Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

HÈ VỀ

08:51 2 thg 5 2012Công khai68 Lượt xem 2

   Hè về thật rồi. Nóng như nung nấu với ánh chói chang của dương quang từ quãng 6h sáng. Cữ độ này, chỉ có sự vô tư trẻ nhỏ mới hồn nhiên được mà hỏi cha mẹ rằng: Cho bọn con đi học bơi tiếp nhé… Khi nào mình đi biển hả cha ??? Nhà mình sẽ đi biển nào ???
Người lớn cứ đăm đắm nhìn ra khung song rộng với ánh nắng lóa mắt mà ngậm tăm với những hồn nhiên kia của con trẻ, bởi tâm tư còn đang xáo động bởi cuộc đối phó mưu sinh, rồi cũng nhẹ nhàng mà trả lời: Ừ, đi chứ, cha sẽ thu xếp rồi sẽ đi, hè còn dài mà con…

   Hôm qua nghe có người kháo dưới sân: Khiếp thật, bể Bảo Sơn lên 110.000/vé rồi, bể Phụ Nữ 150.000 mà nó không cho mình vào trông con, mình muốn vào trông con cũng phải mua vé… Người ta cứ kháo nhau như thế. Những cái bể bơi đóng cửa im lìm suốt cả nửa năm, trở mình 1 ngày mở cửa dưới cái nóng 38 độ trong bóng râm, làm chóng mặt người lớn muốn chiều con trẻ trong cái vui thú ngây thơ được đầm mình quẫy đạp dưới nước mát…

   Nhớ ngày còn bé, cứ mỗi độ hè về là lại háo hức đón đợi. Cái thiếu thốn thủơ thiếu thời bao cấp chỉ khi lớn lên mới nhận biết, chứ ngày đó, bé dại thì xung quanh ai cũng thế, biết cái gì đâu. Bố mẹ còn đi làm cả ngày, học nửa buổi, nửa buổi còn lại là tự quản. Cái hồ ở khu tập thể đã hoàn tất việc đào bới rồi, trẻ con người lớn tha hồ bơi. Mà mình nhớ hồi bé đó, học buổi sáng thì lúc tan trường cũng chỉ tầm độ 10h30 hay hơn chút mà thôi, thế là cả lũ chip rủ nhau ra hồ bơi, quẳng cặp sách trên bờ, quần áo tụt hết, cả lũ nhỗng nhồng nhộng chim cò tung tăng nhảy ùm xuống hồ, tận hưởng sự mát mẻ của lòng hồ, mà ngày đấy thì không có khái niệm về sự ô nhiễm.

   Rồi thi nhau bơi vượt hồ. Có mấy đứa bơi vượt được hồ rồi bơi về trở thành anh hùng trong mắt lũ còn lại, được dịp tinh tướng khi chúng nó cứ thào thụt bảo: Mày dạy tao bơi với. Khoái lắm. Cái khoái con trẻ cứ lâng lâng khi mình cũng bằng tuổi nó, thậm chí còn ít tuổi hơn nó mà lại dạy được nó bơi, oai lắm, oách xà loách lắm… Lại lên mặt khi có thằng bảo: Này, có phải bắt con chuồn chuồn ngô cho nó cắn rốn không ? là lập tức ra giọng dạy đời rất nghiêm túc ngay: Bơi là phải tập, chứ mày có cho nó cắn rốn chứ cắn chim cũng đếch bơi được… Rồi nhìn cái vẻ ỉu xìu phụng phịu của mấy thằng bạn mãnh mà lại thương, bảo: Chúng mày cứ lần lượt, bọn tao sẽ đỡ bụng cho từng thằng để khỏi chìm, chúng mày cứ đập chân và khua tay đi, úp mặt xuống nước mà khua loạn lên... rồi giảng giải cho chúng nó hiểu thế nào là bơi chìm lặn nổi, muốn biết bơi phải qua cái đận đấy đã.

   Mình bơi vượt được cái hồ đó khi học lớp 3. Nhớ lần đầu tiên bơi vượt hồ, 2 thằng muốn thử sức nên rủ nhau, cũng sợ bơi không nổi thì chết đuối bỏ mẹ, nên mình bàn: Tôi với ông cứ quẳng cái xốp xuống, mình vừa bơi vừa đẩy xốp, nếu mệt không chịu được thì bám vào xốp. Thế là bơi. Sang được bên kia hồ, 2 thằng mừng không chịu nổi, sướng điên còn hơn là mò vào vườn nhà người ta ăn trộm được quả ổi tướng, nó đánh dấu sự chiến thắng của thằng oắt con 8 tuổi đã bơi vượt được hồ. Từ khi hồ còn đang đào để mở rộng thêm và sâu thêm, tạo thành những cái hố mà người ta hay gọi là hố đấu, là những ngày mình học vỡ lòng, đã lén theo các anh lớn hơn ra đó tập bơi rồi. Đến khi công cuộc đào bới xong xuôi và cái hồ đã định hình với 1 rặng phi lao thẳng tắp, hợp thành chỗ chơi lý tưởng cho bọn nhóc khu tập thể thì mình với 2 ông bạn cùng lớp trở thành ‘’ kiện tướng ‘’ bơi lội của bọn cùng lớp. Rặng phi lao cao và san sát, tỏa bóng mát rợp ven hồ, bơi gần hồ nông, thích là chạy lên chỗ mát nghỉ, hết mệt lại xuống vùng vẫy…

   Ngày bé đó, cơ quan ông già có chính sách cho con cán bộ được học sinh tiên tiến và học sinh giỏi được đi nghỉ hè 1 tuần. Hè nào mình cũng được đi, chỉ có khấp khểnh là thằng mà mình quen năm trước, hơi hợp cạ nghịch thì năm sau không thấy vì trượt tiên tiến, cũng hơi buồn nhưng cái không khí được nghỉ, được đi xa và cái háo hức con trẻ nó cũng dễ quên, lại bắt nhịp với thằng khác, để rồi 2 năm sau mới lại gặp lại cái thằng quen năm đầu tiên, tay bắt mặt mừng cứ như đồng đội cùng chiến hào lâu ngày không gặp vậy. Cứ như thế, tuổi thơ với mỗi độ hè về được đi biển miễn phí diễn ra suốt từ năm lớp 3 đến hết lớp 8, thi vào 10 thì chấm dứt.

   Nhớ có năm bà chị được 1 chị bạn cùng lớp rủ đi nghỉ hè cùng gia đình theo tiêu chuẩn của bố chị bạn, tiêu chuẩn cấp tướng. Nghỉ ở khu 3 Đồ Sơn. Về bà ấy kể mà thèm. Nhưng bì thế chó nào được, cũng nhận thức là ông tướng đương nhiên phải khác với thằng chọi con học sinh tiên tiến chứ. Ngày ấy xà phòng Lux với Camay là xa xỉ phẩm, bà ấy kể trong toilet để mấy cục liền, sểnh ra là bà ấy vào cọ xà phòng. Chị bạn lúc về gói mấy cục vào cái khăn mặt bông trắng lốp to đùng, bảo: Mày cầm về mà dùng ở nhà. Bà chị kể cứ giãy nảy lên không nhận, bảo bố tao đi Sài Gòn ra cũng mang về rồi, ở nhà cũng có !!! Bố khỉ, sĩ diện thế cũng đỡ mặt cho ông bô có cái phiếu C tiêu chuẩn Tôn Đản mà đàn con có bao giờ được nhìn sản phẩm từ mấy cái ô phiếu kỳ diệu đó đâu, đến phiếu xăng còn phải bán để quy đạm cho gia đình, xe 67 đắp chiếu đến Tết mới mang ra chạy lấy mẽ thì những sữa, đường kính, bơ với những tiêu chuẩn cán bộ trung cấp kia cũng phải ra chợ đen thôi.

   Thế những rồi cũng ngậm ngùi bảo với ông bà già: Nó cứ đút vào túi con, con ngại lắm nhưng cũng tiếc, nên thôi kệ để nó cứ dúi vào. Phải biết, mấy cái cục xà phòng xa xỉ phẩm đó được bà già lên lịch dùng cực kỳ khoa học, tiêu chuẩn cấp tướng để gia đình cán bộ trung cấp dùng mà lại… Câu ca dao hiện đại: Luých rửa tay, Camay rửa … được chấm dứt khi bà chị log out kỳ nghỉ hè bóng lộn cùng gia đình ông tướng.

   Giờ thì khác xa rồi. Những hè về chỉ còn những khuấy động về xa xưa khi con trẻ bộc lộ niềm háo hức được nghỉ, mong ngóng cha mẹ cho đi chơi. Gắn với niềm hưng phấn trẻ nhỏ đó là trách nhiệm bậc làm cha làm mẹ. Lo ăn lo học không đủ, sự dạy dỗ con cái cũng phải gắn với những kỳ nghỉ, phải chu toàn được những kỳ nghỉ. Thời thế tuổi thơ cách đây hơn ba mươi năm nó khác, sự giản đơn của vật chất và nhận thức xã hội cũng không dừng ở con số 30 năm đó, chỉ số tụt hậu xã hội so với các nước láng giềng thì chỉ mang lại tiếng thở dài, nhưng trách nhiệm của sự trả nợ đồng lần thì không khi nào khác cả.
Ảnh của Tiêu Phong
4000
  • Nguyen ha
    đọc bài này thấy nhẹ nhàng hơn nhỉ! ..
    đọc bài của cậu,tớ lại ân hận..hè vừa rồi hứa cho con trai đi thăm lăng BÁC nhưng rồi cuối cùng k đi dc..
    • Tiêu Phong
      Lăng Bác thì mở cửa hàng tuần, hình như thứ 6 thì phải, không nhớ rõ, hôm nào cho nó đi đi.
    • Nguyen ha
      ưmh! chắc hè sang năm cố gắng cho nó đi,cậu tưởng tớ ra HN dễ như cậu ấy hả..
    • Tiêu Phong
      Oh, tớ cũng hơi vô tâm. Tớ tưởng cậu cũng ở HN như tớ.
    • Nguyen ha
      trời! ở HN mà thăm lăng BAC cũng fải ao ước sao? mà k fải ng HN thì có...ảnh hưởng gì k đấy??
    • Tiêu Phong
      Ao ước ah? Tớ và các bạn học mẫu giáo của tớ những năm 77-78 tuần nào chả vào thăm lăng Bác, ra còn được cả vốc kẹo. Tớ không hiểu câu hỏi của cậu? Ảnh hưởng cái gì cơ?
    • Nguyen ha
      ý tớ là mẹ con tớ ao ước vậy mà cậu con tưởng tớ ở HN...mà này 77-78 cậu đã đi jọc rồi cơ à?
      còn ảnh hưởng là vì..nhiều ng HN thường gọi bọn tớ là dân tỉnh lẻ,dân nhà quê..
    • Tiêu Phong
      Bố khỉ..., người ta gọi vậy thôi, nhiều khi khong do ác ý đâu. Trường mẫu giáo của tớ ngày trước ở gần lăng Bác, nên các cô cứ sểnh ra là cho các cháu vào lăng. Tớ học mấu giáo đến năm 78, được 6 tuổi thì vào học vỡ lòng, bây giờ là lớp 1 ấy.
    Ảnh của Tiêu Phong
    4000
  • NamCua
    Tiêu phong sướng hơn cả triệu người rồi, thời bao cấp mà được nghe đến mấy tên xà phòng đó chỉ có các loại con buôn và các loại quan chức cao cấp, dân đen nghe lạ hoắc, tưởng tên kẹo bánh hay tên hãng xe cộ chi đó.
    • Tiêu Phong
      Đấy là bà chị em được bạn cho, chứ nhà thì ngày ấy lấy đâu ra mấy cái xa xỉ phẩm đấy mà dùng chị.
      Thế mới ngẫm là thà cứ để miền Nam xâm lược thành công miền Bắc vào ngày 30/4 nhẽ lại hóa hay chị nhể, chị đỡ phải tha hương mà em bây giờ vớ vẩn cũng hóa rồng ấy chứ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét