Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Chuyện của Nhật - Phần 16.

                                                      PHẦN 16

   Những cơn gió đông đã quét ràn rạt trên những ngọn tre.

  Các thân tre vặn cọ vào nhau thành những tiếng kẽo kịt, kẽo kịt... Cái thanh âm muôn thuở của hồn gốc làng quê trong một chiều đông xám ngắt, bầu trời nặng trịch như chì sà thấp xuống, sũng sượi như một bà nạ dòng vừa gội đầu bên giếng làng chưa kịp hong khô, cứ để ướt rượt xõa xợi như vậy mà te tái chạy về nhà để kịp nấu bữa cơm tối cho chồng con vậy.

   Nhật đã về nhà được hơn tháng, không ở cửa hàng Thắng xăm nữa.

   Y đã lo đến việc có lúc nào đó lại phải dính vào những chuyện mặt trái của Quân tít. Ăn bát cơm giang hồ thì đương nhiên phải làm những chuyện giang hồ, cái đạo lý đơn giản đấy mà không hiểu, cứ nhắm mắt làm bừa thì sống được trên thế gian này cũng sẽ là chuyện lạ.

  Thằng Hải lăng, cái thằng lầm lỳ nhỏ con nhưng nhanh như sóc được ra trại trước Quân tít một tháng, đã lên cửa hàng tìm Nhật. Hai anh em ra quán bà Kim béo ngồi nhậu ở vỉa hè. Quán này có món gà chặt nổi tiếng và cũng nổi tiếng không kém ở khía cạnh bán khuya.

  Khách khuya quán này toàn giang hồ tứ chiếng nhưng chưa bao giờ có chuyện bùng chạc hay đánh nhau ở đấy. Xích mích có thể ở đó nhưng mời các chú ra chỗ khác giải quyết. Quán chị làm ăn, các chú hiểu được cái lẽ đó là chị cảm ơn rồi. Nhật cũng là khách quen ở đây.

  Bà Kim béo nặng cỡ thiếu mười mấy cân thì đầy tạ, nhưng pha gà, chặt xương nhanh như chày máy, bổ phát nào chuẩn phát đấy, không bao giờ phải chặt đến nhát thứ hai. Chuyện quá khứ bà này Nhật cũng biết. Nhưng không hiểu sao, cứ thấy y đến là bà chủ cười tươi như hoa, dù y cũng chẳng phải loại đại gia kếch xù gì.  

                     ************

  Nhật đến, sau cái cười rung cả nồi nước phở là: Vẫn thế chứ chú. Rồi thoăn thoắt chặt, thái... Là cái thứ y vẫn nhậu: Một cái cổ gà để nguyên và đôi đầu cánh, bát nước dùng nhỏ, quẳng vào mấy lá hành hoa, thơm thái nhỏ và chai rượu.

   Nhật và Hải lăng ngồi đến sáng mới ngất nghểu ra về. Hôm đó mới biết tại sao nó có cái biệt hiệu lăng đi kèm. Thằng Hải quê Hải Phòng.

   Nhà nó gần một bến thuyền cá nên từ bé nó đã theo cả nhà ra đó mót cá. Cái bến đó chả hiểu sao giang hồ gọi là bến My-lăng, nghe cứ như cái bến cảng xa tít xờ la va bên bờ Địa Trung Hải của nước Ý vậy. Lớn thêm chút nữa, nó gia nhập hội cướp cá. Mót không được thì cướp. Đơn giản như đan rổ vậy thôi.

   Cuộc sống nơi bến bãi, cân điêu trả giá ép với đủ mọi thủ đoạn ăn được người là ăn không cần lăn tăn làm dạn dĩ con người nó.

   Hải lăng khi đánh nhau cũng như bao thằng khác thôi, là có gì phang nấy.

   Nhưng nó hay có trò chém không được, đâm không xong, đập không trúng thì nó vung nguyên con đồ trong tay mà lăng, mà ném thẳng vào người địch thủ. Có khi nó chịu ăn nguyên cái đòn gánh hay cái sống dao, chỉ để đến gần địch thủ và phi nguyên con đồ vào chỗ yếu hại.

