Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Hà Nội, 1 góc suy tư.


   Mỗi khi nghĩ về Hà Nội, tôi thường bị những cảm xúc, những suy nghĩ đan xen nhau. Mỗi khi đi qua 1 con phố, tôi thường tự hỏi, nơi này xưa kia ra sao ???


   Có 1 bài hát viết ca từ '' tháp cổ mặc trầm ...", tôi đoán là nhạc sỹ muốn nói đến tháp Rùa hồ Gươm. Có 1 dạo, người ta muốn lấy 1 hình ảnh làm đại diện cho Hà Nội, tháp Rùa cũng là 1 trong đề cử đó. Tôi im lặng và chờ đợi sự thẩm định và đánh giá. Cuối cùng, người ta đã chọn gác Khuê Văn trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám làm hình đại diện. Đó là sự lựa chọn đúng đắn.


   Ngày bé, nhà tôi ở phố hàng Bột. Chạy qua đường sang bên kia là vườn hoa và tường bao Văn Miếu. Tôi vẫn thường được các anh lớn bế lên để trèo qua bức tường, vào Văn Miếu chơi, bắt cào cào và châu chấu cho chim ăn. Lúc đó, tôi còn bé lắm. Ký ức về nó không còn nhiều, vì khi tôi rời khỏi đó, tôi mới có 6 tuổi, học lớp vỡ lòng.

   Tôi chỉ nhớ luôn được 1 anh lớn hơn 10 tuổi bám sát, sợ tôi sẽ ngã xuống ao. Nhưng châu chấu và cào cào ở Văn Miếu lúc đó thì đúng là nhiều thật. Ngày nào cũng thế, chứ chiều chiều là anh lại vác tôi lên vai, chạy qua đường vì phải tránh tàu điện, là lại bắt đầu những cuộc vồ chộp...


   Phố hàng Bột. Đứng ở nhà cũ tôi trông sang Văn Miếu, nếu cứ chạy thẳng tít theo tay phải là đến Nam Đồng, qua gò Đống Đa, đã là hoang vu lắm rồi, toàn ruộng và ao xen những bãi trống, người lớn dùng làm bãi bóng. Gần đó có lăng ông Hoàng Cao Khải, không bị xâm lấn thảm thương như bây giờ. Đi nữa là xuống Ngã Tư Sở để vào Hà Đông. Còn đầu kia, theo tay trái thì dẫn đến lăng Bác, lên hồ Tây.

   Ngày đó tôi học trường mầm non A, cũng gần nhà tôi, ở phố Chu Văn An. Dọc phố hồi đó vẫn còn những hầm trú ẩn đặt cách quãng trên vỉa hè, có nắp bê tông khoét những lỗ thông hơi. Hòa bình đã mấy năm, nhưng lũ trẻ con học mẫu giáo vẫn được thực tập tránh bom. Những hồi còi rú lên, và chúng tôi được các cô giáo hướng dẫn chạy ra hầm, nằm trong khuôn viên trường. Quãng đó bắt đầu có chiến tranh Tây Nam. Chả lâu sau đó thì tôi chuyển nhà và học vỡ lòng.

   Hồi đó, người ta chả có khái niệm nhà mặt phố thì phải. Người hàng phố cũng ít kinh doanh, chỉ là những cửa hiệu nhỏ. Đa phần là những cửa hàng vẫn còn kiểu cửa gỗ 1 bên, 1 bên thì ghép những tấm gỗ bản chạy dọc, dễ tháo lắp. Người ta mở hàng nước chè. Phố tôi hồi đó cũng không có nhiều người buôn bán. Có ông mở hàng sửa xe, tôi nhớ vì có mấy cậu con trai chỉ hơn tôi vài tuổi, vẫn thường chơi cùng nhau. Cái sân thượng nhà ông sửa xe, có 1 đợt mời 2 chú bộ đội đặc công về dạy võ. Thích mê. Hai chú đứng 2 đầu, bổ nhào xuống lăn như bi rồi bật dậy đứng tấn. Lăn dọc theo chiều sân. Được chừng vài buổi thì không thấy các chú ấy đâu nữa. Hồi đó cấm học võ và dạy võ. Bọn tôi được dặn là phải kín miệng. Hỏi thì ông chủ nhà cũng bảo không biết tại sao không thấy các chú ấy đến.

   Sau có lần, tôi thấy 1 chú trong 2 chú đặc công kia ở bên vườn hoa Giám. Chú ấy cứ leo cây như khỉ ấy, lộn người y như khỉ với tư thế 2 chân quắp vào cành cây, thả người lộn ngược, 2 tay bám vào thân cây rồi lại lộn xuống. Gần đến đất thì chú ấy quăng 1 cái, lộn cuộn tròn người rồi bật dậy, y như tôi đã thấy ở trên sân thượng ngày nào. Nhưng chú ấy không nhận ra ai cả. Chú ấy có mặt được 2 hôm ở vườn hoa Giám thì người ta đến xích lại, đưa đi đâu không rõ. Họ bảo sang Trâu Quỳ rồi *.

   Nhà tôi chuyển đi, vì đổi nhà. Chẳng phải chật chội gì, mà vì cửa hàng không làm gì cả. Nhà nước bảo đổi để họ làm cửa hàng gạo. Nhà tôi chuyển về khu tập thể. Hồi đó bố tôi còn đang trong Sài Gòn, sau tiếp quản vẫn chưa được ra Hà Nội, nên chuyển nhà thì cũng chả bàn bạc được gì nhiều. Chỉ có thư từ thôi. Sau thấy bảo bố tôi có gọi điện được cho ông nội tôi, ông bảo ông đã hiến 1 căn ở phố Thụy Khuê rồi, việc này tùy bố tôi thôi, nhưng nếu cách mạng cần thì nên làm. Giờ tôi vẫn thỉnh thoảng đi qua nhà cũ, nhưng cái cửa hàng gạo đã chấm dứt từ rất, rất lâu rồi. Giờ chả biết ai ở đó nữa. Nhưng tôi dám chắc là ở đó phải là 1 quan chức cỡ không nhỏ của ngành lương thực.

 

   Chùa một cột ở Hà Nội. Cũng cổ kính lắm vì xây từ thời Lý, tên đúng là chùa Diên Hựu. Chùa được xây là vì 1 giấc mơ đầy bất trắc của vua Lý Thánh Tông. Xây để tránh đi, giải đi điềm xấu của giấc mơ đó. Người ta cũng đã đề xuất đưa chùa Một cột thành biểu tượng Hà Nội. Tính lịch sử của ngôi chùa này thì không cần bàn đến, nhưng so với tính nhân văn của Khuê Văn Các thì là không thể. Biểu tượng sao Khuê trong Văn Miếu, nơi lưu giữ những bia đá tiến sỹ các thời, là sự tôn vinh học thuật và trí tuệ. Chả thế, Văn Miếu thờ Khổng Tử nhưng cũng đồng thời là nơi thờ ông Chu Văn An.

   Gò rùa có tháp Rùa. Cũng chỉ mới xây từ thời Pháp thuộc, khi người Pháp đang xây cất Hà Nội, mở mang các tuyến phố theo quy hoạch của họ. Hồ Gươm, địa danh luôn gắn với tâm thức thiêng liêng Hà Nội, với tích trả gươm của vua Lê, và gò Rùa thì đã luôn tồn tại. Nhưng tháp Rùa ra đời, là do 1 ông tài chủ người Việt xây lên. Ông ấy xin người Pháp là sẽ đầu tư kinh phí mở con đường Tràng Tiền, đổi lại, cho ông ấy được táng mả bố ông ấy tại gò Rùa. Người Pháp, dù là chủ nghĩa thực dân vơ vét thuộc địa, nhưng cũng không phải giống u tối, tất nhiên không chấp nhận yêu cầu kia. Ông tài chủ vẫn được thầu mở đường, theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng bây giờ, nhưng xây kỷ niệm thành phố 1 công trình làm điểm nhấn cho hồ Gươm, và từ đó người Hà Nội có tháp Rùa.

   Theo tài liệu cũ, quanh hồ Gươm xưa kia toàn ao đầm. Nền bưu điện bây giờ là 1 ngôi chùa rất đẹp và rất lớn, gọi là chùa Báo Ân, tháp Hòa Phong bên hồ bây giờ cũng là 1 công trình gắn với quần thể đó. Dưới đây là ảnh tháp Hòa Phong khi xưa:


 Người Pháp phá chùa để xây bưu điện, nhưng tòa bưu điện người Pháp xây có sự tuân thủ quy hoạch chặt chẽ. Chiều cao và các kiến trúc quanh hồ Gươm được khống chế tỷ lệ và hình thức. Không 1 công trình nào được cao quá nóc nhà hát Lớn, tức khoảng 24m. Họ làm vậy để giữ không gian cho hồ Gươm, không biến hồ thành ao. Nhà Thủy Tọa bây giờ, được tổ chức thi kiến trúc rất chặt chẽ. Sau rất nhiều vòng chấm và loại, 1 kiến trúc sư người Việt đã chiến thắng, vì đảm bảo đủ các yếu tố như phù hợp cảnh quan, đảm bảo yếu tố thẩm mỹ kiến trúc, nhất là làm bật được nét dân tộc trong công trình...

 

   Nhà bưu điện xưa khi Pháp xây. Cái nhà bưu điện bây giờ là sau năm 1954, tiếp quản Thủ đô, với cái nhìn ấu trĩ người ta đã cho xây dựng lại, đánh dấu bước đầu về sự xâm thực của kiến trúc với cảnh quan của hồ Gươm. Có thể niềm hân hoan chiến thắng sau 9 năm trường kỳ đã được họ cụ thể hóa bằng 1 công trình, đánh dấu sự trở lại của người chiến thắng. Và cái trụ sở UBND thành phố bây giờ, được ví von như cái máy chém bên hồ Gươm vì hình thức kiến trúc của nó. Nhưng dù sao cũng còn đỡ hơn nhiều so với cái hàm cá mập, chỗ đối diện hãng Hồng Vân - Long Vân khi xưa...

   Lan man và tản mạn. Các ý nghĩ không tuân theo trật tự sắp xếp. Tôi lại nghĩ đến hồ Tây. Bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời...

   Hình ảnh đó quá đẹp với ca từ. Chím sâm cầm hay được gắn với Hà Nội ở hồ Tây. Nhưng sâm cầm thì trên thực tế, không vỗ cánh mặt trời. Nhưng không sao. Nét đẹp và lãng mạn của sáng tác nghệ thuật là điều chấp nhận được bất chấp chút sự thực. Vì sâm cầm, vốn là chim di cư. Nó bay hầu như vòng quanh trái đất để tránh rét với sức bay rất bền bỉ. Nó xuất phát từ Triều Tiên, từ núi Trường Bạch, nơi có những củ nhân sâm nổi tiếng mang mác Korea. Và vì nó ăn củ sâm tươi, nên dinh dưỡng của loài chim này là rất bổ. Mùa rét, nó bay tránh rét qua Úc, qua Mỹ, qua Trung Quốc...và Việt Nam.

   Hồ Tây khi xưa, môi trường chưa bị xâm thực và ô nhiễm như bây giờ. Chim hay về mùa rét, khi sương hồ bảng lảng lúc chiều tà. Giống chim này nổi tiếng đến nỗi vua Tự Đức đã sức chiếu, mỗi mùa chim về phải tiến vua 10 cặp. Nhưng giống chim này không dễ bắt, đâu thể đánh lưới như chim đồng. Thế nên sau dân vùng Bười đã phản kháng lệnh trên, và Tự Đức cũng rút lại. Vì bắt sâm cầm, người ta rất kỳ công. Người ta phải câu. Người ta bắt con châu chấu, móc lưỡi câu ngang lưng để con châu chấu vẫn còn sống, nó sẽ chỉ bò quanh phạm vi sợi cước, trên các lá sen. Giống sâm cầm không ăn những con vật chết, nó chỉ ăn vật sống, vì vậy mới phải móc con châu chấu ngang lưng như vậy. Có khi, cả 1 ngày người ta mới bắt được 1 con. Bây giờ, khỏi cần câu, người ta lấy súng săn, và đơn giản hơn nhiều. Sâm cầm vốn ngu ngơ, nên lại càng dễ bị tận diệt.

   Những năm trước, có ông giáo sư xót xa về sự vắng bóng sâm cầm hồ Tây, đã hồ hởi phát hiện ra chim sâm cầm đã di trú lên miệt Phú Thọ. Và ông lên tivi nói chim sâm cầm đã dạt về đó rồi. Đông lắm, hàng đàn. Ông nói cả tên đầm, cả vị trí như để xác thực là ông nói thật đấy. Và hôm sau, hàng đàn các tay săn với súng ống đầy đủ đã lên đường...

   Về hồ Tây, 1 vùng không gian văn hóa, có lẽ sẽ để 1 lúc khác...

6 nhận xét:

  1. Thụy thích bài này của Phong ca ...

    Trả lờiXóa
  2. Xem ký ức tuổi thơ của Tiêu Huynh, có đoạn Huynh bắt cào cào,châu chấu làm jen nhớ về thời thơ ấu của mình.
    Ngày xửa ngày xưa..Có cô bé jen chiều nào cũng thơ thẩn bên hàng giậu để tìm bắt rùa tiên...Những con ùa bé xíu xiu , con màu xanh lá, con màu vàng lấp ánh kim tuyến rất đẹp .
    Nếu không đi bắt rùa tiên thì đến sân banh chụp cào cào, châu chấu như Tiêu Huynh cho vui.
    Thoắt cái mà đã bạc mái đầu xanh rồi Tiêu Huynh nhỉ.
    Huynh viết về Hà Nội thật hay.Nhờ huynh mà Jen biết vì sao một loài chim mang tên Sâm cầm.
    Hy vọng mùa thu hay đông năm nay jen ra thăm đất Bắc. Tiêu Huynh là người hướng dẫn viên thì trên cả tuyệt vời

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý. Nếu ra HN, hy vọng sẽ đáp ứng được J về HDV :))

      Xóa
  3. Mình thường được nhìn HÀ NỘI " từ xa "

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác cứ nhìn, nhưng nếu ghé, ới Tiêu mỗ nhé :))

      Xóa