Tôi tự hỏi mình rằng, tôi có sợ chết không? Rồi tôi lại điều chỉnh, không, không phải là có sợ chết hay không, mà là mình sẽ chết như thế nào???
Bởi vì, sống mới là đáng sợ, và sống như thế nào để biết chết là thanh thản thì mới đáng để tồn tại, để biết khi mình trở về với cát bụi hư vô, thì mình đã sống trong một thực thể vật chất đã từng làm được những điều gì đó.
Tôi không còn quan tâm đến trách nhiệm xã hội nữa. Tôi biết những điều đó tự trong bản thân tôi là một sự lùi lại. Tôi bàng quan hơn với cuộc sống dù tôi vẫn quan tâm đến những điều đang xảy ra xung quanh. Tôi thờ ơ hơn và cũng vô cảm hơn. Điều đó chỉ chứng minh một điều, niềm tin của tôi vào xã hội cũng mong manh đi không phải là ít nhiều, mà là rất nhiều rồi.
Theo suy diễn chủ quan về sự tồn tại, tôi nghĩ rằng tôi sẽ sống vài chục năm nữa, có thể ba chục năm nữa, cũng có thể là bốn chục năm nữa. Bởi bây giờ, sống đến ngoài bảy mươi tuổi hay ngoài tám mươi tuổi không còn là điều to tát gì nữa. Thậm chí, thọ đến ngoài bảy mươi tuổi một chút còn được cho là '' hơi trẻ ''. Nhưng tôi cứ chợt nghĩ, nếu bây giờ tôi chết thì sẽ như thế nào???
Sẽ là đôi chút hối tiếc cuộc đời, bởi con cái còn nhỏ, bởi cha mẹ già mà bản thân mình chưa làm được gì nhiều. Trong những nhọc nhằn của cuộc sống, những trải qua của cuộc đời với những chứng nghiệm nhân sinh, tôi chả hối tiếc gì cuộc sống này cả. Chỉ là với những người thân, nếu bây giờ tôi chết, tôi sẽ mang đi theo niềm hối tiếc về sự lo lắng và chưa làm tròn nghĩa vụ, trách nhiệm mà tôi phải làm.
Vậy là tôi lại hối thúc tôi, nhắc nhở tôi về việc tôi sẽ còn sống vài chục năm nữa với những nghĩa vụ và trách nhiệm. Tôi mặc mẹ cuộc đời với những trò đần độn và phát ngôn ngu xuẩn của đám ''đày tớ'', tôi lướt qua những đình đám PR và đâm thọc nhau của showbiz, tôi thở dài chép miệng với những phận số hẩm hiu nào đó được giật tít câu view mà không đọc, tôi cười vào những trò chém gió bằng bàn phím của các anh dân chủ và các thím dư luận viên, tôi chả buồn ngó đến những thứ sản phẩm báo chí của cả hàng trăm ngàn phương tiện truyền thông nhưng chung một tổng biên tập này nữa...
Tôi sống cuộc sống của tôi với những suy nghĩ quẩn quanh về việc tôi phải làm là sự tồn tại của tôi. Có lẽ cái điều đó nó làm tôi nghĩ nhiều hơn về nghĩa vụ và trách nhiệm. Tôi chợt nghĩ, có phải tôi đang sống hèn đi không? Có lẽ vậy. Nhưng biết làm sao? Bởi vì xung quanh tôi, người ta cũng đều sống như vậy cả. Làm bạn với chén rượu có lẽ thú vị hơn.
Khi tôi nói, tôi sẽ không cho con tôi vào Nhà nước và không bao giờ tôi để nó trở thành một công chức, bạn tôi hỏi tại sao và tôi trả lời: Tôi không muốn con tôi sống hèn và có thể sẽ thành lưu manh trí thức! Ngay lập tức, một anh bạn cả đời không bao giờ đăng một stt lập tức nhảy dựng lên như vừa bị tôi đá vào hậu môn. Anh ấy bảo tôi là xúc phạm anh ấy. Bảo tôi là quân đá đểu. Rằng anh ấy kiếm tiền bằng mồ hôi công sức của anh ấy chứ anh ấy chả nặn hút của ai cả. Anh ấy làm quay phim ở Đài truyền hình TW.
Tôi buồn cười nôn cả ruột. Khổ thế đấy. Cái nồi cơm của anh ấy có xuất phát điểm từ một cơ quan Nhà nước nên bất chấp bạn bè, bất chấp việc đọc hiểu và bất chấp cả chính hiểu biết tự thân của anh ấy về vị trí xã hội của anh ấy thuộc ngạch gì, anh nhảy lên và gõ những dòng làm tôi cười rung cả bàn phím khi đọc cmt.
Tôi nhắn lại bạn tôi, rằng anh ấy là công chức hay là viên chức??? Và tôi đồ là anh ấy chắc không phân biệt được thế nào là công chức và thế nào là viên chức, tôi giải thích cho anh ấy rằng: Công chức là những cán bộ hưởng lương hoàn toàn từ Ngân sách, và không được ký hợp đồng làm dịch vụ. Ví dụ anh là kts như tôi, anh làm ở Sở Xây dựng và thuộc các phòng như thẩm định hay cấp phép chẳng hạn, thì anh là công chức. Anh không được quyền ký hợp đồng thiết kế, bởi chức trách của anh là quản lý Nhà nước, là người thẩm duyệt những thiết kế của tôi, anh không được đá bóng và thổi còi cùng lúc.
Tương tự, anh là quay phim ở Đài, đơn vị của anh được Đài đặt hàng sản xuất một chương trình gì đó, và các anh chia nhau ra mà làm, tiền sẽ được trả theo chương trình, ngoài lương. Đơn vị anh có quyền đi ký hợp đồng kiếm xu ở bất kỳ cơ quan nào có nhu cầu. Ngạch của anh là đơn vị sự nghiệp có thu, tức là viên chức.
Khổ thế đấy.
Nhưng câu chuyện anh bạn tôi, lại thức tỉnh tôi một điều, đó là sự quyết liệt cho cái nồi cơm của mình. Lâu nay, với vấn đề này tôi có lẽ vẫn hơi lơ mơ và thái độ của tôi vẫn có sự chưa quyết liệt như kiểu anh bạn tôi. Có thể cái tạng người mình nó vậy, hoặc có thể cái môi trường kiếm sống tự thân nó đào tạo con người có cái thái độ sống cũng khác nhau, tôi chẳng biết.
Nhưng để sống sao cho để khi chết, sự thanh thản mang đi theo cùng sự luyến tiếc của người thân với mình, thì tự mình cần hối thúc mình nhiều hơn nữa.
Đang "sống dở".
Trả lờiXóaHóa ra Ái Nữ cũng sống dở à, kkk...
XóaCs muôn vàn điều mà sức người thì bé nhỏ a ạ. E cũng đang sống gần giống như a. Bàng quang, hèn hay j j nữa e cũng chẳng quan tâm, quan trọng những việc mình biết mình cần làm mình có thể làm đến đâu thôi
Trả lờiXóaEm còn biết em có thể làm được đến đâu là rất may đấy. Anh thì đến có cái mà làm hay không còn không biết đây này :))
XóaNói vậy là chẳng bàng quan chút nào đâu T.P nhé! Cuộc sống hiện tại bừa bộn quá. Mà thôi, thời tích tụ tư bản nó thế bạn ạ.
Trả lờiXóaThì em vẫn nói là em vẫn để ý xung quanh mà, nhưng em ít nói hơn, ít chém hơn và tránh cả việc nói về nó với anh em nữa.
XóaEm nghĩ, bây giờ VN đang ở giai đoạn tư bản sơ khai ấy anh ạ, tư bản bóc lột ấy. Bước quá độ lại thụt ngay về thì mới chán anh ạ.
Hì. Một dạo em cũng tơ lơ mơ giữa công chức và viên chức đấy ạ.
Trả lờiXóaBây giờ thì hết lơ mơ rồi hả, kkk... :))
Xóa