Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Khúc ngắn tháng Mười.


                                                   Khúc muộn thu sang gió xếp hàng
                                  Đôi cánh vàng khô gầy mỏng tang
                                  Tiếng rơi nghe mỏng như là khẽ
                                  Chạm những thâm nâu với dịu dàng.


     Tháng mười. Những chùm bông sữa đã trắng dần từ màu xanh non. Mùi hương không còn phảng phất như mơ hồ, như xa vắng từ mông lung nữa. Đã nghe những heo may réo rắt đêm lạnh. Gời gợi những vân vi xa lắng, man mác như một niệm khúc. 

       Màu nắng mỏng như tơ dường như đã dần ngả bớt đi và pha cái xam xám phía chân trời. Thu đã ru những khúc tấu theo điệu mùa cùng sự vần vụ của thời gian, kéo theo những bàng bạc như một sự tiếc nuối. Hanh hao những trưa trật và se se của heo may lúc chiều đổ. Những diệu vợi xa xăm bỗng chốc trở nên như ạt ào khi hương thu quanh quất trên những chùm sữa đêm, nhạt nhòa trăng trắng. Thu cho lòng người những cảm thán, có thể là chơi vơi hơn trong cái man mác, cũng có thể là những xa xăm không định hình rõ lại càng xa ngái, hoặc cũng có thể chả là như vậy, lại là những phơi phới niềm vui với tiết thu nhạt trong heo may.


       Phố muôn đời vẫn thế với những cũ kỹ. Mảng miếng của sắc màu thời gian không lẫn tạp với bất kỳ nơi đâu. Hà Nội vẫn còn đó những mảng sắc của hồn cũ. Đôi khi, cứ sợ rằng cái cũ kỹ làm nên cái nét riêng, cái bản sắc riêng đó rồi cũng sẽ phai phôi. Nỗi lo lắng trong mơ hồ chen thoảng mỗi khi, trong những lúc với quẩn quanh nỗi bộn bề của những mưu cầu, của những thường nhật cuộc sống.

       Trong tiết thu của sự dịu êm, của mát lành những ban mai se se của giọt nắng sớm hắt rung rinh qua những kẽ lá, mỗi cảm nhận sẽ mỗi khác. Mỗi liên tưởng cũng vậy. Xếp đặt những bộn bề vào một góc khuất, tạm để yên những xôn xao kia lại, để cảm nhận tiết trời ngắn ngủi của không gian thu. Với cốm xanh, với chuối trứng quốc bên một ấm trà tàu. Dịu êm trong những bình dị, tao nhã của một nét sinh hoạt như đã và vẫn thường là vậy. Nét riêng.


       Có lẽ, tôi vẫn luôn bị ám ảnh bởi những nét xưa như vậy. Có trái ngược không với những tư duy của thế kỷ 21, của những công việc và những dụng cụ của hiện đại kỹ thuật số. Chả quan trọng nữa. Còn có được những suy nghĩ về nó, còn có được những yêu mến đến ngấm sâu, thì âu cũng đã là cái được.


      Hà Nội trong một mùa thu như bao mùa đã qua, vẫn thế với những riêng tư không hề lẫn trộn. Xa nhớ đã đành, đến ngay ở trong lòng vẫn không sao quên đi những nao nao mỗi độ mùa sang. Có lẽ, ký ức về hình ảnh là ký ức mãi mãi không quên. Sự quen thuộc dường như đã thành một thuộc tính của tư duy nhớ. Bình dị thân quen những trà đá vỉa hè, những ghế con hàng nước...

       Nắng thu trong mờ mờ sương khói, bàng bạc của không gian. Viết những dòng về sự quen thuộc thường khi, kẻo rồi thấm thoắt sẽ lại là những tê buốt của gió mùa, kéo lê mặt hè những cơn ù thổi từ phương bắc trong giá ngọt.

4 nhận xét:

  1. Chắc phải tới khi thằng con em vào đại học thì em mới có cơ hội ra Hà nội vào dịp thu này để cảm nhận cái tuyệt vời từ bài viết của Ca. chứ đọc mê quá mà chả biết mặt mũi cái bông sữa nó ra làm sao chứ đừng nói gì tới mùi. Ức !
    Mà đợi tới đó già mất bà nó rùi còn đâu, xum xoe chụp hình mắc công tội nghiệp đường phố nữa. Hic hic hic
    Dạo nì Ca viết toàn bài xịn không hén, coi đã lun.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cô 8 khéo né thế, chờ con thi đại học cơ à, kkk... :))

      À quên, phải cảm ơn vì '' toàn bài xịn '' nhể :))

      Xóa
  2. Ngược chiều gió thổi để thấy lòng rộng hơn. Ngược mùa thu để thấy những âm ba sâu lắng. Đếm thời gian trên những nét thu vừa mong manh vừa sắc sảo. Đó là ngôn ngữ văn chương mình đọc thấy trong bài viết này. Thấy hiện lên một tâm hồn người phố thị xưa cũ, thả những bước chân trên lối đời hiện đại, vẫn vương mang với những ghế con hàng nước trên vỉa hè phố cổ.
    Mỗi khi có việc đì vào những khu phố cổ hoặc những con phố còn phảng phất màu xưa cũ, mình hay tự hỏi: liệu còn tồn tại được đến bao giờ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nó vẫn đã và sẽ mãi tồn tại bởi ký ức. Và nó sẽ tồn tại 1 cách trực quan và hiển hiện nếu người ta biết cách làm văn hóa. Chỉ sợ, những người làm văn hóa sẽ chỉ nghĩ đến ông Cụ trong tài khoản, chứ không nghĩ về sự bảo tồn.

      Thank về những nhận xét ở đầu cmt nhé. Rất hay. Hay còn hơn cả những ý tứ gửi gắm qua câu chữ của bài viết nữa :)

      Xóa