   Cái trò đánh nhau kiểu trạng chết chúa cũng băng hà, đồng quy ư tận này của thằng nhóc làm chợn chạo lũ ma cô bến bãi. Chả mấy chốc, cái tên Hải lăng ra đời. Vừa là thủ lĩnh đám du côn cu chíp bến My-lăng, vừa là vô đối trò lăng đồ vào địch thủ. Khi nó vào trại cùng Nhật, là nó đã chịu cái án bảy năm tội ‘’cố ý gây thương tích’’.

    Với nguyên một con phóng lợn xiên từ đằng trước ra đằng sau thằng kia. May không chạm phổi.

   Sau đó còn vài lần uống với nhau, Nhật cũng hiểu biết thêm về con người nó. Nhưng y không có ý định ở lại cửa hàng, nên đã nói với thằng Hải.

    Nó im lặng rồi nói:

- Anh không ở lại cũng đúng thôi. Anh không giống bọn em. Dân xã hội bây giờ không như ngày xưa nữa. Nhưng cũng khó, anh về thì làm gì ???

   Nhật im lặng.

   Y không có câu trả lời.

   Làm gì bây giờ cũng khó.

   Sòng bài hay quán bar đều phải là tay có bản lĩnh xã hội, vốn thuộc lĩnh vực làm ra rất nhiều tiền nhưng lại thuộc lãnh địa làm ăn của giới giang hồ. Y còn chưa đủ tuổi để làm những cái đó, chưa kể vốn ở đâu ra. Nhật biết chỉ cần nói với Quân tít, việc đó thu xếp xong ngay.

    Nhưng những việc đó đều phải tay giang hồ xã hội, quen biết rộng, lại phải dưới tay có cả đám đệ tử dao búa.

    Những việc mặt trái kiểu đó không phải dành cho những người như y có thể làm. Chấp nhận dấn thân cũng có nghĩa là trở thành dân xã hội, thành người của Quân tít. Cái giá phải trả sẽ là không nhỏ.

    Mở quán nhậu cũng là cách kiếm sống.

    Nhưng y không có nghề nấu ăn.
   
    Không nghề thì học.

    Vả lại, quán nhậu là phải bán khuya, phục vụ cho dân chơi sau những giờ bay, cắn thuốc hay đập phá ở vũ trường, quán bar đã nhão người.

    Vốn ít, vài ba món nhậu thôi, chiếm cái góc vỉa hè nào đó, làm luật với phường là ok luôn và ngay.

    Chứ quán bia thì vốn lớn, địa điểm cũng là cả vấn đề. Phải đủ rộng, phải có chỗ để xe máy, ô tô. Bán hàng bia hay hàng ăn mà không có chỗ để xe thì cầm chắc là đi ăn cắp sớm.

   Lại phải có đầu bếp ổn, có món nhậu không đụng hàng như là món ruột để câu khách. Đầu tư cũng lớn nữa. Rồi thì nguồn cấp bia… Chưa kể mở quán bia cũng phải có máu mặt.

     Nghĩa là cũng phải có quan hệ xã hội nhất định.

    Thiếu gì bọn cạnh tranh nó tìm đủ mọi cách để nó chơi mình.

    Nó chơi thì cũng vẫn những cái trò xưa như trái đất thôi. Sẽ có những thằng đến uống bia như những người khách khác. Chúng nó sẽ gọi đồ rồi chê bai…

    Tiếp đến, chúng nó sẽ mượn một cái cớ nào đó, giả vờ vấp ngã, hoặc cà khịa gây sự với khách bàn khác vì cớ nhìn đểu chẳng hạn, rồi chúng nó sẽ cho người ta cả đống cốc bia vào đầu, vào mặt.

    Sẽ cứ tiếp diễn những trò bất ổn như thế ở quán của mình, ở cái nơi mình gửi gắm sinh kế vào những người khách.

    Người ta đến uống bia để thư giãn, để thoải mái, để ồn ào chém gió và kể cả để say khướt, say bò ra đến đi không nổi, để mà nôn mửa, kể cả để hủy hoại sức khỏe đi nữa, nhưng dứt khoát người ta không bỏ tiền ra đến quán mình để mua lấy sự rắc rối, mua lấy cái không vui và tuyệt đối là không mua vạ vào thân. Dứt khoát thế.

    Cuộc đời này, những trò văn bẩn như thế, chả có gì xa lạ.

    Nó xưa như Diễm.

    Nó cũng hệt như những cái trò ưa thích về khủng bố đời sống của nhau bằng cách ném mắm tôm pha dầu nhớt, ném chất thải pha dầu nhớt vào sân nhà nhau vậy thôi.

     Nó không hề xa lạ, chả có gì mới mẻ nhưng rẻ tiền và hiệu nghiệm.

     Ngày trên cửa hàng Thắng ‘’ xăm ‘’, y từng nghe một thằng chíp kể chuyện.

     Nó lên chợ Bưởi, đặt mua cả mớ cào cào châu chấu nhưng với điều kiện phải khỏe mạnh. Nó chia mớ cào cào châu chấu đó vào mấy cái túi nilon, rồi đổ cái hỗn hợp chất thải đấy vào các túi nilon kia, buộc lại.

    Nó chạy đến nhà người ta và ném thẳng tay mấy cái túi nilon đấy vào phòng khách. Những cái túi nilon vỡ bung cùng đồng loạt lũ cào cào châu chấu bay tứ tán, mang theo cái ô uế đi khắp phòng khách, khắp căn nhà, đậu và rây lên đủ mọi loại đồ vật.

    Thằng ôn kể chuyện tưng tửng như không vậy. Ứng xử đồng loại với đồng loại chả còn kể gì đến đạo nghĩa đồng bào nữa.

    Tất nhiên mở quán bia, chắc chắn Nhật phải nhờ Quân tít để ý giúp chuyện xã hội. Nhưng tính Nhật không thích nhờ vả. Cái trò ơn nghĩa giang hồ nặng gánh lắm. Vốn nữa.

    Đó chính là lúc mà bố mẹ gọi Nhật về bàn tính chuyện cưới vợ.

    Thơm vợ Nhật là con gái cả ông Cự đề xóm trên.

    Ông Cự như đại lý cấp một vậy, thầu đề cả vùng chuyển cho nhà cái lớn.

    Thơm cũng phụ việc nhiều nên thạo việc số má lắm. Nói về tâm lý, chả ai muốn gả con cho một thằng tù về cả. Kể cả ông Cự cũng đã là kẻ chẳng xa lạ gì với giang hồ mặt trái, nhưng chuyện dựng vợ gả chồng gửi chốn trăm năm, dễ đâu mà lắc gật.

    Chuyện y đi tù thì cả làng trên xóm dưới đều biết. Kẻ thông cảm, người bĩu môi cũng lắm.

     Làng xã thôn quê, cái nết buôn dưa lê bán dưa chuột, thóc mách chuyện nhà người khác, hay xấu bụng được thể mà dè bỉu vẫn còn nặng nề lắm. Chả thế, cái câu đất lề quê thói vẫn còn ăn sâu bám rễ, dễ mà đổi dời sao?

    Dẫu sao, kẻ ưa người ghét vốn dĩ là chuyện bình thường, thì cũng vẫn còn sống đó, làm ăn đó thì vẫn còn cần phải để ý đến nhau.

    Thơm thì khỏi nói rồi. Thích trộm nhớ thầm anh cu Nhật từ ngày bé tý.

    Khi ngực chỉ  nhu nhú như cái chũm cau non, tóc buộc đuôi gà cháy khét màu râu ngô đã biết thích anh Nhật nổi tiếng cả làng trên xóm dưới. Mỗi độ Nhật về làng, kiểu gì cái Thơm cũng gội đầu tử tế sạch sẽ rồi diện bộ, rồi sẽ tìm cớ mà lảng vảng ở xóm nhà Nhật, lượn lờ qua cổng qua ngõ. Nó thích anh Nhật lắm.

    Thích Nhật, nên nó kết thân với cái Giang. Nó chỉ học với cái Giang có mấy năm tiểu học thôi nhưng con nhà buôn bán, cờ bạc nên nó cũng có sẵn cái máu khôn, máu ranh trong người. Cứ Nhật về là nó biết vì cái Giang kiểu gì cũng khoe. Nó cũng khéo chiều cái Giang nữa. Nên chuyện tù đày của Nhật, nó chả thèm để ý. Mỵ Châu đã rải cả lông ngỗng sau khi mất nỏ thần, thì nó có sá gì ba cái chuyện tù đày của Nhật.
   
                              *********************

    Những áng xám của bầu trời đông như kéo thấp không gian xuống.

    Những đoạn ký ức cứ trôi qua như một cuốn phim.

   Căn phòng trọ, nơi náu thân tạm thời này của hai vợ chồng Nhật với những vật dụng bình thường, thiết yếu như bao gia đình trọ khác.

   Vợ chưa về, y lại nằm nghĩ miên man về những quãng đoạn đời qua.

   Y không muốn vợ ghi số đề như nhà vợ y đã làm bao năm qua. Y đã thấy những cảnh cờ bạc và đòi nợ trên chỗ Thắng ‘’ xăm ‘’ rồi.

    Làm số làm má kiểu này, khó tránh khỏi có lúc phải ghi báo.

    Ghi báo tức là người ta đánh lô đánh đề nợ.

    Người ta sẽ gọi điện và báo số tiền, báo con lô con đề muốn đánh, chứ không phải xuống tiền tươi thóc thật. Thắng thì tối người ta qua lấy lãi trúng, trượt thì thanh toán. Nhưng khối ông báo ẩu. Thắng thì lấy nhưng trượt thì rẽ gấp.

    Những người đánh báo, thường là người quen, khách quen, thậm chí còn là bạn bè quen nữa.

   Khôn ba năm dại một giờ. Chả biết đâu mà lần.

   Nó bảo ẩu cho con lô mấy trăm điểm đã đủ chết rồi. Nhờ anh em đòi giúp thì cũng mất tiền trà nước là nhẹ, không thì cũng theo luật ba mươi phần trăm, năm mươi phần trăm trên số cần đòi mà trả cho anh em. Rồi lại dính đến xã hội đen. Mệt lắm. Thế nên y không muốn cho vợ làm cái nghề đó.

    Y quyết định mở quán ăn đêm.

    Chỉ có thể mở ăn đêm, bởi không thể thuê cửa hàng được.

    Ăn đêm trên vỉa hè.

   Vỉa hè, nghĩa là của chung. Ban ngày người ta đi lại. Ban ngày người ta để xe.

   Xe của các cửa hàng cửa hiệu buôn bán. Tối người ta đóng cửa, không bán nữa thì mình dọn hàng ra mà bán. Chỉ phải dọn sạch rác rưởi mình bày bán ra sau một đêm buôn bán thôi, để mai cái vỉa hè đấy lại sạch sẽ thì chả ai nỡ mà tước đi cái  sinh kế của mình cả.

    Mà nghĩ cho cùng, động đến nồi cơm của nhau đâu có dễ.

    Nước sông mà chạm nước giếng thì ắt là có chuyện. Kể cả vợ chồng y là dân trọ, là ngụ cư đi nữa thì Nhật cũng chả phải thằng thấy thằng khác chọc đũa cả vào nồi cơm của mình mà nín thing hay xin anh để cho em yên.

    Chỉ còn chuyện luật lá thôi.

    Biết Nhật mở quán ăn đêm, bọn Quân tít, Thắng xăm, Hải lăng, Tân trố hầu như ngày nào cũng kéo một lũ cô hồn đến hỗ trợ ông em.

    Đêm nào cũng đều như vắt chanh cả chục mạng có hơn kéo đến ăn khuya. Nhìn đám khách của Nhật, hàng phố nếu có ý muốn chọc đũa cả vào nồi cơm cũng khẩn trương hô biến ý nghĩ đấy đi cho lành.

    Ai ngỡ cái thằng nhìn thư sinh trắng trẻo cao ráo đẹp trai, lại chơi với cả lũ nhìn thoáng là biết dân xã hội thế kia.

    Sau một tháng mở quán, khách đông dần lên.

    Người ta bắt đầu quen quán. Bắt đầu thích cái cách phục vụ chu đáo của vợ chồng ông chủ. Cái món ruột Nhật học được từ lâu là chân gà, chân vịt rút xương. Món này nhậu búa bổ.

    Cái chân gà luộc xong, xương xẩu được rút sạch sẽ, chả phải nhá gặm gì, đưa vào miệng cứ giòn sật, ngâm qua tý nước vôi trong nên trắng muốt, bắt mắt vãi đời.

    Bát nước chấm pha khéo từ nước mắm dấm tỏi loãng, gia giảm tý đường, mì chính, chút hạt tiêu, tương ớt trộn đều, sóng sánh, đỏ tươi với vài lát ớt thái.

    Rau lúc nào cũng đủ vị. Bạc hà the the, mùi thơm vài ngọn, mùi tàu, húng chó…

    Chả bao giờ thiếu chừng chục cọng hành ngâm nước trong cái cốc thủy tinh. Dưới trắng ngần, trên xanh ngắt, đều tắp trong cái long lanh ngập nước. Chỉ cần tưởng đến cái rồn rột hăng ngọt của nó là đã thấy nó nằm trong miệng rồi.

    Tân trố, trưởng buồng đầu tiên ở quận khi Nhật mới bị bắt, bạn chiến cạ chiến hừu với Quân tít, lại chính là người truyền cho y cái bí quyết nấu nước phở ngon, ngọt mà không cần dùng đến sá sùng.

    Sá sùng giờ đắt chết mẹ, hơn năm củ một cân sá sùng khô thì bán gì cho lại? Gã còn kể cho y, bọn Khựa có món chân gà ngâm nước gạo chua, cực ngon.

    Gã kể, bọn nó ngâm chân gà vào những cái vại sành. Ăn là lấy ra. Giòn, sần sật và nhất là cái vị chua nhè nhẹ, chấm với muối tiêu chanh ớt thì rượu cứ thun thút.

    Nhật nghe, cũng mày mò làm thử. Sau vài lần vứt đi cả đống chân gà, cuối cùng thì y cũng tàm tạm thành công.

    Tân trố là kẻ đầu tiên làm giám khảo. Gã bảo Nhật: Chưa được như bọn nó đâu, nhưng thế này thì mày cũng vua chúa con mẹ nó rồi em ạ. Xuất kho đi, đảm bảo bọn bay đêm chết vì cái này là cái chắc!

     Rượu quê thì nhà làm, của nhà trồng được.

    Bố Nhật nấu, mở vung khử andehit rồi lại hạ thổ ngoài vườn. Uống vừa đằm vừa lành. Đám xã hội rủ bọn dân bay cứ hàng đêm sau những lắc giật nhão người lại đến quán y đập nốt chỗ dở cho trọn đêm solist. Đồ ăn ngon, rượu đảm bảo, phục vụ chu đáo, quán Nhật dần dần đông khách.


   ( Còn nữa…)

6 nhận xét:

  1. Trình cao thật!
    Tiền bối viết tiếp nhóe, nhóe!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trình cao thật là như thế nào, kkk... :))

      Đương nhiên là vẫn tiếp tục chứ em :)

      Xóa
  2. Đã từng đọc CHUYỆN CỦA NHẬT bên YahooBlog.
    Vẫn thỉnh thoảng ghé nhà bạn đọc bài, nhưng không lên tiếng.
    Giờ gặp lại Nhật, rất vui.

    Trả lờiXóa
  3. Hóng chuyện nhà bác lâu quá

    Trả lờiXóa