Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Nhật' story - P8.

11:24 6 thg 12 2012Công khai147 Lượt xem 12
         
                            PHẦN 8
      Tiết Đông đã thực sự về. Sự buốt rét của tháng Chạp mỗi khi gió mùa thổi về kèm những cơn mưa làm lòng người cứ co lại theo cái run rẩy lập cập của mỗi sáng hôm mai thức giấc.
Gió rít và quét từng cơn, lồng lộng trên những thửa ruộng màu, tha hồ quất đập và nô giỡn trong cái không gian thoáng đãng ven sông không có gì che chắn này. Mỗi khi Đông về, Nhật thường nhớ mẹ vẫn thỉnh thoảng, với chút tiền còm được dôi ra sau những mớ ba mớ bảy của rau, của trầu, của màu ruộng bòn chăm từ vườn nhà, lại đãi cả nhà 1 món ăn rất ngon. Mắm tép mẹ lên tận chợ Hàng Bè mua, với chút thịt băm chưng lên, cái màu đỏ sánh với mùi thơm hấp dẫn khứu giác đánh thẳng vào cổ họng, dịch vị tứa ra nơi đầu lưỡi làm giục nhanh những công việc còn đang dang dở, để mà nhanh nhanh chóng chóng vào mâm. Con Giang nhanh nhảu hái khế, những quả khế chua còn xanh trên cây ngoài sân, rửa sạch và đòi mẹ để nó thái cắt, dù sau đó mẹ vẫn phải thái lại cho nhỏ, cho vừa vặn hơn. Nó là em út của Nhật. Nó giống Nhật ở đôi mắt đen, sâu và to, nhưng lại 1 mí và dài, hàng mi thanh và cong cong, dưới mái tóc dài cắt kiểu hỷ nhi. Nó vừa thái khế, vừa thỉnh thoảng lại dừng tay vén cái đuôi tóc cứ rủ xuống qua vai với cái vẻ cặm cụi đầy kiên nhẫn sao cho miếng khế đẹp như mẹ đã thái mẫu cho nó, Nhật vừa quét sân vừa nhìn nó cười…
   Mâm cơm đã sắp ra. Một rổ rau thơm xanh ngắt đủ loại, nào mùi, nào húng, nào thơm, nào hành chẻ tước dọc thân, nào xà lách đã tước bóc, đủ loại. Một đĩa to bày khế đã cắt miếng mỏng ngôi sao xếp chen với gừng thái chẻ mỏng như que tăm nhưng to hơn, được ngâm nước rồi vớt ra. Chuối xanh cắt lát xếp lớp cạnh với dứa chẻ tư thái xiên, điểm vào ớt đỏ được bổ dọc thành từng sợi dài đã bỏ hạt. Chiếc đĩa đại, xếp bày ngất thịt ba chỉ, thịt nạc cho con Giang và những miếng sụn ba chỉ xếp lẫn với nhau được bày chính giữa chiếc mâm đồng từ thời ông nội Nhật để lại. Đĩa đậu mơ rán vàng mà khi ăn vào, vị bùi ngậy của thứ đặc sản bình dân làng Mơ mạn Bạch Mai là không thể đâu có, không lẫn và không giống bất kỳ thứ đậu phụ nào khác. Các con bún mỏng, nhỏ, tròn đều và trắng tinh như miếng bánh dày đã gọn gàng trên 2 tàu lá chuối xanh ngắt xếp chồng cạnh lên nhau…
   Mọi người đã xếp bằng tròn quanh mâm trên chiếc phản gỗ lên nước đen sậm bằng gỗ lim có từ thời cụ của Nhật, được coi như đồ gia bảo mà qua bao thăng trầm khốn khó của các vụ giáp hạt tháng 3, ông nội và bố Nhật đã giữ được lại đến giờ bằng những chắt chiu và cả bằng những củ chuối, đọt lang dặt dẹo mót quanh đồng trên xóm dưới của những thời năm 1945, khi mà cơm gạo đỏ có mà ăn đã là cả 1 sự tốt phúc… Bố Nhật đã lấy cái bầu rượu vẫn treo nơi góc tủ thờ ra, cái bầu được bố nặn và chỉnh từ khi quả bầu còn xanh trên giàn, phơi khô và giờ đã ngả màu nâu sẫm lắm rồi. Bộ chén sành hạt mít màu da lươn cũng đã lấy ra 2 chiếc, bố rót vào đó thứ rượu quê trong vắt được cất từ nếp cái hoa vàng cũng do bố tự nấu lấy bằng bộ nồi đồng của ông nội, cất giấu chôn sâu mãi từ cái đận cấm rượu lậu của thời Pháp thuộc. Rượu đã rót ra, mùi thơm phảng phất không gian, thanh nhẹ như hương quỳnh lúc đêm trăng, bố đưa Nhật 1 chén với vẻ khuyến khích nhẹ nhàng:
