Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Gia Long tản mạn...


   Thế là đã 10 ngày tôi xa Hà Nội. Có cô đơn không ?
Tôi không thấy, nhưng thấy trống trải. Tôi không thấy lạc lõng giữa Sài Gòn tấp nập này, chắc cũng bởi tôi đã quen với suy nghĩ và hành động 1 mình. Uống rượu không cần người ngồi cùng thì sống ở 1 nơi như Sài Gòn, cũng chẳng thể lạc lõng được. Nhưng trống trải. Những bận rộn ban ngày qua đi với những trao đổi về các không gian trên tư cách tư vấn, như tấm hình sơ phác ý tưởng ban đầu kia chẳng hạn, và khi thành phố đã lên đèn, thì cảm giác trống trải trở về với căn phòng trọ rỗng tuyếch toác.

   Khi người ta buộc phải thích nghi với hoàn cảnh tối thiểu của sinh hoạt, thì cũng đâu có gì khó. Suy cho cùng, cũng chỉ là 1 chỗ ngả lưng sau 1 ngày dang nắng, dang gió hoặc là rong ruổi trong cái tấp nập phồn hoa, mà 40 năm trước đã từng là hòn ngọc của Viễn đông. Sài Gòn đã từng làm Singapore khóc thổn thức vì thèm muốn sự hoa lệ, đã từng làm Hongkong khóc thét vì ghen tỵ, đã từng làm thằng bé 17 tuổi đời là tôi những năm cuối thập kỷ 80 đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, khi từ Thủ đô vào mà sững sờ vì các nhà cao tầng, các con đường thênh thang và hàng hóa ngập tràn chợ Bến Thành, các tiệm cafe sáng xanh đỏ và các hiệu bánh, trái cây đầy các chợ...

   Khi đó, Hà Nội còn nghèo lắm. Chỉ có mỗi cái nhà 11 tầng bên hồ Giảng Võ là cao nhất, mang tên Khách sạn Hà Nội, cũng được xây vào đâu khoảng những năm 80 thế kỷ trước, được coi như sự tự hào  vươn lên chiếm lĩnh không gian của nền kiến trúc nước nhà. Kiến trúc đô thị những khu tập thể 5 tầng bằng bê tông lắp ghép sao chép từ mô hình anh cả Xô viết, mà sách dạy tiếng Nga còn in màu những công trường như vậy, chả khác gì khu tập thể tôi đã từng ở,  gắn bó với tuổi thơ, khi chuyển về người ta hỏi nhau đi đâu đấy, thì được trả lời  là '' vừa đi Hà Nội về ''... 

   Hà Nội lúc đó, khi tôi vào Sài Gòn lần đầu, cũng đã rầm rộ phong trào cafe video. Người ta mua mấy chỉ vàng 1 cái đầu quay băng hệ Pal hay Secam gì đó, 1 cái tivi màu 14 inche, chủ yếu là JVC vỏ đỏ, rồi chiếu những phim chưởng Hongkong, chủ yếu từ đài TVB. Khách vào xem phim là chính. Hiếm, rất hiếm mới có đầu quay băng hệ NTSC, vì nét hơn nhiều và giá thì tính bằng cây vàng hoặc hơn nhiều. Lúc đó, đi dọc các vỉa hè trên phố, các bảng tin đóng khung dán đầy các bài báo của tác giả En nờ vê e lờ, được dịch là Nói và Làm, chính là cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, người lên thay ông Trường Chinh năm 1986.

   Hồi 1985, lạm phát có lẽ là tồi tệ nhất trong lịch sử xây dựng XHCN từ nền phong kiến và áp bức xâm lăng, nên Nhà nước đổi tiền. Nhớ lúc đó, người ta mang đến nhà tôi hàng xấp, hàng cọc, có người cả bao tải để nhờ đổi. Khổ, đời cán bộ có chó đâu mà đổi, nên cán bộ như bố mẹ tôi thành nơi nhờ vả cho bao người có tiền lúc đó. Vì họ quy định mỗi hộ được đổi bao nhiêu đó thôi, nên những nhà tích trữ tiền mặt xoắn hết cả lên. Họ tích vì không tin tưởng Ngân hàng, không tin tưởng Nhà nước. Họ mua vàng để trữ và họ giữ tiền trong nhà. Gửi tiết kiệm để mà lạy ông tôi ở bụi này.

    Cú đổi tiền làm kiệt quệ những anh trung lưu và khốn đốn những anh giàu có. Chỉ có những nhà không có tiền thì đủng đỉnh, hưởng hoa hồng nhờ đổi giúp. Nên tác giả NVL 1 năm sau đã như khuấy động phong trào đổi mới vậy. Tôi đi mua sách hiệu Quốc văn phố Ngô Quyền, góc ngã tư với Tràng Tiền, thấy đầy báo của cụ dán bảng tin và các ông trung tuổi, chắp tay sau đít, kính lão kính cận kính viễn sệ sống mũi, ngó cổ ra khỏi áo sơ mi đóng thùng đứng đọc. Chả biết các ông đi mua kem từ tiền hoa hồng đổi tiền hay sao mà đọc báo Nhân dân miễn phí hăng thế.

   Nhưng dù nghèo, Hà Nội lúc đó vẫn thanh bình và vẫn có nét cũ. Sự trầm mặc bóng tháp Rùa phủ màu thời gian cứ soi xuống hồ Gươm, cùng với cây lộc vừng chín gốc tỏa cành, tỏa thân xuống hồ. Tàu điện chạy sát mép vỉa hè bên hồ, để dành đường cho xe đạp, xe xích lô và các phương tiện khác. 


   Hà Nội với xe đạp, các ghi-đông treo túi bạt, túi lưới và mũ cối đội đầu hoặc là nón lá. Cán bộ có đôi dép nhựa Tiền phong là oách rồi, nếu không chỉ là dép rọ nhựa màu nâu làm từ nhựa tái sinh. Ai đi Sài Gòn ra mà chễm chệ trên 1 đôi sa-pô đế cao ngất ngưởng 5 hay 6cm quai da, với quần loe, áo sơ mi ve rộng là kinh lắm, nhìn biết ngay và thầm ghen tỵ lẫn mơ ước được biết Sài Gòn. Rồi thì sẽ hỏi đủ thứ về nơi ấy. Trái mắc-cọp, quả soài vàng ruộm ngọt thỉu và cân chôm chôm từ Lái Thiêu mang tặng, biếu nhau thì quý hóa lắm. Thời đó, người ta chở hoa quả từ Nam ra bằng tàu hỏa, bằng ô tô chứ đâu có máy bay như bây giờ. Mà mấy thứ đấy, chở ra sau 3 - 4 ngày lắc lư trên tàu, nóng và hầm hập sình sịch qua các ga dừng đỗ đã là câu chuyện phải tính đếm.

   Giờ thì khác nhiều rồi. Tôi cũng thế khi với tâm thế sẽ có thể gắn bó với Sài Gòn. Nhưng Hà Nội, dù mảnh đất có thể không để tôi ở lại trong cuộc mưu sinh, vẫn là sự khắng khít đến nao nhớ trong 1 chiều muộn mưa Sài Gòn, bên 1 ly rượu vodka và nhận được cuộc gọi từ bạn bè, anh em từ Hà Nội. Lúc đó tôi nhớ Hà Nội. Tôi nhớ những cuộc rượu vỉa hè với đám học trò và các bằng hữu. Có phải như 1 định mệnh không, khi tôi đặt tên con trai lớn là Gia Long. Chỉ đơn giản là năm Rồng, và đệm tên dòng họ là chữ Gia đã truyền đời, thì tôi đặt thế. Gia Long, có nghĩa là Gia Định (tên cũ Sài Gòn) và Thăng Long (tên cũ Hà Nội), Nguyễn Ánh khi lên ngôi đã lấy hiệu là như vậy, ông muốn 1 dải non sông mà 2 địa danh trấn 2 miền làm hiệu xưng. Và giờ, trong công cuộc rong ruổi trên phận đời mưu sinh, tôi lại di trú đến Sài Gòn với tâm thức của Hà Nội.

   Hãy cứ biết thế trong lúc này, khi mà Sài Gòn đang hé mở những dự định cho 1 người con của dằn vặt Hà thành.


   

10 nhận xét:

  1. UI, kiến thức của anh phong phú quá. Sài Gòn, Hà Nội xưa được anh khắc vẽ lại hết sức cụ thể luôn. Em chỉ biết Sài Gòn nay thôi ạ. Cảm ơn anh đã gợi tả như thế nhé. Chiều an lành

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. TP còn nhiều nhiều và rất nhiều những kiến thức làm ng đọc phải thốt lên như thế bạn ạ! từ khi biết blog của anh ấy tui.."phục sát đất" và "theo dõi" tới giờ luôn đó BN! mà k hiểu sao tôi qua nhà BN chỉ vào dc bên ngoài mà k vào đọc bài dc nhỉ?

      Xóa
  2. Cảm ơn BN nhé. Chỉ là những gì anh biết thôi. Mà cái mình chưa biết thì còn nhiều lắm :)

    Trả lờiXóa
  3. Nói đến HN , em nhớ đến những khi ngồi ăn quà ở vỉa hè, phố luôn đông người, mà em k hiểu sao cứ có cái cảm giác nó xưa xưa tn ,như trong phim mình xem ấy..Rất đông,
    ồn ào,nhộn nhịp nhưng em cứ có cảm giác nó nhẹ nhàng..,tn ấy, ước gì em giỏi văn như anh để diễn tả cái cảm giác đó! hay là vì em dc ở đó vào những sáng mùa thu nên có cảm giác man mác nhu thế nhỉ? em cứ tưởng tưởng đến buổi sáng trong trẻo ấy....phố xá xôn xao..gió thổi lộng mát vào tận trong...lòng vậy...hii! em k nói "chuẩn" những gì trong lòng dc!:)

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn em về cảm nhận trong trẻo đó nhé.

    Trả lờiXóa
  5. Phong ca cứ như một ông lão ngồi nhớ toàn những chuyện xưa cũ ...

    Trả lờiXóa
  6. Rồi, sẽ có lúc Thụy đọc những chuyện mới thôi, khà khà...

    Trả lờiXóa
  7. Em đã đọc bài này của anh mấy hôm trước, cứ nghĩ như này mà không dám viết. Hôm nay đọc lại thì vẫn cảm giác cũ: day dứt, đa đoan, dằn vặt... quá nhiều về Hà Nội. Công việc của anh ở SG tốt không ạ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thank Ru nhiều. Anh yêu Hà Nội. Nhưng cuộc sống với những trách nhiệm ràng buộc cụ thể, không tránh khỏi sự thiên di...

      Anh cũng mới bắt đầu thôi. Bận rộn nhiều. Hy vọng sẽ tốt đẹp. Thanks again.

      Xóa