Thứ Năm, 16 tháng 12, 2010

Lòng nhân.

Mỗi 1 cuộc đời con người là 1 số phận. Số phận đeo bám và gắn dính với con người ta như là 1 hằng số vậy, 1 hằng số không đổi của định mệnh. Nhưng trong cái định mệnh đó, vẫn còn có những thứ có thể làm con người ta dù không thay đổi được định mệnh, nhưng lại làm cho con người ta sống tốt hơn, là sự vị tha, lòng nhân từ và tha thứ.

Câu chuyện dưới đây về 2 con người từ 2 phía của chiến tuyến, không những chỉ là đối lập về ý thức hệ, mà có khi cái lý luận về ý thức hệ của họ thời đó cũng không được minh định lắm để chỉ ra tại sao họ lại ở 2 đầu chiến tuyến, mà sự đối đầu của họ được thể hiện bằng những hành động cụ thể của sự tàn bạo, hành hạ cơ thể đối thủ với những sự tàn độc của thú tính. Với bất kỳ 1 con người nào, chịu đựng 1 nỗi đau đớn cơ thể mình do người khác gây ra với dài dặc của năm tháng, cũng đã là 1 điều mà phải có sức mạnh tinh thần mới tồn tại được, và hơn thế nữa, đã là 1 sự tha thứ cho kẻ thù cũ, kẻ đã gây ra cho mình sự đau đớn thân thể đến hàng chục năm, thì sức mạnh tinh thần đấy đã vượt lên và chạm đỉnh của lòng nhân.
---------------------------------------------------
Tác giả: Kỳ Duyên
Và cô bé đồng nghiệp tuổi 8X, rất sành điệu về thời trang, nước hoa, phim ảnh... của tôi lại có cơ may được đọc thêm một câu chuyện cổ tích giữa thời hiện đại, với cái kết có hậu - cái Thiện thắng cái Ác. Cô bé sẽ hiểu thêm được một vẻ Đẹp khác, tuy đau đớn nhưng cũng thật lộng lẫy - đó là vẻ Đẹp của sự thứ tha...
Gallery

Cuộc gặp lịch sử giữa tử tù và viên cai ngục (P1)
Cuộc gặp lịch sử giữa tử tù và viên cai ngục (P2)

Cô bé đồng nghiệp còn rất trẻ, email cho tôi: "Cô ơi, cháu vừa đọc bài Chín cái răng tìm gặp ác quỷ nhà tù Phú Quốc, cô viết một bài về Yêu thương và Hòa giải nhé. Thanh niên tụi cháu đọc cái này còn xúc động..."
Tôi ngớ người. Vì tôi, tình cờ cũng đang đọc vệt bài phóng sự của Đỗ Doãn Hoàng, đăng trên Dân trí. Đó là cuộc gặp mặt "lịch sử" của ông Vũ Minh Tằng, một chiến sĩ cách mạng bị tù đày 6 năm trời trên đảo Phú Quốc, với viên cai ngục năm xưa, Bảy Nhu, nay đang sống nốt những ngày còn lại của cuộc đời, trên cái đảo được mệnh danh Đảo Ngọc. Thông thường, những cốt chuyện kiểu đó, ta có thể thấy thấp thoáng trong những trang văn một thời giông bão của chiến tranh giữ nước.
Nhưng đây là cuộc đời thực, là cuộc gặp mặt của những con người thực.
Sự khắc nghiệt của chiến tranh đã buộc số phận họ từ không hề quen biết phải gặp nhau, nhưng là sự đối cực nhau về phẩm cách, thân phận và vị thế, như trắng và đen, mà Đỗ Doãn Hoàng đã so sánh rất hay: "Một bên là đỉnh trời, một bên là đáy vực". Sự đối cực của một bên là người tù yêu nước, một bên là cai ngục. Một bên là sự tàn ác đến tột cùng, thân phận tay sai, một bên là sự chịu đựng đến tột cùng, vì lý tưởng theo đuổi.
Người viết bài này, trong một chuyến công tác cách đây ít năm, có cơ may đã ra đảo và tới thăm Di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc. Quả thật khi đó, nghe cô hướng dẫn viên thuyết minh và chỉ vào những cái đinh hoen rỉ dài tới 10- 20 cm chuyên dùng để đóng vào đầu gối các chiến sĩ cách mạng bị tù tội, mà rùng mình, ghê sợ...Tôi đã đứng chụp ảnh bên cái lồng cọp, được đan bằng dây thép gai, chỉ nhốt vừa một người tù nằm với một tư thế suốt ngày đêm, phơi mình. Ban ngày họ bị phơi nắng nóng rát bỏng, ban đêm lạnh thấu xương. Khi xem lại bức ảnh hiện vật, tôi đã không chịu nổi, và tự xóa đi...
Đâu biết hôm nay, lại viết về câu chuyện của một con người, một nhân chứng sống của cái nhà tù Phú Quốc bạo tàn năm xưa.
Câu chuyện của ông Tằng bị Bảy Nhu hành hạ chỉ có thể giống như thời trung cổ: Ông bị Bảy Nhu, lúc đó là cai ngục đục và bẻ gẫy 9 cái răng của ông, bắt ông nuốt cả 9 cái răng lẫn máu vào trong bụng. Dùng đinh dài đóng vào đầu gối sau khi đã đánh giập. Bắt ông vê cơm, chấm với máu và phân người để ăn...Bảy Nhu và nhiều cai ngục khác còn có trò man rợ, thích thú bẻ răng của các tù nhân, rồi treo răng tươi vào cái lon, đeo trên cổ, bước đi nghe lóc xóc...
Bỗng nhớ đến những cái đinh hoen rỉ nằm im lặng được trưng bầy dưới cái tủ kính trong suốt của Di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc và tự hỏi, đâu là cái đinh mà Bảy Nhu đã đóng vào đầu gối lạo xạo những sụn cùng xương, những thịt cùng máu nhầy nhụa của ông Tằng?
Sau 6 năm sống dưới "địa phủ", năm 1973, Hiệp định Paris ký kết, ông Tằng được trao trả trở ra bắc, sống tại quê hương- xã Vĩnh Hào (huyện Vụ Bản, Nam Định) đến bây giờ, với vợ và người em trai ruột cũng đã 50 tuổi bị bệnh mất trí nhớ từ tuổi 13. Ba người già ốm đau, bệnh tật sống nương tựa nhau, mà không che nổi cho nhau khỏi ướt trong căn nhà rách, nếu mỗi khi trời đổ mưa. Còn Bảy Nhu, sau thống nhất đất nước bị đi cải tạo, rồi trở về sống tại đảo. Có lẽ cả 2, trong những năm tháng dài lăn lộn của kiếp người, chẳng ai có thể ngờ sẽ có ngày họ lại giáp mặt nhau.
Như lịch sử vẫn có khi thường lặp lại. Khác chăng là tư thế của cả 2 đã hoán vị: Một bên là người tự do, bên kia là kẻ "ngục tù"- ngục tù với chính lương tâm mình. Hai người "có chung" một quá khứ. Với người này, nó là nỗi kinh hoàng. Với kẻ kia, kinh hoàng là phải sống trong hiện tại, giữa đồng loại!
Có lẽ cả 2, trong những năm tháng dài lăn lộn của kiếp người, chẳng ai có thể ngờ sẽ có ngày họ lại giáp mặt nhau (Ảnh: Doãn Hoàng)
Người tự do nghĩ gì về chuyến đi bất ngờ không hề dự định này? Bây giờ, có không ít cán bộ ra khỏi nhà là bước lên máy bay, thì ông- người cán bộ cách mạng kiên trung đã hỏi người tổ chức chuyến đi trở lại Phú Quốc, một câu hỏi buốt ruột:
"Tính đến giờ, 73 tuổi đầu, đời tôi được đi máy bay 2 lần, cả 2 lần đều tinh có đi máy bay của bọn đế quốc. Nó đều bịt mắt, xiên tay tôi vào tay đồng đội bằng dây thép. Lần đầu đi từ Bệnh viện Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) bay thẳng ra nhà tù Phú Quốc. Lúc ấy tôi vừa bị nó bắn, thả hơi cay ở hang Đá Chẹt ngoài Quảng Ngãi, còn chưa tỉnh hẳn. Lần thứ 2 nó cũng bịt mắt, ấy là khi nó đem tôi từ nhà tù về Quảng Trị "trao trả tù binh", theo Hiệp định Paris, nó cũng bịt mắt và còng tay. Bây giờ, đi máy bay có vất vả lắm không hả chú?"
Nhưng có lẽ, cái quãng cách nghìn trùng cây số vất vả theo như ông tưởng tượng, vẫn không thể so với nỗi day trở, đấu tranh, cật vấn trong tâm lý ông khi được biết, mình sẽ đối diện với Bảy Nhu, kẻ thù tưởng không đội trời chung ngày nào. Mà thực ra, ông vẫn đội trời chung với ông ta- bầu trời nước Việt xanh ngắt một màu xanh muôn thuở.
Rồi cuối cùng, ông vẫn đi, vượt qua chín tầng mây để đến, nơi những con sóng biển vẫn ào ạt như thuở khai thiên lập địa, và trực diện với Ác qủy một thời đã nhiều lần đưa ông tới tận cánh cửa Âm gian
Sóng trong lòng ông. Những con sóng của hận thù sôi sục và chất chứa. Có lúc ông đã rít lên, muốn "đập" vào thân xác kẻ đã đày đọa mình. Bởi nỗi hận ấy sâu thẳm. Ông đã từng phải dùng tay bới phân của mình, để tìm lại được 8 cái răng, dấu đi, (riêng cái răng thứ 9, sau này bác sĩ siêu âm phát hiện vẫn còn nằm trong bụng), đủ hiểu, nỗi hận thù đi theo suốt cuộc đời ông, đến tận lúc này.
Nhưng hóa ra, ông Tằng lại chứng kiến một sự chìm nghỉm của thân phận- kẻ đang sống trong "ngục tù"- ngục tù lương tâm, của sự xấu hổ, của nỗi sợ hãi mà không sao thoát ra nổi, dù quanh ông ta, vẫn là cây rừng, là lá, là hoa, là gió trời lồng lộng, là khí trời tự do.
Một cuộc sống trên dương gian mà linh hồn như kiếp đọa đầy dưới chín tầng địa ngục. Ai đó từng có câu nói đại ý: "Chết đã khổ, nhưng sống chẳng dễ hơn". Có lẽ câu đó, là để dành cho cuộc sống cô độc giữa đồng loại của Bảy Nhu. Dù đã 83 tuổi, đã bao năm nay, Bảy Nhu phải sống trong một tinh thần "cảnh giác" cao độ bởi chính quá khứ mình. Cứ có tiếng chó sủa, nghi ngờ có người đến là ông ta "theo đúng lập trình có sẵn từ nhiều năm: Tắt tivi, tắt điện, cáo ốm, cáo vắng nhà, đi theo cửa sau thoát vào rừng mắc võng ngủ, thế là xong". Và "hồi mới đi cải tạo về, sợ người ta trả thù mình vì "biển trời" tội ác trong quá khứ, ông ta toàn gài mìn xung quanh nhà để tự bảo vệ. Ác giả ác báo, chính người con út của ông Nhu đã vướng vào mìn đó, bị cụt một bên chân".
Nhưng cái nỗi sợ hãi nhất- gặp lại những người tù cũ, xưa ông ta đã tra tấn đến thân tàn ma dại, vẫn đến- với hình hài của một người đàn ông chỉ còn 38 kilogam mang đủ thứ bệnh. Sức mạnh không ở cái số kilo ấy, mà ở tinh thần của cái con người ốm yếu kia, khi cả hai đều đã ở cuối dốc cuộc đời- như một sự ân oán sòng phẳng đến tận cùng về những giá trị và phẩm cách- cái Thiện và cái Ác, cái nào sẽ bất biến?
Thú thực, tôi không ấn tượng lắm câu nói của Bảy Nhu, muôn thuở quen thuộc như mọi câu nói đầu môi chót lưỡi của những kẻ trót nhúng chàm: "Đời nó là như thế, tôi cũng chỉ bị chúng nó (đế quốc và tay sai) xui khiến và ép buộc phải làm. Đời tôi cũng như con chó săn thôi, lúc đánh các ông, tôi như con chó săn, như cái thằng điên ấy chứ có biết gì đâu".
Nhưng lại rất ấn tượng với cái hành động bột phát của ông ta, khi ông ta nhỏm dậy, giơ gương mặt và hai cẳng tay lốm đốm tàn nhang đen xám về phía ông Tằng: "Tôi đây, ông đánh bao nhiêu thì cứ đánh". Đó là cái động thái hối lỗi thành thật của người lực bất tòng tâm, cam chịu, thừa nhận thất bại. Đằng sau cái câu nói van xin đó, liệu có phải là những đêm dài vật vã, giữa ngụy biện và sám hối, giữa dương gian và địa ngục, giữa sống dở và chết dở...
Chính cái sự lẩy bẩy, yếm thế bất ngờ không còn chút bấu víu ấy, khiến nỗi căm giận của ông Tằng... "xẹp xuống".
Rồi cuối cùng, họ đã nói chuyện được với nhau, đã cười, và đã...bắt tay nhau.
Ông Bảy Nhu khoe với ông Tằng bàn thờ Phật nhỏ bé ở góc tủ: "Tôi sống được nhờ ăn chay và niệm Phật. Tôi biết ơn ông Tằng đã tha thứ cho tôi". Và ông ta nức nở khóc. Hai người đàn ông đều khóc...Nước mắt của hối lỗi cay đắng và nước mắt của thứ tha đau đớn đều chảy.
Lòng nhân đã hóa giải hận thù. Họ chỉ còn như những người già, thấu hiểu cái leo lét của sự sống, giờ đều như ngọn đèn dầu trước gió. Khi ông Tằng bất ngờ, đột ngột rút ví tặng ông Nhu một ít tiền (phụ cấp bệnh binh) nho nhỏ: "Tôi có mấy đồng, để bác mua thêm một chén thuốc dưỡng bệnh. Đời tôi với bác bây giờ có sống được cũng chỉ là nhờ thuốc thang mà thôi".
Lòng nhân đã hóa giải hận thù...

Chắc hẳn, đêm đó là đêm đầu tiên sau mấy chục năm Bảy Nhu ngủ một giấc êm đềm, không mộng mị thảng thốt, không nỗi hãi sợ con người... Ông ta cảm nhận được thế nào là sự bình yên của tâm linh.
Còn ông Tằng, trong những ngày bất chợt trái gió trở trời, ông không còn cái đau của sự uất hận. Ông đã ngộ sâu sắc thế nào là sự bao dung. Bảy Nhu bình yên và ông cũng bình yên, cho dù rất có thể họ còn luôn nghĩ về nhau.
Xã hội bớt đi một mối hận thù, thêm một niềm trắc ẩn.
Và cô bé đồng nghiệp tuổi 8X, rất sành điệu về thời trang, nước hoa, phim ảnh... của tôi lại có cơ may được đọc thêm một câu chuyện cổ tích giữa thời hiện đại, với cái kết có hậu- cái Thiện thắng cái Ác. Biết đâu, cô bé sẽ hiểu thêm được một vẻ Đẹp khác, tuy đau đớn nhưng cũng thật lộng lẫy - đó là vẻ Đẹp của sự thứ tha...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét