Cái bức biếm họa này chắc cũng đã nói lên nhiều điều rồi.
Dân mất đất làm ruộng thì lập '' Hội nông dân chưa mất ruộng '', dân đánh cá thì lập '' Hội ngư dân chưa bị đòi tiền chuộc '' của bọn Khựa, dân viết mạng thì lập '' Hội blogger chưa bị bắt '', và giờ thì thêm '' Hội nhà báo chưa bị đánh '' nữa, thêm vế đối lập là '' Hội coi trời bằng vung '' có sự hỗ trợ của '' Hội tứ chi phát triển ''... Hài mà thâm thúy.
Một xã hội mà trẻ con mới lớn vào mạng chỉ đọc thấy toàn những tin kiểu Cướp - Hiếp - Giết, lộ hàng của giới showbiz, những tin giật tít câu view kiểu thảm họa ca nhạc, chồng bàn với vợ quay clip sex để tống tiền giám đốc... những tin phát ngôn gây shock đủ kiểu đủ trò, cố tình tạo scandal để nổi tai nổi tiếng... Và cả những tin đánh người đến chết của CA chỉ vì ko đội mũ bảo hiểm, bắn người cũng chỉ vì ko đội mũ bảo hiểm, đánh dân theo kiểu trấn áp tội phạm vì đi biểu tình, trắng trợn và thô bạo đạp thẳng vào mặt dân khi người ta bị khênh như khênh lợn để quẳng lên xe bus, giá trị con người bị dìm đến đáy của thang nhân phẩm.
Ngư dân thì không thể ra biển, nông dân thì bị mất đất ruộng, tội phạm dưới 18 tuổi tha hồ giết người cũng chỉ chịu án 18 năm mà những người có trách nhiệm chưa hề có động thái nào để điều chỉnh luật pháp để mà hạn chế sự sơ hở chết người đó. Cưỡng chế đất của dân, dồn dân đến bước đường cùng phải dùng bom tự chế và vũ khí để chống lại chính quyền như anh Vươn ở Tiên Lãng, rồi giờ thì mấy ngàn cán bộ CA dùng bom đạn súng ống, dùi cui hơi cay như trấn áp để cưỡng chế đất ruộng của dân ở Văn Giang. Người nông dân mất đất chỉ biết cái lý của họ là đền 155.000đ/m2, nhưng bán thì 80.000.000/m2, sự chênh lệch vô lý theo cách hiểu của họ. Nên họ phản kháng. Trách nhiệm giải thích đến đâu và như thế nào cho dân thông, dân hiểu là của chính quyền và đơn vị kinh doanh, nhưng đẩy dân đến độ đeo băng tang ra giữ đất ruộng bị thu hồi thì chính quyền địa phương có vấn đề về năng lực quản trị.
Một trăm ngàn tỷ của con tàu đắm Vinashink bốc khói. Đại lễ ngàn năm với chi phí ngàn tỷ của Thủ đô. Sai phạm 30.000 tỷ của Vinalines chưa bóc tách được trách nhiệm. Xăng dầu cứ mỗi khi tăng giá là tạo cảnh nườm nượp xe cộ xếp hàng mua xăng để mong ngân sách gia đình tiết kiệm được vài chục ngàn, và tăng thì nhanh nhưng giảm thì nhỏ giọt. Chứng khoán điêu đứng, rớt giá thảm hại cùng câu nói khích lệ của lãnh đạo: '' Nếu tôi có tiền vào thời điểm này, tôi sẽ đầu tư '' và đến giờ vẫn chạm đáy, còn chủ nhân câu khích lệ thì lên chức cao hơn. Quan chức đi thi bị xích quả tạ đang quay cóp, bị lên báo điểm mặt đặt tên rõ ràng, cũng được lên chức cao hơn, thành UVTW hẳn hoi. Lãnh đạo tài chính hứa sẽ không lên giá, nhưng giá tăng chóng mặt thành quả tạ tấn cho đời sống dân tình, cũng rời chức để ngồi ghế cao hơn...
Vậy thì niềm tin sẽ đặt vào đâu ??? Bậc cha mẹ có chút văn hóa phải giấu con mình chuyện phong bì cho cô giáo, và nếu lơ đễnh để con trẻ nó biết là bố mẹ nó đang đút lót cho những người đáng kính, những người dạy dỗ truyền thụ kiến thức cho nó ở nhà trường, thì nó sẽ nghĩ thế nào về sự kính trọng ???
Và giờ thì đích thân Bộ Chính trị đứng ra quản cái cơ quan phòng chống tham nhũng của TW, do Tổng BT làm người đứng đầu, tái thành lập cơ quan Nội chính trực thuộc BCT, để thấy rằng tham nhũng đã ở mức báo động cấp 10, giật cấp 12 rồi. Sự khủng hoảng niềm tin giờ trở thành chuyện thường ngày của xã hội. Trẻ con sẽ tin cái gì để định hướng cuộc đời nó, khi người lớn toàn làm chuyện tréo ngoe được đăng đầy ra các báo mạng với mục đích câu view ??? Và người dân sẽ tin cái gì khi lãnh đạo như những câu chuyện tóm tắt ở trên ???
quanh mình cũng nhìn thấy và suy nghĩ nhiều nhưng viết tệ lắm,k dám viết..
Bang chủ có nhiều bài viết thật sâu sắc. Mến!