Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2010

Lãnh đạo và quyền lực thực thi.

Đọc bài viết dưới đây của tác giả Trần Huy Thuận đăng trên Vietnamnet như là 1 sự nhắc nhở đối với tầng lớp lãnh đạo. Có lẽ là nhắc nhở chứ không phải thức tỉnh. Bởi các quan lãnh đạo thì thừa đủ lọc lõi và sạn sỏi để nhìn nhận vấn đề. Nhưng chắc rằng các ngài nếu có đọc bài viết của Trần Huy Thuận, thì cũng chỉ thốt lên rằng: '' Bố thằng dở hơi, không cường quyền không áp chế, không như thế ... thì để chúng nó vượt đầu vượt mặt à ??? ''

Mà đã làm quan, vươn lên để làm quan thì đương nhiên quyền lực cũng là 1 mục tiêu hữu cơ trong động cơ vươn lên đó, tất yếu thôi mà. Thượng thư đương nhiệm ngành xây dựng cũng đã từng tuyên bố rằng '' Quy hoạch là thể hiện ý chí quyền lực '' đấy sao. Và đương nhiên quyền lực sẽ đi cùng với quyền lợi, còn tương xứng ra sao thì không thể cân đong đo đếm được. Cái làm ta băn khoăn là, với quyền lực đó thì sự phát triển của xã hội sẽ có sự tịnh tiến hay phát triển, hoặc đổi thay theo chiều hướng nào và ra sao thôi. Với ngành xây dựng Thủ đô, sự ca thán về nhà siêu mỏng siêu méo đã có từ ngày mở đường Đào Tấn, con đường ăn theo khách sạn Deawoo từ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước, và cũng đã đặt ra câu hỏi là làm thế nào để quản lý vấn đề xây nhà mỏng và méo đó ???
Và bây giờ, chỉ khi Đà Nẵng mở mắt cho HN rằng chẳng có gì khó và không làm được về chuyện quản lý QH-XD, sau khi Chánh, phó GĐ Sở QHKT nói ngược nhau hoàn toàn về chuyện quản lý QH-XD và bị đại biểu nghị viên thành phố la ó phản đối, mời đích danh lãnh đạo UB lên trả lời, thì Thành phố mới quả quyết rằng HN sẽ làm được và ra hạn chót cho Sở QHKT phải có Quy định về quản lý 2 bên tuyến phố chậm nhất vào ngày 30/01/2011. Và câu chuyện bấy lâu nay về sự lộn xộn trong quản lý cao thấp nhấp nhô, thòi ra thụt vào với lem nhem các kiểu dáng hình Kiến trúc của bộ mặt đô thị Thủ đô mới bật ra rằng, chẳng phải do sự bó buộc của quy chế hay hành lang Pháp lý nào, mà chính là sự không minh bạch trong thông tin QH đã dẫn đến sự bốc thuốc trong công tác quản lý về xây dựng và quy hoạch.
Thủ đô mở rộng nhưng nếu với tư duy phép cộng thì cái sự lợi bất cập hại sẽ nhãn tiền ra thôi. Đô thị Hòa Lạc sẽ có cái gì trong đó để thu hút 1 triệu dân vào đó như Đồ án QH HN mở rộng đã đề cập ??? Nếu vẫn tư duy quản lý XH tách rời quản lý kinh tế thì đương nhiên những kiểu đồ án như đã từng trình bày kia sẽ còn tiếp diễn. Và ở đây, chưa thấy quyền lực song hành với sự phát triển về kinh tế và xã hội, nhưng quyền lợi thì bộc lộ với chính câu nói của đương nhiệm thượng thư ngành.
Còn về sự lạm dụng quyền lực thì đầy rẫy. Đã không ít lần, tôi được vài anh em bạn rủ đi cùng để chứng kiến '' tao kiếm tiền cũng nhục lắm ''. Quan ngồi nhậu với bạn bè, đến chừng tưng tửng rồi thì quan cho gọi anh bạn đến để nhậu cùng. Đương nhiên là có ngồi cùng, có giới thiệu, có nâng lên đặt xuống và đương nhiên anh bạn là người nhận hóa đơn. Xong vế 1. Rượu rồi, bừng rồi, no rồi thì lại muốn văn nghệ để xả cồn, và sau đó nữa là đấm bóp cho đỡ đau lưng, tùy từng trường hợp mà cái thứ tự đó nhường chỗ cho nhau. Một lần nữa thì tôi được đàn anh mở mắt cho thêm. Hai anh em đi taxi đến 1 quán nhậu tận Láng - Hòa Lạc, cách Sơn Tây khoảng 3, 4km gì đó. Có thịt cầy hương, nhím, beo và cái gì đó nữa. 5 loại rượu có mặt. Các anh củ hành chú chủ xị đến kinh. Chú muốn nhận công trình nên chú fải hầu, nhưng nhục thật. Chú chỉ được phép đứng để rót rượu và gọi món, thay bát chứ không được ngồi. 5 loại rượu, fải hỏi từng người uống gì để rót cho đúng, sai là bị mắng ngay và lên lớp vỗ mặt. Tôi đi theo ông anh, cũng được khúm núm cúi gập hai tay chắp bụng hỏi: Anh uống gì để em rót ??? ..... Đến bây giờ, ấn tượng về cuộc chơi hôm đó vẫn ám ảnh tôi.
Còn văn minh hơn, thì chú đến chơi bài cho vui, anh bảo chị nấu nồi cháo gà rồi. Đương nhiên là chú đến, chơi vui mà.
-----------------------------------

Lãnh đạo và sự tỉnh ngộ lúc "về vườn"

Tác giả: Trần Huy Thuận
Loài người đôi khi thua các loại động vật khác ở đức hy sinh vì cuộc sống cộng đồng. Không ít người cứ leo lên vị trí lãnh đạo là chỉ muốn hưởng thụ hơn người, quyền lực hơn người.
Từ "lãnh đạo" nghĩa thực chất của nó chỉ là "dẫn đường".

Khi động vật là số đông, sống bầy đàn - động vật hoang dã, thì thường phải có một con giữ vai trò đầu đàn - vai trò dẫn đường, lãnh đạo. Chức năng của con vật lãnh đạo là bảo vệ cuộc sống cộng đồng, chống kẻ thù, chống bầy đàn khác xâm nhập lãnh địa của mình và hướng dẫn việc kiếm ăn cho các thành viên... Nhiệm vụ của từng cá thể là phải tuân theo sự lãnh đạo đó. Có lãnh đạo mạnh mẽ  thông minh, am hiểu địa hình địa vật thì bầy đàn no ấm, ngược lại thì đói khổ, thậm chí bị tiêu diệt!
Với giống vật thì con vật đầu đàn (lãnh đạo) đồng thời là con vật chỉ huy. Con người thì khác: Người "lãnh đạo" - dẫn đường có thể đồng thời là người chỉ huy, nhưng người chỉ huy không nhất thiết phải là người dẫn đường. Ví dụ: Khi cần vượt qua một vùng đất lạ, người ta tìm người "bản xứ" để thuê dẫn đường chứ người chỉ huy không tự ý mò mẫn tìm đường một cách hú họa đầy bất trắc.
Uy tín của con vật đầu đàn - con vật làm nhiệm vụ lãnh đạo được tạo lập không chỉ bởi sức mạnh bản thân, sự quả cảm trong chiến trận với kẻ thù, mà còn bởi khả năng tìm kiếm thông minh các vùng đất sống quý giá, mang lại nhiều thức ăn phù hợp với đồng loại. Uy tín của con vật đầu đàn còn được củng cố bởi sự hy sinh quên mình cho cuộc sống bầy đàn.
Trong tự nhiên, chỉ có một vài loài như Ong và Mối là có giai cấp lãnh đạo riêng - các con Chúa, với những đặc quyền đặc lợi đặc thù mà các con ong con mối bình thường dù có phấn đấu hay tu luyện đến mấy, cũng không thể có được. Còn các con vật đầu đàn khác thảy đều xuất phát từ thành viên của bầy đàn, thảy đều sống vì lợi ích chung của bầy đàn.
Trong thực tế, quan sát giới động vật hoang dã nói chung, người ta chưa thấy những lãnh đạo các bầy đàn này có biểu hiện lợi dụng chức quyền để bắt các thành viên trong bầy đàn phải cống nạp hay hối lộ!
Dù là thú hay là chim, thì con vật đầu đàn cũng vẫn sống cuộc sống như đồng loại, gần đồng loại, cùng đồng loại; sống trong bầy đàn, vất vả kiếm sống như bầy đàn, đói no cùng bầy đàn. Không ăn trên ngồi chốc, không nhà lầu xe hơi, không ngai vàng đế đô.
Qua thế đủ thấy rằng, lãnh đạo là một vị trí rất cần thiết cho sự tồn vong của mọi bầy đàn, mọi cộng đồng. Tự do như loài chim cũng vẫn phải có con chim đầu đàn.
Loài người là động vật cấp cao, phát triển với tốc độ lớn, lại càng cần sự lãnh đạo hơn bất kì loại động vật nào trong tự nhiên. Nhưng loài người đôi khi thua các loại động vật khác ở đức hy sinh vì cuộc sống cộng đồng. Không ít người cứ leo lên vị trí lãnh đạo là chỉ muốn hưởng thụ hơn người, quyền lực hơn người.
Đặc trưng dễ thấy ở loại người này như sau: Là con dân, nhưng cứ tưởng mình là con Trời; là cá nhân trong hưởng thụ nhưng luôn nhân danh "tổ chức", nhân danh "tập thể" trong điều hành, trong lãnh đạo... Vừa tham vừa nhũng, vừa cậy quyền vừa ỷ thế, vừa lộng ngôn vừa lộng hành, vừa tha hoá, vừa cường quyền... Thế là từ vai trò lãnh đạo, chẳng mấy chốc những kẻ như thế đã trở thành lãnh chúa!...
Ta cứ nghĩ giống hổ dã man, nhưng bản thân những con hổ đầu đàn, sống rất nghĩa tình với đồng loại - "hổ không ăn thịt con" là nhận xét của loài người chúng ta từ xa xưa, cũng phần nào nói lên điều ấy. Như bất kì động vật nào khác, trong nội tình loài dã thú như hổ, báo cũng không tránh khỏi những mâu thuẫn, bất đồng quyền lợi. Khi đó, chúng cũng giải quyết mâu thuẫn bằng chiến trận sống mái, nhưng là cuộc đấu một chọi một, không hề có vấn đề lợi dụng uy quyền, thế lực... Cách giải quyết thật công bằng, đúng không?!
Mọi người chúng ta, vốn đều xuất thân từ thường dân, là tầng lớp chịu sự lãnh đạo, nhưng hầu như ai cũng ít nhiều từng kinh qua một lần làm lãnh đạo. Lãnh đạo một nhóm nhỏ, hay lãnh đạo cả hàng trăm, hàng vạn đồng loại. Nhưng về già nhìn lại, ngẫm khi còn ở cái cương vị lãnh đạo ấy, ta cũng đã đôi lúc không tránh khỏi cái thói xấu thường tình, là cứ tưởng mình ghê lắm, khác người lắm. Rồi nhìn xuống quần chúng dưới trướng, thấy họ thảy đều chỉ như con sâu, con kiến, ta muốn tác oai tác quái thế nào, đám sâu kiến ấy cũng phải chấp hành nghiêm chỉnh! Nhận ra và hối hận, thì thường đã muộn quá rồi. Ấy là chưa kể tới những kẻ, cho đến khi đã "về vườn", đã rời khỏi chiếc ghế lãnh đạo, thậm chí sắp đi sang thế giới bên kia, mà vẫn không nhận ra, không hối hận. Thật quả có như vậy, xin thưa!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét