối tóc dài và nét cười rất duyên. Đầy ngây thơ. Nhà cô có một hàng nước và hôm đó, cô ra trông hàng cho mẹ. Chuyện gì đến rồi cũng đến. Cô và anh đã yêu nhau. Không nhiều kỷ niệm, chỉ là những hình ảnh cứ thoáng qua của những buổi ngồi cafe mà thôi... giọng anh vang hơn sau khi nuốt một ngụm rượu. Rồi bọn anh chia tay và cô ấy vào đại học... Vậy sao lại chia tay, anh ??? Không trả lời, anh lại lặng lẽ rót, lặng lẽ uống và lại lặng lẽ hướng cái nhìn về cái màn trời đã sẫm tối ngoài kia, như thể kiếm tìm trong cái lô nhô của những tàu lá chuối một điều gì đó mà chính anh cũng không biết. Một cái lắc đầu kèm tiếng đặt nhẹ chiếc chén xuống chõng.

         Những bong bóng nước trôi lềnh bềnh trên những vũng trũng của khoảnh sân nện không đều cốt. Những hạt mưa xiên thủng chúng, vỡ òa trong sự bật nổi của những bong bóng khác. Trời mưa bong bóng phập phồng, mẹ đi lấy chồng con ở với ai... Tự dưng tôi bật lên trong đầu câu ca dao xưa cũ. Những chiếc bong bóng mong manh như chính số phận của chúng, để mà liên tưởng đến cuộc đời với những hẩm hiu phận số. Câu ca dao buồn về thân phận cuộc đời. Heo hắt cùng với màn mưa.

         Bọn anh nói chuyện nhiều, như những người bạn. Nhưng anh biết, vẫn có những câu chữ không thể che giấu về một niềm oán trách. Anh không thể biện minh. Anh chỉ cố che dấu đi cái nguyên nhân thật sự của nó. Anh nói. Nhưng tệ hơn cả, anh đã làm cô ấy tổn thương đến hai lần. Khi cô ấy đã học đại học thì anh lại quay lại, và một lần nữa bọn anh lại yêu nhau. Và lại một lần nữa, anh lại là người dứt áo chia tay. Một ngấn nghẹn nhẹ khi anh nói đến câu cuối. Tôi tưởng như mắt anh mờ đi lúc đó. Tôi không chắc lắm.

         Câu chuyện anh kể không sắp xếp theo thứ tự thời gian. Sự lẫn lộn có logic của nó. Anh kể về những đoạn chat của anh với cô lẫn với những nghĩ suy thời trai trẻ, lẫn với những hình ảnh khi yêu nhau, và lẫn cả với người bạn đầu tiên nữa. Thì ra, khi yêu nhau lần đầu anh vẫn chưa quên được hình ảnh người yêu cũ. Anh vẫn nấn ná mỗi khi nghĩ về. Sự trẻ dại của cô không phải khuyết điểm để anh chia tay. Anh, với suy nghĩ về sự lập thân sớm, về cách kiếm tiền đã chiếm choán và đề cao cái tôi của anh. Người bạn cũ cũng là một chất xúc tác. Lần chia tay thứ 2 thì lại cũng đến khi mà người bạn cũ có ý quay lại với anh. Anh đã không dám sống thật với mình. Sự kiêu hãnh bản thể đã lấp đầy trong anh cái suy nghĩ chín chắn. Anh không quay lại với cô bạn cũ mà cũng đánh mất nốt cô. Đến khi anh biết là anh yêu cô thì đã muộn, lúc đó cô đã có bạn trai mới...

         Bây giờ thì sao anh ??? Bây giờ ư, bây giờ thì quá muộn. Cô ấy ở cách xa anh nửa vòng trái đất, với một người chồng yêu thương cô ấy và những đứa nhỏ xinh xắn giống mẹ. Còn anh thì, một nét cười chua chát trên khóe môi, anh là kẻ thất bại. Anh có tư cách gì để mong muốn có một tình yêu, khi chính trong quá khứ, anh là kẻ đã không trân trọng nó với một sự ngô nghê thiếu chín chắn ??? Chúng ta phải chịu trách nhiệm với những hành động của chúng ta thôi.

         Mọi chuyện là tự nhiên, tôi nghĩ vậy. Duyên hợp thì tán mà duyên lệch thì tan. Hợp duyên không hợp phận. Phải chăng, sự thất bại cuộc đời vào thời điểm hiện tại, thời điểm sự ngẫu nhiên của phận số sắp đặt để anh và cô gặp lại nhau, là một sự trớ trêu ??? Không, tôi nghĩ đó là sự ngẫu nhiên tự nhiên của cuộc đời. Duyên có mà phận không, âu cũng là cái lẽ đời mà thôi. Tôi cũng biết anh không đổ lỗi cho cuộc đời và phận số, bởi chính anh đã thừa nhận, mình làm thì mình chịu. Nỗi buồn trĩu nặng của anh và cô là cả cô và anh đều vẫn còn tình cảm ngày nào với nhau. Nhưng điều đó chỉ nên như một sự cất giữ tận đáy sâu con người, để mà nghĩ về nó như một điều đẹp đẽ đã từng có trong cuộc đời.

         Anh vốn là thằng không cam chịu, và anh quý mày vì điều đó. Anh đột ngột lên tiếng và thay đổi cách xưng hô sau những phút lặng im trong trầm ngâm và suy nghĩ. Mày cũng là thằng có cá tính. Mày đến giờ vẫn còn làm tư vấn. Mày vẫn yêu nghề. Em... Đừng ngắt lời anh, anh chặn tôi lại. Mày đã lựa chọn và dù bây giờ mày đã thấy kết quả của sự ương ngạnh không nghe lời anh, nhưng anh tôn trọng điều đó ở mày. Anh cũng thế. Anh đã có sự lựa chọn và bây giờ anh phải chấp nhận. Anh thở dài sau một hồi lại rơi vào sự trầm tưởng, cái gì nó đến sẽ đến, cái gì nó đi sẽ đi. Theo lẽ tự nhiên, tôi nói, kể cả sự cam chịu hay không cũng vậy.

         Yêu và được yêu. Mỗi người đã đều trải qua. Chỉ những ngoái nhìn về quá khứ mới thực sự là sự tự vấn. Tôi biết anh sẽ rất vất vả để vượt qua sự chấp nhận. Những gì anh đang trải hiện tại, chẳng qua là một sự phản ánh của quá khứ đã qua. Những quá khứ mà bây giờ tôi hiểu, là những ánh xám buồn phảng phất nơi anh mỗi khi chúng tôi vui vẻ đến tưởng như cuộc đời đã cho mình tất cả.

25 nhận xét:

  1. Một câu chuyện đời, nhưng thực ra có nhiều câu chuyện đan xen với nhau. Chuyện làm ăn, chuyện thời cuộc, chuyện tình duyên, chuyện nghề nghiệp, chuyện cha con...
    Bạn chọn lối viết xưng "tôi" xem ra rất phù hợp trong tản văn này. Một cái "tôi" khách quan để nói lên những tâm tư của "Anh" - Người đàn ông yêu nghề, có những mâu thuẫn giữa niềm say mê nghề nghiệp với những toan tính sinh nhai và bị cuốn theo những thăng trầm của đời.
    Hình như ở trong những cơn mưa, tâm hồn con người cũng giống như những hạt mưa???

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn. Vì thế nên tôi đặt nó là Một câu chuyện đời mà. Thanks :)

      À, có vẻ câu kết của bạn chính xác đấy.

      Xóa
    2. Vậy thì cái kết, nên chăng con chữ cũng xoay vần với hạt mưa nhỉ.:)

      Xóa
    3. Để khi nào viết lại thành truyện ngắn thì lưu ý nhỉ, :)

      Xóa
  2. Cái đoạn mở màn, sao em like quá!
    Các anh thật khéo bầy cuộc vui vầy, hưởng thú tiêu dao.
    Bonus: anh ấy có tuyển ôsin luộc gà vịt gì không anh? Em vì thèm cuộc sống nhẹ nhàng như thế nên đăng ký một chân, với lại nghe đồn ông chủ đẹp trai nữa...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có. Anh đã khen là không sai. Bạn anh hơi ổn. Ngang ngửa Trần Lực. Cô Di có chuyển hãng cafe ra bãi bồi thì bảo anh nhé :)

      Xóa
    2. Không cần Trần Lực, cỡ TP huynh là đủ... đuối như con cá chuối!
      Đúng là em có thích cuộc sống như thế thật, cảm thấy mình đã quá đủ với cuộc đời rồi.
      Vui thú tiêu dao, cuộc sống nhẹ nhàng đơn sơ, bỏ tất cả những thói thường sân si.
      Ôm giấc mộng mà ngủ vậy.

      Xóa
    3. Ngủ để mộng, rồi ôm mộng mà thức chứ, UD ! :D

      Xóa
    4. Anh à, vậy cô Di chờ anh mươi năm nữa nhé, kkk...:))

      Xóa
    5. Mấy bức tranh trên nền báo hay quá. Anh TP kiếm ở đâu hay vậy?
      Tớ không dám thức đâu Thụy ơi, ốm trận rồi tớ hãi lắm, không quen ốm đau. Phải dưỡng sức chờ... mười năm nữa ứng tuyển ôsin luộc vịt cho anh TP mới được.
      Cơ mà tớ nghi nghi, mười năm nữa anh TP tuyển người thể nào cũng kèm điều kiện dưới hai lăm tuổi, lúc đó có mà... cắn nưỡi.

      Xóa
    6. Có một họa sỹ Nga chuyên vẽ tranh trên nền báo, một cách thể hiện độc đáo và lạ. Không mới nhưng lạ. Lạ ở cách thể hiện và phong cách.

      Xóa
    7. Em không rành thể loại tranh này, nhưng em cũng nhận thấy nó hay hay, trên cái nền chi chít chữ, có những khi nét vẽ vô tình hay cố ý lướt qua những nếp gấp, những chữ in đậm, in nghiêng trên giấy báo... tạo nên một hiệu ứng lạ. Em mới thấy trên đường nhà em ở, có một quán cà phê nho nhỏ, tường dán báo cũ, nhưng dán trông rất nghệ thuật.
      Hay nhỉ?

      Xóa
    8. Đó là sự sáng tạo đấy em ạ.

      Xóa
  3. Thuỵ đọc rồi ... nhưng chưa bình được, có lẽ vì chưa đọc đến lần thứ năm ...:D ... mà cũng có thể là vì trời đang mưa to lắm ... Em phải chờ hết mưa đã rồi mới đọc lại ... :D
    À, tản văn này có thể viết dài hơi hơn để thành truyện ngắn lắm đấy Phong Ca. Cốt truyện - với phần lõi là nhân vật chính đầy tính cách đã hiện rất rõ rồi ... Khá ổn ! :D

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Định viết thành truyện ngắn đấy. Thụy rất tinh, good. Nhưng anh ko có nhãn Truyện ngắn, vì ban đầu ko có ý định viết. Nên thôi, rút ngắn lại, để vào Tản văn.

      Kinh, đọc 5 lần mới cmt cơ à, nghiêm túc nhể, kkk :))

      Xóa
    2. Là tản văn hay là truyện ngắn thì đâu có phân biệt bằng số chữ. Tản văn của tôi bà con nhiều người phải đọc mấy ngày mới hết, trong khi truyện ngắn thì lại ngắn cũn.

      Xóa
    3. Đọc nghiêm túc với những người viết nghiêm túc, bởi vì từ năm học lớp năm em đã được dạy " Văn là người mà " Phong Ca :)
      Có điều không phải lời dạy này bao giờ cũng luôn đúng. Em đã từng thấy "văn một đàng, người một nẻo" cũng khá nhiều rồi ... :D

      Xóa
    4. Nhât trí quan điểm, kkk :))

      Xóa
  4. Vẫn thấy dễ thương, nhưng vẫn chưa... mê.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khà khà khà.....

      Để người chuyên nghiệp mê thì chắc tôi chuyển nghề mất, thank về sự động viên :)

      Xóa
  5. Ngắn nhưng nhiều khuôn mặt đã hiện ra. Một người có nghề-bỏ kiếm tiền theo kiểu sẽ được nhiều tiền. Thua- nhưng không thua tuyệt đối vì còn để lại cho "của để dành" một chút. "Tôi" thì rõ rồi. Có những mấy người đàn bà nhưng chỉ có một người đàn bà có thể lấy tiền trong tài khoản của con ra để tiêu pha. Người đó như vậy là đúng rồi vì ả bỏ chồng khi gã chồng gặp nạn-khốn nạn. Thằng con "ăn" lộc bố biết thương bố cô đơn nên mở cho cái "phây".
    "Tám" cho vui Tiêu Phong nhé! cố lên!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh. Cứ 8 thế cho đời nó vui anh ạ. Em sẽ cố, nhưng không quá, kkk... :)

      Xóa
    2. Tất nhiên! kinh phật có câu "thái quá bất cập" mà em.

      Xóa
  6. Lôi cuốn lắm! em vãn thấy anh như có 2 con người khác trong 1 TP! Hii

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cô đừng gán cho anh cái đa nhân cách đấy nhé :))

      Xóa