Trong
giá lạnh của ngày Chạp, của mưa phùn bay lất phất, của độ ẩm đến nỗi
phải tạm dừng công việc, phải thắp đèn sưởi tường, tôi lại ngồi viết
tiếp về những ký ức lúc nổi lúc chìm của tuổi đồng ấu, của tuổi niên
thiếu đã là 1 thời xa lắm rồi ....
Những gì của nghịch ngợm con trẻ, của dại dột
thiếu nghĩ suy, chỉ biết làm mà chả nghĩ đến hậu quả thì âu là đứa trẻ
nào mà chả đã qua. Nhưng cái thời đầy tràn những trò chơi đường phố đó
với những cảnh huống thiếu thốn xung quanh mình cũng gợi lại những vui
buồn khi nghĩ lại. Thời bao cấp tem phiếu, nhà ai cũng cán bộ, cũng sinh
hoạt như nhau, nhưng mâm cơm cũng có sự khác biệt. Tôi còn nhớ rõ những
ngày ấy, bị bố cho ăn đòn vì không chịu ăn thịt mỡ. Nhà hàng xóm sang
can, bế về nhà họ dụ cơm. Mâm cơm toàn 1 màu đỏ nghệ của bí đỏ. Canh bí
đỏ, xào bí đỏ. Tôi ngó xuống gầm giường, lăn lóc có đến cả chục quả bí
đỏ nằm đó rồi. Chịu, cũng chả xơi được. Hồi đó toàn bị mắng là con nhà
lính tính nhà quan. Mẹ đi chợ về, với cái phiếu thịt mà hôm nào may mắn
mua được, chỉ là mua được thịt thôi, thì cũng cố mà xắt xẻo ra cho tôi 1
chút ít bạc nhạc hoặc ít nạc, thái con cờ nhỏ như đầu ngón tay, chứ đâu
được miếng mỏ như tô thịt bò lúc lắc của bây giờ. Mà vì tôi ăn kén, nên
mẹ dù cũng rất khó khăn, cũng cố mà chắt chiu cho tôi được bữa cơm có
thứ mặn. Trong cái khu tập thể, nhà tôi cũng thuộc loại cán bộ '' trung gian nịnh thần
'' như cái câu vè thời đó, nghĩa là bố có bìa C, có phiếu xăng hẳn hoi,
nên dù bơ sữa thì thảng hoặc mẹ mới dám mua, còn thì bìa C với phiếu
xăng quy đổi ra thực phẩm cho bữa cơm có đạm tất. Cái xe 67 chiến lợi
phẩm tiếp quản miền Nam, thành thứ xa xỉ trang trí, 1 năm bố lôi ra đi
khoảng vài lần, vì xăng còn phải quy ra đạm.
Bố tôi tiếp quản Sài Gòn, chiến lợi phẩm tiếp
thu gửi được cho gia đình 1 cái xe máy 67, 1 cái tủ lạnh 50 litre, 1 cái
giường đệm lò xo Mỹ, 1 dàn Akai, 2 cái tivi của Nich-xơn, cửa lùa
antenna râu bắt chéo, sừng sững như sừng hươu bắt nóc. Gửi biếu ông nội 1
cái, 1 cái để nhà dùng. Thế là kinh lắm của hồi đó rồi. Cái tivi thì
hồi còn ở Hàng Bột, hàng phố tối tối xách ghế ra chật kín vỉa hè, chỗ
đối diện vườn hoa Giám, để xem ké. Chả biết cái năm 77, 78 đó có chương
trình gì hay tiếp sóng của đài nào, nhưng còn nhớ cái chật kín của hè
cửa hồi đó. Về khu tập thể, nhà tôi cũng thuộc dạng của hiếm có tivi, có
tủ lạnh, có xe máy và dàn Akai. Những Khánh Ly - Sơn ca 7, Thanh Tuyền,
Thái Thanh tôi nghe và thuộc từ những ngày còn bé tý qua những cái băng
cối đó. Rồi cái tủ lạnh tham gia vào công cuộc góp đạm cho nhà tôi. Một
mẻ đá bán được mấy chục đồng. Hàng xóm nhà nào thân lắm mới thi thoảng
sang xin đá về pha nước chanh, vì họ cũng biết đá còn để bán. Hôm nào
mất điện thì coi như xong phim. Mà cái sự chập chọe của điện đóm thời đó
thì dân khu tập thể coi như sống chung với lũ. Rồi thời gian trôi đi,
tôi cũng chả nhớ cái dàn Akai nó cũng thành thực phẩm từ bao giờ nữa,
chắc quãng năm 80 hay 81 gì đó mà thôi. Cả cái khu tập thể 40 hộ dân,
chỉ có 2 nhà là nhà tôi và nhà sát vách có tivi khi mới chuyển về năm
1978. Sát vách là nhà ông Giáo sư-Tiến sỹ về sinh vật học, giảng dạy
nước ngoài nhiều nên cũng là nhà có cái ăn cái mặc, có cái xe Pơ giô đỏ
nổ phành phạch.
Cái nhà tập thể, hành lang chạy dài qua cửa sổ, cửa đi mỗi nhà
nên sinh hoạt các nhà như thế nào ai đi qua đều biết, và ai cũng coi nó
như là cái lẽ tất nhiên mà chả hề phàn nàn gì về cái tư duy thiết kế
của mấy anh Nga ngố khi đưa cái ưu việt XHCN của cái nôi Cách mạng đó
sang Việt Nam cả. Cứ thông thống thông thốc đồ đoàn sinh hoạt cơm ăn áo
mặc vào mắt nhau. Thế nên cũng chả có ai lạ gì gia cảnh xóm giềng hết.
Mà cũng do khó khăn, nên hầu hết các diện tích phụ đều được sử dụng để
sản xuất ra giá trị gia tăng. Nhà tôi cũng chả ra ngoài cái ngoại lệ đó.
Cũng lợn, cũng gà ... Rồi lợn không nuôi nổi, chỉ còn mỗi gà. Dãy
chuồng gà cao từ sàn lên nóc của khu phụ. Hồi đó mỗi khi tắm, tôi gọi là
tắm cám. Bởi mùi cám gà là mùi thường trực và khu trú lưu
niên. Bây giờ, mỗi khi thiết kế các không gian WC với bồn sục, tắm đứng
hay ghế gương trang trí tỉa tót ở bản vẽ, tôi thường nhớ về cái tắm cám
đấy mà nhỉa nhoáy thêm cho vui mắt cái cổ con gà đang mổ cám, tất nhiên
là cho vui rồi xóa đi thôi.Ấy thế mà cái trò gà tây gà ta đấy là bền nhất trong tất tưởi cuộc mưu cầu của yếu tố đạm cho bữa cơm. Những dán hộp giấy, mỏi hết cả cổ mà hồ khô bết tay, chả được bao nhiêu mà lỉnh kỉnh, lủng củng khắp nhà, tha đi tha về thêm nhiêu khê nỗi lủng củng xô xoạc của chồng đống sau xe đạp. Bỏ, 1 thời gian là bỏ. Mẹ nhận đan len thêm do cô hàng xóm có mối mang về. Chị em tôi có mỗi nhiệm vụ học xong là cho gà ăn, xách đá ra cân bỏ cho mấy hàng nước bán thêm chè đỗ đen. Nhắc chuyện cân đá, một lần nửa đêm mất điện, sáng ra đá không còn già trong nữa mà đã ngả sang sương xám, cũng chảy đi ít nhiều. Thế là cái bà bán chè cứ đành hanh đành hói đòi bắt nạt thằng bé con là tôi, đòi giảm giá, đòi bớt tiền, đòi lần sau phải nọ phải kia, lại còn dọa không chịu thì bà ấy không mua nữa... Hôm đó mẹ hứa bán mớ đá đấy, chiều về sẽ mua cá cho chị em tôi ăn. Cứ lẫn lộn lùng bùng giữa cái bắt nạt trẻ con của bà bán chè với cái uất ức trẻ thơ, tôi tự dưng rắn mặt ở tuổi lên 9, lên 10: Bác có mua thì mua, không mua cháu mang về pha nước chanh, mai cháu không mang đá cho bác nữa... Bà ấy tam bành lên, tôi cắp đá đi về thẳng. Chiều về mẹ hỏi, tôi nói lại, mẹ chỉ thở dài. Tối bà ấy qua nhà, nói bố mẹ tôi mang đá tiếp cho bà ấy, tôi ấm ức nói không mang nữa, nếu mang thì bà ấy không được bắt nạt tôi nữa..... Thế rồi bà ấy phải chịu. Nhớ lại chuyện này cũng vui vui. Cái chuồng gà còn theo gia đình tôi cho đến tận năm tôi vào lớp 10 mới dứt, bởi hồi đó mẹ tôi cũng bắt đầu đi bán hàng nửa buổi theo bà cô tôi trên Hàng Đào, nửa buổi đi làm viên chức, nửa còn lại thành phe buôn, cũng đã khá khẩm hơn rồi. Cái chuồng gà đó là thức ăn sáng của tôi, sáng dậy tự rang cơm, ra chuồng gà lựa trứng, đập vào cơm mà rang, vua chúa cực kỳ luôn.
Ngày đó, 1 trò giải trí mà bọn tôi hay làm sau khi bơi ở hồ lên, là vào tổ. Cái hồ ở khu tôi hồi đó chia cách với hồ khác bằng 1 dải phi lao trồng sát nhau. Bọn tôi hay trèo lên đó, vít cành phi lao lại, đan thành những cái tổ có nệm bằng chính lá cây phi lao. Thế mà cực chắc chắn, lại rất êm. Có lần mải nằm, ngủ quên mất, xuống đến nơi mất cả quần áo sách vở, lếch thếch quần đùi về chờ roi mông. Cái dải có cây phi lao đó, giờ là đường Huỳnh Thúc Kháng, những cái hồ qua dãy rặng đó, bọn tôi gọi là hồ Quân đội, bởi bên đó có khu nhà và doanh trại bộ đội, giờ thành khu nhà ở chia lô đẹp hoành tráng rồi.
Năm lên lớp 6, đúng sau ngày khai giảng, tôi và 1 thằng bạn bị cô hiệu trưởng lôi ra giữa trường cắt nham nhở cái gáy, cô đã nhắc hôm trước rồi, nhưng 2 thằng cậy có công với trường hồi đi thi vẽ, nên kệ không cắt. Ai dè cô cho 1 phát giữa trường. Thế là 2 ông mãnh rủ nhau lên đầu dốc Phụ nữ, là đường Nguyễn Chí Thanh bây giờ, vào hàng ông Tý xoét húi sạch bách. Hí hởn về trường. Cô hiệu trưởng lẫn cô chủ nhiệm cứ ngơ ngác hỏi tại sao húi trọc, còn 2 thằng ranh con thì nhơn nhởn đáp: Cô bảo em cắt tóc chứ có bảo em không húi cua đâu, vả lại tóc em đã nham nhở rồi, húi trọc đi thì tóc nó mọc lại mới đẹp ạ. Cô hiệu trưởng cũng ở khu tập thể nên biết bọn tôi, cũng đành cho qua chuyện láo lếu đấy. Vả lại cái lý của bọn chíp cũng chả bắt bẻ được.
Lên cấp 2 cũng là lúc thay đổi 1 số tâm sinh lý. Bắt đầu học đòi thói quân khu của quần dõng, áo sơ mi xẻ tà, dép nhựa trắng Tiền phong. Chơi với bọn trẻ làng từ thời Sao đỏ cấp 1, lên cấp 2 chả sợ cái gì cả với cái tâm lý đại bàng mới mọc lông. Có mấy chú bạn làng, học giỏi quá nên cứ tăng liền mấy ca, ở lại học cùng mình. Cái hồi người thì bé như cái kẹo mút dở, chân thì như que tăm cũng đòi quần dõng với dép nhựa. Mà xỏ được chân vào dép thì nó cứ lủng bủng dưới chân, chỉ chực tuột ra vì rộng quá, mãi đến lớp 7 mới tàm tạm vừa dép cỡ 38, là cỡ nhỏ nhất của dép nhựa Tiền phong rồi. Các anh lớn hơn quần ga quần xanh chéo thì mình cũng xanh chéo hoặc ka-tê 82 màu bộ đội, cũng gò dưới chân như người nhớn. Khệnh khà khệnh khạng bên mấy ông bạn làng cao hơn nửa cái đầu, trong cặp thì có vũ khí là cái roi đuôi cá đuối, động trận là lôi ra vụt nhau. Mà cái roi đấy quất đau điếng, tê liệt từ cái cảm nhận đầu tiên khi ăn đòn. Học cấp 2, bắt đầu cảm nhận rõ rệt hơn sự giàu nghèo khi cái khu tập thể Bộ ngoại giao đã thành nơi chốn cho cán bộ về ở. Con cái khu đấy cũng khác bên khu cán bộ thường. Mặc đẹp hơn, hiểu biết nam nữ cũng hơn. Nhìn chúng nó xúng xính như con công, khác hẳn mấy thằng quân khu quần dõng mà ngứa cựa, mà thành sự ghét. Thế là tìm đường để bin. Mấy lần bị bọn nó bật lại, rồi mấy chú bạn làng vào cuộc nữa... Khuất phục được bọn đấy là oai lắm rồi, lại thêm mấy bạn gái ở khu Ngoại giao đấy thấy mấy anh hùng khệnh khạng đâm lại mến, đâm lại làm quen, lại càng thấy cái anh hùng nhất khoảnh nó sung sướng, sung đến nỗi suýt thì bị đuổi học.
Hồi đấy bọn tôi hay bùng tiết đi nhởn ngoài khu. Vào lớp rồi còn ném cặp ra cửa sổ rồi trèo bàn, kênh nhau thoát ra vì cửa trường đóng rồi. Bị nhắc nhở vì bùng tiết bị xích quả tạ, vẫn bùng, bùng vì các bạn làng còn mời đi chơi, vì nhiều trò quậy phá ngoài kia hấp dẫn hơn 45' ngồi lớp. Thế mà vẫn học sinh tiên tiến đều như vắt chanh. Nhân dịp 1 chú bạn ở làng được nhà trường cho thôi học, điều tra 1 phát ra ngay mấy ông bạn hẩu hay tụ bạ, thế là nhà trường họp kỷ luật. Cô giáo chủ nhiệm bó tay không bênh được. Số vẫn may, cô giáo dạy Toán đồng thời là giáo viên chủ nhiệm lớp chọn của trường đứng ra bảo lãnh cho trường hợp của tôi và thằng bạn, vì điểm toán cô chấm luôn là điểm cao. Thoát nạn, cô dạy Toán gọi 2 thằng ra xạc pin. Đáng nhẽ bọn tôi cũng được vào cái lớp chọn đó, vì điểm thi chúng tôi cao, nhưng vì chúng tôi nghịch quá nên bị loại, học lớp thường. Cái lớp mà chúng tôi ném pháo vào, chính là cái lớp chọn đó do cô dạy Toán làm chủ nhiệm. Thế là từ đó ngoan hẳn. Chẳng ngoan cũng không được. Cô còn giấu cả gia đình cho mà còn không biết điều mà vẫn còn hượm hãi cái vụ giao du với các bạn đã được nghỉ học, thì có mà trời cứu và sự nghiệp trau dồi tri thức sẽ dừng ở năm lớp 7 nhé.
Thế mà vào lớp 8, tôi cũng lại được ưu tiên cho vác ghế đi học. Cái vụ đó cũng kỷ niệm bằng 1 trận tơi bời khói lửa của ông bô. Cô chủ nhiệm được các giáo viên lưu ý là em này nghịch lắm, không cho ngồi ở ghế của lớp nữa, nhưng muốn đi học thì tự mang ghế đi. Thế là 6 chú được self service, được ngồi hàng đầu kê vở lên đùi chép bài. Ngồi hàng đầu, toàn ngồi né khi làm bài kiểm tra để các bạn còn ghé mắt qua vai mình mà chép được, thế là sau 1 tháng xách ghế, tôi lại được thày giáo dạy Toán lớp 8 bảo lãnh cho về chỗ, lý do là tôi ngồi đó thì còn ồn ào hơn bởi tôi không thể không cho các bạn chép bài kiểm tra Toán của mình. Thày dạy Toán lớp 8 là thương binh, cũng nghiêm khắc nhưng rất tâm lý sư phạm. Sau đó thày đến nhà, nói chuyện với mẹ tôi và tôi. Sau buổi nói chuyện đó, tôi được về chỗ và cũng chấm dứt chuyện cho bạn chép bài bằng cách tôi phải tự hứa. Nhớ lại những chuyện này, thấy ấm lòng bởi các thày cô thời học cấp 1, cấp 2. Rất tình người và rất thương học trò.
Tuổi thơ qua đi, cái quá vãng của xa xưa giờ thành nỗi se se khi nhớ về. Sáng đi học qua cửa hàng gạo, ném vội cái cục gạch buộc cái bao bố có đánh dấu để xếp hàng cho mẹ hoặc bố ra mua gạo. Thời đấy chả ai ra kéo gạch mình xuống để chen hàng, xem ra ưu việt hơn và văn hóa hơn cái sự xếp hàng bây giờ. Đi học cấp 3, vẫn nhớ những sáng Đông lạnh, có hoe hoe nắng vàng hẳn hoi mà những cơn lạnh cứ se sắt từng cơn qua những lần áo mỏng. Còn nhớ có 1 bạn gái cùng lớp hỏi mình là mình có chị hay không, vì thấy mình mặc cái áo len màu vàng pha chỉ xanh, đúng là của bà nội cho chị gái, rồi mình mặc lại. Có mà mặc chống lạnh là tốt rồi, hơi đâu quan tâm áo nam áo nữ. Còn bà chị thì được các bạn hỏi thăm là chắc ông bô có hút thuốc, vì cái áo khoác đầy mùi thuốc lào. Vào cấp 3, lớp 10 rồi mà vẫn diện cái quần dõng ka-tê 82 có cái tivi đằng sau, các bạn nhắc nhở còn quay lại cười hồn nhiên hỏi lại: Mày có mà mặc không ??? Nó chế diễu thì nói chuyện với bạn bằng cẳng chân phạt 1 cú vòng cầu trúng bả vai, nó nằm xuống đất rồi còn hằm hè, được khuyến nghị ngay bằng 1 bản kiểm điểm, bởi bạn mà mình vừa tung cước là lớp trưởng. Chả thấy xấu hổ khi mặc đồ như thế nhưng mà không chịu được sự chế diễu thách thức. Thế là sau khi mẹ ký bản kiểm điểm hôm trước thì hôm sau mẹ mang đâu về được miếng vải xanh chéo, lại có ngay 2 cái quần dõng mới, diện ngất ngây. Hồi đấy bố cũng chả biết quân khu là cái mốt gì, thấy ông con mặc thế lại nối giáo cho giặc, một hôm xách về nguyên 1 bộ quần áo ga và 1 bộ pôn-pốt xanh mướt mát, mới tinh, thằng bé đu dây luôn, xin thêm đôi nhựa trắng mới cho tông-xuyệc-tông
Chỉ tội mấy bộ quần áo đó, phải chữa lên chữa xuống mới mặc vừa vì hồi đó còi quá. Giờ thì hoành tráng hơn nhiều. Hồi đó ở trường Chu Văn An cấp 3, có bà Hồng bán bún ốc ở tập thể của trường. Ăn 1 bát 100đ thì bán kiểu 100đ, ăn 200đ thì bán kiểu 200đ, nhưng bún bà này ngon khủng khiếp. Cái vị ngọt lịm của nước dùng rất khéo cứ bốc mùi thơm lên tận lớp ở các tầng trên, lũ học trò đứa nào có xu có hào cấm giữ được tiền trong túi. Cái bát bún là cái bát chiết yêu, húp vèo 3 húp là sạch bát, nhưng ăn là cốt nó thơm, nó ngọt chứ chả phải vì nó đầy hay nó tràn để mà no. Thế mà nó hấp dẫn cho đến giờ nhớ lại vẫn cảm được cái mùi thơm thuở ấy của bát bún với vài cọng rau thái chỉ bà ấy rắc kèm vào bát. Cái màu nước trong, có 1 hay 2 miếng cà chua nhỏ, lại loang ra miệng thành bát những váng đỏ gạch của màu nước béo, bóng bẩy và thơm lừng mũi ngửi. Hay là tại ngày ấy hàng quà cũng chỉ đến thế, nên nghĩ thế, cảm thế và nhớ thế ??? Chả biết, nhưng cái nhớ, cái ấn tượng thì nó tồn đọng đến tận bây giờ mà chẳng quên.
Hồi ấy đường tàu điện còn chạy qua cổng trường, nối chợ Bưởi với Đồng Xuân, Bờ Hồ. Bọn tôi hay bùng tiết chính trị đầu sáng thứ 2 để lên chợ Bưởi ăn cháo lòng, xong lại tạt té xuống Đồng Xuân. Tha thẩn đi bộ đầu sáng ngó nghiêng các cửa hàng, mà chỉ cốt là để ngắm cái nhà có 2 cái xe máy, 1 cái DD 70 đỏ cờ, 1 cái cúp 82 xanh dương ở dọc cái phố Hàng Đào hay Hàng Ngang gì đó không nhớ nữa. Ngắm cho đỡ thèm mắt, chứ có được sờ vào nó đâu. Bây giờ SH với xe xịn đầy đường, chứ hồi ấy Dream1 chưa có đề với DD, 82 xanh dương là đỉnh của các loại đỉnh rồi, mà có lẽ là đếm được trên đầu ngón tay bởi ông giám đốc Cty xe điện Thụy Khuê cũng chỉ đi đến xe cá xanh nhún nhẩy lên xuống mỗi khi khởi động mà thôi. Nhắc đến xe máy, lại nhớ ở khu tập thể, có ông thương binh cụt 1 tay, vợ gửi về cho cái City 102, bố cháu vác ra tập lái, cứ đổ dúi đổ dụi, đổ xẹo đổ xô vào các hàng rào cây ở đường khu tập thể. Cái xe đó cũng là cả 1 tài sản, là nhiều cây là nhiều chỉ thế mà cứ rầm rập nhằm rào gai mà tống, xước xát đến bà con xung quanh cũng xót hộ, xót thay. Người ta xa xót cũng chỉ vì tiếc cái mà người ta mơ ước không được, chứ chắc cũng chả phải vì thương ông thương binh. Sự nghiệp tập lái của ông thương binh cũng công thành danh toại khi niềm xa xót của bà con biến thành sự bàng quan, khi cái xe từ cái màu đỏ lộng lẫy biến thành tatoo với muôn vàn vết dọc ngang, móp méo và vỡ rạn của đèn trước đèn sau. Sự chinh phục tay lái của ông thương binh biến thành niềm công nhận về ý chí của bà con làng xóm đối với ông.
Vụn vặt về những chuyện ấu thơ, về tuổi trẻ con cũng chỉ nên là những dòng viết qua các bài đã viết. Nhớ gì viết nấy trong quên nhớ về ngày đã qua của hiện tại. Rồi biết đâu, khi qua bên kia dốc đời, lại nhớ về tuổi tráng niên mà viết lại, có thể thế lắm và cũng chả biết đâu được. Nhưng nghĩ suy thì vẫn là của mình.
Bạn có trí nhớ thật tốt. Vì nhớ được rất nhiều sự việc, rất nhiều hình ảnh, cả những chi tiết nhỏ. Và còn cắt nghĩa rất khúc chiết nữa. Nó làm cho người đọc có những hình dung và liên tưởng.
Trả lờiXóaMình nhớ chiếc xe máy đầu tiên bố mình đi từ Hà Nội về nhà là chiếc Cup 80 đời đầu, màu đồng nhạt. Cả xóm đến xem.Mình còn nhỏ nên thấy oai lắm.
Mình cũng nhớ có nhiều lần cùng anh trai đi xếp hàng mua gạo, hoặc thực phẩm. Là xếp hàng nhận chỗ hộ mẹ từ rất sớm chứ cửa hàng thì phải chờ lâu lắm mới mở. Mang một viên gạch từ nhà đi, để đặt vào hàng, còn bản thân thì có thể chạy nhảy xung quanh đó mà chơi.:)