Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

Rượu đời.


     Uống rượu. Nó gọi thì sang. Cũng bởi chả có việc gì. Cũng bởi nó gọi để chúc mừng.


    Con mày đỗ, con tao cũng đỗ, mừng nhau à? Ừ, mừng. Qua làm vài chén đi. Tao chờ.

    Can rượu trứ danh của thằng bạn muôn thuở. Trong vắt. Đĩa lạc luộc, dăm cái nem chua, con mực khô xé tan hoang thành từng sợi. Với thằng này, con đỗ vào cấp ba hay không đỗ thì khác đéo gì nhau đâu. Nó vẫn cứ bú từng ấy rượu vào người mỗi chiều, tại cái quán quen thuộc ấy. Tôi bảo nó: Tao nhường mày cái slogan Quý rượu như quý tính mạng đấy. Nhường cái đéo gì? Uống đi! Nó tưng tửng đẩy cái chén về phía tôi.

    Mười năm trước và hơn mười năm trước đến năm sáu năm, nó là một thằng thành đạt. Cưới nó tôi đến, và khi gặp lại tại quán bia vào một năm nào đó không nhớ sau khi nó cưới cũng dăm sáu năm, nó là giám đốc một cty của nó với một con Zace láng coóng. Hai cái nhà dắt lưng và một cặp sinh đôi chim cò lừng lững. Nể bạn lắm. Cứ thằng nào giàu hơn mình, nhiều tiền hơn mình và nhất lại là bạn mình, bạn từ cái thuở chim mới ra ràng thì phải nể thôi.

    Thế cũng bẵng đi như bèo dạt mây trôi, như bóng câu qua cửa. Gặp lại nó ở hàng rượu. Khắc khổ như lão Hạc vừa bán cậu Vàng. Đóng cửa công ty. Vợ bỏ. Hai căn nhà vợ lấy một cái với lý do dành cho con, một cái bán chác trả nợ gì đó. Đúng là đồng bệnh tương lân. Tôi lúc đó cũng vừa giải tán văn phòng. Cái cớ thất nghiệp hợp không chịu nổi được để mỗi chiều nó và tôi cùng ngồi bú cái can rượu trứ danh của nó, ngắm nhìn nhau và tự buồn cái nỗi buồn của riêng mình và cả của nhau nữa.

    Tôi chả hỏi lý do thất bại của nó và nó cũng không hỏi lý do của tôi. Chỉ biết nó bị nợ khá nhiều, nhiều tỷ và không đòi được. Nó vẫn xoay xỏa linh tinh kiếm sống cũng như tôi thôi, và công cuộc tẩm rượu vào cái dạ dày của nó thì tôi, vốn quý rượu cũng phải ba phần kính nhường nó và tự xếp về nhì. Đã có lần phải bảo nó: Mày uống thế nào thì uống, nhưng làm sao để đến bảy ọi, tao vẫn kêu mày qua tao uống được, chứ không phải tao lại mang sữa đến cho mày. Nó cũng không trả lời mà cứ lầm lụi rót.

    Cả hai thằng sinh đôi của nó và thằng quý tử đầu lòng của tôi cùng đỗ cấp ba. Đỡ mất năm, sáu củ một tháng chôn vào dân lập đấy ông ạ. Tiền đấy cho chúng nó học thêm thì nhòe cmnl. Ừ, tao cũng lo nhưng may là đỗ. Tao hai thằng mà dân lập cả hai thì đéo biết lo như thế nào...

    Tôi chả bao giờ hỏi nó có dạy con nó không. Tôi chỉ biết nó cũng chăm con. Tôi chả bì được. Nghe người ta nói dạy con học thế này thế kia, có ông hàng xóm còn đi mua sách về đọc để dạy con, tôi cũng mặc kệ. Chỉ đến một hôm, tình cờ đi uống rượu về, lục bát cơm nguội thì thấy cậu gia sư đang dạy con về hình học nội tiếp và ngoại tiếp, thấy có gì đó không ổn. Trong cái mang mang hơi rượu, tôi thử nhớ lại cái kiến thức lớp 8* ngày xửa ngày xưa xem có còn nhớ không, rồi chờ cho cậu gia sư đi về, tôi mới lôi ông con ra hỏi.

    Chém gió một hồi, ông con có vẻ ngưỡng mộ thằng bố suốt ngày rượu chè mà vẫn còn nhớ được cái kiến thức phổ thông. Lên giọng kích bác: Cái này mà không nhớ, không làm được thì hèn! Từ đó, thỉnh thoảng tôi lại lôi nó ra chém một hồi về cung, về góc, thêm ít khuyến mại về văn tả cảnh, về những cái so sánh ba lăng nhăng của giảng văn. Thằng này cũng hiền, lôi cái gì ra thì nó nghe cái đấy, chứ không hỏi rộng. Thề, tôi chả đọc một dòng SGK của nó xem người ta dạy cái gì. Nhỡ nó hỏi thêm tý về đại số, về lượng giác, cầm chắc thằng bố nó là tôi phải cau trán xếp rượu vào góc mà đọc cho bằng được. Vì tôi cũng quên cmnr.

    Tôi và thằng bạn hẩu cứ gật gù nâng lên đặt xuống. Rồi một ông bạn khác đến để chúng tôi chia buồn. Con ông này trượt. Bốn năm học sinh giỏi mà được 46 điểm. Toạch mẹ nó cả nguyện vọng hai. Ông bạn cứ làu bàu những cái chép miệng và thở dài. Tôi đành an ủi câu sáo đến ngượng cả mồm là học tài thi phận. Chả biết nói gì. Ông con mình đúng là phúc tổ, một năm giỏi và ba năm tiên tiến, đỗ đúng là may.

    Còn nhớ cái năm nó thiếu không phảy hai điểm Văn thì đạt học sinh giỏi, cô giáo chủ nhiệm dạy Văn có gợi ý đến gặp, tôi đã cương quyết nói không. Nếu cô tự nâng cho nó, tôi sẵn sàng gặp cô với cái phong bì không để cô phải thất vọng, nhưng alo để gợi ý thì tôi thấy thiếu tự trọng quá, nên đã kiếm cớ từ chối. Và từ năm lớp Bảy đó, con tôi triền miên là tiên tiến.

    Thằng bạn tôi, thằng uống rượu kinh niên thì nó sẽ không làm như tôi. Hai thằng ku nhà nó và thằng ku nhà tôi học cùng trường, nhưng con nó học sinh giỏi đủ cả bốn năm. Tôi bảo nó: Tao là thằng bố tồi. Tao đéo lo được cho con tao như mày! Nó thủng thẳng: Con mình thì mình phải lo thôi.

    Rồi nó nhả nhớt triết lý tiếp: Cuộc đời mà. Cứ đeo cmn cái mặt nạ vào. Mình đeo, người ta đeo. Tay đưa phong bì miệng cười như hoa nhưng lòng thì buốt giá.

    Uống rượu trong cái nóng đến ngột ngạt của cuối chiều, cả khi trời đã tối và đèn đường đã sáng, vẫn ngột ngạt. Tôi AQ với nó rằng, cuối cùng kết quả vẫn là quan trọng. Làm cái gì thì làm, kết quả cuối cùng phản ánh sự thành bại.

    Tôi với nó là hai thằng bố đang thất bại với cuộc sống, nhưng nó lo cho con nó tốt hơn cách tôi lo cho con tôi. Kể cả khi cô giáo nó gợi ý đến gặp, tôi cũng cho nó biết và cũng nói với nó là: Cha sẽ không đến gặp cô giáo con, con được học sinh giỏi hay không là do chính con, chứ không phải vì cha mẹ. Thằng con tôi đã gật đầu.

    Tôi muốn nó lớn lên, nó sẽ là thằng đàn ông chịu trách nhiệm với chính cuộc đời của mình, phải hiểu rõ câu Nhờ người không bằng cậy mình. Can trường hay đởm lược, sự to tát đó tôi thực lòng, đéo thèm nghĩ đến. Tôi chỉ cần thằng con tôi biết chịu trách nhiệm về mình, chịu trách nhiệm kể cả xấu hay tốt.

    Có thể, rồi nó cũng sẽ như tôi, mà khác thế nào được, rồi cũng sẽ phải khoác lên mình một cái mặt nạ mà diễn ở sân khấu đời, nhưng ít nhất, trong cái bông phèng tung hứng đó, nó biết sự phải trái để mà chịu trách nhiệm cho vai diễn của mình.

    Tôi có tự hào khi con tôi đỗ cấp ba không? Tôi tự hào chứ. Vì vậy, câu nói về kết quả là quan trọng của tôi, tuy có AQ, nhưng nó là thật. Ít nhất, tiền đáng nhẽ phải đóng cho một trường dân lập nào đó, thì thằng con tôi sẽ dùng cái tiền đó để mà học thêm. Và cũng ít nhất, tôi tránh được cái áp lực phải kiếm tiền để đóng hàng tháng cho con học dân lập. Các bạn tôi bảo, dân lập tốt chứ, đừng nghĩ xấu về nó!!! OMG..... Các bạn tôi ơi, tôi không phải là thằng kiếm ra tiền của nhiều năm trước, nên bây giờ, tôi né được là tôi mừng cmnr. Tôi chả phản đối gì dân lập tư thục cả, chỉ bởi học dân lập, tôi sẽ phải đóng xiền mấy củ/tháng, và nhập học, nghe đồn là người ta thu cả năm một lần.

   Né được quả hạ đóng mấy chục củ, không sướng, không nhẹ nhõm ắt không phải là người.

    Vì thế, rượu trong một chiều nóng nực, bên cái vỉa hè nhôm nhoam của một cái quán cũng nhôm nhoam, hai thằng bố nhôm nhoam nâng lên đặt xuống với cái lâng lâng của việc thoát cảnh tiêu tiền, nó cứ âm ỉ xuyên suốt vào trong lòng, hút vơi đi cái can trứ danh trong vắt của thằng bạn khắc khổ như lão Hạc.

------------------
*: Ngày trước tôi học hết lớp 8 là thi vào 10. Không học qua lớp 9.



9 nhận xét:

  1. Nói thật là trước đây em không mấy thiện cảm với những người.... uống rượu. Trong suy nghĩ thiển cận của em là người ta thật .... vô công và chắc là ít quan tâm đến con cái. (Cũng có lẽ vì ngày nhỏ cạnh nhà em có một ông bố ngày nào cũng uống rượu và bắt đầu uống là bắt đầu... chửi vợ con). Nhưng khi đọc những bài anh viết về con, rồi đến những trải lòng rất thật này, em hiểu rằng mình đã nghĩ chưa đúng. Con trai anh nhất định sẽ trưởng thành và một ngày nào đó đọc được những bài này cháu sẽ càng trân trọng gia đình hơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh thích uống rượu. Thích và uống nhiều, uống bất kể hay dở là hai việc khác nhau em ạ. Cái việc uống rượu nó cũng như nhâm nhi cái thú đời lúc vui, nó suy tư lúc buồn và nó thành ngẫm nghĩ trước sự thành bại. Anh thích uống, nhưng uống kiểu trâu uống nước, uống để lấy chết thì nó thành xúc phạm rượu, việc không nên làm :))

      Còn con anh, chả biết chúng nó sẽ ntn, anh chỉ biết làm những điều dạy bảo chúng nó theo cách mà anh nghĩ thôi.

      Xóa
  2. Khi thằng đàn ông nó hèn thì nhờ rượu nó mới có dũng khí đúng không bang chủ.

    Trả lờiXóa
  3. Lần đầu gặp anh, cái ấn tượng chính là cách anh uống rượu :))
    Em sẽ ko làm thầy bói để đoán tương lai, nhưng em đồng tình với cách dạy con của anh, hãy dạy cháu biết tự lập

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Oh, bây giờ anh mới biết uống rượu là phải có phong cách đấy, kkk... Hôm nào, tả cho anh cái cách anh uống rượu như thế nào nhé :))

      Xóa
    2. dạ vâng, hẹn anh tháng 9 nhé, em ra đó vừa uống gụ vừa tả cho anh nghe và có cả minh họa :P

      Xóa
  4. "Thằng con tôi đã gật đầu". Anh khoái cái này. Cách dạy con của anh trước đây như Tiêu Phong bây giờ. Làm người là phải biết chịu trách nhiệm trước việc làm của mình nhất là con trai. Bọn nhà anh đều rất thành đạt và từ bé chúng chưa bao giờ dám ỷ thế vào ông, cha chúng.Và với bọn nó cho đến bây giờ đã ngót 40 chúng vẫn chỉ dám nhờ cậy bố nó khi đã rất cố gắng mà không làm được.
    Bật mí nhé: anh không biết uống rượu nên hay bị say lắm

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, em cảm ơn anh đã động viên.

      Em chỉ muốn những thằng con em, sau này là những thằng đàn ông biết chịu trách nhiệm thôi. Em không biết dạy nó thành công hay tránh né sự thất bại, nên đành dạy chúng nó thái độ chấp nhận.

      Uống rượu hay say, thì em có nhiều người bạn cũng vậy. Nhiều hay ít không quan trọng, mà là cách người ta sử dụng rượu anh ạ.

      Xóa