Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Chuyện xứ Lừa.


     Xứ Lừa kỷ @, kinh thành rợp bóng cây xanh. Dường như để tiệp với màu xanh cây cối có từ thời Phú Lãng Sa sang khai hóa, hồ Lục Thủy cũng khoe thêm sắc thẫm từ thời thần Kim Quy hiển thánh.

    Kinh thành từ thuở Phú Lãng Sa dẹp bỏ nhà cửa tranh tre nứa lá quanh hồ Lục Thủy, đã muốn thử nghiệm một đô thị xanh, bèn lập vườn Bách Thảo, lại bổ cả vườn ươm, chỉ định từng loại cây trồng trên phố. Tên tuổi các danh sư khai hóa thuộc địa lập nên kinh thành đến nay vẫn vang dội bên cố quốc.



    Hơn một thế kỷ trôi qua, những cây xanh ngày nào, giờ đã thành đại thụ. Bóng mát tỏa khắp nơi. Kinh thành xứ Lừa nổi danh xanh mát miền nhiệt đới cũng nhờ sự '' khai hóa thuộc địa '' của các danh sư râu xồm. Phú Lãng Sa tuy khai thác thuộc địa theo chủ nghĩa thực dân, nhưng di sản để lại vẫn là những kiến trúc đỏm dáng và bóng mát cây xanh cho kinh kỳ.

    Thấm thoát vó câu, kinh thành giờ đã lớn rộng gấp mười xưa kia. Sáp nhập cả Đoài vào với tầm nhìn đến nửa thế kỷ 21. Lúc ấy, phó Thượng thư bộ Công Xây, tên Cận mới bảo chúng rằng: '' Nay kinh thành đã rộng mở, ta nghĩ xứ Đoài tuy cũng đã thành một phần của kinh sư, nhưng đường mũi tên chưa mở bởi hẹp hèo ngân lượng, hạn chế nhu cầu thưởng ngoạn tâm linh thần Kim Quy của dân chúng, nên rằng đào thêm một hồ Lục Thủy khác ở Đoài. Chúng gấp xem địa lý, tìm nơi mà làm ''.

    Chúng nghe để đấy, cho rằng đó là chuyện tầm phào lúc ẩm dư tửu hứng mà thôi, cũng chẳng động chân tay. Ngài Cận thấy thế cũng mặc, cho rằng lời nói gió bay mà chả ngờ bia miệng thì mãi còn trơ trơ.

    Bấy giờ, thái thú kinh sư cũng nhậm hạn sắp đến. Trị nhậm đã qua hai kỳ, nhất thời sắp hết mà vạn đại sắp đến, ngày đêm lo lắng cho việc mai hậu. Ngài vốn xuất thân Kinh Bắc, chuyên nghề Giồng Cỏ. Thuở còn ở quê, cũng đã để lại dấu ấn ít nhiều như các danh sư râu xồm xưa kia.

    Nghĩ đất kinh thành, mưa gió bão bùng khổ lớp dân đen. Cứ mấy năm nay, cứ bão nhẹ là đè nát mấy cỗ ngựa sắt, chẳng năm nào không. Vỗ gối nghĩ mưu, thái thú bèn triệu tập các công bộ, hạ dụ: '' Kinh thành cần phải chỉnh trang. Ta vốn nghề Giồng Cỏ, lại thêm nghiệp kiến thiết, thân đương thái thú mà để lem nhem thế này thì không được. Các ngươi gấp bàn, lược kế đi...''

    Chúng nghe, bèn lập một danh sách, lại bày rõ mưu ý rõ ràng ba mục tiêu: Hạ chặt cây mục nát, sâu mọt để đảm bảo an toàn cho dân chúng. Hạ chặt cây cong vênh xiên xẹo ảnh hưởng đến mỹ quan. Hạ chặt cây không đúng chủng loại để chỉnh trang đô thị. Lại trồng thế cây khác, thuộc loài chuyên dùng cho việc hiếu, tiện cả ba đường...





    Ba đường tiện là: Một, dẹp bỏ di vật khai hóa của bọn Phú Lãng Sa. Hai, chỉnh trang được đô thị, an toàn cho dân chúng. Ba, thu thêm ngân lượng từ củi gỗ hạ chặt. Chúng lấy làm đắc ý lắm, bèn gọi bọn thương nhân đến, giao cho việc phải Giồng Cây mới. Phủ Công Xây chủ trì việc hạ chặt, Phủ Tuyên Cáo lo việc tuyên truyền trồng cây việc hiếu thay thế là đúng hợp lòng dân.

    Chúng lại phao ngôn ra rằng, quan thái thú đời đầu kinh sư sau khi tiếp quản từ Phú Lãng Sa đã cho trồng nhiều xà cừ là loại cây không đúng chủng đô thị, nên cần phải loại. Chúng lại tuyên thị là cây nghiêng cây cong lấn chiếm vỉa hè, gây nguy hiểm cho người đi đường. Mà cái gì thì phải hỏi, chứ chặt cây thì sao phải hỏi dân? 

    Quan thái thú đời đầu xuất thân thái y, chuyên môn Giồng Cỏ sao bằng quan tại vị đương nhiệm, chặt hết đi là phải.



    Di sản sai lầm của quan đời đầu với bọn Phú Lãng Sa, nên cần phải dẹp bỏ. Bây giờ đâu cần lá xà cừ để ủ làm phân bón và chất đốt nữa. Cây cho việc hiếu mới là lựa chọn đúng đắn. Gỗ đó xưa đến nay, chỉ có bậc vua chúa, quan lại hay quyền quý đại gia mới được dùng sau khi về với tổ tiên, ngửi chuối cả nải ngắm gà không xiêm y.

    Từ đó, kinh thành quang quẽ hẳn. Trời xanh hơn. Phố thênh thang hơn. Gió tha hồ tung bay mà chả hề gặp cản trở gì từ đám lá cây vẫn nhắng nhít xào xạc mỗi khi dan díu với nhau. Trời xanh qua kẽ lá trở thành cổ tích như bọn Phú Lãng Sa khai thác thực dân. Nắng chan hòa vàng óng như tơ khi mặt trời vừa mọc đến khi đỏ như rang bức xạ nhiệt khắp từ hè đường đến tường nhà. Bọn trẻ con khỏi cần ra phố chơi vì nắng, bọn cần lao đi ngựa sắt xuất xứ từ Khựa cũng khỏi lo cành cây gãy đè vào người. Bọn làm kiến trúc tha hồ khoe các đường kỷ hà không cần theo thứ tự, xếp đặt hình khối kiểu ngẫu hứng hay đông tây kim cổ se duyên chẳng phải sợ cây nó che mất sự sáng tạo.

    Những vặn vẹo méo mó, cong queo chả ra dáng hình gì mất hẳn trên hè phố. Những mốc thếch xù xì to kệch chả ra sao của bọn xà cừ trăm năm với năm bảy mươi năm tuổi cứ sểnh ra là rơi vãi cành lá biến mất. Thay vào đó là ngạo nghễ thẳng vút như que đũa của đám '' tầm vang '' trơ lơ trên hè, thực hiện sứ mệnh trăm năm hoặc hai trăm năm đúng nghĩa đen cho hậu thế.

    Chuyện chép lại xứ Lừa kỷ @.
   

2 nhận xét:

  1. Thật là đau lòng!
    Hụt hẫng khi nhìn những thân cây bị đốn, lấy cả gốc rể để lại một lổ hổng đen ngòm cho dế nó bơi!
    Trí tuệ được gói ghém trong những bằng cấp giả, để lại những hậu quả thật khó lường!

    Trả lờiXóa