Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Hà Nội xưa cũ.


     Hà Nội mấy hôm nay nóng. Nóng từ sáng sớm khi những tia nắng đầu hắt xuống đã mang những hơi oi nồng, với một bầu trời xanh ngắt, thăm thẳm vời vợi và không một cụm mây.


    Những bầu trời như vậy, thường là sẽ rất nóng.

    Tôi đi trong cái hầm hập từ bầu trời xanh thẳm đó đổ lửa xuống, rồi bốc lên từ mặt đường nhựa, qua những hiệu ứng nhà kính, những khối bê tông lúc thì trơ trẽn, lúc thì đỏm dáng, lúc thì nhịp điệu rõ ràng ngôn ngữ kiến trúc, lúc thì cũ kỹ sót lại, lúc thì vá chằng vá đụp những lô nhô chuồng cọp* của những khu nhà chung cư cũ, lúc thì phô trương hào nhoáng kính coong máy lạnh... Qua cả con đường giờ không một bóng cây.



    Tôi ngồi bên chén trà và nhớ về một thuở xa xưa, cũ kỹ còn lưu giữ trong tâm óc. Tôi không còn nhớ cái nắng ngày xưa có như bây giờ không, nhưng tôi nhớ những không gian của đường phố ngày đó. Tôi nhớ những con phố với những kiến trúc đều đặn, nhớ cả những cái nghèo lầm bụi của đoạn phố Cát Linh kéo đến tận nhà máy gạch Đại La (bây giờ là khách sạn Pullman). 

    Tôi nhớ những tiếng còi tan tầm. Khắp các cơ quan, xí nghiệp hay nhà máy hồi đó, hay có những tiếng còi như thế. Tiếng còi vang khắp thành phố. Tôi chả còn nhớ nghe nó vào lúc nào hay thời điểm nào nữa. Chỉ nhớ nó bay khắp không gian cùng những tiếng leng keng của tàu điện nghiến trên ray sắt. Phố Hàng Bột khi tôi còn bé ở đó, tàu điện chạy qua nhà thường xuyên, có lẽ tiếng còi tan tầm tôi nghe và nhớ, cũng bắt đầu từ quãng năm đó, khi tôi sáu tuổi. Năm 1978.

    Tôi cũng tự hỏi mình, tôi có lẫn tiếng còi tan tầm với tiếng còi báo động không, nhưng hình như là không. Khi học mẫu giáo mầm non A ở phố Chu Văn An, tôi vẫn nhớ những lời dặn cô giáo khi nghe kẻng thì chạy ra hầm như thế nào. Bom Mỹ thì chả còn đánh vào Hà Nội sau 12/1972 nữa, nhưng tâm thế đối phó thì luôn phải sẵn sàng, kể cả trẻ con. Sau thống nhất, phố tôi vẫn còn đầy những hầm tăng-xê trên hè.

    Tiếng còi tan tầm là thứ tôi điểm danh đầu tiên của ký ức, mất đi cùng sự cũ kỹ của nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo. Ở đó bây giờ, là Vincom Tower lộng lẫy tháp đôi.


    Đưa chén trà lên trong một vỉa hè khu phố mới ở một khu đô thị chỉ hơn mười năm trước còn là những cánh đồng lúa, nối tiếp nhau và trải dài tưởng như bất tận, dưới bóng một cây lộc vừng trưởng giả trồng trước hè nhà, nghĩ về nghề nghiệp với những sự mong manh, thảng hoặc và chắp vá, tôi nhớ về những cái đã mất đi thứ hai. Nghề bơm mực bút bi. 

    Nhiều thứ nghề đã không còn nữa, nhưng tôi nhớ nhất cái nghề này. Bởi nó đơn giản để kiếm sống chỉ sau nghề bơm xe đạp. Có lẽ bất kỳ con phố hay khu tập thể nào cũng hiện diện ít nhất dăm ba ông gày gò hay bà tầm tầm ngồi bên một cái bàn nhỏ xiu xíu cùng thứ đồ nghề này. Bút bi hết mực mang ra bơm lại. Mực có khi ứ ra đầu bi đến nhoe nhoét và không đều, nhưng còn rẻ chán nếu đi mua một cái bút khác. Bút bi ngoại, Bic chẳng hạn, thân vàng óng nắp xanh là thứ xa xỉ chỉ có cán bộ ăn cơm giò chả mới dám dùng.

    Hà Nội của những chơi bi đánh đáo, chơi khăng hay đổ dế, hay của những trưa hè vắng lặng rủ nhau đi trèo me trèo sấu, hay đi bơi mạn Quảng Bá với một rặng ổi thích thú, rẽ ngoặt qua Nghi Tàm vào những nhà bán cá chọi với những cái bể san sát, chả còn nữa. Những tiếng ve đu cành sấu, tiếng ve náu cành me trên những râm ran một trưa nắng nào đó hình như bây giờ cũng chả còn nhiều nữa. 


    Hà Nội, những xưa cũ chỉ còn rơi rớt với lịch sử tại một đôi nơi. Tôi chỉ cho con tôi vết đạn đại bác ở Bắc Môn, cánh cổng thành bằng gỗ nặng trịch chạy trên những bánh xe đồng có sức tải 80kg được phục chế. Nóc Bắc Môn là nơi thờ Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu, cũng chính là nơi Hoàng Diệu treo cổ tuẫn tiết. Cố để cho các con tôi có một hình dung nào đó về một Hà Nội mà tôi đã đi qua. Cũng như tôi có thể chỉ cho chúng những công trình mà tôi đã thiết kế, để dành phần phán xét cho chúng sau này. Những hình ảnh, dù sao cũng còn có thể in vào tâm thức, nhưng tôi có thể không, chỉ cho chúng một Hà Nội với sự không vội vã, một Hà Nội với vẻ yên bình kể cả trong một cái nắng gay gắt như hôm nay???

    Làm sao tôi có thể mang được cái không gian xưa, cái nghèo nàn xưa nhưng yên ả hơn về cho con tôi? Làm sao tôi có thể mang cho chúng cái cảm giác thèm muốn bát phở bò đang bốc hương ngào ngạt ở hàng phở Sinh trong những đêm đông đi học về muộn, chỉ cần đi bên này đường, nhìn sang ánh đèn măng-sông sáng xanh là đã thấy nước bọt dâng lên nghẹn họng?

    Hà Nội vẫn còn những hàng quà, những thức quà xưa, vẫn còn những giá trị cũ lưu giữ. Nhưng không còn những cảm giác êm đềm xưa cũ nữa. Bây giờ, người ta cũng thỉnh thoảng cố làm lại những thứ cũ kỹ với một hàng bia giả mậu dịch bao cấp, nỗ lực đến tuyệt vọng để khôi phục lại phần nào cái tàn tích cũ, nhưng người ta chẳng thể mang lại được một phong vị cũ. Bây giờ, có ai bán hoa cúng gói trong một vuông lá chuối hay một mảnh lá dong nữa không???

    Hà Nội đã mất đi nhiều thứ và cũng đồng thời nghèo đi nhiều thứ trong cái loang loáng của cao ốc rạng ngời, trong hoành tráng của khách sạn năm sao và hiện đại của những khu đô thị mới. Có bao nhiêu người sống ở Hà Nội bây giờ với những cảm nhận, những ngẫm ngợi ngấm sâu và đang cảm thấy bị tước mất đi hàng ngày những giá trị vốn có, đã từng tồn tại ở nơi đây?

* Chuồng cọp: Cái lồng sắt nhô ra từ các căn hộ tập thể. Không phải để bảo vệ, mà công năng chính là để tăng diện tích ở.

10 nhận xét:

  1. Còn chỗ nào trong Hà Nội cho cảm giác thấy đc Hà Nội xưa ko a? Tháng 9 e ra, hn ko còn là hn nữa, thật tiếc!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị ơi chị tới Cà phê Cuối Ngõ đi.

      Xóa
    2. Mình ko rành về hn lắm bạn ah, nhưng tháng 9 mình ra mình sẽ ghé cfe Cuối Ngõ mà bạn huớng dẫn. Cảm ơn Hoa Mặt Trời nhiều nhé!

      Xóa
    3. Hà Nội xưa như trong ký ức của anh, như cái anh muốn nói ở bài này thì không còn nữa. Nhưng HN với những nét khác, góc khác thì vẫn còn em ạ.

      Bây giờ, người ta làm cafe kiểu ngày xưa, quán bia kiểu bao cấp, tạm gọi là ''giả cổ'', gời gợi hoài niệm thôi thì có thể hình dung phần nào cái không khí, nhưng cái chất xưa thì khó mà lột tả em ạ.

      Xóa
  2. Thời tiết khắc nghiệt quá anh ạ. Những hoài niệm của một người cha muốn tâm hồn con trong lành như Hà Nội xưa. Thật đẹp! À mà anh phải giới thiệu một vài công trình từng thiết kế chứ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tất nhiên là con anh nó sẽ được biết những cái anh đã thiết kế, nhưng rồi cũng chả để làm gì. May chăng thì nó hiểu là những cái đó đã từng nuôi nó lớn với giá trị vật chất đúng nghĩa đen. Chứ xếp đặt nó vào 1 lòng Hà Nội đủ thứ tạp nham như bây giờ, khái niệm làm nghề cảm thấy không nên nói về trách nhiệm xã hội nữa.

      Xóa
    2. Ý em là cho bà con biết với ạ. :)

      Xóa
    3. À... Có câu: Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại. Kkk... :))

      Xóa
  3. Có một chuyện hơi ngoài lề một chút ( vì bình bài Ca viết em hổng đủ trình độ mà bình sợ loạn ), em thấy hình như các ông bố miền ngoài có vẻ thân thiết với con hơn trong em thì phải ? Chả bao giờ em nghe ba em nói gì, sau này là ông xã em cũng chả khi nào nói gì với con về một thời mình đã sống, về nơi mình đi qua, về những gì mình đã nếm trải...
    Hơi bị ganh tỵ với con trai Ca. hì hì

    Trả lờiXóa