Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

Tuổi thơ 2.

04:15 18 thg 1 2011Công khai14 Lượt xem 8
     Có lẽ do cái lạnh mùa Đông, mà phải là lạnh như những ngày này, nhiệt độ thường trực ở trên 10 độC 1 chút, thì những ký ức về tuổi thơ mới trở về trong cái co ro, cái cảm thán cửa miệng là: Lạnh quá, lạnh thật, sao mà lạnh thế ...... Chứ có lẽ trong cái nóng bốc hơi của mặt đường nhựa với bốn mươi mấy độ C như mấy ngày hè vừa rồi thì cũng chả có ai tầm nhớ về những quãng xưa cũ nữa.

     Ngày đó, khu tập thể nơi tôi ở là cả 1 công trường rộng lớn. Họ vừa xây vừa bàn giao nhà cho cán bộ về ở. Cái hôm lần đầu tiên đi xem nhà mới cũng để lại chút ấn tượng. Bố tranh thủ nghỉ phép từ Nam ra, chất con lên chiếc 67, phóng vù xuống. Đang ở phố quen, bỗng thấy mình xuống 1 vùng ngổn ngang đất cát, có con đường 2 bên toàn cây to và đan ít phi lao. Vẫn còn nhớ câu hỏi: Mình về quê hả bố ??? Sau được biết cái căn hộ tập thể đấy là Nhà nước đền bù cho căn nhà ở phố Hàng Bột, vì thiếu cửa hàng lương thực và kho cũng như nơi làm việc cho cán bộ lương thực nên 4 hộ ở cái số nhà đó được vận động đi chỗ khác ở. Căn nhà cũ có 4 hộ, 2 ở trên gác và 2 ở dưới nhà. Thế là về quê.
     Mà quê thật. Ngày đó, cứ mỗi lần đứng ở tầng 2 nhìn xuống nhà là thấy người ta chào hỏi nhau: Đi đâu đấy ??? À, vừa từ Hà Nội về. Mà trả lời rất thật, dù cái khu tập thể đấy có địa giới hành chính là thuộc quận Ba Đình hẳn hoi, nhà mình chỉ có chuyển từ quận Đống Đa sang quận Ba Đình thôi mà cứ như là xa lắm rồi ấy. Cái khu tập thể là cả 1 công trường rộng lớn. Cả dãy máy trộn bê tông bên những núi cát, những kiêu gạch bạt ngàn và cả 1 bãi lớn để họ xếp những tấm bê tông đúc tại chỗ. Trẻ con ở đấy không thiếu sân để chơi và trò để giải trí. Những tấm bê tông xếp lớp thành bàn chơi bóng bàn, những núi cát thì tha hồ chơi trò nhỏ núi, đào hầm đắp ụ và vo tròn quả đạn bằng cát ướt, ném vào nhau đầy mặt đầy đầu. Những khoảng trống tha hồ thành sân bóng đá và chơi cầu lông, chơi khăng hay bắn bi, đánh đáo. Hồ được đào rộng ra và sâu thêm, đất sét cũng thành đủ trò chơi nặn. Mà ruộng rau cũng lắm, thành nơi cho trẻ con câu cá rô và cá săn sắt, cá cờ. Khu tập thể chia thành nhiều khu đánh số A, B, C, D ..... cho nhiều cơ quan và cả định cư, đền bù cho người dân ở nhiều nơi tụ về. Con cán bộ, con dân thường tứ chiếng và cả dân làng sở tại chung nhau cái không gian rộng lớn ấy. Những năm cuối thập kỷ 70 thì chưa có khu tập thể của Bộ Ngoại giao, đứng ở mái sảnh cầu thang còn nhìn được rặng Ba Vì mờ mờ đằng xa.
     Hồi ấy phim ảnh thì ít lắm, cả tuần được 1 tối có chương trình Bông hoa nhỏ cho trẻ con. Học xong là tót xuống sân chơi trò trốn tìm hoặc tụ bạ nhau đi phá vườn nhà người ta. Còn nhớ có 1 lần, hồi đó lớp 5 hay 6 gì đó, chơi trò su-vê với nhau, trong bọn có 1 chị lớn hơn mấy tuổi nhưng đang tuổi dậy thì, hôm đó mất điện nhưng sáng trăng, chơi chạy thế nào, mình vồ 1 phát đúng ngực chị ấy, tưởng vồ phải quả bóng cao su vì thấy mềm đầy 1 bàn tay, ngửng lên thấy chị chàng mặt đỏ như gấc. Mà giời ạ, chị ấy lại không có áo trong, vừa ngạc nhiên lại vừa buồn cười. Sau này mình để ý, chị ấy cứ gặp mình là mặt lại đỏ như quả bồ quân, chắc ngượng. Rồi những hôm mất điện thì lại tụ nhau chơi trò dọa ma. Cứ đốt 1 nén hương rồi giấu ra đằng sau, đứng im ở chiếu nghỉ cầu thang, cứ có ai đi lên là xô ra vung hương dọa, khối đứa nhát gan quẳng đồ quẳng đạc hét váng lên rồi chạy quơ quào, thế là mấy thằng lại cười rú lên với nhau, khoái chí.
     Ở cái sân của khu tập thể công an thì có mấy cái bể nước to tướng, chắc do ngành bảo vệ trị an nên họ đặc biệt xây riêng cho khu đó mấy bể đấy. Cứ chiều chiều là trẻ con ra tắm ké, vì nước khu tập thể có chảy được lên tầng cao đâu. Nhà mình ở tầng 2 mà còn thiếu nước trầm trọng. Thấy các chú tắm, trẻ con cứ thắc mắc, các chú ấy sục sục 2 tay vào quần đùi làm gì ấy nhỉ ??? Thế là thi nhau đoán, thi nhau sáng tạo theo kiểu nghĩ của trẻ con. Rồi khi tắm cũng bắt chước các chú sục sục cái tay như thế, lấy làm khoái lắm vì mình cũng tắm như người lớn. Riêng cái khu công an đấy là không có ai trồng trọt gì ở sân hết, vì họ làm bể nước rồi đồng thời để thỉnh thoảng chiếu phim di động. Cứ mỗi hôm có chiếu bóng thì cả khu tập thể cứ như có hội, giục nhau cơm nước sớm còn ra chiếm chỗ, mỗi người vác theo cái ghế con để ngồi. Xem xong ra về tiếng bàn tán về tình tiết còn rôm rả đến tận cửa nhà. Mình nhớ hồi đó, bên Giảng Võ cũng thỉnh thoảng chiếu phim kiểu đó ở khu Triển lãm, nhưng là bán vé. Mình toàn xem chùa. Cũng vác ghế đi, nhưng vì luật người lớn được kèm trẻ em, nên mình nghĩ ra trò cứ bám áo người đi trước là chú soát vé tưởng mình đi với người lớn, là bỏ qua luôn. Ai mà quay lại vì thấy mình bám áo, là lại ca bài ca cũ: Cho cháu bám nhờ với, cháu không có tiền mua vé. Chả ai nỡ đẩy thằng bé ra cả. Về sau mình phổ biến kinh nghiệm cho mấy thằng cùng khu, chúng nó cũng bắt chước theo. Có lần 1 thằng dát quá, không dám bám áo ai, cứ đứng ngoài nhăn nhó, mắt ướt nhoẹt vì tiếc, vì sợ. Thế là mình lao ra, nắm tay lôi sềnh sệch, miệng mắng như đúng rồi: Mày đứng ở đâu mà bố mẹ tìm không thấy, tý nữa vào mày chết đòn. Một mặt nói thế, 1 mặt thanh minh với chú soát vé: Thằng em cháu, nó lạc nên bị chậm, chú cho nó vào với cháu không bố mẹ cháu lo... Thế là qua. Bố khỉ, giờ thì thằng đấy làm quan rồi, mình thì cứ lét đét với nghề với ngỗng. Nhưng đúng là khổ mỗi lần đi xem phim ở đấy, tiền thì không mất nhưng thèm phở. Đối diện cổng Triển lãm Giảng Võ là hàng phở Sinh. Cái mùi phở thuở ấu thơ không sao quên được. Nó cứ dâng lên trước cánh mũi, chui vào dạ dày mà ngoáy mà ngọ, cổ họng nuốt nước bọt cứ như cục pít-tông giật lên giật xuống.
     Ngày ấy còn có trò đi rình các đôi yêu nhau ở nhà trẻ. Cứ tối tối là trèo tường vào nhà trẻ. Các anh các chị lôi nhau vào đấy rau thơm rau má, bọn trẻ thì cứ rình rình rập rập, rồi ném đá cuộc họp, bị ông nào gấu tý chạy ra đuổi thì té chạy, cười ré lên, rồi lại quay lối khác về tiếp tục nấu nồi cháo ám. Quấy cho đến khi khôn ra, chạy ra: Anh xin các ông em ... thì mới đi chỗ khác, chứ bật lại là thể nào cũng không yên được với lũ nhóc. Mấy thằng ở khu khác thì còn dở trò mặc cả: Chỗ đấy là ổ của bọn em, anh mượn là phải thế này, thế kia ...
     Hồi bé mình chơi nghịch thật, nhưng cũng ham đọc sách. Chơi với 1 thằng bạn, bố nó là giáo viên dạy Văn, sách nhà nó chất từ sàn đến trần. Không bao giờ được mượn sách mà chỉ đến nhà nó đọc thôi. Cũng chỉ vì sách mà nhiều lúc phải bấm bụng chịu cái sự nhõng nhẽo của nó, không thì nó không cho đọc sách nhà nó. Ông bạn đấy giờ cũng thành đạt rồi. Hồi đấy, cứ gom gom được tý báo cũ với vở cũ, giấy cũ là gọi đồng nát, bán rồi quy ra sách. Lông gà lông vịt cũng thành sách hết. Thế mà chả bao giờ được quá 6 điểm văn, thi thoảng được 7 điểm thì lại mình phục mình thế. Học đến hết cấp 3, chả bao giờ bài văn tán ra được đủ 2 trang giấy đúp cả. Hồi đấy, hiệu sách Quốc văn Tràng Tiền là niềm mơ ước của lũ trẻ con thích đọc sách. Mượn được xe thì đạp lên, không thì cuốc bộ ra hết Cát Linh mới nhảy tàu điện lên Bờ Hồ được. Hồi đấy còn tinh quái nghĩ ra trò trộm sách của hiệu Quốc văn nữa. Giờ nghĩ lại vẫn buồn cười.
     Những trò nghịch của thuở bé thì nhiều, từ nghịch tinh đến nghịch dại. Bao lần bị ông bô bợp tai, quất roi vì bố mẹ đứa khác mang con đến bắt đền. Học lớp 6 thì mấy thằng rủ nhau vào Bình Đà mua thuốc pháo về cuốn pháo, làm cả băng pháo to như ngón tay dài cả hàng mét, rồi quấn những quả to như bắp tay mang đến lớp gài sau bảng đen, châm hương cháy chậm nổ rụng cả bảng. Ngó sang lớp bên cạnh, thấy chúng nó ngồi khoanh tay lên bàn chờ cô giáo, ngứa mắt ném cả băng pháo to đùng vào giữa lớp cho nổ oang oác, bọn nó nháo nhác lên thế là cười rũ cười phá lên với nhau. Học lớp 4, mình nhớ mình được bầu làm Chi đội trưởng, nhưng cô giáo bảo nhường 1 bạn gái trong lớp vì bạn ấy có ông nội là ông Lê Thanh Nghị. Phải nhường nhưng ấm ức, thế là cô giáo an ủi cho ra làm Sao đỏ. Oách phết đấy. Được kiểm tra, nhắc nhở các bạn Đội viên khác khi không đeo khăn quàng đúng cách, được chỉ trỏ các bạn khác, nhắc nhở này kia, được ghi tên những chú đi học muộn, thậm chí không cho vào trường. Nhưng khoái nhất trò này, là được vào lớp muộn 15', qua luôn chuyện kiểm tra 15' đầu giờ, vì phải đứng canh cổng trường. Thế là kết giao được khối anh bạn ở làng, học thì vớ vẩn nhưng được cái gấu, nhờ vả được, cuối năm lớp 5 đầu lớp 6 là đã không sợ chú nào ở trường rồi, vì bạn mình toàn gấu làng cả.


     Một trò mà mình nhớ mãi, là trêu nghệ sỹ Vũ Dậu. Cô Vũ Dậu hồi đó cũng ở khu tập thể, hay đi diễn nên ăn mặc chải chuốt hơn hẳn các mẹ quần phăng, quần sa tanh đã là sành điệu lắm rồi. Mà cô Dậu hồi đó cũng không bặt thiệp lắm với dân xung quanh, nên trẻ con cũng ghét lây cô lẫn con trai cô, giờ là nhạc sỹ Minh Châu. Châu thì hay bị bọn mình nhắm bóng vào và sút, thậm chí quăng cả cái khăng nhỏ vào chân, khóc mà chả dám nói gì bọn trẻ con. Còn cô Dậu thì mỗi lần đi ngang khu, là bọn trẻ con đồng loạt nấp thụp xuống lan can rồi đồng thanh: Lông gà, ai lông gà lông vịt bán đê !!! Thế là cô Dậu nghển cổ lên mắng: Lũ mất dạy, sư lũ mất dạy....!!!


 Cũng chỉ mắng thế thôi, cũng chả nặng nề hơn, dù mặt cô đỏ tía lên vì tức lũ trẻ bố nháo bố toét..... Sau cô Dậu chuyển nhà lên dốc phố gần Giảng Võ, mở cửa hàng vàng mang tên cô, nghề hát cũng chẳng nuôi nổi gia đình. Đoán đại thế.      Cái thời bao cấp, cái gì cũng khó khăn. Bọn mình 3 đứa, được cử đi thi vẽ. Nhất các trường cùng khu vực thì lên cấp quận, giải thưởng cũng nhí nhố. Cấp quận, 3 thằng chia nhau giải Nhất, Nhì, Ba, được mỗi thằng mấy cái kẹo, thằng thì có cái quản bút gỗ tô 2 màu vàng đỏ, thằng thì được cái ngòi bút bụng chửa và cái ngòi bút xe tăng. Đi về cứ than thở với nhau, biết giải như thế thì dek thèm đi thi cho tốn màu. Ba thằng cho hết kẹo vào mồm thì lôi ngòi bút ra cắm vào quản bút chơi cắm phập với nhau. Đến lúc trường gọi đi thi cấp thành phố thì 2 thằng cáo ốm, 1 thằng phải đi là mình vì còn là Sao đỏ, thì mình nhuấy nhóa mấy nét bố láo rồi kêu hết màu, cô giáo phải đi mua cho mình hộp màu mới với bánh mỳ patê. Hồi đó mới có lớp 4 mà đã lắm trò thủ đoạn ra phết, giờ gọi là văn bẩn. Đối phó thế mà cũng được giải 3 hay khuyến khích gì đó mới vớ vỉn, đúng là thánh nhân đãi khù khờ. Hôm nọ ngồi với 1 ông anh, ông ấy kể chuyện thằng con ông ấy đi thi 2 cái giải gì đó, 1 giải 5 triệu thì được phát 500K, 1 giải bằng hiện vật là cái laptop thì được nhận 2 triệu và cái bằng khen. Trường nói giải phải chia đều cho các bạn khó khăn và hiện vật thì nhà trường giữ lưu niệm. Thời bao cấp với thời @ cũng chả khác nhau mấy tý về cái chuyện lợi dụng học sinh.
Thôi hôm nay hết time rồi, lúc khác bi bô tiếp. Đông vẫn lạnh lắm ......
P/s: Lúc trước nhớ nhầm, ông nội bạn nhường chức là ông Lê Thanh Nghị, không fải ông Nguyễn Cơ Thạch (Cũng bởi cả 2 ông đều làm ngoại giao, nhưng ông LTN sau lên Phó TT, oách hơn ông NCT).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét