Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

Tản mạn về quê hương...


    Gió theo lối gió, mây đường mây
      Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
    Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
  Có chở trăng về kịp tối nay ?...


   Mấy câu thơ tuyệt đẹp của Hàn Mặc Tử. Không hiểu sao đêm nay lại vang lên trong lúc khuya đã tĩnh như thế này. Hay tại vì lâu không viết, hay tại vì hơi rượu đang ngấm sâu ? Chả quan trọng. Nó đẹp bởi nó sinh ra từ 1 con người yêu quê hương, yêu đất nước, và sự nhạy cảm của tâm hồn thi sỹ đã kết cấu nên những hình ảnh trong những giai từ đó...

   Tôi yêu quê hương tôi, yêu đất nước tôi, và tôi yêu dân tộc tôi. Tôi là người Việt Nam. Tôi yêu mọi cảnh sắc quê hương đất nước. Tôi muốn trải nghiệm con người mình trong hết thảy các miền đất Tổ quốc. Cánh cổng làng đặc trưng Bắc bộ cho đến các cánh đồng muối, các thửa ruộng bậc thang vùng cao Tây Bắc, nơi vùng sương sáng đứng cách 2 mét không nhìn thấy nhau, cho đến vùng sông nước Tây Nam bộ mắc màn ngồi uống rượu... Những cung đường quanh co dốc đứng dẫn đến những vạt nắng Xuân trải khắp các đồi chè mạn Lai Châu, với những ruộng cải trắng bạt ngàn 1 màu hút mắt, xa xót và gồng mình trong cái buốt giá của khí núi vùng cao, rồi òa ập vào 1 bếp củi dân tộc H'mong trong niềm vui nho nhỏ lót dạ nơi xứ xa, giữa những núi trùng đồi điệp của hoang lạnh mắc giăng...

  Những vùng cao đất đỏ cao nguyên chen chỉ 1 sắc màu vàng hoa dã quỳ dọc theo những con lộ từ thời Mỹ làm, với những cánh ruộng cao su. Tôi không muốn gọi nó là rừng, bởi rừng cao su như trong phim Ván bài lật ngửa với hình ảnh Chánh Tín mũ phớt áo măng-tô đầy lãng mạn và tài tử thì tôi chưa được thấy, tôi chỉ biết những thực tại đắng đót của những khúc gỗ thủy tùng vùng cao nguyên được người dân moi lên từ những hố móng, hố hồ đập thủy điện dài chừng vài chục cm đến vài mét, và bán với giá vài chục triệu/khúc. Bởi gỗ thủy tùng sẽ chỉ còn là điều mà người ta thấy trên những món đồ trang trí, trên những lọ hoa được bày trên ban thờ mà thôi...

   Tôi đã đến 1 cửa khẩu vùng Cao Bằng, nơi mà chỉ qua 1 cái barie là quang cảnh đã khác. Cái cửa khẩu nghèo nàn với con đường đất đỏ và nếu muốn ăn trưa, bạn sẽ phải đi gần 15km ra thị trấn mới có hàng ăn. Cái cửa khẩu chỉ rặt 1 loại hàng là lá thuốc lá được nhập về từ Trung Cộng. Chỉ cách 1 vách đồi, Trung Cộng cho xây những ngôi nhà men theo đường đồng mức của núi, lối kiến trúc rõ ràng và mạch lạc, sáng sủa. Nhà đó chính quyền TW Trung Cộng xây miễn phí để dân đến ở, với những con đường thảm nhựa bê tông rộng rãi và sáng láng. Và đập vào mắt nhìn qua cái barie và cột mốc đường biên, là 1 ngôi nhà to như trụ sở 1 bộ ngành đất Việt, là nhà giải quyết các thủ tục hải quan, xuất nhập cảnh...vv và vv...

   Tôi hiểu, sự đối lập giữa con đường đất đỏ, nhà mái tạm bợ với những ngôi nhà sáng láng bên kia biên giới, kể cả cái nhà hành chính sự vụ kia của Trung Cộng, chả nói lên cái giao thương kinh tế ghê gớm gì với cái mặt hàng lá thuốc lá cả, mà chỉ là 1 thái độ gồng mình thể hiện tư tưởng nước lớn mà thôi. Nhà xây sáng đẹp, kiến trúc rõ ràng, miễn phí, chỉ để khuyến khích dân chúng đến ở, với chỉ 1 bước chân theo đúng nghĩa đen, là sang đất Việt. Tôi không lạm bàn về điều này, xin để người đọc tự hiểu theo cách của mình. Vì chỉ với cảm quan, 1 cái barie đã là 2 miền đất khác hẳn...

   Sự thôi thúc về ý muốn đi lên thác bản Giốc ngày đó để xem phần lãnh thổ bị biến mất không thực hiện được bởi lý do khách quan, đành hứa với lòng sẽ có ngày quay trở lại...

   Quê hương, đất nước. Cảnh sắc vùng miền nơi đâu cũng có nét đẹp. Tôi tiếc, tôi tiếc tôi đã chụp nhưng không còn giữ được nhiều những bức hình nữa. Bãi tắm Lăng Cô những năm 1994 còn hoang sơ lắm nhưng đẹp vô cùng. Đỉnh đèo Hải Vân, chúng tôi chụp những bức hình cười tươi roi rói nhưng đó là cả 1 sự liều lĩnh. Bởi sau lưng chúng tôi là vực, và chỉ có 1 cái cây nhỏ đứng cách mép khoảng 50cm. Hai anh em bám tay vào cây, quay lưng ra vực mà nhờ chụp hình. Nếu cái cây bật gốc hay chân đứng không vững, thì bài ca Lượm ơi sẽ mãi là kinh nghiệm cho các bạn cùng đi năm đó.

   Khi chúng tôi đến Lũng Cú, cực Bắc Tổ quốc, tôi đã nghĩ sẽ có ngày, tôi ruổi dặm đến với mũi Cà Mau. Sẽ có ngày ấy. Biển đảo nữa. Phú Quốc đã đi, đã nhìn thấy bằng mắt thường cái eo ngăn nối Việt Nam với Căm Pốt, cái eo mà 1 thời, đã từng bị bọn Căm Pốt đang đêm sang tập kích thời chiến tranh biên giới Tây Nam, đã nhìn thấy tận mắt nông nghiệp chính thống nơi này, mà người ta vẫn nói đùa là Bắc tiêu Nam điều. Là phía bắc đảo Phú Quốc chuyên trồng cây hồ tiêu, còn phía nam thì chủ yếu trồng hạt điều, còn gọi là đào lộn hột. Ngày nào nữa sẽ còn là Côn Đảo, là Trường Sa. Còn Hoàng Sa, chắc là sẽ không có dịp...

   Kênh rạch miền Tây Nam bộ cũng là những trải nghiệm thú vị. Tôi chưa đi nhiều vùng này, nhưng chắc chắn tôi sẽ quay lại. Thưởng thức lại thú giăng mùng uống rượu trên chòi giữa kinh, trong thảng hoặc vu vơ của tiếng cá quẫy...

   Những vùng miền đã qua, đâu cũng là ký ức. Kể cả khi đứng giữa những cửa khẩu nghèo nàn miền biên viễn, tưởng tượng về dọc dài biên giới tháng 2 - 1979 đã bị quằn xéo như thế nào ??? Đã yêu quê hương, thì tấc đất đó dẫu có nhọc nhằn và còn đầy gánh những mưu sinh trên từng tước thấc đỏ đọc và bụi lầm, thì cũng có sao ...
   

14 nhận xét:

  1. Bên này trầm lắng quá anh nhẩy? Mừng anh đã ngao du khắp nước

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nghề của Lão thì cũng đi khắp cả mà, đúng không ?

      Xóa
  2. Có đi nhiều, có trải nghiệm nhiều, mới thấy đau đáu trước những thay đổi thế sự ở quê mình, tổ quốc mình. biết làm sao dược. Dẫu lòng tự ái dân tộc đầy tràn, dẫu cũng vô cùng lên án hành động tham lam của nước bạn, nhưng vì cuộc sống, đành chấp nhận như một thỏa hiệp. Ngay cả bản thân em, dù ghét,ghét vô cùng, nhưng khách hàng của em hết 80% là TQ, không lẽ...
    Biết sao giờ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Thùy.

      Chỉ cần mình vẫn nghĩ về Tổ quốc với 1 niềm yêu thương, thì mình tự khắc có cách để tìm ra đường lối thể hiện. Anh không suy nghĩ theo cách tiêu cực là ghét nó thì khỏi cần chơi với nó, sự thỏa hiệp như em nói không phải sự lựa chọn của em, mà chính là vì cuộc sống của em, trong thể chế không thể thay đổi, mà bản thân mình là 1 thực thể gắn với xã hội được điều hành bởi cơ chế đó.

      Khi người ta không có sự lựa chọn, người ta phải làm gì ???

      Xóa
  3. Anh viết hay quá. Em cũng nghĩ như Thùy, đất nước chúng ta mới thoát khỏi khỏi lửa chiến tranh gần 40 năm. Nhưng xây dựng và thay đổi cuộc sống ấm no cũng chỉ mới được mấy năm thôi. Còn rất nhiều nơi nghèo khó và dân mình rất cực, thậm chí vẫn đói. Bây giờ, nếu những lãnh đạo cao cấp không đủ bình tĩnh để thỏa hiệp thì mất mát là rất lớn. Và những người phải chịu khổ đầu tiên là nhân dân. Em cứ tưởng tưởng những dựng xây của chúng ta sẽ bị san bằng. Em sợ chiến tranh, lắm lắm...
    Chỉ tiếc 1 điều trong sự thỏa hiệp của chúng ta, trên phương diện đấu tranh, ngoại giao và phát ngôn quá kém cỏi, em nghĩ rứa. Và có quá nhiều sâu, những con sâu bự vẫn chường mặt lên mà nói tôi có mấy chục năm theo Đảng, rứa mới buồn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Ru nhiều.

      Chia sẻ của Ru cũng giống như rất nhiều những suy nghĩ bình thường của nhiều người khác. Ai cũng muốn hòa bình và không muốn chiến tranh. Nhưng đất nước mình hòa bình thì có, nhưng thái bình thì chưa.

      Cơ chế kinh tế do thể chế tạo ra đã quá phụ thuộc vào chú láng giềng 4 tốt, sự phát triển kinh tế và đời sống người dân được cải thiện, kinh tế hàng hóa được như bây giờ chứ không phải sự thiếu thốn về cơ sở vật chất nữa đến từ bên kia biên giới đến 80%, vậy thì sự phụ thuộc là rất lớn. Sự luẩn quẩn của ý thức hệ đã tạo ra sự phụ thuộc đó, anh chỉ sợ 1 ngày, nó thành sự lệ thuộc thì nó thành thảm họa...

      Văn hóa mấy chục năm theo đảng của đồng chí X là 1 thất bại của tập thể lãnh đạo, nhưng là thành công của 1 cá nhân. Buồn đúng không em ???

      Xóa
  4. Chà chà TP nay dịu dàng quá nhỉ! anh sướng thật đấy! đi khắp đất nc còn gì! mà sắp tới có kế hoặch đi thì em nghĩ anh nên..ưu tiên đến những vùng đất gần.."vực" của đất nước đi anh ạ! Kẻo sau này lại phải thốt nên câu :"Chắc là sẽ không còn dịp.."

    Trả lờiXóa
  5. Gần '' vực '' của đất nước là vùng nào? Cô đừng đố anh nữa. Còn chuyện đi thì làm gì có kế hoạch ? Do công việc là chính thôi.

    À, dịu dàng là sâu là sâu hử ?

    Trả lờiXóa
  6. anh xoá môt5 caí com2 cuả em hả?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh chả xóa cái còm nào của cô cả. Cô xem lại nhé.

      Xóa
  7. A da trai nghiem va luu giu duoc chung qua nhung b
    cau chu that dep va chua dung cam xuc chan that cua nguoi viet. Bai viet rat hay va sau sac a ah.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Ngố nhé. Rất cảm ơn.

      Những gì đã qua và trải nghiệm là chứng sinh cho cuộc đời của mình em à. Sự nghiệm sinh qua cuộc sống với những ký ức lưu giữ được hình thành nên cảm xúc thôi em. Thanks again.

      Xóa
  8. LÊN CẢ MỤC NAM QUAN để THAM QUAN nữa bạn ơi!

    Trả lờiXóa
  9. Nếu muốn đến đó, mời bạn lên sứ quán Khựa để xin cấp visa nhé.

    Trả lờiXóa