Trước tiên, xin chúc mừng, chúc mừng 1 cách thành thật đến những ai đang làm thày trên dải đất hình chữ S này, vào ngày tôn vinh các nhà giáo.
Ngoài đường, từ mấy hôm nay, đã thấy những hàng hoa đứng bày bán nhiều hơn thường lệ, hoa bó nhiều màu, lớp lang đủ sắc, phố phường như vui hơn, nhộn hơn và bắt mắt hơn.
Ngày trước, ngày Hiến chương các nhà giáo được dân gian chệch trẹo đi thành ngày Hiến cam các nhà giáo. Cái chệch trẹo đó cũng đủ nói lên 1 thời của đất nước, sự tôn vinh thày cô cũng chỉ là cân cam vào ngày đó mà thôi, tấm lòng '' yêu lấy thày '' của cha mẹ học sinh cũng chỉ cân đong đo đếm trong sự định lượng vật chất giản dị vậy thôi.
Thời những năm 80 đến cuối thập kỷ đó, thế hệ học sinh đến chơi với thày cô giáo vào ngày này đầy những tin yêu, ngây thơ và trong trắng. Đến nhà cô giáo chủ nhiệm rồi, lại bàn nhau đến nhà thày cô bộ môn nào, nhao nhao những ý kiến về cô thế này, thày thế kia, những lý do để tin, để chắc rằng thày đó, cô đó rất đáng là lý do để 1 lũ quỷ sứ kéo đến, có khi cả lớp, với chỉ 1 cân cam và bó hoa nhỏ. Để sau đó, thày và cô vào nhà, lấy thêm cam cho lũ quỷ bổ ra ăn, chứ cân cam kia có phải nồi cơm Thạch Sanh đâu mà đủ cho mấy chục cái miệng !!!
Ngày đó, nhớ lại mà cảm giác ấm áp cứ lan tỏa. Sợ cô lắm, sợ thày lắm, nhưng yêu và mến thì cũng đinh ninh. Làm gì có dạy thêm với học thêm. Cả lớp chừng 40 đứa là kịch, thì học sinh giỏi họa chăng, may mắn lắm 1 lớp có chừng 2 đến 3 bạn, còn học sinh tiên tiến thì chừng hơn chục, mà tiên tiến với 6,5đ trung bình môn đã là hãnh diện lắm rồi.
Cô giáo dạy Toán của tôi hồi cấp 2 đã là 1 sự không phai mờ. Hồi đó chúng tôi nghịch như quỷ, bỏ học trốn tiết như ranh, mới có lớp 6 đã nghênh ngang khệnh khạng bày trò đánh lộn, đốt pháo, tụ tập tập tọng hút thuốc, thuốc lá Bông Sen ngày xưa, rồi ho sặc sụa... Bị đưa ra hội đồng kỷ luật và dọa đuổi học. Cô giáo dạy Toán, dù không phải chủ nhiệm, đã đứng ra bảo lãnh cho 2 thằng chúng tôi. Cô đưa ra những bài kiểm tra chúng tôi được 9 và 10, không có điểm 8 nào, và xin chịu trách nhiệm về 2 thằng chúng tôi. Các ông mãnh còn lại, ngậm ngùi mang giấy triệu tập bố mẹ đến để trả về địa phương.
Đến lớp 8, là năm cuối cấp 2 để thi vào 10, cũng có 1 kỷ niệm với thày dạy Toán. Cậy học được nhưng cái sự nghịch thì chỉ chìm lẩn đi vào những trò tinh quái, tôi thường bày trò và được dạy 1 bài học.
Đầu tiết, thày gọi lên bảng sửa bài, tôi vừa cầm viên phấn, vừa viết được con số đầu của đẳng thức, thì về chỗ, 0 điểm !!! Điều đó đánh mạnh vào sự tự ái của tôi. Ấm ức, cay cú nhưng không dám làm gì. Sau tôi mới biết, thày chủ ý vậy nên chỉ hơn 1 phút trên bảng, đã cho tôi điểm 0.
Khi thấy thái độ học tập của tôi đã không còn sự nhâng nháo và các trò bậy bạ nghịch ngợm đã bớt nhiều, thày cho tôi lên bảng sửa bài, và tuyên bố trước lớp, điểm 10 đó sẽ thay cho điểm 0 lần trước. Sau đó thày chủ động đến nhà tôi, gặp bố mẹ tôi nói chuyện, và tặng tôi 1 quyển sách Toán của Liên Xô. Khi thày dạy phụ đạo để luyện thi vào 10 cho các bạn cùng lớp, thày bảo tôi học cùng để hướng dẫn các bạn. Một niềm vui và vinh dự ngấm ngầm trong tôi lúc đó.
Học cấp 3. Những ngày mới bước đầu vào xóa bỏ bao cấp, cái sự nghèo vẫn đeo đẳng, nhưng toàn xã hội là vậy, chả cứ riêng ai. Chúng tôi đến nhà cô chủ nhiệm ngày 20/11, cô hỏi về chuyện lớn rồi, có đứa nào biết bếp núc gì, kể ra. Hôm đó tôi vừa biết nấu canh riêu cá, liền kể 1 mạch, cô gật gù và hôm đó, tôi chịu trách nhiệm thực hành tại nhà cô món đó cho các bạn bữa trưa, tất nhiên, cá và các loại rau quả, phụ gia do cô bỏ tiền
Giờ nhớ lại, sự ấm áp của những tháng ngày đó trái ngược với cảm giác bây giờ khi cho con đi học. Trước, SGK được xin lại từ các năm trước, thậm chí 5, 7 năm, vẫn dùng bình thường. Giờ năm nào cũng sách mới. Một sự lãng phí xã hội rất lớn cho 1 đất nước vừa được thế giới công nhận là thoát khỏi danh sách thuộc các nước thứ 3.
Lớp 1 đã học thêm. Sự đánh cắp tuổi thơ của liên thông nhà trường và gia đình. Xót con cũng phải chịu. Một buổi sáng CN đưa cả nhà đi ăn sáng giờ thành sự xa xỉ đối với những gia đình có con theo học hệ công lập. Mới đây, có quy định về dạy thêm học thêm phải có giấy phép, cũng là 1 hành động có tính thiết thực trong quản lý của ngành GD.
Nhưng đó chỉ là 1 trong những hành động nhỏ trong bao nhiêu sự bất cập của GD hiện tại. Chuyện hài nhất gần đây là chủ trương không vinh danh những nhà giáo Nhân dân, nhà giáo Ưu tú vào ngày 20/11, nhưng lại phong danh hiệu đó cho những người thuộc hàng ngũ quan chức đang quản lý bộ máy Nhà nước. Thứ bệnh tật này là 1 khối u đã di căn vào tư duy của những người làm công tác chính sách. Ông Nguyễn Thiện Nhân, người khi làm Bộ trưởng Bộ GD, đã có '' sáng kiến '' ghi nợ vào bằng tốt nghiệp Đại học của sinh viên, nếu khi ra trường SV chưa trả được nợ vay từ quỹ hỗ trợ sinh viên nghèo vượt khó, đợt này được vinh thăng Nhà giáo Ưu tú !!!
Cũng may cho hàng loạt các sinh viên, là cái neuron thần kinh bị duỗi đơ kia của ông Nhân đã kịp thời được các đầu óc có neuron xoăn tít chấn chỉnh.
Cá nhân tôi, với chuyện phong bì đợt này cho các cô của con mình, tôi không lấy đó để đánh giá về sứ mệnh cao cả của toàn nghề giáo, bởi thâm tâm tôi, ấn tượng về các thày cô giáo thời đi học vẫn còn vẹn nguyên và cùng đó là sự trân trọng. Nhưng sự xâm lấn của tự trọng nghề giáo đã và đang bị văn hóa thực dụng của mặt trái xã hội tác động, thì không hẳn là chuyện con sâu làm rầu nồi canh. Những giáo viên cắm bản ở 1 xã vùng sâu của Lao Cai khi tôi đi công tác năm 1998 theo tinh thần Chỉ thị 135 của CP, vẫn còn đọng trong trí nhớ tôi như 1 sự liên tưởng và không thể, không thể không so sánh giữa chuyện phong bì, đòi hỏi đây đó trong 1 bộ phận giáo dục của miền xuôi, với miền ngược.
Và mới đây, ông Nhân đến thăm trường Đoàn Thị Điểm ở HN, hỏi 1 cô trò lớp 6 về phát triển kinh tế vượt bậc của VN, thì câu trả lời rất ấn tượng của cô trò nhỏ là: Việt Nam đứng đầu về xuất khẩu lúa gạo ! Ông Nhân bảo ngạc nhiên và ấn tượng với cô trò đó. Nhưng, có ai nói cho cô trò nhỏ đó rằng: Tuy xuất khẩu lúa gạo đứng đầu thế giới, nhưng nông dân thì nghèo túng ra sao không, và cô trò đó có được nhắc bài là những người nông dân làm ra sự thần kỳ xuất khẩu đó, có thu nhập chưa được 1 USD/ngày không, tức là chưa được tới 20.000 VNĐ/ngày ấy ??? Và có được củng cố thêm thông tin là, thương lái mua lúa của người nông dân đang bán ra với giá hơn gấp 3 lần, gần 4 lần so với giá mua không ???
Và nếu cô trò đó biết thêm rằng, Thủ tướng Thailand đã cam kết và cố làm đúng lời hứa của mình với nông dân, là giữ cho giá lúa cao để nâng tầm mức sống của nông dân Thái, đánh đổi vị trí số 1 về xuất khẩu lúa gạo, thì người lớn sẽ ra sao trong nhận thức của trẻ nhỏ ???
Còn bây giờ, con của chị bạn được mẹ gói sẳn cho món quà tặng cô 20-11. Bé cứ đứng trước gương, 2 tay cầm quà, tập nói lời chúc mừng. Sáng hôm sau, cô giáo vào lớp phán 1 câu "Bạn nào tặng phong bì cho cô thì mang lên đây, bạn nào có quà thì để trước mặt, lớp trưởng đem lên để trên bàn cô"
giờ đây mọi thứ đều khác cả..hôm nay vừa đưa con đi chúc cô về. Con tò mò hỏi "Mẹ ơi! tặng cô cái gì trong hộp quà vậy mẹ?" K dám nói thật hoàn toàn,chỉ nói dc 1 fần...
Cái thuở học trò ngày đó tinh khôi lắm. Được sống trọn vẹn tuổi hồn nhiên học trò .
Còn học hành bây giờ thì...Quá khổ. Sáng học ,chiều học ,tối học. Lúc nào cũng học..hoc..hoc..Chở con đi học thôi cũng đã mệt nhoài thì đừng nói chi đến con phải cắm đầu ngồi học miết.
Đúng là tuổi thơ bây giờ đã bị dánh cắp mất rồi vì sự học.