Thứ Năm, 8 tháng 1, 2015

Con bệnh và niềm tin.


     Ông Nguyễn Bá Thanh bị ốm. Chính thức gần đây người ta bảo ông bị rối loạn sinh tủy.

     Trước đấy, khi ông đi Mỹ chữa bệnh, người ta bảo ông bị ung thư. Ung thư gì thì không biết.

     Sau đó, cũng người ta bảo, ông bị ung thư máu.

    Ung thư máu. Rồi người ta nói tiếp, người ta đồn rằng, ông bị đầu độc vì máu ông nhiễm phóng xạ. Người ta còn kể cả chuyện ai là người đứng đằng sau chuyện ông bị đầu độc nữa.

     Bệnh, kể cả ung thư, là nan y, thì ai mà tránh được. Giời gọi tên ai người đấy dạ, âu cũng là lẽ thường tình. Nhưng đầu độc thì lại là một chuyện khác, tày đình đấy. Là giết người.

     Ai được quyền tước đi sinh mạng của người khác? Kể cả sinh mạng của chính mình thì cũng không được phép tự hủy hoại.

     Nhưng, đồn đoán vẫn là đồn đoán. Bởi chả có cơ sở nào có thể tin hay kết luận cả, vậy nên, cũng chỉ là biết và để đấy. Một chức sắc có trách nhiệm của Ban BV và chăm sóc sức khỏe TW đã phát biểu vào cuộc gặp mặt với báo chí hôm qua, là cơ sở nào để nói ông Thanh bị đầu độc? Vậy nên thôi đừng thắc mắc nữa.


     Bệnh thì ông đã bệnh rồi. Không xác định được cái việc đồn đoán thì cũng chẳng nên lụy vào. Chỉ biết, khi biết tin ông Thanh sẽ về Đà Nẵng chữa trị, hàng ngàn người dân đã đến sân bay để đón ông.


     Họ đứng xếp hàng, đủ mọi lứa tuổi. Già có trẻ có, trung niên phơi phới cũng có. Chắc chắn một điều, họ biết ông Thanh chẳng thể bước xuống thang máy bay ra cổng mà nhìn thấy họ được, bởi xe cấp cứu đã đón ông ở cửa máy bay rồi, nhưng họ vẫn đến.


     Phải nói rằng, ông Bá Thanh là người đã thay đổi hẳn bộ mặt thành phố Đà Nẵng. Việc yêu ghét chín người mười ý xưa nay vẫn là việc tất yếu xã hội, nên người ghét ông cũng không ít. Bản thân tôi cũng đã từng nghe trực tiếp những người ghét ông nói về ông. Tuy vậy, tôi không bình luận. Tôi chỉ nhớ rằng, quãng những năm 1995, 1996 gì đó, ông Thanh là lãnh đạo duy nhất của cả một đồ sộ hệ thống quan lại của chữ S, treo biển tiếp dân tại nhà riêng vào ngày nghỉ.

     Việc người dân ra đón ông Thanh ở sân bay, thể hiện chính cái mong muốn về một sự hy vọng của một người lãnh đạo. Họ muốn ông biết rằng, họ đến sân bay để cổ vũ cho tinh thần chiến đấu với bệnh tật của ông. Hẳn nếu ông biết, và chắc chắn ông sẽ biết, ông sẽ vui và có nghị lực hơn với cuộc chiến của chính ông.

     Hẳn rằng, bất kỳ một thượng thư nào hay ngấp nghé thượng thư nào, nếu soi gương cũng sẽ phải thừa nhận rằng, nếu chả may bản thân bị bệnh như vậy, thì cái chết của mình cũng sẽ chỉ là sự chìm nghỉm với một thông báo trên VTV1, với một đơn điệu của giọng đọc phát thanh viên về tiểu sử, thành phần lễ tang và sau chốt, một lễ tang cấp Nhà nước cho đúng với thủ tục.

     Cọp chết để da, người ta chết để tiếng.


     Khi anh Thăng mới nhậm chức, ồn ào với ra lệnh cho cán bộ không được chơi golf, hô hào công chức đi xe bus, đóng phí là yêu nước (với một dự tính kiểu như tận thu vào phí đường bộ), thì tôi hoàn toàn không đồng tình tý nào cả. Đến giờ, tôi vẫn bảo lưu quan điểm đó. Nhất là việc thu phí kiểu tận thu. Cho đến khi cách chức quan chức làm chậm trễ công trình cảng hàng không Đà Nẵng, thì cách nhìn của tôi về anh Thăng vẫn là sự thận trọng.

     Nhưng với thời gian và thực tế, cách nhìn cũng đã khác. Anh Thăng và ông Thanh đều giống nhau một điểm, đó là tính thực tế của người làm lãnh đạo. Ra đường, xuống hiện trường và trực tiếp giải quyết những việc mà dưới tay, có cả đống tham mưu giúp việc có thể làm. Nhưng chính họ đã làm, làm và chỉ đạo quyết liệt từ cấp cao nhất của thẩm quyền, điều đó đã làm mất hẳn đi tính quan liêu của nền hành chính công.


     Ngày trước, có ông Trương Đình Tuyển suốt ngày lội ruộng. Không vướng vụ chị Lã Thị Kim Oanh, chắc ông còn bay xa và còn làm được nhiều việc. Bây giờ, có anh Thăng, thượng thư và mặc quần bò đi thị sát. Ảnh này là anh Thăng đang thị sát một tuyến đường ở Cao Bằng.

     Có nhiều ý kiến ra vào, và thậm chí một cựu phó thượng thư, giờ vẫn còn làm tham mưu cho lãnh đạo đất nước về vấn đề kinh tế, đã nói đại ý anh Thăng đi là tốt, nhưng vẫn nên ở cương vị thượng thư thì điều hành vĩ mô thôi, đã có phân công phân cấp thì để cấp dưới họ làm... Đại loại thế. Ông cựu nói chả sai. Nhưng nói như ông, thì xin lỗi tình yêu rằng, thằng dek nào có lưỡi cũng nói được.

     Chả ai không hiểu rằng, vị trí của ông Thanh, của anh Thăng là chỉ đạo và điều hành vĩ mô, và người dân kỳ vọng ở các cấp lãnh đạo này những quyết sách ở tầm cao để tác động đến thể chế... Nhưng chả ai cấm các ông không làm những việc cụ thể có lợi cho dân. Những tác động cụ thể đó, có tác dụng răn dạy cán bộ rất nhiều. Doanh nghiệp cũng phải rèn quân luyện tướng, thì chỉ đạo cụ thể như vậy, đâu phải là việc nhỏ mọn???


     Những hình ảnh thị sát thực địa, chỉ đạo tận nơi này không phải hiếm của anh Thăng. Có lẽ, những chính khách như ông Tuyển, ông Thanh, anh Thăng làm dị ứng những chính khách salon đệm mút chăng???


     Chúng ta đã quá quen với hình ảnh những chính khách thượng thư salon đệm mút, lên xe xuống ngựa và cả đời chả bao giờ ngó nghiêng đến cái việc phải có sự thực sát với trọng trách của mình. Những việc cụ thể, có thể là nhỏ nhặt như muối bỏ biển đi chăng nữa, nhưng nó có tác dụng chấn chỉnh về ý thức cán bộ, cũng đã là điều đáng để có thêm một niềm tin.

     Khi xem chương trình phát buổi họp của anh Thăng với tổng thầu Khựa EPC gần đây, sau sự cố sập đà giáo đè bẹp một chiếc taxi, tôi rất thích thái độ quyết liệt không khoan nhượng của bộ trưởng Thăng. Anh chỉ thẳng tay vào mặt lãnh đạo tổng thầu, nói rất dứt khoát: Đuổi ngay lập tức tư vấn giám sát. Thay toàn bộ nhà thầu phụ bằng các nhà thầu do phía Việt Nam chỉ định. Nếu các ông chống đối và nêu lý do khó khăn về vốn, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ để tìm nguồn vốn khác và thay thế các ông luôn... Không thể để các ông coi thường tính mạng người Việt Nam được...

   Hành động, biểu cảm, ngôn ngữ và tính xác quyết biểu hiện thái độ không khoan nhượng của anh Thăng, bộ trưởng, đại diện cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam với nhà thầu Khựa, là một hành động dứt khoát và mạnh mẽ.

     Còn những thượng thư như ông Thanh, như anh Thăng, thì sẽ còn niềm tin vào xã hội. Đương nhiên, tin vào một cá nhân, không phải là đặt toàn bộ lý trí vào một thể chế. Nhưng có thể tin rằng, một cá nhân có tầm và tâm thật sự, sẽ có thể có tác động không nhỏ đến một cộng đồng lãnh đạo, nhất là niềm tin đó, được thể hiện như việc người dân ra sân bay đón lãnh đạo của mình.

9 nhận xét:

  1. Em đồng tình và like nhiệt liệt entry này của Phong Ca ! :)

    Trả lờiXóa
  2. "Nhưng có thể tin rằng, một cá nhân có tầm và tâm thật sự, sẽ có thể có tác động không nhỏ đến một cộng đồng lãnh đạo".
    Anh làm em nhớ các phong trào nhân rộng gương điển hình.
    Kết quả gieo trồng thật sự đã đem lại những vụ mùa thất bát.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài anh viết chả liên quan đến những thứ đã qua của cái thời học lớp 4 đi làm kinh tế vĩ mô em ạ.

      Xóa
    2. Thật sự em rất muốn bước ra khỏi nhân sinh quan của mình lúc này, để có thể khoáng đạt hơn. Nhưng em không đủ niềm tin và không còn hi vọng.

      Xóa
    3. Oh, thế hóa ra vẫn còn có người có cái nhìn tiêu cực hơn cả anh à, kkk... :))

      Xóa
  3. Ở bên này (blogspot) không có cái nút like để mình sử dụng khi đọc bài này bạn TP nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ừ, thì ở đời có cái gì tròn trịa ngoài trái bóng đâu bạn :))

      Xóa
    2. Ừ, thì ở đời có cái gì tròn trịa ngoài trái bóng đâu bạn :))

      Xóa