Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

Hà Nội chán ngắt.


     Có những lúc, tôi thấy Hà Nội thật chán ngắt.

    Ông nghệ sỹ già vẫn thỉnh thoảng vác violin ra Bờ Hồ dạo nhạc miễn phí. Ông chơi cho cái thú già của tuổi xập xệ cuối đời, cho ai thích thì cứ đứng mà nghe. Người ta gọi ông là Nghệ sỹ đường phố.

    Còn tôi thì quên tên ông.

    Đôi lúc cỡ quãng vài năm trước, trong những cuộc xuống đường bức xúc để bày tỏ thái độ của việc xâm lấn biển đảo, tôi ngồi cafe quan sát và có thấy ông trong những cuộc đó, với cái mũ trứ danh quen thuộc, chòm râu Quan Vũ, vừa đi trong đoàn người vừa dạo violin, như thể cuộc tuần hành vì hòa bình này là một cuộc biểu diễn nghệ thuật Carnival vậy.

    Tôi uống cafe, ngắm ông, ngắm họ với vô vàn những câu hỏi trong đầu. Ai trong số họ là quần chúng yêu nước vô tư? Ai là zich của cơ quan an ninh? Ai là kẻ sẽ khích động giật dây? Ai là kẻ cơ hội khoác cái áo đấu tranh dân chủ? Thậm chí, ai là những kẻ mù quáng?

    Soi chiếu bản thân với ly cafe, tôi tự dưng thấy chán ngấy.

-------------------------------

    Cơn bão đời quét qua đời tôi, đánh dấu chấm cuối cùng vào tháng 6/2012. Khi tôi ngồi và nhìn ngắm người ta mang đồ đạc văn phòng của tôi đi với một vẻ bàng quan và thờ ơ. Những vật dụng đồ đạc mà chính tay tôi vẽ, đặt đóng và gắn bó với tôi từ tháng 6/2007. Tủ hồ sơ, tài liệu. Tủ để bản vẽ lưu. Các bàn làm việc... Tất thảy. Thậm chí đến cả nồi niêu xoong chảo, dụng cụ bếp. 

    Căn nhà kho tôi thuê và biến nó thành văn phòng làm việc theo phong cách thô ráp gạch trần xen khung kính, xây thêm một tầng. Tôi ngồi trên yên một chiếc xe máy của ai đó, chân nọ vắt lên chân kia, ngắm nhìn sự nhộn nhịp ra vào của khung cảnh thanh lý, như thể một chủ thầu đang ngồi trông thợ, như một kẻ bàng quan thời cuộc. Trống rỗng hoàn toàn.

    Tôi hứa tôi sẽ trả tiền nhà còn thiếu sáu tháng cho ông bà chủ nhà khi tôi thanh lý đồ đạc. Tôi tính tôi chỉ bán năm cái điều hòa, bộ bàn ghế và tủ tài liệu phòng tôi cũng đủ trả cho họ. Nhưng họ không nghe. Tôi biết họ muốn ép tôi. Tôi chỉ nói, nếu ông bà không nghe phương án đó, tôi vẫn sẽ trả đầy đủ. Và sáng đó tôi đến văn phòng, một cảnh tượng khủng khiếp xảy ra.

    Dọc cầu thang, tất cả giấy tờ của tôi, từ các giấy tờ hợp đồng đã làm hay dang dở, những chứng từ kế toán, sách vở chuyên ngành, văn bản pháp lý, ghi chú sổ sách đến các loại bản vẽ lưu, tất tần tật nằm tung tóe từ cầu thang xuống khắp nền nhà tầng một. Tôi tưởng lại bị đột nhập văn phòng một lần nữa, bởi tháng trước đó, tôi đã bị đập cửa cắt khóa. Nhưng không phải. Nhân viên tôi bảo ông bà chủ nhà gọi đồng nát vào thu dọn giấy tờ của tôi. Khi nó đến đã thấy lanh tanh bành ra cả như thế và nó bắt dừng lại.

    Tôi đã hét lên, đã gào lên như một con thú dữ. Sự cuồng nộ của tôi làm hai bà đồng nát chạy như ma đuổi. Tôi chỉ thiếu nước là bóp chết lão già chồng bà chủ nhà, khi tay tôi đã tóm lấy cái cổ họng lão khi lão nói với tôi với cái giọng đầy mùi hồng xiêm vào 8h sáng. Tôi không thể nhớ lão nói gì, nhưng tôi biết lão nói đại ý lão làm thế vì sợ tôi không trả tiền. Tôi gầm gừ những tiếng man rợ trong cổ họng với nỗ lực kìm giữ không bóp nát cái cổ họng lão, trong sự tiết chế không chửi bậy theo phản xạ bản năng...

    Chỉ biết, những ai đó đã lôi tôi ra, đuổi vợ chồng lão tạm lánh đi chỗ khác.

    Tôi đã hẹn người đến kiểm kê đồ để thanh lý. Tôi đã mua sẵn các bao tải để đựng giấy tờ, phân loại sẵn sàng, chỉ chờ đóng gói. Bởi giấy tờ rất quan trọng. Nếu tiền là máu của doanh nghiệp, thì giấy tờ là xương sống. Vậy mà chỉ vì sợ tôi không trả tiền, lão già đã uống mấy chén rượu để lấy can đảm mà gọi đồng nát để quẳng giấy tờ của tôi thành đống lộn xộn, bán giấy vụn.

    Tôi chỉ nhớ, lúc tôi đã bình tĩnh hơn, lão có đến gần tôi nói cái gì đó, tôi đã đáp lại: Nếu ông còn quanh quẩn bên tôi, tôi thề là mặt ông sẽ như cái cửa kia đấy. Tôi chỉ cái cửa kính mà tôi đã đấm vỡ trong cơn uất hận.

    Khi đó, tôi ngồi trên yên cái xe máy của ai đó, chân nọ vắt lên chân kia. Hoàn toàn trống rỗng. Đến cả cảm giác chán ngắt tôi cũng chẳng thể định nghĩa nổi nó có tồn tại không nữa.

    Tôi tiếc nhất cái ghế tôi ngồi. Nó là món quà của một người bạn. Tôi đành phải bán nó với cái giá không bằng một nửa mua mới. Cho dù trạng thái trống rỗng vây bủa, vẫn sót lại cảm giác xa xót đó.

--------------------------

    Và chín tháng thất nghiệp. Toàn tập. Tôi vẫn hàng ngày ra phố, qua cái garage quen chơi với đội xe cũ. Tháng đầu ở nhà, tôi thấy thanh thản. 

    Tôi biết cái cảm giác đó. 

   Tôi không còn đến văn phòng với cảm giác trĩu nặng nữa. Tôi không còn nhìn thấy những nhân viên mà tôi nợ lương. Tôi cũng chẳng còn phải đối phó với những khách hàng mà với việc kinh doanh, họ buộc phải coi lợi nhuận là trên hết để mà không cần nghĩ đến chữ tình. Tôi cũng chẳng còn phải nghĩ đến những áp lực phải giải quyết. Tôi rong chơi mặc dù không còn một xu trong túi. Các bạn rủ đi Hà Giang, tôi đi mà không phải đóng góp gì cả.

    Ai lại bắt một thằng vừa phá sản đóng góp bao giờ.

    Rồi sáng đưa con đi học, trưa đón con về. Chiều đưa con đi học, tan tầm lại đón con về. Sự tiếp diễn tuần tự trong cảm nhận biết thân phận của kẻ thất bại. Tôi chả đòi hỏi gì. Thuộc lịch học của con như cháo. Chả ai hỏi tiền tôi. Chả ai bắt tôi đóng góp cái gì cả. Trớ trêu với một kẻ thất nghiệp, không làm ra tiền nhưng vẫn giữ lại được cái ô tô, dùng làm phương tiện đưa đón con hay người nhà những lúc mưa hay trời quá nắng.

    Tôi đổ xăng bằng tiền người nhà. Và tôi thấy chán ngắt.

    Và tôi bắt đầu vùng vẫy, bắt đầu cựa quậy để cố nhoi thoát ra sự chán ngắt đấy. Tôi mong ngóng những giờ bọn học trò đến tập để tôi được hoạt động, để có cảm giác hoạt động và đầu óc khỏi bị ù lỳ. Tôi trôi qua những buổi tối sau khi tập với những chén rượu mà chúng nó mua, và để hôm sau, lại triền miên trong chán ngắt.

------------------------

    Cho đến bây giờ, khi ngồi tại một quán cafe và gõ những dòng chán ngắt này trong một cảm nhận cũng chán ngắt về sự đời, về nhân tình thế thái, tôi cũng đang thấy chán ngắt.

    Tôi vẫn có một chút công việc để làm, với một sự luẩn quẩn là, làm việc để làm gì nhỉ? Nhưng không làm việc thì biết làm gì? Làm việc để kiếm sống nên phải làm việc, và vì thế, người ta phải làm việc. Chỉ là thế thôi. Có lẽ, một trăm người, một ngàn người, một triệu người, mười triệu người hay cả tỷ người, đều phải thế. Đều phải làm việc vì kiếm sống và không làm việc thì chả biết làm gì. Nhưng vế một, làm việc để kiếm sống là bắt buộc, thì vế hai, làm việc vì không làm việc thì chả biết làm gì, vế này có vẻ bớt cần lao hơn, nhưng cả hai vế, vẫn đều là chán ngắt.

    Với tôi thì cả hai. Bởi vì, tôi đã phải buộc mình quên đi sự yêu thích công việc. Tôi buộc tôi phải bỏ đi cái niềm kiêu hãnh công việc để suy nghĩ về việc kiếm sống. Tôi thấy mừng và thật sự ghen tỵ với những bạn mà việc kiếm sống có niềm vui song cùng là niềm yêu thích công việc đó. 

    Cái tôi nghề nghiệp rất cần thiết cho lĩnh vực sáng tác. Âm nhạc, văn học, hội họa, thơ ca, kiến trúc, nghiên cứu khoa học, đều cần một cái tôi rất lớn và sự cô đơn cũng rất lớn. Nhưng lúc này, tôi tránh nghĩ đến và sử dụng từ sáng tác. Nó là thứ xa xỉ rồi. Tôi ép tôi nghĩ rằng, những cái tôi làm, tôi vẽ chỉ là kiếm tiền, là mưu sinh, đơn thuần là thế. Người ta thuê mình vẽ, thì mình cố làm sao vẽ cho người ta ưng để người ta trả tiền mình, thế thôi.

    Thế là, tôi sẽ chỉ cố để hiểu người ta muốn cái gì thì vẽ cái đó. Vẽ, chứ không sáng tác. Thợ vẽ.

    Và bây giờ, các thợ vẽ đang cạnh tranh với nhau trong cái ao tù của khát khao no đủ, trong cái sung sướng có tiền để mua xe, trong mặc mẹ cái mình vẽ ra nó mang cái ý nghĩa gì, trong cái kệ cha bộ mặt đô thị, trong cái bon chen kiếm việc, xuống nước với chủ đầu tư, mặc cả tỷ lệ fit back và mặc cả với các nhân công khoán việc. Chạy đuổi với thời gian.

    Mà quả là nhiều lúc, tôi cũng đéo hiểu được các chủ đầu tư. Họ cần nhanh để làm gì khi mà chính họ cũng có tiền để xây đéo đâu? Họ cần nhanh để làm gì khi mà những người có thể có tiền mua dự án của họ còn nâng lên đặt xuống bcm? Họ cần nhanh để làm gì vì qua lâu cmnr cái thời người dân ngây thơ mua nhà trên giấy. Bây giờ đến xây chềnh ềnh ra cũng còn cứ ngắm chán. Nhưng cứ thích nhanh. Cái gì cũng nhanh, thẩm duyệt lại càng phải nhanh. Cứ như một cuộc chạy đua nước rút, nháo nhào và quang quác điện thoại vào tai nhau bất kể giờ giấc.

     Rồi thì, cũng vẫn như một ngày chán ngắt như ngày hôm nay, ngồi gặm nhấm những suy nghĩ nham nhở của một cuộc nhân tình thế thái mà ở chỗ nào cũng chỉ thấy muốn nhảy vào miệng nhau, cũng chỉ thấy muốn lợi dụng nhau, chiếm đoạt thời gian của nhau, lại gõ ra những thứ chán ngắt trong một niềm chán ngắt là chấp nhận khía cạnh cuộc sống như một thuộc tính bao năm vẫn vậy. Một hằng số không đổi trong tham số cuộc đời.

    Lại nghĩ đến những điều to tát của chính trị. Với chính trị, lợi ích quốc gia dân tộc bao giờ cũng đặt lên trên, bạn bè láng giềng hay hữu hảo hữu nghị chỉ có tính tương đối nhất thời. Ấy là người ta nói thế, mình biết đéo đâu mà tham gia. Nhưng lại ngẫm cái điều đó trong xã hội, trong cư xử '' bạn bè '' với nhau, thì lại cảm thán mà phải chấp nhận rằng, với con người, lợi ích cá nhân cũng phần nhiều là người ta phải bảo vệ. Ai chả vị kỷ và nên tha thứ cho những vị kỷ như vậy, bởi nếu không, sớm dám sẽ trở thành thằng bất đắc chí.

    Chú em hỏi tôi: Anh nghĩ gì về chuyện hàng rào phân cách sống của mấy đứa sinh viên tình nguyện giữa cái nắng 40 độ và mặt đường lên đến gần 60 độ? Tôi bảo: Anh biết đéo gì mà nói? Vì khi anh bằng tuổi chúng nó, điều anh quan tâm là hôm nay anh đi xứ, anh vợt được mối hàng có lãi hay không, có thằng nào dở trò mua tranh bán cướp với anh hay không, và ở cửa hàng, bọn nó có bán hộ anh được cái máy nào không? Đến việc học anh còn xếp sau, còn chưa ý thức rõ nó là tương lai của mình, nghĩ gì đến xã hội và trách nhiệm. Thế nên anh không phán xét!

    Nó hỏi tiếp, thế con anh như thế, anh có cho chúng nó làm những việc đấy không? Tôi chán ngắt với những kiểu trách nhiệm xã hội như thế. Nhưng vẫn ôn tồn để trả lời: Nó có cướp nhà băng, hay ám sát lãnh tụ, hay tham gia IS, cũng là việc của nó. Nó tự thấy đúng thì làm. Cái xã hội này và cả các cha các mẹ cũng đã vào hùa để ăn cắp đi cái tuổi thơ của chúng nó, thì cũng đừng có lên mặt chỉ vì tao đẻ mày ra thì mày phải nghe tao!

    Trong một ngày chán ngắt, những câu hỏi cũng làm cái ý định lên Tạm Thương uống rượu cho đỡ buồn cũng nguội như nước đá. Cái nóng sục sôi ngoài kia không giảm, trái ngược với cái chán ngắt lạnh lẽo trong lòng.

14 nhận xét:

  1. Có vẻ ko ổn nhỉ.
    Đôi khi, giống như ông già vác violin dạo nhạc bờ hồ thế mà lại hay. Mà cũng biết đâu đc, biết đâu chính trong lòng ông ấy cũng đang chán ngắt tới bàng quan với thế giới bên ngoài rồi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có thể thế mà cũng có thể không. Nhưng nếu là anh, sống đến bằng ngần ấy năm, vẫn vác violin ra Bờ Hồ, vẫn náo nhiệt được cùng trẻ trâu trong diễu hành đòi chủ quyền đất nước, thì hẳn là không chán ngắt lắm :))

      Xóa
  2. Đọc bài này em hiểu hơn những bài anh viết từ tháng 9/2012. Và hiểu rằng nghề nào cũng có nỗi khổ. Và chán ngắt hơn cả là làm việc mà không tìm được cảm hứng. Lại nhớ hồi mới đi làm, trước khi viết một bản tin nào đó em toàn phải xem rất nhiều tin bài từa tựa thế, không phải để học tập mà để tìm cảm hứng dù là giả tạo.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ừ, dạo 2012 đó là anh bắt đầu thất nghiệp, kéo suốt cho đến tháng 3-2013 thì vào Sài Gòn kiếm cơm, rồi ở lút cả năm trong đó, lê la khắp chốn.
      Tìm cái cảm hứng dù là giả tạo, cũng khổ lắm. Bởi nó là 1 dạng tự kỷ ám thị.

      Xóa
  3. Chán là căn bệnh nan y nguy hiểm nhất đang hủy hoại thế giới, chứ không phải những thứ khác. Tôi biết bệnh này. Bây giờ tôi chỉ ngồi chơi chứ không làm gì, chỉ quan sát xem những người khác thoát căn bệnh chán bằng cách nào. Có những kẻ chẳng chịu nhận là có bệnh ấy, vì bệnh đang ủ ở giai đoạn ảo tưởng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu phát hiện ra người ta thoát ra sự chán nản bằng cách nào, chia sẻ nhé, kkk...

      Người ta không chịu nhận, biết đâu là vì người ta còn có hy vọng lớn vào tương lai :))

      Xóa
  4. Trả lời
    1. Chú Lãnh hẹn anh ur, thế lâu không thực hiện được có quan ngại không nhể?

      Xóa
  5. Buồn nhỉ bang chủ.Lâu lắm mới thấy bang chủ biên lại nhỉ?Dạo này bang chủ bận việc kinh bang tế thế àh

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bận kiếm cơm. Dạo này kiếm cơm khổ ải quá :))

      Xóa
  6. Anh về hưu hơn 3 niên rồi, tháng 10 triệu không lo việc kiếm sống. Đi làm luật sư không vì kiếm sống nhưng rồi bỏ vì "cãi nhau với thế lực thù địch" mà không chi tiền thì công lý cũng chỉ là rác rưởi. Thỉnh thoảng khùng quá thì gọi mấy đứa ở báo đến để "trả lời phỏng vấn" cho sướng miệng. Anh khoái nhất thằng cha Thuyền (ĐBBQH) bảo rằng:"Tiền bạc, chính trị, tình cảm đi vào thì công lý cắp cặp đi ra". Anh quen cậu ta từ 1983, đồng nghiệp, không ngờ những phút bù giờ cậu ấy lại đầy dũng khí như vậy, "đá" rất quyết liệt. Ở Hà Nội mà nghĩ về đời sống xã hội không chán mới là điều lạ. May mà các đời trước để lại cho H.N những di sản nếu không nó chẳng khác gì cái nghĩa trang. nhìn mặt thằng bưởng trưởng đã thấy bãi "vàng tặc" rồi. Hà Nội thiếu người nên phải nhặt nhạnh đám xôi thịt. Chán!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em khoái câu anh dẫn của bác Thuyền: Tiền bạc, chính trị, tình cảm đi vào thì công lý cắp cặp đi ra''. Câu này nữa cũng khoái không kém: '' May mà các đời trước để lại cho H.N những di sản nếu không nó chẳng khác gì cái nghĩa trang''... Kkk... :))

      Xóa
    2. Cái ông bảo "Quốc hội dốt" ấy nói sảng tai mà trúng, nếu khóa tới hổng còn anh, Cạo rất chi là buồn...

      Xóa
    3. Sang nhà, lấy thêm được tư liệu nhà Cạo. Tiện tay dắt dê, kkk...

      '' Xem lại báo, vài câu phát biểu nổi tiếng của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền, rất chi là trúng ý dân:

      "Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, họ bảo đại biểu Quốc hội sao dốt thế nhỉ ?... 2 vợ chồng nhà nọ khi nghe Quốc hội soạn thảo về lấy phiếu tín nhiệm với 3 mức đã đưa ra 3 tiêu chí sống chung thủy: “chung thủy cao - chung thủy và chung thủy thấp”

      “Một cán bộ phát biểu trên truyền hình là cán bộ ta chưa bao giờ đòi dân đưa hối lộ cả mà dân cứ đưa. Tại sao phải đưa?... Làm quan thì thời nào cũng có bổng lộc nhưng ăn chặn của dân thì khác!"

      "Muốn đi nghĩa vụ Công an thì phải làm đơn, xét duyệt, tranh nhau… thế nhưng đi nghĩa vụ quân sự thì phải bắt buộc. Vinh quang có lẽ chỉ thuộc về con em nông dân, nếu nghĩa vụ quân sự là vinh quang, sao con cán bộ không muốn nhận?"

      “Kiểm toán đi đến đâu, doanh nghiệp đều rất lo và sợ!
      Hội uống bia, Hội uống rượu... anh nào thích thành lập làm sao cấm được, sao ép buộc thành lập Hội hành nghề kế toàn phải theo luật?”

      Xóa