Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Tản mạn Chạp áp Tết

23:42 25 thg 1 2011Công khai7 Lượt xem 9
   Đã là ngày cúng ông Công ông Táo về Giời rồi. Chóng thật. Ngày xưa, khi đọc bài thơ '' Ông đồ '' của cụ Vũ Đình Liên, cứ tưởng tượng xem cái cảnh sắc Tết ngày đó ra sao mà tưởng với cái thực tại, bởi có còn ai treo câu đối ngày Tết đâu. Cái thời bao cấp, sự vật lộn với đời để làm đầy cái dạ dày làm khuyết đi cái nhu cầu của tâm hồn. Cái man mác buồn của bài thơ Ông đồ vẫn còn đó, nhưng cũng đã khác với thực tại bây giờ. Khác nhiều lắm.

                                                   Ông đồ.
                                                                                    Vũ Đình Liên (1913-1996)
          Mỗi năm hoa đào nở
        Lại thấy ông đồ già
        Bày mực tàu giấy đỏ
        Bên phố đông người qua.

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”.


         Nhưng mỗi năm mỗi vắng
         Người thuê viết nay đâu?
         Giấy đỏ buồn không thắm;
         Mực đọng trong nghiên sầu...

Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay.
Lá vàng rơi trên giấy;
Ngoài giời mưa bụi bay.

          Năm nay đào lại nở,
          Không thấy ông đồ xưa.
          Những người muôn năm cũ
          Hồn ở đâu bây giờ ?

     Nhưng đó đã là cái ngày đã rất xa rồi. Khoảng thời gian đủ để 1 con người hạ sinh và trưởng thành thành 1 ông tướng. Sự man mác của bài thơ đã nhường chỗ cho 1 thế hệ Ông đồ mới trải chiếu ra 1 dọc dài quãng vỉa hè phố Văn Miếu, dựa tường Quốc Tử Giám rồi. Cái man mác hoài xưa của những ngày tháng mà giá trị tinh thần của chữ thánh hiền được tôn vinh, nhất là vào những dịp lễ trọng như ngày Tết, đã bị nhạt nhòa dần theo những tháng ngày của giải phóng Thủ đô và xây dựng niềm tin vào xã hội xã hội chủ nghĩa bằng cách tập thể hóa mọi thứ, bao cấp mọi thứ với sự không bằng lòng cũng chẳng được của tem, của phiếu, của sổ gạo ... Sự rơi rụng chữ nghĩa thánh hiền trong ngày Tết nhất cũng là cái lẽ tất yếu với cái nỗi lo cơm áo gạo tiền, để mà '' Ăn đói quanh năm '' thì cũng phải '' No ba ngày Tết ''. Có thực mới vực được Đạo, phải thôi, phải No đã chứ Đói thì chữ nghĩa cũng chẳng cảm được, chẳng vào được mà ngẫm với nghĩ, mà luận với triết.
     Cái sự lo lắng cho cái Tết của ngày bao cấp cũng khác nhiều bây giờ. Quan trọng nhất là nồi bánh chưng. Bánh chưng là thứ không thể thiếu và là biểu hiện đặc trưng nhất cho cái Tết, cho sự lo lắng và chuẩn bị. Nào là lá dong, mà phải là lá không rách, dày và rộng bản. Nào là lạt buộc đã chẻ. Nào là gạo nếp, mà phải là nếp tốt, chứ cái thứ sượng sùng thì đã dính răng lại thêm nỗi chê bai và tủi của phận nghèo. Rồi đỗ xanh, rồi thịt lợn, củi lửa nồi niêu mà đun mà nấu mà luộc cho nhừ, cho rền bánh. Rồi thì la liệt xoong to chậu nhỏ, không có thì đi mượn đi mõ đâu đó về cho đủ. Những cái chậu to đoành để ngâm gạo, ngâm đỗ, tranh thủ lúc nước nôi đâu đó đầy tràn mà rửa lá dong, mà vo gạo với đãi đỗ xanh. Rồi luộc đỗ nặn nắm, những nắm to như quả bưởi con và ướp thịt, những miếng thịt thái to bản, dày cả đốt ngón tay nạc mỡ bì bèo đủ phận. Và gói bánh. Thể nào trẻ con cũng loanh quanh bên các mâm đồ đoàn gói gém đó mà nháo 1 chút đậu vãi cho mồm mà nhấm nhẳn vui thú, mà chờ để sai vặt và cái chính là trông chừng xem cái bánh chưng con mà bố mẹ đã hứa sẽ có gói hay không, mà yên tâm, mà thấp thỏm mà háo hức mà chờ đợi.
     Những bó củi to đã được chở về từ cửa hàng thực phẩm bách hóa, từ đâu đó, được gọn ghẽ chằng buộc sau xe đạp, được xếp đống để chờ góp phần vào cái lo lắng lớn nhất của cái Tết. Mọi người chia nhau ngày luộc bánh bởi cái hầm cầu thang khu tập thể thì chỉ có 1. Lại có những nhà chung nhau cùng luộc bánh, góp củi góp nồi, bánh anh lạt trắng bánh tôi lạt đỏ nhé. Trong cái lạnh của đêm Chạp, của gió mùa cứ thun thút thổi qua cổng trước ngõ sau của cái hầm cầu thang, ánh bập bùng của ngọn lửa Đông được tiếp củi để đượm lửa luôn luôn, làm rạng rỡ và hồng hào những gương mặt xung quanh, những lách tách của củi nỏ và xọt xẹt tiếng tàn than bắn vi vút ra xung quanh, người ta quây quần với nồi bánh, kháo nhau nhà ai gói bánh 2 miếng (là 2 miếng thịt), nhà ai gói 1 miếng, to nhỏ thế nào mà ngậm ngùi với nhau cái cơ lỡ của tài chính gia đình ngày chạp Tết ... Những củ khoai nhỏ được vùi vào đống tàn than, đảo liền tay để khỏi cháy, được xuýt xoa nhẩy tung tẩy trên bàn tay bởi nóng, để góp vui cho cái cuộc luộc bánh ngày Tết, và vang lên sự thích thú nho nhỏ khi vớ được củ khoai nghệ, ngọt đẫm mà dẻo dai.
     Cái sự mua sắm Tết cũng lắm lúc làm thừ mặt người lớn. Cái sự xếp hàng mua được thịt thà gói bánh và may mắn dôi được nồi thịt nấu đông đã là may lắm rồi, thảng hoặc thì mua được gà. Còn thì liều liệu từ mấy tháng trước mà quy phiếu ra tiền mặt, đến lúc ông Công ông Táo với tất niên, mồng 1 còn có con gà mà cúng thần linh, thổ công và tổ tông các thức. Cái thời, chơi được với 1 cô mậu dịch viên thì danh giá hơn nhiều chơi với 1 ông trưởng phòng của 1 Sở nào đó. Bởi bữa cơm gia đình sẽ bớt nỗi lo lắng của xếp hàng, của đến lượt thì gặp cái lạnh tanh, cái dửng dưng của: Hết hàng !!! hay chỉ còn cái bèo nhèo bẽo nhẽo của mỡ không ra mỡ, nạc chẳng được gọi là nạc, mua thì mua, không mua vớ vẩn còn được khuyến mại thêm ngoài vẻ lạnh tanh là cái nguýt cái gắt: Không mua tý chó nó ăn hết. Nói không ngoa, có cô mậu dịch viên được 1 chú bây giờ gọi là đại gia, đặt hàng đàng hoàng hàng ngày lòng phèo mỡ bạc nhạc, hàng cân luôn. Chó nhà chú ăn còn sang hơn người nhiều. Cái thời, có mà ăn là tốt rồi, giới cán bộ mấy ai quan tâm ngày nào thì ăn được thịt chó, ngày nào kiêng !!! Thấy 1 thằng cùng khu nó lấy cơm nguội trộn mỡ lợn đông trắng để trong cái ang sứ, rắc muối trắng vào đảo vào cái, ăn ngon lành cả tô cơm mà rùng mình, giật hết cả nẩy lên hỏi nó: Sao không rang lên mà ăn ??? Nó đáp: Hết dầu rồi. Dầu đây là dầu để đun bếp chứ không phải dầu ăn. Mất điện nhiều đến nỗi dân vui mồm mỗi khi mất điện gọi khu mình nên đổi tên là khu thành cổ.
     Cái nhộn nhịp của Tết bây giờ sao cứ thấy cái gì nó xô bồ, nó hối hả như sự đua tranh đến miền tươi sáng nào đó vậy. Ngày trước cũng đầu tắt mặt tối lo Tết, nhưng cái sự lo lắng đó có lẽ chỉ gói vào mấy chữ lo no, lo có, chứ lo đủ thì nhiều người chắc cũng còn chưa đạt đến. Bởi cũng là nồi bánh chưng, con gà cúng giao thừa và mâm cơm tổ tiên sáng mồng 1. Cán bộ đã được cơ quan lo cho hộp mứt, gói kẹo Hải Hà hay Hải Châu gì đó, rượu thì rượu chanh, rượu cam xanh xanh đỏ đỏ ai cũng như ai. Bao cấp XHCN đã cào bằng các giá trị, các khoảng cách bằng sự phân phối tất tần tật mọi thứ đối với cán bộ qua các hộp mứt mà nội dung thì như nhau tất. Thế nên cái sự lo chỉ là nồi bánh chưng, con gà cúng với thêm các đồ trữ sẵn cho mấy ngày Tết, tùy từng gia cảnh. Giờ thì chợ đóng tối ngày 30, qua mồng 1 đến mồng 2 đã mở rồi. Hàng hóa đầy các phố, các khu. Siêu thị to nhỏ đủ loại, 1 vòng 2 tiếng là đã chất đầy đồ cho ngày Tết. Vậy mà cứ ào ạt, nghèn nghẹt xe cộ trên đường trên phố ngày áp Tết. Nào đi lo công lo nợ, nào đi trả lễ trả công, đi biếu đi chúc Tết sớm... Đủ cả.
     Chạp Tết, qua vòng vèo những phố những đường, những hối hả vun vút lao qua mình, những nhẩn nha xem đào thăm quất, những thích thú và cả sự háo hức tò mò trên những gương mặt dọc vỉa hè phố Văn Miếu, đã thành lệ cho mấy năm nay các bác đồ trẻ đồ già ngồi vung bút bán chữ. Bán chữ, không được nhã lắm nhưng gọi thế cho đúng sự việc. Ngày trước, chữ Nho, chữ Hán được các cụ gọi là chữ thánh hiền bởi cái sự học mà nắm được chữ, hiểu được nghĩa nó kỳ công và để có võng lọng vinh quy thì cái sự nhiêu khê cũng truân chuyên lắm, mới thành tích Lưu Bình - Dương Lễ, mới có những trang văn thành Lều chõng của cụ Ngô Tất Tố, mới được dân nhặt giấy có chữ mang đi hóa chứ không gói hàng gói xôi như báo chí bây giờ. Và người ta gọi là đi xin chữ. Dù gọi là xin, nhưng cũng trả tiền đàng hoàng. Những ông đồ trên hè phố Văn Miếu, giờ cũng đã treo đủ thứ từ chữ viết đến bản in sẵn, trên đủ loại giấy với kích cỡ màu sắc khác nhau, cạnh tranh từ vẻ ngoài áo the khăn xếp đến trang trọng lịch sự complet cà vạt, từ chữ Hán đến chữ quốc ngữ, đọc cả mặt trước lẫn mặt sau cho có sự khác biệt chiêu thức bán hàng, và cả độ tuổi nữa, thành buôn có bạn bán có phường, sao nhìn vẫn thiếu đi nét nho nhã của chữ xưa, người xưa.
  • h ok phai? dau biet la` chao o day that le^~ voi chi. LamKhe nhung ma` may hum nay hok di dau duoc...cho can tet chuc' luon, ban ron qua' ban gia` ah. tam tu hok ranh ..
    • Tiêu Phong
      Dạo này cũng bận rộn à bạn già ??? Bên này thì cứ áp Tết là mọi sự cũng bận rối lên. Nào lên danh sách các nơi cần quà cáp, cân đối quà, mua rồi..
  • lam
    • lam

    • 15:08 27 thg 1 2011


    @Tiểu Cô Cô : Chị chào TCC nè. Chúc em một năm mới an lành, hạnh phúc nhé. Lúc nào chị lk sẽ qua thăm TCC nha. ( hình như TCC ở nước ngoài hả? em có ..
    • Tiêu Phong
      Bạn già em sống ở xứ sở tự do, hít cùng bầu không khí dân chủ với anh nhọ Obama chị ạ.    
      Bạn già em đang hẹn hè về xơi thịt em, còn giờ thì đ..
  • lam
    • lam

    • 14:57 27 thg 1 2011


    UI , sáng hum qua chị cũng đi chợ bên khu nhà mình đấy TP à , chi và Bi cũng hay bức xúc về cái sự chật chội nhếch nhác vì bị lấn chiếm của khu nhà ..
    • Tiêu Phong
      Em cũng thỉnh thoảng về nhà cũ, thú thực là cũng mừng vì chuyển đi sớm, chứ ở đấy sợ con em nó hỏng mất. Mình đi tối ngày, xung quanh thì văn hóa s..
  • Đào Hoa cốc chủ
    Mỗi năm hoa đào nở Lại thấy tốn nhiều tiền Hoa càng ngày càng đắt Mà lương chẳng thấy tăng hehe
    • Tiêu Phong
      Bao thằng được biếu xén
      Chỉ trừ riêng mỗi mình
      Đành mơ hoa đào nở
      Với chúng mình nhung nhăng
         
  • Tiểu Cô Cô
    vừa mừng cho bạn già, vừa tuổi thân thôi... nhân tiện em chào Chị Lam Khê ạh...
    • Tiêu Phong
      Chào hỏi thì sang nhà chị ấy chào hỏi tử tế chứ, ai lại chào hỏi  nhà tớ thế.
         
  • Tiểu Cô Cô
    Bạn Già được chị Lam Khê gọi bằng Bé ... ui nghe sao "sương" thì thôi, chợt nhớ bạn già với gương mặt trắng tròn mũm mĩm...so cute . ..hehehehe.... l..
    • Tiêu Phong
      Ờ, chị Lam Khê là hàng xóm cũ của tớ đới cậu. Cậu phải mừng cho tớ, oách cà là mờ vì 4 xọe rồi vẫn được gọi bằng '' Bé '' nhá, cậu nghe mà cậu t..
  • Tiểu Cô Cô
    Cám ơn bạn già nhé, Chuồn về lại HN rồi, và sẽ ít thời gian lên Blog... cơ hội càng xa Fly nhiều . 
  • lam
    • lam

    • 04:27 27 thg 1 2011


    Chị đọc bài viết của TP mà cay cay mắt nè... Uh, nhớ cái khu nhà mình mỗi dịp Tết xưa em nhỉ. Cho đến năm 2000, khi Chị từ nước ngoài về lại HN và c..
    • Tiêu Phong
      Lạ là những cái hồi bé thì nhớ thế, vậy mà lúc lớn lên thì lại rơi rớt đi cả. Giờ thì em nhớ ra chị rồi, hồi đó cứ thắc mắc '' Chả biết cái bà n..
  • Tiểu Cô Cô
    Niên Niên Khang-Kiện Hạnh-Phúc, Tài-Lộc Tồn. Gia Gia đồng Hỷ Lạc, Nhật Nhật Hỷ Hỷ ca. ♥♥♥     ♥    
    • Tiêu Phong
       '' Ông đồ ngồi phơi râu/ Ai còn tìm thuê đâu ...''
      Bác tác giả này nhí nhảnh gớm   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét