Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

Đi.

   Trở lại Hà Giang, nhưng không phải với tư cách nghề nghiệp. Dù chuyến đi có tính nghiên cứu và khảo sát, nhưng với tôi, hoàn toàn là tư cách driver. Cán bộ đường lối.

   Chưa từng lên vùng cao bao giờ, những người tôi chở mang một tâm trạng háo hức. Họ hỏi tôi đủ thứ. Chợt nghĩ: Có lẽ mình chuyển sang làm tour guide kiêm driver luôn nhẽ lại dễ kiếm hơn. Thì cứ nghĩ vậy. Thời người khôn của khó này, cái gì kiếm được xu hào cho qua ngày thì không nên từ chối. 


   Sau hai năm, tôi lại trở lại với cao nguyên đá. Lần trước là đi chơi. Là lúc thì lái lúc thì ngồi đổi phiên nhau. Nhưng lần này thì khác. Những cung đường rẻo cao, các đèo dốc Tây Bắc tôi đã vượt khá nhiều. Những con đèo nổi tiếng với những quanh co cua tay áo liên tiếp với độ dốc đường 10%, thậm chí có chỗ 12% tôi đã đi cả. Lần này ngoài việc đảm bảo an toàn, tôi còn kiêm cả dẫn đường, hướng dẫn mọi sự chuẩn bị.

   Hơn 300km Hà Nội - Hà Giang không phải là vấn đề lớn. Chạy hết sáu tiếng. Tôi nói mọi người chuẩn bị tinh thần cho gần 160km đường đèo núi từ Hà Giang đi Đồng Văn, ai không quen nên uống thuốc chống say. Mọi người cười ồ... Bởi toàn người nhong nhong cả. Lên đường.


   Cao nguyên đá vẫn thế. Vẫn những bạt ngàn đá xám chập chùng. Những cây ngô trồng xen giữa những hõm đá đã khô. Những ruộng ngô thảng hoặc ven đường đã thu hoạch. Hà Giang mùa lạnh. Mùa của những ruộng tam giác mạch.


   Tam giác mạch thực ra là một loại ngũ cốc. Sản phẩm thu hoạch cũng không phải là thứ thực phẩm đặc sắc. Chỉ là thu hoạch hạt rồi xay ra làm bánh. Bởi vùng cao này việc trồng lúa là rất hãn hữu bởi địa hình tự nhiên của nó. Nhưng khi ra hoa thì loài hoa này rất đẹp. Mới đầu thì trắng, sau chuyển phớt hồng, lúc gần chín thì có ánh tím và lúc chín để thu hoạch thì có màu đỏ sậm, rất đẹp.



   Chủ yếu người ta trồng tam giác mạch ở Yên Minh trở đi. Sủng Là là nơi người ta trồng nhiều nhất và đẹp nhất. Những ruộng hoa bạt ngàn bên đường đi. Đến ngã ba đường đèo rẽ trái lên Phó Bảng, bên đường nhìn xuống thung lũng đã thấy xã Sủng Là, có cái bản đã từng lấy một ngôi nhà làm bối cảnh cho phim Chuyện của Pao.


   Lúc này, hoa tam giác mạch cũng đã thu hoạch khá nhiều. Có lẽ năm nay người dân tộc trồng sớm nên hoa chín sớm. Những vùng thung lũng định dạng để làm các bể chứa nước, thật khó bằng mắt thường với cảm quan mà xác định được.

   Hà Giang, mấy huyện vùng cao như Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc rất thiếu nước. Bởi địa hình núi đá có các hang caxto ngầm (Karst) làm mất nước. Những khu vực trũng có thể làm bể chứa nước thì rất có thể có hang phía dưới, vì vậy công tác khoan cũng sẽ rất khó và tính toán chịu lực cho bể chứa cũng sẽ là vấn đề lớn.

   Dù chuyên môn sâu của tôi không phải về địa chất công trình, cũng chẳng phải chuyên gia tính toán hay thủy văn, nhưng sự góp ý cũng phần nào được lưu tâm hơn.




   Ngôi nhà được sử dụng để làm bối cảnh phim Chuyện của Pao tại Sủng Là. Nhà của người H'mong. Vẻ cũ kỹ vẫn thế. 



   Bức tường rào đá, cánh cổng cũ vẫn có nét đẹp nguyên sơ. Ở Hà Giang, người ta xây các tường rào đá này mà không hề dùng đến cách chất kết dính nào cả. Không hề có xi măng, vôi vữa. Họ chỉ xếp các viên đá vào với nhau với một độ dày nhất định. Viên nọ xếp chen và lèn chặt vào viên kia. Rất độc đáo.

   Trong sân, chiếc khung dệt vải lanh của đồng bào hiện diện như một sự điển hình.



    Rất đông các phượt thủ và khách du lịch tham quan ngôi nhà.

    Quản Bạ - Yên Minh - Đồng Văn. Những cung đường nối nhau đèo nối đèo, dốc nối dốc, quanh co nối quanh co. Trong gần 160km đường đèo này, rất hiếm khi có những đoạn đường thẳng. Chỉ là qua vài thị trấn như Tam Sơn ở Quản Bạ, hay thị trấn Yên Minh, đoạn Phố Cáo... là có chút đường thẳng.

    Quản Bạ đi Yên Minh, Yên Minh đi Đồng Văn, đèo dốc trong sương giăng mờ trắng xóa. Cua tay áo liên tiếp trong độ dốc cao đến ù tai khách đi đường.



   Những khúc cua với bên là vách núi, bên là vực sương mây giăng trắng xóa.






    Những đường dốc nghiêng mười độ.











    Những quanh cua liên tiếp trong sương mây của độ cao khoảng 1200m so với mực nước biển. Những hồ hởi ngắm mây xen với những căng thẳng khi xuyên qua sương trắng ở những dốc quanh và khúc cua tay áo. Thầm bật cười vì phát hiện thấy sự căng thẳng qua những gương mặt, qua sự trầm hẳn đi của khách đi xe.

    Những dốc cua qua những thung lũng ngập mây.







   Hết núi này đến núi khác. Những bản làng dưới thung lũng. Những địa điểm có thể đánh dấu. Những cung đường vắt núi.









    Sà Phìn. Nơi có nhà Vương. Nhà của vua Mèo. Vua Mèo Vương Chính Đức có ba vợ. Những bức ảnh còn lại được treo trong nhà chứng tỏ vương quyền một thời ở vùng cao cũng phục trang chả thua kém gì triều đình Huế.

   Ông Vương Chính Đức sau nhường ngôi cho ông con Vương Chí Sình. Vương Chí Sình tức là Vương Chí Thành. Cái tên Chí Thành là do cụ Hồ Chí Minh đặt cho ông vua này khi hai ông kết nghĩa anh em. Cụ Hồ cảm hóa ông vua Mèo, khiến ông vua này theo về với Việt Minh. Khi về Hà Nội, ông Vương Chí Thành cho đào hết vàng bạc chôn trong vườn thượng uyển của cơ ngơi góp cho cách mạng, đồng thời mua căn nhà ở 48 Hàng Ngang để ở.



   Kiến trúc mái chồng mái khu Trung Dinh. Toàn bộ mái là ngói máng. Hiên lợp ngói ống.

    Ông Vương Chính Đức xây ngôi dinh thự này có tổng quan kiến trúc kiểu nhà Thanh bên Trung Quốc, diện tích hơn 1000m2, chia là tiền Dinh, trung Dinh và hậu Dinh. Có bốn nhà ngang và sáu nhà dọc, hai tầng. Có hầm, có lô cốt, chuồng ngựa...Hai bên lối vào có vườn thượng uyển, giờ một bên thành một khu mộ của dòng họ.

   Nhà xây bằng đá xanh. Các uốn vòm cũng rất nét. Cột gỗ, sàn gỗ. Tuy tổng thể là kiểu kiến trúc nhà Thanh, nhưng chi tiết, tỷ lệ lại hoàn toàn Việt hóa. Các hàng lan can sắt uốn được liên kết đột dập chứ không hàn. Cực kỳ tinh tế. Các bậc tam cấp đá đẽo gọt công phu. Dinh thự này xứng đáng là một mẫu mực kiến trúc cần gìn giữ và bảo tồn.



    Lối vào nhìn từ bên ngoài. Hai hàng thông đều tắp theo các bậc thang bằng đá.



    Cổng chính tiền Dinh.



    Qua một khoảng sân nhỏ lát đá và các bậc thang là cổng vào trung Dinh.



    Sân trong trung Dinh.



    Hàng lan can gỗ chạy vòng xung quanh.



    Sân trong hậu Dinh. Hàng lan can sắt được uốn rất nét. Liên kết đinh tán. Góc xa là lô cốt phải có các lỗ châu mai.



    Kiến trúc đối xứng. Lô cốt trái. Có lối thông xuống hầm và phòng để vũ khí.



    Cận cảnh mái ngói nhà Vương.



    Mộ phần cụ Vương Chí Thành. Bia ghi rõ là đại biểu Quốc hội khóa 1 và 2. Hai câu đối hai bên: Tận trung báo quốc - Bất thụ nô lệ chính là của cụ Hồ tặng kèm một thanh gươm.



    Ảnh ông Vương Chính Đức trong trang phục vua Mèo.







    Khi đến Sà Phìn thì đã tan chợ. Ngay trước thềm sân nhà Vương là chợ Sà Phìn. Nếu đúng trưa mà lại phiên chợ, kiểu gì cũng thấy các bạn H'mong say rượu nằm ngả ngốn la liệt. Cũng đáng yêu lắm. Bởi say, nhưng không hề có cảnh to mồm, hét lác hay càn quấy như người Kinh đồng bằng.

    Lại ruổi xe, thị trấn Đồng Văn còn 16km đường núi nữa.

    Cafe phố cổ. Chợ phố cổ Đồng Văn.

   Gọi phố cổ, thực ra chỉ là một dãy phố nhỏ mà thôi. Thị trấn Đồng Văn bé tẻo tèo teo, với cái chợ trung tâm đâu có mấy dãy mái ngói. Những ngôi nhà cổ được xây từ thời Pháp, khi người Pháp lên đây nghiên cứu địa chất. Với cái nhìn nghề nghiệp, tôi nghĩ Nhà nước nên bỏ tiền ra trùng tu, bảo tồn dãy phố này. Có thể làm theo kiểu Hội An, bán vé thu tiền chia kinh phí cho chủ nhà. Những dãy nhà đã xuống cấp.



    Trong cái mưa lạnh giăng nhỏ phố đêm, nơi thị trấn như cái bàn tay đang lay phay trong cái rét tê tê, tôi uống rượu một mình ở một cái quán chợ. Đến Hà Giang thì đương nhiên phải uống rượu ngô men lá. Nhưng không dễ để mua được rượu chuẩn. Thành phố Hà Giang thì không nên dùng, bởi chắc chắn trăm phần trăm là men Khựa hoặc viên cồn Khựa. Tôi mang theo chai Cá sấu của anh Putin giá 120k, cho lành.

    Đêm Đồng Văn rất lạnh. Chợ chỉ là mấy dãy nhà trống hua hoác. Hà Giang vẫn chỉ là một tỉnh nghèo, nhưng quan chức thì không hề. Anh tỉnh trưởng nhiệm kỳ trước buông cương giữa dòng vì dính bê bối mại dâm, về HN lần nào cũng ở Hilton Opera Hotel năm sao hoa lệ, giờ xây cái dinh thự bề thế như vua. Du lịch Đồng Văn cũng là hướng mở, có thể khích lệ, bằng chứng là người ta đang đua nhau xây khách sạn ở cái thị trấn tẻo tèo teo này, nhưng những cái như bảo tồn hay giữ gìn dãy phố cổ kia, chả hiểu người ta có nghĩ đến nó không???

   Phố cổ Đồng Văn đây.





    Rời Đồng Văn thôi. Trực chỉ Mèo Vạc.

    Vẫn là những cung đường dốc núi và những khúc cua tay áo đón đợi. 



    Một đoạn đường từ Đồng Văn sang Mèo Vạc. Đỉnh Mã Pí Lèng đón đợi. Đèo Mã Pí Lèng là một trong Tứ đại đỉnh đèo của vòng cung Tây Bắc. Gồm có Mã Pí Lèng, Ô Quy Hồ, đèo Pha Đin và đèo Khau Phạ. Đỉnh Mã Pí Lèng cao 2000m, cung đường này chạy 20km quanh co, vắt từ núi này qua núi khác, được đặt tên là đường Hạnh Phúc.

    Đặt tên như vậy, là bởi nó được làm để nối Đồng Văn và Mèo Vạc, do các thanh niên xung phong thuộc mười sáu dân tộc của tám tỉnh miền Bắc cùng góp sức xây dựng từ năm 1959 đến 1965. Rất nhiều người đã ngã xuống khi xây dựng con đường này. Hoàn toàn bằng sức người thô sơ. Họ đã phải treo mình trên các vách đá bằng dây để thi công nhiều đoạn đường suốt gần một năm trời.




    Đỉnh Mã Pí Lèng mưa giăng trong sương phủ. Dòng Nho Quế thấp thoáng uốn lượn phía dưới hàng ngàn mét. Không phải ngày nắng ráo, chen trong mây bay là cảnh hùng vĩ của núi rừng địa đầu Tổ quốc.



    Mây chen trong núi, núi chen mây. Dòng sông Nho Quế chảy phía dưới thung lũng tít xa.


    Những cung đường cứ lướt qua. Những địa danh cũng vậy. Tuy rằng, sự trải nghiệm không phải mới mẻ, nhưng những lần đi, không lần nào không để lại những cảm xúc và những suy nghĩ.

    Khi lên xe, tôi đã nhắc mọi người mua sẵn lấy một chút bánh kẹo cho vào các túi nhỏ riêng để cho trẻ con người H'mong. Dọc đường đèo, giữa những giá lạnh mưa rét hay sương giăng trắng xóa, những đứa trẻ hoặc là mặc quần hoặc là không, hoặc đi chân trần hoặc dép tổ ong, hoặc sơ mi phong phanh hoặc thêm cái áo len xốc xếch, túm tụm dọc đường, tha thẩn chơi chờ bố mẹ đi kiếm củi. Cứ thấy xe qua là giơ tay vẫy. Mỗi khi xe dừng như vậy, cả lũ lại chạy xúm đến.

    Lần đi này, không đi Lũng Cú. Nơi địa đầu có cột cờ Tổ quốc. Chỉ 26km từ Đồng Văn đi Lũng Cú, mất chừng một giờ xe chạy, một giờ ở đó, thêm một giờ chạy về thì muộn mất, tính chất chuyến đi không cho phép. Tôi đùa mọi người, lần sau lại thuê thì tôi lại chạy tiếp.

    Trải nghiệm dù không mới, những suy nghĩ về một vùng đất thì vẫn thế, những cung đường lướt từng km trong sương hay những dốc dài dốc dựng, vẫn đọng lại những điều không phai.      

12 nhận xét:

  1. Nhờ anh em biết thêm một văn hóa vùng cao.
    Nhưng phải công nhận tài văn chương của anh quả nhiên vô đối (trên mạng, em chỉ biết thế).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Để mà viết về nó cho đầy đủ, một entry này không hết được đâu em. Chỉ là ghi chép lại những cảm nhận chính thôi.

      Xóa
  2. Hay và rất cuốn hút. Không phải bởi tốc độ, không phải bởi sự căng thẳng thót tim, mà cứ nhẩn nha lắng đọng như mây, như mái phố, như vàng son trầm tích.
    Mình nhớ đã đọc một lần về chuyến đi Tây Bắc trước (ngày còn YahooBlog). Nhận thấy vẫn là Tiêu Phong ấy, nhưng ngọn gió đã đằm lại rất nhiều.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lần trước là cách đây 2 năm rồi bạn ah. Lúc đó trời chưa lạnh và thời tiết đó dễ đi hơn.

      Nếu có điều kiện, bạn nên đi Đồng Văn 1 chuyến. And, thanks :)

      Xóa
  3. Những tấm ảnh chup rất đẹp như ở kinh thành Huế, good job anh Tiêu. Làm tour guide được rồi đó anh, tới luôn bác tài :P






    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Okie. Tây độc về xứ, thuê tour nhớ gọi lão ăn mày này nhóe :))

      Xóa
    2. Tour guide này hơi bị phiêu, có khi nào dẫn đi rồi khai thất lạc hành khách k? Shợ quá

      Xóa
    3. Cửa khẩu này không buôn bán người nên yên tâm đi Tây độc, kkk... :))

      Xóa
  4. Anh lấy mất nghề của mấy em hướng dẫn viên du lịch rồi.:)

    Trả lờiXóa
  5. Anh chạy xe du lịch vẫn còn may đấy.Tôi chạy xe tải lên đấy rồi,ngày đó chưa cấm tải như bây giờ.Nhưng phải công nhận rằng lên cao nguyên đá dù có vất vả thật,nhưng cũng xứng đáng anh nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cực kỳ xứng đáng. Dù đèo Mã Pí Lèng chưa phải đèo dài nhất của Tứ đại đỉnh đèo, nhưng cung đường này xứng đáng là cung đường tuyệt vời nhất của độ khó.

      Xóa