Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

Vào đông.


     Tình cờ xem được một bộ ảnh đẹp về mùa đông Hà Nội. Những góc máy lưu giữ những khoảnh khắc về Hà Nội, qua những cảm nhận và cách nhìn trong tư duy bấm máy. 

     Những không gian quen thuộc, nhưng được nhìn nhận ở một góc khác, ở một chiều khác trong cùng một không gian, đem lại một cảm nhận sâu lắng hơn về sự quen thuộc.

     Vẫn là mùa đông với những cành cây khô trụi lá, xương gầy mỏng manh trong sương trắng giăng mờ mặt hồ. Những khô khẳng trong đan xen một vài cành lá, lại được đặt trong bố cục nền của không gian phố cũ, không gian phố cổ, tạo nên một mùa đông thương quen và gần gụi.


     Những tán bằng lăng với chùm bông tím sắc đã được thay thế bằng những xương gầy đan lá ngả màu. Sắc màu đan xen trong bố cục ảnh tạo nên mùa đông đặc trưng. Nét làm mới của kiến trúc cũ, kinh điển của tòa nhà với tên gọi cũ là Trung tâm phương pháp Câu lạc bộ bên bờ hồ Gươm, làm nền cho những vàng đỏ, xanh tươi đan trong những khô gầy cành xương.


     Hồ Tây sương khói. Vẫn mặt hồ với những sóng gợn, nhưng ở một chiều đông gió nổi, mặt hồ sóng dồn, bằng lăng như trơ trọi hơn trong dáng đã trút lá. Bà cụ thu nhỏ người hơn như tránh gió, cầu may một dáng khách lạ.

     Chỉ là những hàng quà mọn, dăm củ đậu trắng đã gọt vỏ, vài quả xoài xanh, vốc hạt dẻ nâu, chả biết có phải hạt dẻ Cao Bằng không hay xuất xứ Tập Cận Bình... Mấy bao thuốc lá, lọ hạt hướng dương... Cuộc mưu sinh cầu may trong một chiều nổi gió.



     Phố Tạ Hiện, cách hồ Gươm chừng chục phút đi bộ trong cái nhẩn nha không vội vã. Con phố được thí điểm cải tạo sửa chữa để mang lại dáng dấp cho phố cổ Hà Nội. Lòng đường được làm lại, vỉa hè lát lại với cùng một loại bó vỉa đá xanh.

     Các mặt tiền nhà được trả lại dáng dấp kiến trúc cũ, vẫn giữ nguyên các ngành hàng kinh doanh, sinh hoạt đường phố vẫn thế. Nét xưa lưu sót trong cái tươi mới bên ngoài và cách nhìn của người chụp. Cũ vẫn như hàng ngày, vẫn như đã từng và vẫn như đã thế qua thời gian...



     Hà Nội vẫn thế như muôn đời vẫn vậy. Vẫn là nơi tụ hội và là cái cớ tràn về từ muôn nẻo của mục đích mưu sinh. Vẫn là câu nói cũ chả sai bao giờ: Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố!

     Mưu sinh là một trong những quyền cơ bản của con người. Thành phố, vốn vẫn là nơi hy vọng cho sự đổi đời của biết bao phận số. Trong sự giao thoa, tương tác đó, phảng phất những nét buồn của văn hóa thị dân. Sự lẫn lộn các giá trị. Thanh xưa lịch cũ dường như trở nên một thứ xa xỉ.



     Hàng Bạc, Hàng Vôi. Một sáng sớm Chạp. Mưa đêm chỉ còn đọng lại trên phố bởi vết dấu. Hàng vàng chả bao giờ mở cửa sớm, đối nghịch với hàng nước chè chén, cách quãng và chen ngang qua vài con phố chia ô bàn cờ. Một sớm đông lạnh, ủ tay một chén trà mạn, nóng hổi, bốc hơi được rót ra từ cái ấm tích ủ, bỏng rẫy tay cầm mà xuýt xoa.


     Xưa kia, cỡ quãng ba chục năm có lẻ đổ về trước, phố Tạ Hiện có hàng cơm hiệu. Ngồi phản gỗ, cái phản đã lên nước đen bóng. Cơm hiệu hồi đó là sang lắm. Cơm tám giò chả. Chỉ nghe đã thèm. Mà phải ở phố mới có. Mà có gì ghê gớm so với bây giờ đâu. Cơm nấu bằng gạo tám, ăn với giò chả thôi.

     Giờ người ta bán gạo tám nhan nhản. Giò chả nịnh trẻ con nó ăn cho vài miếng còn vã mồ hôi. Nói thì nói vậy, bởi nhìn phố lại nhớ cảnh khi xưa. Chứ giờ gạo tám xoan Nam Định, thứ gạo thơm như xôi nếp, dẻo quánh vị lúa vùng chiêm Hải Hậu chắc vẫn là mơ ước. Bởi sản lượng giống này không cao. Nghe họ nói, vùng Hải Hậu ở Nam Định vẫn trồng, nhưng chỉ để dành cho một số đối tượng đặc biệt nào đó.



     Mái cong đền Bạch Mã phố Hàng Bồ. Một trong Thăng Long tứ trấn, thờ thần Long Đỗ. Cao Biền ngày xưa yểm bùa, vẫn phải sợ oai Long thần. Vì thế thần Long Đỗ được tôn làm thành hoàng của Thăng Long.



     Cây bàng lá đỏ. Lá rụng hết là đã đông lắm rồi. Những góc phố cũ sót lại những dáng biệt thự kiến trúc Pháp, tỷ lệ đẹp không chê vào đâu được. Chi tiết thanh thoát. Những mảng kiến trúc giữa không gian chấp chới phố cổ và phụ cận, tưởng như đan xen vào nhau, tưởng như lẫn cả vào nhau, nhưng lại rành rẽ, lại là nét làm nên phố Hà Nội.

     Phố Nguyễn Hữu Huân, nơi còn gần như nguyên vẹn những dáng hình kiến trúc phố thời Pháp thuộc. Con phố một thời lui tới của văn nghệ sỹ nghèo như Bùi Xuân Phái, Văn Cao..., với hàng cafe của ông Lâm ''toét'', Mạnh Thường Quân của giới văn nghệ sỹ. Cafe Lâm vẫn còn, nhưng chả còn như xưa nữa. Tranh vẫn treo, nhưng đa phần là hàng fake mà thôi.


     Gần bến tàu điện cũ Bờ Hồ. Góc nhìn sang tòa nhà Long Vân - Hồng Vân. Vốn xưa thời Pháp, là hãng kem nổi tiếng. Giải phóng Hà Nội, nhập nhoạng thu hồi của công tư hợp doanh, lẫn lộn nhà cửa cán bộ được chia ở lẫn với nhau.

     Thời thế cũng đổi thay. Những hộ dân ở hai tầng nhà trên giờ đã đi khỏi. Trả lại cho tòa nhà dáng vẻ ban đầu của nó. Giờ thành nhà hàng sang trọng cho người tiêu tiền triệu.



     Giăng đèn kết hoa. Cảm giác có vẻ sẽ vui hơn, sẽ nhộn nhịp hơn như mỗi độ Noel, tết dương lịch hay âm lịch. Tâm thức Hà Nội vẫn gắn với hồ Gươm, nét văn hóa tâm linh.


     Đêm giăng sương mờ. Khuya lạnh thẫm đêm. Cảm giác như thèm thêm một chén rượu nồng ở một quán vỉa hè nào đó. Nào đi...


     Nếu lang thang ở một khu phố cổ, sẽ thấy những hàng quán như thế này. Nhưng chỉ là chập khuya thôi, hay khi không có mưa lạnh quá. Quà đêm rượu muộn, luôn dành cho cái thú ăn sương.

2 nhận xét: