Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

Người với người, sống là để phang nhau.


     Những ngày cuối năm.

   Quá nhiều chuyện đáng nói, quá nhiều chuyện không thể không để ý dù bộn bề trăm điều cần nghĩ, nhưng câu chuyện một người nhận bản án 7 năm vì tống tiền Tân Hiệp Phát là câu chuyện buồn nhất.


    Đất nước đã sắp kết thúc năm thứ 15 của thiên niên kỷ mới, nhưng nhận thức, ý thức của con người trong cách đối xử với nhau quả thực rất đáng xấu hổ.

    Vươn lên một xã hội văn minh với sự hành xử như vậy ư? Người đi tù kia có thực sự tham không, anh ta có thực sự có ý muốn ngay từ đầu rằng sẽ bắt THP trả tiền cho chai nước có ruồi hay không?

    Không ai biết cả.

    Có thể anh ta tham thực sự và có ý đồ đó ngay từ đầu. Cũng có thể anh ta nghe người khác xui dại và thực hiện hành động liên hệ với THP, và từ đó tự mình chui vào bẫy. Xét về trách nhiệm đối với chính bản thân anh ta, điều đó là không chấp nhận được. Nói một cách khác như ngôn ngữ xã hội vẫn nói là: Ngu thì chết!

   Bởi với một xã hội truyền thông như hiện nay, chỉ biết cắm đầu vào bán hàng nuôi sống bản thân và gia đình mà không mở mắt ra đọc, ra xem, với lý do là không quan tâm, thì tự mình chui vào bẫy cũng không oan. Bởi câu chuyện THP đưa người tiêu dùng vào tù, tiền lệ không phải chỉ có một lần.

    Nhất là, anh không phải ở miền núi.


    Đối với cơ quan công an, tôi đồ rằng các anh đủ nghiệp vụ để nhận biết đâu là tội phạm thực sự trong một hoàn cảnh thực sự. Việc bắt một con người, khép án anh ta và tống anh ta vào tù như trường hợp này, liệu có thực sự loại bỏ tội phạm hay không, liệu có thực sự giúp cho xã hội bớt đi gánh nặng hay không?

    Anh ta, chính là một lao động chính của gia đình. Anh ta, cũng đồng thời là điểm tựa cho một người vợ và một đứa trẻ thơ. Anh ta đi tù, xã hội không biết có bớt đi được một tội phạm không, nhưng chắc chắn vợ con anh ta sẽ khó khăn, sự khó khăn của một cá nhân, một gia đình sẽ chính là gánh nặng xã hội.

    Xét về khía cạnh khác, liệu vụ việc như vậy, có nên hình sự hóa nó không? Nhất là khi vụ việc này với THP, đã là lần thứ 3 và cả ba câu chuyện đều có cùng một kịch bản. Cơ quan CA, tự mình soi chiếu và nếu các anh cho rằng, bắt và tống giam là cần thiết, chứ không cần phải răn đe giáo dục để giảng hòa hai bên, thì chính tự bản thân cách nghĩ đó, nó cũng là vấn đề.

    Đối với THP, nói thật, các anh các chị để lại cho chúng tôi một sự ghê tởm và cảm nhận rằng, THP là một tổ chức dã thú với đầy đủ thú tính man dại trong hành xử, một lối suy nghĩ thủ đoạn hạ lưu của đám lưu manh, một ráo hoảnh cạn tàu ráo máng của kẻ đầu đường xó chợ và lừa đảo.

    Người đầu tiên THP đưa vào tù lĩnh một cái án 3 năm, là một chai nước có một con gián. Người thứ hai là một kỹ sư với chai nước có cặn và án tù 1 năm. Không ai ủng hộ lòng tham và cách hành xử hoang dã khi đòi hỏi sự đền bù quá đáng cả. Nhưng câu chuyện ở đây lại khác. Chính THP đã đưa ra con số gợi ý cho các nạn nhân của mình, và đó chính là cái bẫy lòng tham, một căn tính của con người, mà THP đã rất biết sử dụng.

    Kể cả người ta có đòi hỏi con số nhiều chục triệu và thậm chí đến hàng trăm triệu đi nữa, nếu là một DN có một thiện lương tính, anh sẽ có cách hành xử khác. Anh không cần phải đi đêm với khách hàng của mình như vậy, và nhất là, anh phải nghĩ rằng thứ anh kinh doanh, chính là thứ liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

    Và người tiêu dùng chứ không ai khác, chính là nồi cơm của nhà anh.

    Trong một xã hội muốn văn minh, đương nhiên không thể chấp nhận sự khủng bố và thỏa hiệp với khủng bố. Khách hàng đòi bồi thường quá mức trong một vụ việc dân sự cũng chính là khủng bố.

    Hơn nữa, THP lại không nhớ câu '' Không có ai nắm tay từ sáng đến tối ''. Không một sản phẩm hay dịch vụ nào mà không thể tuyệt đối không có sơ sót. Vậy khi điều đó xảy ra, dù không chấp nhận thỏa hiệp với yêu cầu quá đáng, thậm chí mang tính khủng bố đi nữa, chẳng nhẽ cách duy nhất là tống người ta vào tù?

    Chưa nói, chi phí để THP tống khách hàng vào tù cũng không hề rẻ, tôi dám cá với những sự vụ đầu tiên khi con số đòi hỏi là 50 triệu, thì việc đưa được người tiêu dùng đó vào tù, THP phải bỏ ra con số gấp ít nhất là hai lần, nhẹ nhàng thì cũng phải gấp bốn lần.

    Suy nghĩ rằng bỏ ra số tiền đó để tống người ta vào tù, như là một sự ngăn chặn triệt tiêu sự tống tiền là hoàn toàn sai lầm. Nó chỉ thể hiện tính hoang dã của tư duy lỗ mãng.

    Các cụ có câu: Nói phải củ cải cũng nghe! Tôi không tin rằng THP, với một thực lực tài chính như vậy, lại không thể tìm thuê được một người có khả năng đối thoại với khách hàng để cùng đạt đến nguyên tắc win-win, tôi cũng không tin rằng nếu sử dụng công cụ luật pháp một cách có tình người, THP không thể đối thoại với khách hàng một cách thỏa đáng. Và tôi cũng không thể tin rằng, THP, với một hành trình 20 năm chiến đấu thương trường, lại không biết đến một chiến thuật sơ đẳng của truyền thông, là biến chính khủng hoảng thành công cụ PR.

    Nhưng với những bản án của cả ba vụ việc, tôi buộc phải tin rằng, THP cuối cùng cũng chỉ là một tổ chức ô hợp, và ông chủ của nó cũng chẳng qua chỉ là một dạng lưu manh gặp thời. Một dạng lưu manh từ trong căn bản, trong gốc rễ con người.

     Ai cũng biết, dưới góc độ kinh tế học, lợi nhuận của DN chính là mục tiêu tối thượng. Nhưng mục tiêu đó đặt dưới tư duy lưu manh sẽ chỉ dẫn đến hành xử lưu manh mà thôi.



    THP đổ lỗi cho truyền thông, đổ lỗi cho đối thủ cạnh tranh. Và khi bản án được tuyên, THP lại lên tiếng xin lỗi khách hàng, các đại lý và gia đình anh Minh, người nhận bản án 7 năm, với cảm thán của loài cá sấu rằng bản án quá nặng???!!!

    Vụ việc VEDAN cách đây mấy năm, chẳng để lại cho THP một điều gì cả. Không một gì hết.

    DN, từ khi khởi nghiệp đến khi gây dựng được thương hiệu, duy trì nó và đưa nó đến thành công, là cả một cuộc chiến đấu. Đầy ắp sự khốc liệt.

    Chỉ một quán bia thôi, muốn đứng vững cũng đã không dễ. Nhất là khi khách hàng đánh nhau, khách hàng không vừa lòng nhân viên, khách hàng say xỉn. Và nhất là khách hàng đánh nhau, lại chính là đầu bò đầu bướu, hổ báo cáo chồn do đối thủ cạnh tranh điều đến làm loạn. Nếu cũng hoang dã là cho đại bàng diều hâu đến móc mắt bọn hổ báo cáo chồn ra, thì chính anh đã hỏng quán. 

    Khách đến để uống bia, chứ không phải đến để xem đánh nhau.

    Khách đến để được yên tâm thư giãn bên cốc bia, chứ không phải để xem anh chứng tỏ anh là đại bàng hổ báo.

    Và quan trọng nhất, anh bán bia chứ không bán sự vũ phu.

    Một quán bia, dù biết chắc đám khách hổ báo kia là do đối thủ cạnh tranh lùa đến, cũng còn không lựa chọn cách đánh lại dù nếu muốn, đám hổ báo kia sẽ thành mèo hen chỉ trong phút mốt. Họ chọn cách ôn hòa hơn nhiều.

    Họ biết rút củi đáy nồi. Họ biết xăng đang cháy thì dùng cát mà dập chứ không đổ nước vào. Họ biết phân lượng cao thấp không nằm ở cách ăn miếng trả miếng.

    THP, qua những vụ việc, đã nổi rõ bản chất của hạ đẳng tính trong hành xử, lưu manh hóa trong kinh doanh. Cho dù có đổi tên thành Number 1, và mời phó Tổng GĐ nước ngoài về phụ trách, thì tính cốt lõi của lưu manh hoang dã vẫn không thay đổi.

    Dù rất thông cảm với những khó khăn của DN và cũng hiểu rất rõ sự quái ơ, thậm chí quái vật của một bộ phận tiêu dùng, cũng không thể chấp nhận mà phải nói lên sự ghê tởm đối với THP.



    

6 nhận xét:

  1. Thay cho lời bình, anh gửi Tiêu Phong đoạn thơ của bạn anh:
    "VỤ ÁN "RUỒI" TÂN HIỆP PHÁT
    Phạm thì một, nhân thì hai
    Vòng trong "móng ngựa" vòng ngoài: công an
    Người bảo "tội", kẻ nói "tham"
    Phận nghèo ngắn cổ kêu than nỗi gì
    Tội cha, Toà phán phải đi
    Thương con bé dại ai thì nuôi con?
    Bảy năm tù tội héo mòn
    Bầy ruồi thắng án béo tròn bụng ...phân."

    Trả lờiXóa
  2. Thay cho lời bình, anh gửi Tiêu Phong đoạn thơ của bạn anh:
    "VỤ ÁN "RUỒI" TÂN HIỆP PHÁT
    Phạm thì một, nhân thì hai
    Vòng trong "móng ngựa" vòng ngoài: công an
    Người bảo "tội", kẻ nói "tham"
    Phận nghèo ngắn cổ kêu than nỗi gì
    Tội cha, Toà phán phải đi
    Thương con bé dại ai thì nuôi con?
    Bảy năm tù tội héo mòn
    Bầy ruồi thắng án béo tròn bụng ...phân."

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xã hội đang ở giai đoạn giống như thời tư bản sơ khai của ''bọn giãy chết'' anh ạ. Nó đang biến đổi thành xã hội thị trường rồi. Cái gì cũng có thể mua bán và quy thành tiền được, miễn là có tiền.

      Xóa
  3. Cho em hỏi: đây không phải là lần đầu THP kiện cho vào tù. Nếu không làm mạnh tay liệu rằng có chấm dứt được việc khách hàng vòi tiền kiểu đó không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Như anh đã dẫn về chuyện bán bia thôi. Người kinh doanh thì điều phải tâm niệm đầu tiên và duy nhất là lợi nhuận. Và để có lợi nhuận thì đương nhiên phải hiểu ai là người mang lại lợi nhuận đó cho mình, từ nhận thức đó mà đưa ra phương án ứng xử.

      Xã hội không thiếu lưu manh, nhưng nếu lấy ứng xử lưu manh để đối chọi lưu manh thì em cũng tự trả lời được đó là kiểu kinh doanh gì rồi. Có 3 điều kiện để người kinh doanh phải nắm bắt và làm tốt, đó là: 1. Quan hệ tốt với chính quyền; 2. Quan hệ tốt với truyền thông; 3. Quan hệ tốt với khách hàng. Nhưng THP chỉ làm tốt được 2 điều đầu và lại quá coi thường điều thứ 3, đến mức coi khách hàng như kẻ thù thì sự sai lầm là quá trầm trọng.

      Anh hoàn toàn có thể sử dụng chính quyền như một công cụ để bảo vệ mình và đồng thời trấn áp sự lưu manh (nếu có) từ khách hàng, nhưng chỉ nên là sự dằn mặt và nên sử dụng truyền thông để đẩy mạnh cái sự dằn mặt nhẹ nhàng, có lý có tình của mình lên, dùng nó như 1 phương pháp PR cho chính mình. Làm được thế, không những không mất khách mà còn có tác dụng dằn mặt cả đối thủ cạnh tranh nữa.

      Nếu em đọc thêm thông tin, em sẽ thấy ngay cả đại lý của THP cũng bị phạt 16 triệu vì không có kho lạnh bảo quản sp của THP. Đáng nhẽ THP phải bảo vệ đại lý của mình, nếu có bị phạt cũng phải dập thông tin đi, nhưng họ đã không làm thế.

      Ngành xd bọn anh, thiếu gì chuyện các nhà cao tầng có tai nạn chết công nhân, chuyện sập cần cẩu hay chuyện gãy vận thăng, nhưng các chủ đầu tư bưng bít hết, bồi thường thỏa đáng cho nạn nhân và dùng tiền bịt miệng nhân viên lại. Những thông tin đấy lọt ra, người mua nhà liệu có dám tin tưởng bỏ ra cả đống tiền mua nhà nữa không? HỌ có dám bỏ mấy tỷ mua căn nhà của chủ đầu tư đã để xảy ra tai nạn chết người, tai nạn lao động ở nơi họ sẽ ăn ở, sinh sống ko?

      Xóa
    2. Như anh đã dẫn về chuyện bán bia thôi. Người kinh doanh thì điều phải tâm niệm đầu tiên và duy nhất là lợi nhuận. Và để có lợi nhuận thì đương nhiên phải hiểu ai là người mang lại lợi nhuận đó cho mình, từ nhận thức đó mà đưa ra phương án ứng xử.

      Xã hội không thiếu lưu manh, nhưng nếu lấy ứng xử lưu manh để đối chọi lưu manh thì em cũng tự trả lời được đó là kiểu kinh doanh gì rồi. Có 3 điều kiện để người kinh doanh phải nắm bắt và làm tốt, đó là: 1. Quan hệ tốt với chính quyền; 2. Quan hệ tốt với truyền thông; 3. Quan hệ tốt với khách hàng. Nhưng THP chỉ làm tốt được 2 điều đầu và lại quá coi thường điều thứ 3, đến mức coi khách hàng như kẻ thù thì sự sai lầm là quá trầm trọng.

      Anh hoàn toàn có thể sử dụng chính quyền như một công cụ để bảo vệ mình và đồng thời trấn áp sự lưu manh (nếu có) từ khách hàng, nhưng chỉ nên là sự dằn mặt và nên sử dụng truyền thông để đẩy mạnh cái sự dằn mặt nhẹ nhàng, có lý có tình của mình lên, dùng nó như 1 phương pháp PR cho chính mình. Làm được thế, không những không mất khách mà còn có tác dụng dằn mặt cả đối thủ cạnh tranh nữa.

      Nếu em đọc thêm thông tin, em sẽ thấy ngay cả đại lý của THP cũng bị phạt 16 triệu vì không có kho lạnh bảo quản sp của THP. Đáng nhẽ THP phải bảo vệ đại lý của mình, nếu có bị phạt cũng phải dập thông tin đi, nhưng họ đã không làm thế.

      Ngành xd bọn anh, thiếu gì chuyện các nhà cao tầng có tai nạn chết công nhân, chuyện sập cần cẩu hay chuyện gãy vận thăng, nhưng các chủ đầu tư bưng bít hết, bồi thường thỏa đáng cho nạn nhân và dùng tiền bịt miệng nhân viên lại. Những thông tin đấy lọt ra, người mua nhà liệu có dám tin tưởng bỏ ra cả đống tiền mua nhà nữa không? HỌ có dám bỏ mấy tỷ mua căn nhà của chủ đầu tư đã để xảy ra tai nạn chết người, tai nạn lao động ở nơi họ sẽ ăn ở, sinh sống ko?

      Xóa