-         Con trai lớn rồi, tập uống vài chén để ra đời cho nó ra dáng nam nhi.
-         Thế con thì sao bố ? - Thằng Minh, đứa kế sau Nhật lúc đó cũng đã 15, lộc ngộc như con gà trống choai với cái giọng đã bắt đầu vỡ - Con có được uống không?
-         Mày chưa đến lúc con ạ, vài năm nữa, không uống bố cũng bắt phải uống.
   Lúc này mẹ mới từ bếp lên, cái mẹt nhỏ trên tay là bát mắm tép chưng thịt còn đang bốc khói và bát mắm tôm chưng, lóng lánh vàng óng nước mỡ bên trên. Phải chưng cho nóng cả 2 thứ mắm, mùi dậy ngất lên lúc vào mâm thì ăn mới ngon. Lũ trẻ háo hức và xuýt xoa. Mẹ bảo:
-         Mấy bố con ăn trước đi, tôi còn sốt tý cà chua chấm rau nữa, nhanh thôi.
-         Ồ, lại có cả sốt cà chua tóp mỡ nữa hả mẹ ? Nhất mẹ rồi đấy. Thằng Minh reo lên, nó có cái món này thì đúng là thủng nồi trôi rế.
-         Bố anh nữa, chỉ được cái khéo mồm. Mẹ cười nhẹ nhàng, các nếp nhăn như giãn ra trên khuôn mặt trái xoan đã in dấu năm tháng của ruộng đồng nhọc nhằn và sớm hôm thồ gánh ra các chợ đầu mối thành phố, gõ nhẹ vào đầu thằng Minh âu yếm…
-         Mẹ đãi công con nhặt rau với rửa rau đấy. Thằng Minh láu lỉnh với theo dáng mẹ đã chui chúi về phía bếp. Cái dáng đi không mà vẫn lộ vẻ tất tưởi của lao động, chưa phải là bưng biền nhưng thấu rõ của nhọc nhằn sớm khuya rồi.
    … Nhật cứ thần người trong cái giá lạnh mà nhớ về những sự ấm áp đó khi xung quanh là những xà lách, bắp cải đang mơn mởn tươi xanh trong cái tiết buốt này. Gió thổi ù ù, Nhật chỉnh lại cái nón đang bị lệch vì gió. Y nhớ nhà da diết, nhớ bố mẹ, nhớ các em. Con Giang hơn tháng trước lên thăm anh, giờ đã là cô sinh viên sư phạm năm nhất rồi, cứ ôm lấy anh mà khóc. Vừa nhìn thấy Nhật từ xa với cái dáng cao gầy bên cạnh thày quản giáo dẫn đường, nó đã hét lên rối rít rồi chảy nước mắt, Nhật còn đang đến gần thì nó đã lao ra ôm chầm lấy Nhật rồi cứ thế mà khóc, chả nói được câu nào. Nó cứ tức tưởi khóc như mọi sự oan ức trên cõi đời này đang dồn vào mà không làm sao giải tỏa được, Nhật ôm lấy em mà vỗ về, miệng thì bảo em đừng khóc nữa, lớn rồi khóc thế này mọi người cười cho, nhưng chính y cũng đang trào ra 2 dòng nước ở khóe mắt. Hai anh em cứ đứng bên ngoài phòng thăm phạm mà ôm nhau đến mươi phút, thày quản phải nói:
-         Vào nhà đi cháu, vào cho đỡ lạnh. Bố mẹ còn đang chờ kìa. Như sực nhớ ra, con Giang mới buông anh ra, cứ nghẹn ngào trong cơn nức nở:
-         Vào đi anh, bố mẹ lên thăm anh đấy.
   Mẹ Nhật cũng đang khóc. Mẹ cứ nắm tay Nhật mà sờ mà nắn, miệng thì than sao con gầy thế ???... mẹ Nhật xúc động quá nên cứ lặp đi lặp lại mãi câu nói đó trong 2 hàng nước mắt cứ giàn giụa tuôn xuống đôi gò má đã sạm đi nhiều vì thời gian khắc khổ. Bố thì ngồi im, gương mặt như đá tạc vậy nhưng đôi mắt ông thì long lanh những ngấn nước như chỉ chực chờ trào ra trong cơn ghìm nén. Mãi rồi ông mới thốt lên được trong sự rời rạc của câu nói:
-         Có khổ lắm không con, mày gầy quá. Thôi mẹ nó lấy bánh lấy giò cho con nó ăn đi không lại hết giờ thăm. Nhật quay sang bố. Bố Nhật cũng đã len lén lấy tay áo chấm lên khóe mắt rồi. Nhật nói:
-         Con làm khổ bố mẹ và gia đình rồi… Bao năm ăn học rồi phụ công bố mẹ quá. Chỉ nói được vậy, Nhật lại trào ra 2 hàng lệ, không ngăn dừng được nữa.
-         Hoàn cảnh nó đưa đẩy thôi con ạ. Đừng có nghĩ ngợi nữa, cố mà giữ sức khỏe. Chuyện qua cũng đã qua rồi, cố gắng mà chịu đựng. Bố Nhật sau khi đã hơi bình tĩnh sau cơn xúc động cố nén, nói.
    Mẹ đã lấy các thức trong cái làn đem theo ra bầy trên mặt cái bàn gỗ dài của phòng thăm phạm. Mẹ cắt miếng giò to, kẹp vào cặp bánh dày đưa cho Nhật, bố thì bật lon bia để trước mặt y, rồi ông cũng cầm 1 lon, nói với Nhật:
-         Uống nào, cái gì qua đã qua, cái gì đến sẽ đến. Sức khỏe phải làm trọng, con nhé.
-         Vâng. Bố mẹ và Giang ăn cùng con đi cho vui, con trong này cũng được anh em quý mến nên cũng đỡ, có thiếu thốn lắm đâu mà nhà mang vào nhiều thế.
-         Mẹ chả biết. Mẹ có biết gì đâu. Khi anh Luận (là đại gia mà Nhật làm vệ sỹ) đến báo cho bố mày biết và đưa sổ thăm khám của con thì mẹ đi chợ, mẹ hỏi người ta vào thăm thì mua những gì. Người ta mách thì mẹ mua thôi. Anh Luận dặn mua nhiều chút cũng được để làm quà luôn cho anh em trong này. Anh ấy cũng tốt đáo để. Còn cho mẹ tiền để mẹ mua quà đấy.
   Nhật lại lặng đi trong giây lát. Từ hôm lên trại này, Luận mới đến thăm Nhật 1 lần từ lúc còn theo quy định là chưa được thăm, giờ tính cũng đã tròm trèm 6 tháng rồi. ‘’ Chắc anh ấy cũng còn đang lo chuyện ngoài đó… ‘’, Nhật nghĩ vậy và không muốn nghĩ đến nữa. Y đã học được cách không giải đáp được thì quẳng cái suy tư đấy sang 1 bên cho nhẹ não, còn đầy thứ phải suy tính, quẩn quanh với 1 vấn đề thì đã không có cách để sáng tỏ mà lại hại đến cả những việc khác nữa. Nhật hỏi thăm mọi người, thằng Minh thế nào, đã đi làm ở Sài Gòn chưa… rồi quay sang con Giang, dặn em cố học thật tốt nhé. Nó bảo Nhật:
-         Giờ em dạy lại tiếng Anh cho anh được rồi đấy - Nó hớn hở khoe với Nhật, cặp mắt lá dăm vẫn còn long lanh và hàng lệ vẫn chưa khô trên đôi má - Em vừa thi TOEFL ( Test of English as Foreign Language ) đạt 110/120 điểm đấy (TOEFL là tiêu chuẩn bắt buộc đối với mỗi học sinh hoặc sinh viên muốn đăng ký đi du học ở các nước theo hệ thống giáo dục Mỹ), em mang vào cho anh ít sách tiếng Anh để anh ôn lại cho đỡ quên này. Nó rút ở cái túi vải vẫn đeo bên người ra 4, 5 cuốn sách, đưa cho Nhật.
-         Em gái anh giỏi lắm, giờ anh thua rồi. Anh mà thi thì giờ chắc được 50/120, có khi chả được đâu.
-         Anh nói thế. Anh thi chắc giờ cũng phải đạt được 75, còn nếu ôn tập thì đạt trên 87 là cái chắc.
   Ngày trước, Nhật chỉ tự học chương trình này thôi, đi thi thử cũng đạt 90/120 rồi. Giờ con Giang mang sách vào, Nhật sẽ ôn tập lại cho đỡ quên. Thoáng cái đã hết giờ thăm. Đống quà lỉnh kỉnh Nhật xách không xuể. Y ra ngoài ngó nghiêng, cùng lúc thì 1 thày quản phi xe máy từ cổng vào, Nhật liền tóm lấy, giả lả luôn:
-         Thày, thày giúp em cái này về buồng cái. Nhiều quá. Rồi em cảm ơn thày sau. Thày quản hơi lừng khừng, rồi cũng chất mấy cái túi to nặng kia lên chiếc Dream, phóng vụt đi. Bỗng 1 thằng phạm cũng vừa được thăm gọi với theo:
-         Thày ơi, mồ hôi nước mắt đấy thày nhé. Đếm kỹ rồi thiếu là đền thày đấy… Rồi nó cười nhăn nhở với Nhật, nói:
-         Thật chứ đùa à. Dọc đường lại rớt cây giò thì anh em lại đói.
   Có bố mẹ và em ở đó nên Nhật không tiện lên tiếng với thằng kia. Câu nó nói với theo thày quản tuy lấc xấc, nhưng phần nào là không sai. Nhưng ở môi trường này, ‘’ văn tù ‘’ như nó là chuyện phổ biến. Kể cả có dặn với mà thiếu bao thuốc hay cái gì đó cũng là chuyện thường, ngậm tăm mà thôi.
-         Ở lại con nhé, rồi gần Tết bố mẹ thu xếp lên thăm, giữ sức khỏe đấy. À anh Luận có gửi con này -Mẹ Nhật đưa ra 5 triệu – Thôi bố mẹ về nhé.
-         Con tiêu gì trong này đâu. Mẹ cầm về mà chi dùng. Nhật dứt khoát không cầm. Bố mẹ y không biết bây giờ, Nhật đã là thằng thuộc dạng được tiêu tiền của người khác rồi. À đưa con 2 triệu. Nhật đưa số tiền đó cho con Giang:
-         Cầm lấy anh cho. Mua lấy ít quần áo hay thỏi son hộp phấn gì đó mà dùng. Lớn rồi cũng phải vôi ve vào. Em gái anh xinh rồi, nhưng vẫn phải chăm chút tý nhỉ. Trong này anh đủ rồi, đừng lo cho anh. Gia sư cũng có tiền đấy, nhưng đây là anh cho, phải cầm nghe chưa.
   Con Giang lại thút thít. Nó lại ôm choàng lấy anh như mỗi khi thuở bé, thấy Nhật tranh thủ về nhà mỗi lúc việc học được giãn ra, là lại chạy ra lao chầm lấy anh, đu bám vào anh bắt cõng mà hỏi han đủ thứ chuyện thành phố. Giờ nó ôm lấy Nhật không chịu rời, không còn sự xúc động mạnh như lúc mới đầu nữa, nhưng lại là sự nghẹn ngào của chia xa. Nó thương anh trong cảnh giam cầm thiếu thốn này, trong cái lạnh mùa Đông mà không có chăn êm đệm ấm, ngủ sàn xi măng phủ manh chiếu, phải lấy giấy báo lót vào lưng cho hạn chế bớt cái lạnh lẽo khí đất cứ xông lên, len lách đến từng tế bào cơ thể, với bữa ăn lạnh nguội đóng váng của những bát canh lõng bõng nước… Nó cứ  ngào nghẹn mà khóc, mà tủi cái thân phận tù đày của anh nó, người anh cả trong nhà rất mực yêu thương cô em út bé bỏng, mà mỗi khi anh nó đi thi đấu có giải thưởng, ngoài vui chung với gia đình thì riêng nó bao giờ cũng có quà riêng, những con thú bông xinh xắn, những con búp bê tóc vàng với những cặp mắt mở to và bộ váy áo sặc sỡ, hay bộ chơi đồ hàng mà ngày bé nó rất thích, anh nó mua cho nó khi lĩnh kỳ học bổng đầu tiên… Với nó, anh cả là 1 trời của sự ngưỡng mộ thân thiết đến yêu dấu. Nó không che dấu cái tình cảm yêu thương ruột thịt với anh nó, chỉ cần có cơ hội là nó thể hiện như 1 nhu cầu tự thân của sự thân thiết vậy. Giờ nó đang gục vào ngực anh nó mà khóc rấm rứt, đôi vai tròn thanh cứ rung lên theo sự xúc động của cơn nức nở, của niềm yêu thương và sự xa xót…
   Nhật để cho em xúc động hồi lâu, chỉ vuốt tóc em mà không nói gì cả. Được 1 lúc, y nói:
-         Thôi về đi em. Gắng học cho giỏi nhé. Đừng lo lắng quá nhiều cho anh, kẻo ốm thì bố mẹ lại khổ đấy. Thỉnh thoảng về nhà hỏi thăm bố mẹ giúp anh. Rồi Nhật nhẹ nhàng gỡ tay em gái ra, đến bên bố mẹ, ôm lấy 2 người…..
   Lúc này, Nhật đang nhớ lại những cảnh đó, 1 cái gì lại nghèn nghẹn nơi cổ họng. Nhật dứt khoát đứng thẳng lên, ném cái bay xới đất ra xa xa, nói với Quân tít:
-         Anh à, rau này làm sốt cà chua mà chấm trong cái trời lạnh này thì xõa phải biết nhỉ?
-         Ông em lại rừng mơ cô hái mơ à ? Quân tít cũng thôi làm, đi đến bên đôi thùng, thủng thẳng lấy ra gói thuốc lào, nói tiếp:
-         Ra bắn 1 bi này cho nó ấm người, em. Không có rau sốt thì làm rau khô vậy. Hắn lấy chiếc điếu cày nhỏ tý làm từ 1 ống nhựa Tiền phong phi 32 bẻ trộm gần bể nước ra, tra thuốc vào nõ, rít 1 hơi sâu đến cháy đỏ tàn than, rồi khoan khoái thở ra làn khói xanh nồng đượm. Điếu cày cũng là vật cấm trong trại. Khi ra ngoài, hắn đã tìm mọi cách để cắt được 1 đoạn ống này, tự chế nõ điếu và giấu ở ruộng rau. Ở trong buồng muốn hút thì chỉ có quấn giấy báo mà hút thôi, mang giấu mấy cái đồ tự chế này vào buồng mà bị khám được thì ăn kỷ luật nặng. Mà cũng vì trời lạnh, các thày quản cũng trốn vào góc nào cho ấm chứ cũng không đứng mà canh nên thoải mái mà hút, chỉ đến hết giờ các thày mới ra gọi về thôi.
   Nhật cũng làm 1 bi. Hơi thuốc kéo sâu vào phổi, bốc tỏa 1 cơn ấm áp qua cổ họng, lan xuống ngực. Thứ thuốc này nặng, mặt khác, Nhật cũng mới biết hút thuốc lào, nên hơi nghẹn ở cổ làm y bật ho sặc sụa vì trót kéo sâu hơi thuốc. Cười khà khà, Quân tít nói:
-         Chú cũng quen nhiều ở đây rồi đấy. Nhắn ông già lần sau thăm mang thuốc này vào nhé. Ông già mua đâu thuốc phê đấy.
-         Khi nào ra, anh về nhà em. Ông già em có cái điếu bát từ thời các cụ để lại, chả biết có cổ không nhưng lâu lắm rồi, hút hay lắm.
-         Ừ, điếu bát chuẩn mà từ ngày xưa thì hút phê lòi mắt. Làng chú có nhà nào bán, chú nhờ tìm mua hộ anh 1 cái. Mỗi lần mà thèm hút lại phải cuốc mấy chục cây vào nhà chú hút nhờ thì anh đái ra máu. Quân tít cười khặc khặc trong cổ họng. Hắn tiếp:
-         Tý về làm cút rượu cho thông họng mới được. Rượu hôm nọ chú bảo thằng Thảo cất đâu đấy ?
-         Em bảo nó thôi chứ cũng không hỏi nó cất đâu. Nó sợ anh bỏ mẹ, nó không dám ẩu đâu.
-         Nói vậy thôi, chứ bọn ở buồng này nó cũng sợ chú đấy. Chúng nó sợ anh thì đương nhiên, nhưng nể anh thì chưa chắc. Chúng nó nể chú đấy. Anh cũng không ngờ trong trại này, anh lại gặp được thằng như chú. Chú bản lĩnh lắm. Đến anh cũng còn phải nể chú mấy phần thì anh biết chúng nó thế nào với chú. Quân tít ngả người ra vệ cỏ bên ruộng, mặc kệ cái hơi lạnh của đất, mặc kệ luôn cái trách nhiệm phải lao động, đã có thằng canh chừng cho hắn rồi, nên hắn cứ thoải mái mà nằm, tay gác sau gáy, chân nọ vắt chữ ngũ lên chân kia, hắn nói tiếp:
-         Qua Tết chú ra tòa hả ? Hắn hỏi mà không cần trả lời. Vậy thì anh em mình còn được với nhau cái Tết này. Cũng sắp rồi đấy. Tết trong này buồn lắm. Mỗi lúc Tết là 1 lần nhớ nhà, nhớ xã hội, nhớ đến kinh hoàng. Nhiều thằng số má tù tội, chém người như thái khoai không chớp mắt, thế mà cứ Tết là khóc như cha chết.
-         Thế anh có khóc không ? Nhật không giấu được vẻ tò mò.
-         Không, nhưng buồn lắm. Buồn đến không muốn động chân động tay nữa. Nhất là đêm 30. Những thằng mà không có tắc tế thì còn chán đến mức muốn tự tử nữa ấy - Chẳng chờ Nhật hỏi, hắn tiếp tục - Tết trại cho mỗi thằng nửa cái bánh chưng với nửa cân thịt, tươm tất hơn bình thường, nhưng Tết mà đã thiếu thốn lại không có chăm nuôi, không có tình cảm gia đình hay thân thích thăm nom thì chán đời lắm, hận đời lắm. Thế nên cái vòng tù tội nó cứ xoay vòng mãi thôi, ra lại vào, vào lại ra. Thằng nào có anh có em trong này hoặc có anh em bên ngoài nó tắc đồ thì còn đỡ, còn an ủi, không thì u uất lắm. Hắn lại nhỏm dậy nhồi thuốc, bắn 1 bi thuốc lào nữa rồi bảo:
-         Anh còn 2 năm nữa. Chuyển về trại này cũng được hơn năm rồi đấy. Thôi làm đã, sắp đến giờ về rồi. Chú vừa lành được chưa lâu, cứ túc tắc thôi để bọn kia nó đỡ cho.
   Nhật lơ đãng ngắm 1 dải mây xám vừa được 1 cơn gió nào kéo đến, vừa ngẫm nghĩ về những điều Quân tít nói. Con người này vẫn còn sự thiện lương nào đó chứ đã không hẳn là 1 con người tâm tính đầy thủ đoạn và nguy hiểm. Nhật chưa khi nào hỏi hắn nhiều về những chuyện đời của hắn, chỉ trừ những lúc hắn kể qua những khi bất chợt nào đó, hoặc sau chuyện Thảo ma chơi lén hắn. Thằng Thảo, sau lần được Nhật cứu, đã quỳ xuống và xin nhận Nhật làm anh. Nó thề sẽ trung thành cả đời với y. Nhật bảo với nó bỏ ngay cái ý nghĩ sẽ tìm cách chơi tiếp Quân tít đi và nói:
-         Nếu mày còn giữ cái ý định đấy lại, thì tao nói trước là mày sẽ ân hận cả đời đấy. Anh Quân đã định thịt gân mày, cho chân mày tự thối hết gân đi nhưng tại sao ông ấy không làm nữa thì mày tự biết. Để tao ra tay thì tao cứ nói luôn cho nhanh là mày không phải báo cháo cả đời đâu, mà mày sẽ vĩnh viễn nằm giường với ống hút đấy. Đừng bảo tao không nói trước.
Thằng Thảo thề sống thề chết sẽ không bao giờ dám nữa. Nó tìm mọi cách để chứng tỏ sự trung thành, nhưng Nhật và nhất là Quân tít thì chỉ cần nó cứ luôn rét run lên, đánh bại và vùi dập hẳn cái ý chí phản pháng của nó là được rồi, còn sự trung thành thì phải được kiểm chứng qua tháng năm nữa đã.

( Còn nữa…)
                    
Ảnh của Tiêu Phong
4000
  • THOMOC
    Đọc phần này tự nhiên thèm " rượu " !
    • Tiêu Phong
      Cụ Nam Cao bảo: Đừng có hoãn cái sự sung sướng đấy lại ! Thế thì làm luôn đi
  • Nguyen ha
    thật sự vẫn phải khen, phần này tớ rất thích! tớ đã rất xúc động! đã "rơi lệ" đấy! chắc cậu biết đoạn nào!
    còn đoạn tả cái mâm cơm ý! ối giời ơi! ứa..nước miếng đấy! sao cậu "đa năng" thế k biết!..
    công nhận khi cậu viết về đánh đấm thì rất lôi cuốn hồi hộp, tả các "ngón đòn" thì làm tớ muốn....đi học võ nhưng thực sự thích có lẽ tớ vẫn thích nhất fần này,fần viết về tc gđ..xúc động lắm!
    à! còn chị y tá liệu có còn "liên quan" k nhỉ??
    • Tiêu Phong

      Tiêu mỗ rất vui vì những gì Tiêu mỗ viết đã đem lại cảm xúc cho người đọc. Truyện còn tiếp diễn, các câu hỏi sẽ có câu trả lời
  • Jen
    • Jen

    • 11:49 8 thg 12 2012


    Qua thăm Phong ca. Bài vở của nhiều quá lo tải về máy đi...
    Muội cũng lu bu quá chưa làm được gì hết.
    • Tiêu Phong
      Bận quá chưa làm được. Để rảnh rảnh rồi làm vậy.
  • Thụy
    Không thấy bóng dáng P9, em mới còm cũng biến mất luôn.
    • Tiêu Phong
      Anh sợ bọn yahoo nó dở trò rồi. Hoặc là bị lỗi. Anh post từ chiều mà. Lúc nãy thấy có người nói ko thấy gì, anh xóa đi rồi lại thoát ra, post lại mà mọi người vẫn ko đọc được thì đành chờ mai xem sao vậy.
  • Minh Minh
    TP ơi, liệu MM có được đọc hết chuyện Nhat's story ở đây hông, nếu TP sang nơi khác TP đính kèm đường linh cho mọi người sang đọc nốt với nha. Những ngày cuối tuần vui nhé TP.
    • Tiêu Phong
      Tiêu mỗ sẽ cố gắng để trước khi blog bị đóng sẽ hoàn thành cái đầu tay này. MM sang blogspot đi, nhiều anh em bạn bè cũng rục rịch qua đó đấy, chắc Tiêu mỗ cũng thế, nhưng đang bận viết và công việc nên chưa xây nhà mới được, nhưng tham khảo thầy giao diện bên đó cũng ổn đấy.
  • Có khi nào...
    chưa kịp uống rượu với đại ca thì ông Yahoo đã tịch thu nhà. đuổi cả tập đoàn blog ra đường. chắc bầu rượu này đệ một mình nốc hết rồi. Đại ca ngoài ấy có nghe mùi hông ? - rượu thơm lắm à nghen !
    • Tiêu Phong
      Non xanh còn đó thì lo gì thiếu củi đun ??? Blog có phải yahoo hát bài '' Riêng 1 góc trời '' đâu ? Sang blogspot đi, Tiêu mỗ và 1 số bạn bè chắc cũng sang đó.
      Rượu cứ để sẵn đó nhá
  • Tiếng Lòng
    Đoạn miêu tả mâm cơm cứ như Vũ Bằng, Thạch Lam với Thương Nhớ Mười Hai và Món Ngon Hà Thành ấy. May mà không đọc vào lúc bụng đói TP ạ!
    • Tiêu Phong
      Cái món đó với cái mùa lạnh này hơi bị tuyệt đấy TL ạ. Thủng nồi trôi rế là thường, mà rượu cũng '' lục tốn '' nữa. Hôm nào TL thử làm đi, đảm bảo ông xã không khen ko lấy xiền luôn
  • Hoahong
    lặng lẽ thăm
    lặng lẽ đọc
    lạng lẽ về ......................HH
  • Gã Ăn Mày
    Cứ từng phần thế này thì Ăn Mày cũng bị nghiện.
    Chúc chủ nhà một tối an lành.
    • Tiêu Phong
      Cảm ơn '' bang chúng '' nhé.
      Đăng blog mà, viết đến đâu, post đến đấy.
  • Jen
    • Jen

    • 12:23 6 thg 12 2012


    Không ngờ Phong Ca sành ngón võ..lại sành điệu cả món ăn. Cứ như một bà nội trợ thật thụ.
    Diển tả cảnh gia đình quây quần bên mâm cơm cảm xúc quá. . Ước gì Muội cũng được như thế.
    • Tiêu Phong
      Tiêu huynh chỉ biết uống rượu thôi
      Đùa chút. Phải cảm ơn các độc giả trung thành đã có ngợi khen tác giả
    • Jen
      • Jen

      • 13:49 6 thg 12 2012


      Phong Ca Ca ui...Muội chưa thấy tí ti gì về tình yêu hết, Phải có xíu xíu cho hấp dẩn . giống như thêm gia vị cho món ăn được thơm ngon hơn nha Phong Ca
    • Tiêu Phong
      Ồ, cái đó có vẻ ..... hơi khó, chắc phải xin khất
    • Jen
      • Jen

      • 14:06 6 thg 12 2012


      Trời...cái gì viết cũng được hết . Thế mà tình yêu là đề tài muôn thuở của con người Phong ca lại bảo khó...chậc..chậc.
    • Tiêu Phong
      Cái ủy mị đó thì... Tiêu mỗ này lại không có khiếu
      Nhưng đã bảo khất rồi, có khi lúc nào đó rượu vào '' tây tây '' thì lại viết đc thì sao nhỉ
    • Jen
      • Jen

      • 00:38 7 thg 12 2012


      Cho Phong Ca nợ đấy. Sau này rình rình Phong ca " tây Tây" thì Muội sẽ nhắc nợ thoai...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét