Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

Niệm ức.


     Đã rất lâu lắm mới đi lại con đường thuở đi học. Ngày đó, đường 6 - quốc lộ 6, đoạn nối Hà Nội đi Hà Đông bắt đầu từ Ngã tư Sở, được gọi là đường Nguyễn Trãi từ lúc nào chả rõ nữa.

    Con đường vắng tênh, thênh thang những bụi đỏ quạch lan từ mép vệ đường ra đến lòng đường đến vài mét. Vệ đường thôi, bởi làm gì có vỉa hè. Những năm đầu 1990, con đường tăm tắp đó chỉ chan hòa là nắng đến chói chang và xa đến ngút ngại mỗi độ đông về.

    Từ Hà Nội đi Hà Đông, bên tay phải là một hàng xà cừ lớn, ngăn cách một phần lòng đường ra làm hai. Nó làm bớt đi vẻ ngại ngần những ngày hè đạp xe đi học. Hàng xà cừ đó, hẳn những ai đã học ở trường Đại học Tổng hợp, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Kiến trúc, Cao đẳng nhạc họa, Đại học An ninh và trường Bưu điện nữa vào những năm 90 trở về trước hẳn là còn nhớ rất rõ.

    Những mờ bụi cuốn bốc thành những mảng xóa không gian, nhuộm vàng ệch những tàng cây lá mỗi khi một chiếc xe bus xộc xệch chạy qua. Những chiếc xe lam phành phạch chở đầy những lam lũ và cả những cô cậu sinh viên nhiều tiền hơn đám đồng trang đi xe bus. Rồi tàu điện bánh hơi chạy giữa đường, thỉnh thoảng lại xoét xoẹt những cái cần đánh ra tia lửa điện nữa...

    Hôm nay, lại có việc đi lại vào con đường cũ. Hàng xà cừ bao năm đã bị đốn hạ. Vệt nhựa đường mới lấp đi cái khoảng cũ vốn dĩ là hàng cây cứ ánh lên dưới mưa xuân, loáng nước. Hàng cột bê tông lừng lững, những trụ cột cho đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông đã chiếm hết cả khoảng không gian xa ngái của con đường. Như thu hẹp lại vậy. Bởi những nhà cao tầng, bởi đô thị hóa đã làm không gian thu hẹp lại.

    Vệt nhựa đường mới làm nhớ đến quay quắt hàng xà cừ cũ. Nhớ đến những tháng ngày thuở mười tám đôi mươi xách bị xách túi đi học, lỉnh kỉnh bút thước, ống điếu thuốc lào ngày xưa. Nhớ những cũ kỹ của những dãy nhà thấp lè tè hai bên đường vàng ệch màu bụi trong nắng hè chói gắt...

    Đi qua một con đường dẫn vào khu Thanh Xuân, kỷ niệm lại ùa về. Ngày đó, có một con đường tắt qua khu tập thể Thanh Xuân sang bên khu đại học sư phạm thuộc Cầu Giấy. Con đường, thực ra là một đường đất đắp ngăn ruộng lồi lõm. Những hố lõm sâu dài dặc đến mức phải xuống xe đạp mà dắt bộ hoặc vác qua. Hai bên là cánh đồng lúa vàng rực chín. Sóng lúa ngả nghiêng đến mát rượi, se cả những mồ hôi mướt mải đạp xe. Chợt nhớ, khu đấy xưa kia gọi là Mễ Trì. Tức là cái vựa lúa.

    Giờ, con đường đã đổi thay. Kiến trúc nhôm nhoam chẳng ra hình thù phong cách. Vươn lên trời chiếm lĩnh không gian là các dự án nhà ở và đô thị. Cái thuở nào đạp xe đi học, rồi được cho cái xe máy cũ vi vu đã qua lâu lắm. Thoắt đã hai mươi năm. Chẳng còn những vệ cỏ ven đường ngăn bụi vào đến khoảng lưu không trước những căn nhà nhỏ bé cũ kỹ nữa.

    Người chen người, xe lấn xe. Chợt lại thèm được như cái ngày sáng ra khoác túi lên vai đi trên con đường bụi bặm nhưng thênh thang đó, đến trường việc đầu tiên là ghé quán cô Chế đầu cổng, uống một chén nước chè, hút một điếu thuốc lá, vắt chân chữ ngũ chờ đồng bọn đến rồi đủng đỉnh lên giảng đường mà...ngủ.

    Thèm cái thênh thang bụi bặm, thèm cái cũ kỹ nghèo nàn và thèm cả cái ngây ngô của thuở còn đôi tám, khi mặc áo lanh hoa in sặc sỡ, tóc dài chấm vai thả bộ trên con đường cũ dọc theo thị trấn Cửa Ông ở những năm đầu 90, trẻ con chạy theo níu áo hỏi chú ơi bao giờ biểu diễn??? Ngơ ngác một lúc nhận ra trẻ nó nhầm, tưởng mình là văn công thủ đô về biểu diễn...

    Chả phải là bao giờ cho đến ngày xưa, nhưng thực sự thèm cái cảm giác của Hà Nội vắng lặng và thanh bình những trưa hè oi ả, lác đác người đi trên phố và cả cái bụi bặm ố vàng từ những tàng cây xà cừ cũ đến những căn nhà ngoại ô... Khi mà, Hà Nội chen chúc trong mưa lạnh sương giăng của một ngày cuối Chạp.



    

    

5 nhận xét:

  1. Em đọc bài này trên điện thoại và phải nhảy vào máy để com. :) vì tự nhiên em cũng có nhiều ...niệm ức từ bài viết của anh.
    Con đường Nguyễn Trãi (từ Ngã tư Sở đến Hà Đông) đã từng là nguồn cảm xúc tưởng như bất tận của em, ngay từ những ngày đầu tiên đặt chân đến đó. Khi ấy em còn rất nhỏ (khoảng năm 1988 hay là 89 gì đó). Một đứa con gái nhà quê lần đầu lên thành phố (bố em khi đó dạy ở trường C500), cứ tròn mắt mà ngắm phố phường với bao nhiêu là xe đạp. Em thì không có ấn tượng về sự bụi bặm,có lẽ vì em còn nhỏ quá. Mà những nhà máy ở khu Cao Xà Lá là quá to lớn vĩ đại rồi. Tàu điện trên đường ray, xe điện hơi tóe lửa trên đầu, xe lam phành phạch em đều đã được đi. Hihi. Về quê, em kể cho bọn ở nhà há hốc miệng ra mà nghe. :D
    À, cả con đường tắt sang bên trường SP1 mà có chỗ phải vác xe ấy, em cũng đi rồi nhé. Trong ấn tượng của em về ngày đó, những anh chị sinh viên chuyên khoác bị cói đi học (trong đó có anh trai em). Sau lúc ăn cơm thì ngồi quán hút thuốc lào. Trường KT đúng là có nhiều anh tóc dài như...nghệ sỹ. (chắc là có cả anh nữa).:)
    Bây giờ, hàng xà cừ làm em nuối tiếc nhất.
    Hì.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ừ, hôm qua có việc anh mới lại chạy vào Hà Đông. Anh chọn đi xa hơn 1 chút vì muốn đi lại con đường cũ đến trường. Chặt hạ hàng cây là 1 điều đáng tiếc, bởi nó tồn tại thì lưu giữ được mảng xanh, điều tiết được nhiều về khí hậu nhưng lại cản trở tầm nhìn của đường sắt trên cao.
      Xà cừ là cây rễ chùm không phải rễ cọc, không thích hợp cho cây xanh đô thị. Nhưng thực chất hàng xà cừ này không làm ảnh hưởng đến giao thông hay đe dọa gãy cành cho người đi phía dưới, bởi nó nằm giữa đường và chưa có tai nạn nào do hàng xà cừ này gây ra cả, nhưng lý do là vì cái đường sắt trên cao. Tiếc nhưng đành phải chấp nhận bởi không có cách nào khác em ạ.
      Thế là em cũng biết tàu điện leng keng, xe lam phành phạch và xe điện bánh hơi rồi đấy. Con đường đất lồi lõm ngày xưa ấy, bây giờ là đường Khuất Duy Tiến đấy em ạ.

      Xóa
    2. Hà Nội có nhiều hàng xà cừ rất đẹp. Nhưng với em thì đường Nguyễn Trãi có quá nhiều kỉ niệm, nên khi thấy cây bị đốn ngổn ngang, trong lòng cứ chênh chao thế nào ấy.
      Nếu được lựa chọn, em sẽ không chọn xe điện trên cao. Em không biết khi có nó rồi, giao thông có cải thiện được tí nào không. Chỉ thấy buồn vì hình như một Hà Nội cổ kính cứ dần mất đi.
      Em cũng nhớ bài anh phân tích về rể chùm và rễ cọc,cùng với sự khoa học có nguyên tắc của người Pháp khi xây dựng Hà Nội.
      Tàu điện và xe điện thì em được đi hồi chưa học đại học. Nhưng xe Lam thì em nhớ là đi hồi mới vào đại học. Không biết nhớ có đúng không. Hoặc nếu không thì là khoảng năm 1994 gì đó. Em cũng chỉ đi có một lần thôi. Hì.
      Sang bên SP1 ngày ấy còn có một lối nữa, ở thẳng cổng kí túc xá Mễ Trì, qua làng Phùng Khoang, nhưng khó đi hơn nhiều.
      Một dạo mấy năm liền không đi sang phía bên đó, khi đường Khuất Duy Tiến thông xe, em bị lạc lúc muốn vào khu tập thế Thanh Xuân đấy. :D

      Xóa
  2. Oi tuổi thơ... cảm ơn cậu nhé

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa