Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

Tuổi thơ 1.

00:30 12 thg 1 2011Công khai6 Lượt xem 4
       Hà Nội những ngày cuối năm này, lạnh cắt da. Nhớ ngày bé đi học, cô giáo giảng tại sao cái rét như những ngày này được gọi là rét ngọt. Rét buốt như kim châm vào bất kỳ chỗ nào hở ra, các đầu ngón tay ngón chân có lúc tưởng mất cảm giác vì cái tái tê của giá lạnh. Hồi còn bé đó, mình thường xuyên phải ngâm chân nước nóng pha muối vì cước.

       Những ngày này, trẻ con được nghỉ học. Cái sự lạnh giá gợi nhớ về 1 tuổi thơ bé. Ngày đó cũng lạnh như thế này, cứ nhiệt độ báo 10 độ C là được nghỉ học. Thời đó trẻ con có trò chống lạnh cũng thú vị. Mỗi đứa có 1 cái ống bơ sữa bò, đục lỗ cho thông khí và được cầm toòng teng trên tay bằng 1 sợi dây thép móc vào 2 bên thành cái ống bơ đó. Cho củi và gỗ chẻ nhỏ vào, mồi lửa rồi quay tít mù. Gió bốc lửa qua các lỗ thông hơi nhỏ ở thành ống bơ, bốc phừng phừng. Khi ngọn lửa đã đượm, hơ tay vào cái luồng nóng bốc ra đó mà xoa xuýt, mà tận hưởng cái khói lửa xua bớt đi phần nào cái giá rét đang vây bủa quanh mình. Có khi 4, 5 đứa xúm vào, quây ống bơ để cùng túm tụm lại mà ngồi hơ tay, mà suỵt soạt cái mồm vì khoái trá. Củi với gỗ để đốt thì đầy. Khu tập thể đang xây dựng, những thứ đó do công nhân dùng để đun nấu thừa thãi. Khu tập thể vừa ở vừa là công trường xây dựng. Nếu bí quá, thì nguyên liệu được rút nhanh ra từ cọc rào. Thời đó nhà nào ở tầng 1 chả có cái hàng rào bằng găng, bằng cúc tần hay ô rô, đủ loại để rào vườn. Thế là chỉ 3 lay 1 rút, dùng chân bẻ hoặc gài vào mấy cái khe hở của các tấm bê tông đúc sẵn, hoặc đút vào mấy cái thân cần cẩu xếp ngổn ngang là bẻ tốt.
       Cũng chả biết cái trò đốt ống bơ để sưởi đó ở đâu, nhưng lần đầu nhìn thấy là do bọn trẻ con trong làng chúng nó chơi. Thế là trẻ con khu tập thể bắt chước liền. Vừa chống rét, lại vừa là trò chơi. Vung tay mà quay cái ống bơ thành vòng tròn trong không trung cũng nóng người. Có đứa cho nhiều củi lại thêm được tý giẻ dầu thì lửa bốc qua miệng ống bơ thành quầng to, thành cái vòng tròn lửa quay quanh người. Tuổi thơ đó, đứa nào đứa nấy như nhau, quần áo đùn đùn lớp lớp đến 5,6 cái áo sơ mi. Đứa nào được mẹ chăm có cái áo len tự đan là sướng rồi, hoặc là sang hơn thì cái áo mút. Chủ yếu mặc ngoài là áo bông trần hoặc áo bông có thêm lớp vỏ, dép lê đi tất hoặc dép cao su bán đầy, treo thành dải lủng lẳng ở đầu phố chợ. Làm gì có giầy hay dép quai hậu. Dép sam-pô là thứ hàng xa xỉ, con nhà giàu mới có hoặc bố mẹ đi miền Nam công tác mua ra cho con, mà quý như vàng. Mình có 1 đôi bố mua cho dịp đi công tác, để dành đến Tết mới diện.
       Sáng đi học thì ăn cơm nóng do mẹ dậy sớm nấu, làm gì có cho tiền đi ăn quà sáng như trẻ phố. Trưa về thì lục nồi cơm mẹ đã bọc giấy báo ủ sẵn trong mấy lần chăn chiên và 2 lần chăn bông to sụ đặt giữa giường. Mở ra nồi cơm vẫn còn nóng bốc hơi. Tự châm bếp dầu mà đun nóng thức ăn. Hồi còn bé tý ở trên phố thì không nhớ ăn sáng như thế nào, chỉ nhớ học mẫu giáo trường Mầm non A, nhoằng 1 cái có kẻng, cả lớp sắp thành mấy hàng chạy ra hầm trú ẩn. Chỉ là báo động giả cho trẻ con có thói quen thôi, chứ lúc ấy thống nhất rồi, bom đâu mà chạy. Nhưng trên phố, vỉa hè vẫn còn nguyên các hầm hình tròn. Vào học vỡ lòng và sau đó lên lớp 1 vẫn còn phải nghe kẻng chạy hầm. Thỉnh thoảng cô giáo lại cho đứa nọ cầm đuôi áo đứa kia, rồng rắn 1 hàng vào thăm Bác. Thấy Bác nằm đó, mặt hồng hào như ngủ, cũng được cô giảng là Bác đang ngủ, yên lặng nhé, tý nữa ra Bác cho kẹo. Mà cho kẹo thật. Mỗi đứa được mấy cái kẹo đỏ đỏ vàng vàng bọc giấy bóng kính. Rồi nhà mình chuyển về khu tập thể, cũng là lúc đi học vỡ lòng. Cũng chả bỡ ngỡ gì vì mới 6 tuổi, nhỏ quá. Chỉ nhớ là không được theo các anh các chú lớn tuổi cho trèo vào Quốc tử giám bắt châu chấu ma với cào cào cho chim ăn nữa.
       Nhưng ở khu tập thể cũng có nhiều cái vui. Tuổi thơ trôi qua với đủ trò. Khu tập thể hồi ấy được xây trên nền đất ruộng, giữa các khu nhà người ta dùng để trồng rau, tầng 1 thì họ rào lại khoảnh đất trước nhà để thành vườn trồng hoa và cây ăn quả. Nhớ có lần, mình đi học ngang 1 nhà có cây ổi rất to, rào găng lại đan sát mà gốc găng to như ngón tay cái người lớn, không bẻ được. Cây ổi có 1 quả ổi cực to, to như cái bát ăn cơm. Mình để ý đã 1 tuần mà không thấy nhà đó ra hái. Mình rủ 1 thằng cùng khu mình tối ra tìm cách ăn trộm. Hôm đầu tiên thì ông chủ nhà cứ thắp đèn đọc sách cạnh cái cửa sổ mở trông ra đúng cây ổi, 2 thằng vạch được gốc rào đủ chỗ 1 người lách qua thì mãi không thấy ông ấy đứng lên, đành ra về vì không về muộn được. Hôm thứ 2 thì thế nào cái chỗ mà mình với thằng kia đã vạch được ra đã bị buộc chặt bằng dây thép. Nhưng quả ổi thì vẫn lũng lỉu trên cành như trêu ngươi vậy. Bó tay. Bởi gốc rào đấy trồng rất sát, không thể bẻ được vì cứng và đan xen nhau ở trên, trừ là dùng dao mà phạng thật lực, nhưng đâu có làm thế được. Hôm thứ 3 mình lấy 1 con dao găm của bố thời chống Mỹ đi vạch rào. Lần này quyết tâm phải cắt bằng được quả ổi kia. Thế là con dao có tác dụng. Thằng kia giữ gốc cây, mình hị hụi cắt để không gây tiếng động. Con dao sắc kinh khủng, dây thép nhỏ quấn quanh gốc găng bị nó cắt đứt rời. Cửa sổ vẫn mở, vẫn có đèn và quyển sách, nhưng ông chủ chắc bận cái gì đấy, mình lẻn vào cắt ngon quả ổi. Hai thằng hí hửng trèo lên cái dãy thân cần cẩu xếp đống, đàng hoàng bổ ổi chia nhau, ăn no. Thời đói kém, đúng là miếng ngon nhớ lâu. Còn chuyện nhảy vườn nhà người ta mà hái trộm quả lựu hay vặt táo, ngắt đu đủ thì thằng trẻ con nào ở khu tập thể mà không kinh qua. Chỉ nhớ 1 lần, mấy thằng rủ nhau vào vườn mía bẻ trộm, bị ông chủ đứng ở tầng 3 nổ súng. Ông ấy biết có trộm mía nên hét tướng lên là không được bẻ mía, nhưng kệ. Khu tập thể thời đó mất điện thường xuyên, tối om có nhìn thấy đâu mà sợ ông ấy mách bố mẹ. Ông này là bộ đội biên phòng, cái khu nhà ông ấy ở cũng là tập thể bộ đội biên phòng nên ông ấy rút séng ra, bòm mấy phát. Bọn mình chạy té tát nhưng vẫn lôi theo được 2 cây mía đã bẻ. Thấy bảo sau đấy ông ấy bị khiển trách gì đó về cái vụ nổ súng dọa trẻ con trộm mía đấy. Đúng là trẻ con mất lòng người nhớn. Khé khé...
       Dưới nhà mình có nhà trồng mấy cây dâu, quả chín tím sậm, to như ngón tay út. Bà này trông dâu rất kín, không vạch rào được. Mỗi lần bà ấy gọi người vào bán dâu, trẻ con thèm nhỏ dãi mà chẳng làm gì được. Của đáng tội, thỉnh thoảng bà ấy cũng cho bọn trẻ tý dâu còm, nhưng quả thì xanh và chua loét. Một hôm ngồi ở nhà thằng tầng 3, mình nghĩ ra trò đặc công. Trèo qua lan can xuống mái chuồng cọp nhà tầng 2, bám song sắt chuồng cọp xuống nhà tầng 1 có mấy cây dâu ấy. Đúng là hết khoét vách rồi lại đột vòm. Chỉ ngặt 1 nỗi là anh em cái thằng tầng 2 nó lại ngoan, học giỏi có tiếng ở khu, chắc nó không cho mình trèo qua nhà nó. Đành xuống thuyết khách. Anh em nó chịu, nhưng đòi 1/3 số thu. Lần đầu tiên biết qua sông lụy đò là thế nào. Mình bảo không được, tao trèo thì bọn tao phải được nhiều, chia 4. Chẳng là anh em nó bị khóa cửa suốt ngày, có đi đâu được nên mình nghĩ ra cách bồi dưỡng, mình bảo tao sẽ kiếm cho anh em mày mấy con chuồn chuồn ngô và chuồn chuồn ớt hẳn hoi, thi thoảng sẽ cho thêm chúng mày mấy con cá cờ nữa. Anh em nó ok. Những trò câu cá, câu lươn, dính chuồn chuồn, bơi lội hay bắt giun cho cá ... ect... là rất bình thường, nhưng lại là mơ ước với 2 thằng lớp 1 đã đeo kính cận vì bố mẹ bắt học nhiều và bị nhốt suốt ngày. Lần đầu tiên, thu hoạch cả cái rổ to tướng, toàn quả tím sẫm ngọt thỉu. Quả to mà đỏ hồng không thèm lấy. Mình đặc công được vài 3 lần gì đó thì chán, nên nói với anh em thằng tầng 3 là chúng mày muốn ăn thì xuống mà lấy, tao chán rồi. Chúng nó bảo bọn em bé hơn, trèo thế nào được. Mình bảo bọn mày tìm thằng khác thích ăn rồi bày cho nó xuống mà lấy. Nhưng có thằng nào gan mà trèo đâu. Bẵng đi rồi 1 hôm bà chủ nhà bắt được 1 thằng to gan, dám trèo rào vào trộm dâu bà ấy. Cái thằng trời ơi ở khu công nhân gần hồ bị bà ấy đổ riệt cho là lấy dâu của bà ấy mấy lần rồi, bà ấy tóm sống đưa ra đồn, bắt bố mẹ thằng đất hỡi kia đền số dâu của mấy thằng mình đã cho vào bụng. Chuyện cũng chỉ biết đến thế, chứ có đền hay không thì mình không biết. Mình nghĩ là không vì cái thằng đấy lớp 4 đã thấy nó vác búa ra đập bê tông vụn để lấy sắt bán, đến lớp 6 thì nó nghỉ học vì nhà nghèo và công cuộc đập phá bê tông bán sắt vụn của nó đã được nâng cấp lên thành chuyện dỡ cả cổng sắt công trường đi bán.
       Lớn lên 1 tý, học lớp 8 để thi vào 10. Bọn mình có 3 thằng chơi với nhau, cùng rủ nhau học thêm. Một thằng có ông bác là giáo viên dạy Toán nên ông ấy mở lớp dạy ôn thi vào 10 ở trên phố Hàng Cân. Hồi đấy vợ ông bác dạy học bán thêm bánh rán vào buổi tối, bán ngay vỉa hè trước lớp học. Khổ cho bọn trẻ con. Trời lạnh như cắt, co ra co ro mà cái mùi bánh rán nóng cứ nhởn nha nhởn nhơ trước mũi. Mà làm gì có tiền. Bác nó cho thì cũng chỉ cho 1 vài lần, chứ hôm nào đi học cũng cho thì còn chó gì là vốn. Thế là 3 thằng cứ đến học, cất xe vào sân trong là nhởn tót ra bờ Hồ, dạo suông cho đỡ cuồng cẳng và đỡ thèm. Thấy mấy cái bàn xổ số ghi giải độc đắc 12 triệu, cứ mơ trúng thì tha hồ ăn bánh rán. Ngô nghê thế đấy. Thời đấy mới đổi tiền xong, cán bộ công nhân viên chức lấy đâu ra mà đổi nhiều. Chỉ biết chả có tiền có nong gì cả. Có lần thèm quá, nói mẹ cho con tiền mua bánh rán. Mẹ cho tiền mua 2 cái, nhưng bác nó lấy vốn bán cho 3. Đi học thêm về cũng khoảng 9h tối, đường vắng tanh. Về đến Nguyễn Thái Học là đã vắng lắm rồi, chỉ hiu hắt vàng vọt ánh đèn đường với mấy khoảng tối sáng. Bọn mình vừa đạp vừa ước giá có cái xe đạp 3 người ngồi được thì tiện biết mấy, vừa đỡ nhiều xe mà vừa ấm vì 3 thằng cùng tăng bo thì khoái hơn nhiều. Cát Linh hồi đó cũng vẫn chỉ là khu vực tiếp nối nội đô với ngoại đô, hai bên lề đường thì đầy cát bụi. Về Giảng Võ qua hàng phở Sinh thì chỉ muốn 1 là cái hàng phở đấy nó biến mẹ nó đi, 2 là có xu có hào vào xơi 1 bát. Bởi chỉ từ xa đã ngửi thấy mùi phở thơm ngào ngạt rồi. Nó thúc giục và thách thức cái dạ dày trống rỗng và luôn thiếu thức ăn ngon, mà phở thì là thứ cực xa xỉ với chúng mình hồi đó. Giờ thì con mình có nịnh chúng nó mới thèm ăn hết nửa bát, thằng nào thằng đấy gầy nhách như trẻ con Somali. Nghịch thì lại dek bằng mình hồi bé, nhưng cũng như quỷ sứ cả lũ.
Continue.....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét