Cồ Nam Vệ, sau những thăng
trầm của binh đao khói lửa từ giặc phương Bắc và giặc râu xồm, đã bước
vào kỷ nguyên của thái bình thịnh trị nửa nước, tuy vẫn còn đau đáu niềm
nhất thống sơn hà của khúc ruột phương Nam vẫn nằm trong tay giặc Huê,
nhưng triều chính đã vững vàng ổn định trên thể chế Chính Sản, dựa vào 9
năm trường kỳ kháng chiến mà Việt Vương Câu Tiễn xưa đã trải để chống
Ngô, cũng chưa xa xót và nổi nỗi cam go bằng.
Năm ấy, để lấy lại công bằng cho cùng dân đói ruộng, triều đình đã ban bố sắc chỉ cải cách chính sách điền thổ. Các địa chủ, cường hào nơi thôn dã đều bị buộc phải tính toán ruộng đất mà sung công để chia lại cho các khố nông bần tiện. Các công sai miệt mài thực thi sự vụ với nhiệt tâm hào hứng của con dân khắp miền Bắc Nam Vệ, vị trí tôi tớ được các địa chủ cường hào đổi lối xưng hô, tiếng: '' Thưa ông bần cố nông, con là địa chủ xứ Đoài xứ Đông ...'' vang dậy các đường làng ngõ xóm. Ở nơi kinh thành hay các thành trấn, các thương nhân chủ hãng buôn đưa hết đồn điền nhà máy xí nghiệp vào công khố quốc gia, góp thành sự nghiệp chung của triều đình Chính Sản. Triều đình dốc lòng thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng để tải lương ra chiến trường, vì 1 đằng đẵng miền Nam ruột thịt.
Lại nói chính sách điền thổ và cải tạo thương mại năm đó, có sự giúp sức rất lớn từ các quân sư của láng giềng Hoa Bắc. Tình láng giềng môi hở răng lạnh nên triều đình Hoa Bắc đặc biệt cử 1 đoàn chuyên gia tình nguyện sang làm quân sư cho Nam Vệ. Từ các chính sách chỉnh đốn quân đội đến thao lược chiến trường Tây Bắc, đều có sự can dự của các quân sư Hoa Bắc mà thành. Nhưng Chính Vương năm đó là người tri thiên toàn tài, lại có hiền nhân phụ sự mà nắm giữ trọng trách Tổng binh hàm Thượng thư là Vũ, nên sự can thiệp của các quân sư Hoa Bắc vào quân cơ sự vụ cũng chỉ dừng ở mức vừa phải, vì vậy nên mới làm nên sử sách chấn động toàn cầu vào trận chiến lịch sử, đánh bại giặc râu xồm, bắt sống đại tướng giặc. Sau năm đấy, tiếp quản kinh sư, xây dựng củng cố đất nước.
Tuy chuyện cải cách điền thổ có làm thất thố nơi
triều chính, để quan Nhất đẳng Thượng thư hàm Công phải chịu kỷ luật,
nhưng cũng đã là kế vẹn toàn để nhà Chính Sản gây dựng cơ đồ, vẹn nghiệp
trăm năm, để mà cùng thực thi chính sách toàn dân đặng hầu thống nhất
giang san xã tắc. Bên trời Tây, giặc Huê nổi lên như một cường quốc với
tham vọng và sức mạnh không thua kém vó ngựa Nguyên - Mông xưa, đã ảnh
hưởng quyền lực trải dài khắp các lục địa. Một lần nữa, tài dụng binh
của Thượng thư bộ Binh họ Vũ lại được truyền tụng bởi phép đánh bại cả
đại bàng sắt của giặc Huê, bắt phải hòa phục và rút quân, triều đình
phương Nam vốn lệ vào giặc Huê, trải 2 đời triều chính với đủ chính
biến, cũng không giữ nổi trước sức vũ bão của quân đội Chính Sản.
Giang sơn xã tắc đã nhất thống, triều chính lòng
dân đã quy thuận về một mối, nhưng Chính Vương đời thứ nhất đã băng mà
không chứng kiến được ngày vui dân tộc. Binh bộ Thượng thư họ Vũ sau khi
làm tròn sứ mệnh lịch sử, cũng đã được nhà Chính Sản đồng thuận cho
nghỉ ngơi dưỡng sức, giờ cũng đã niên mệnh trăm năm như ngọn đèn trước
gió. Triều chính sau 20 năm nhất thống, trải cũng đã nhiều sóng gió. Nhớ
năm ấy, có quan Thái thú họ Kim đất Vĩnh, vì yêu dân thương đất mà đề
ra chính sách khoán hộ, bị dèm pha trong ngoài bởi các quan văn mà nên
nỗi kỷ luật. Giờ nơi tuyền đài, chắc hẳn ngài cũng đã thỏa lòng mà xá
cho cái thiển cận năm xưa của những người cầm cân nảy mực. Ngăn sông cấm
chợ đã gây bao sự lầm than cho dân tình khổ cực. Sau đó, Thái thú Sài
thành họ Vũ phải ngầm cho thuộc hạ sử dụng các mánh, để mua gạo cứu đói
vùng vựa thóc của đất nước, lại phải lặn lội vượt bể băng sông ra kinh
sư thỉnh tấu cho dùng sách lược thông thương, công ấy của ngài, con dân
vựa lúa đồng bằng sông Cửu hẳn chẳng thể nào quên.
Năm ấy đất Sài, nổi lên 1 tay khách buôn có tiếng. Tên này họ
Tăng, tên chữ là Phượng. Tài làm ăn của Tăng gia nức tiếng trong Nam
ngoài Bắc. Liên viên ngoại, tên chữ là Rồng, vốn cũng là tay khách giỏi,
buôn bán với ngoại bang rất được nể vì, chí lớn gặp nhau, hợp tâm xây
dựng cơ đồ thương mại. Tài sản đất đai của nhị vị thương gia được tính
giá trị liên thành. Dân giàu thì nước mạnh. Lẽ ấy ai chẳng rõ và vốn là
phải vậy. Nhưng khuôn khổ luật pháp có hạn, nhà Chính Sản tuy các Vương
thay đổi, nhưng lẽ chính thể bao năm vẫn vậy, làm bó tay bó chân các mưu
ý vốn vượt tầm đối với các quan cai trị chính sách. Cái sự ham hố của
nhị vị khách buôn đã chẳng dừng được đúng lúc, đã vượt qua cái thể chế
cai trị. Tăng gia lãnh án hủy thân, Liên gia suýt cũng chung số phận,
may trời chiều lòng người, triều đình mở lượng hải hà, Liên gia sau
nhiều năm cấm cố nơi ngục thất, nay được thả ra. Nhưng tài sản bao năm
mất hết. Những khu đất giá trị liên thành năm xưa tự thân ra sức mua
được cùng với những khu đất góp công cùng Tăng gia, nay trở thành tài
sản người khác mà Tăng gia trước khi thụ án, đã nói: Nếu cho tôi sống 5
năm nữa, tôi cam đoan sẽ trả hết nợ. Giờ Liên gia đang kêu cầu các nơi
công đường, hầu mà đòi lại khối tài sản năm xưa chịu án chẳng có ai quản
lý. Chuyện như thế nào, hồi sau sẽ rõ.
Mậu Tý niên. Thiên hạ khắp nơi chịu nạn suy thoái.
Cồ Nam Vệ cũng khốn đốn lao đao, tuy vậy vẫn vững vàng chèo thoát mà
sức chịu ảnh hưởng từ suy thoái cũng hơn nhiều nước khác. Năm ấy lại lụt
to, kinh thành biến thành một biển nước khổng lồ. Có kẻ kia đi lái
không vững, đã đâm xuống đường mương cống mà tử nạn. Lại có mấy người ở 1
nhà nọ, sét đánh giữa đồng mà xuống âm phủ cả. Lụt cả kinh thành, voi
sắt ngựa sắt ngày nào còn rộn ràng hào nhoáng qua lại, nay thành đống
sắt nổi lềnh bềnh nơi các hầm ẩn trú. Các la già cọc cạch trên phố ngoài
đường cố tránh đường lụt thì rơi vào cảnh dở khóc dở cười bởi chết đứng
giữa đường, bởi nước lên to quá. Giải Phóng lộ, quân đội phải cho
chuyên xa lội nước ra đón vớt người dân vượt đường ngập đến cả mét rưỡi.
Nông dân trồng các loại hoa màu than khóc dậy trời đất bởi đồng đất
mênh mông 1 màu nước. Thảm cảnh đến nơi nhưng các quan thị sát tuần hành
cùng Thái thú kinh sư chẳng cho ra được kế nào tròn sách. Cống Yên Sở
không thoát được nước bởi quan phủ Công nói, dân tình thiếu ý thức, đã
thả nhiều quá rác rưởi các loại vào đường cống nên rác đã chặn dòng của
cống Yên Sở !!! Giữa cảnh điêu khổ lầm than của họa nhất Thủy, Thái thú
kinh lược đã răn dạy dân chúng chớ có dựa dẫm quá nhiều vào Nhà nước,
vào các quan chức cai trị mà phải tự chủ tự cường vượt khó. Ngài dạy dân
xong, đêm về vắt tay lên trán mà cho cái sự dạy dỗ đó cũng hơi hàm hồ
không phải, nên cũng đã có nhời nói lại, xin lỗi dân tình. Âu cũng là
cách ứng xử đúng và dân lại dung dưỡng cũng chẳng ồn ào, đúng với câu
dạy của cha ông: Đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh kẻ chạy lại !!!
Kinh sư được mở rộng. Ý chí toàn dân được các vị của Viện dân
biểu thông qua với sự úy lạo của Tể tướng đương triều. Tể tướng đã đích
thân đến từng hội bàn mà đưa ra phủ dụ của Hội đồng Bô chính, các vị dân
biểu cứ an tâm biểu quyết. Cồ Nam Vệ hóa rồng phải xây dựng Kinh sư
thành nơi rộng lớn, chứ vùng vẫy nơi nhỏ hẹp sao thoát chí Rồng. Được
như thế, nạn tắc đường kẹt lộ sẽ thênh thang hơn, sẽ thành thông lộ tiên
tiến mà kết hợp được với các mối lương duyên với ngoại bang, ngoại trừ
cái chuyện nhũng lạm của tay Đô phó phủ Công Sài thành, đã tham lại
không biết dấu, làm trì trệ đến cả viện trợ ngoại bang của xứ Phù Tang
với Cồ Nam Vệ. Mai này rộng mở rồi, kinh sư sẽ có rất nhiều các thành
trấn vệ tinh với muôn vàn sự xưng tụng của con dân đất nước.
Chỉ lập cập khi việc thực thi này lại được giao
cho phó Thượng thư bộ Công Xây. Nguyên vị này xuất thân là thày đồ dạy
họa trường thiết kế. Công lao cũng chả có gì mà lại là công chức nhàng
nhàng. Ngày xuất đạo ra chốn dạy học, cũng đã lắm tiếng nhiều tai với
bọn môn sinh. Nhưng vì có em họ nguyên là đương sai bộ Công Xây, rồi lên
đến chức Thượng thư, nên câu: '' Một người làm quan cả họ được nhờ ''
thành ra ứng nghiệm. Từ đương sai dạy học trường họa, ngài chuyển ngay
ra làm phó Viện nghiên cứu công bổ Kiến trúc, rồi Viện trưởng lưỡng Viện
quy hoạch và Nghiên cứu, rồi làm phó cho Thượng thư em họ, được giao
phụ trách cái quy hoạch kinh thành mở rộng do ngoại bang giúp sức quân
sư. Em họ ngài, đương nhiệm Thượng thư đã có câu nói nổi tiếng: '' Quy hoạch là thể hiện ý chí quyền lực ''
nên ngài cũng có chỗ chống lưng mà vạch thẳng 1 nét dài nối kinh sư với
đất âm phần Ba Vì, nơi thánh Tản ngự trị, và dành hẳn 1 vùng rộng lớn
đến 50ha mà dụ rằng: Chuyển kinh sư lên đó cho tiện việc triều chính.
Ngài mới có tiện tay vạch cho 1 nét hàm hồ trên bản sa đồ nghiên cứu
thôi mà đã đổi đời cho biết bao nông phu nơi thánh Tản, bởi cứ như hiện
thực tới nơi với ý đồ nên điền thổ nơi thánh ngự tự dưng cao vọi với
ngất ngưởng giá. Các nhà giàu nơi kinh thành và khách buôn phương xa
nườm nượp hỏi mua điền đất, nông phu Ba Vì vốn sống với hoa màu, với cỏ
lúa và chăn bò, bỗng trở thành công dân Hà Nhì, xúng xính ngựa sắt voi
sắt từ chuyển nhượng điền thổ. Đất âm phần theo phong thủy địa lý của xứ
Đoài, được ngài dự chuyển thành nơi triều chính kinh sư tọa lạc và ra
các chính sách điều hành đất nước, và ngài cũng chả kiệm gì mà không
giấu kim khẩu cho quốc dân bá tánh nghe điều ngài nghĩ.
Vốn chuyện kinh sư đã thế, hồi kết thế nào còn do Tể tướng.
Nhưng cũng tại kinh sư, chuyện động trời còn do 1 kẻ kia uống gan hùm
mật gấu mà nên chuyện. Kẻ này vốn dòng dõi quan khai quốc công thần, học
hành đỗ đạt đến Tiến sỹ nhưng không ra quan nhậm chức, lại hay chê
trách chuyện triều chính quốc gia, dám kiện cả Tể tướng đương triều, dám
lên án cả Thái thú Sài thành, Thái thú xứ Đà, nhất đẳng Công hầu
Vương đương nhiệm và bênh vực các quan lại bộ Hình đã vương tội khi quân
phạm thượng. Kẻ này năm xưa bạo gan ỷ tài, tự mình ứng cử chức Thượng
thư bộ Lễ, nại đến cả Tể tướng hồi đó phải đến có lời úy lạo. Lại cậy
tài với sở học cùng dòng dõi thế gia, mà có ảnh họa với các Vương, các
đại thần trong triều nên cũng đã nhiều lần dâng sớ gián nghị triều đình,
gián nghị không nổi thì chê trách làm ngoại bang cũng phải tới vấn nghị
nhiều lần. Nhà Chính Sản làm đại hội nghị chính, không thể để kẻ nhiều
lời làm rối lên được, nên kẻ ấy nhân chuyện trai gái dâm tình thị phi,
mà cho công sai đến bắt bỏ ngục. Các công sai tận tụy, làm bắt cả chứng
cứ rành rành là dụng cụ thụ dâm, kẻ ấy chả có lời nào mà nói lại được.
Lại thêm nỗi soát xét, ra cả các chứng thư do kẻ ấy làm ra để gián nghị,
để chê trách quần thần, nên tội ấy to lắm, khó mà dung tha.Đấy là Canh Dần niên nơi kinh kỳ xử án và điều tra. Chuyện kẻ này thì cũng chưa có hồi kết bởi ý người kể chuyện cũng chưa thông ra làm sao cả. Cũng năm Canh Dần, phát lộ cả chuyện mấy kẻ đóng thuyền làm thất thoát công khố quốc gia đến gần trăm ngàn tỷ đồng, song hành cùng việc tế lễ kinh thành đón ngàn năm tuổi với bao chuyện xa gần về kinh phí bỏ ra. Kinh thành lễ lớn mà miền Trung lũ lớn. Các nạn dân từng cánh tay nhô cao khỏi mái nhà rêu mốc trong mênh mông biển nước cầu cứu, những ánh mắt soi qua khe vách liếp cận mái mong mỏi sự tế cứu của các đoàn hội cứu trợ... Lương khô nước uống đối cảnh với chè chén tạc thù đất kinh sư. Chưa năm nào kinh sư đông đến vậy trong hội ngày tế lễ 10 hôm. Dân chúng khắp nơi kéo về coi hội xem lễ, thỏa mong ngắm đèn đuốc kinh kỳ với trò pháo hoa. Quan Tri phủ Hà thành đã kịp chấn chỉnh việc chi tiêu của pháo hoa để cứu tế cho nạn dân các tỉnh vùng lũ. Trời chắc cũng đồng lòng người nên đã cho hủy đến cả tấn pháo bởi nạn hỏa vùng tập kết pháo. Năm ấy Canh Dần niên kết thúc với chỉ số lạm phát 2 con số mà chẳng vị quan nào làm giảm được. Các gián nghị đại phu chất vấn tại nghị viện với sự thẳng thắn và quyết liệt, bác đường hỏa xa cao tốc và làm các Thượng thư có trách nhiệm phải lúng túng với vấn nghị tại nghị trường.
Chính sự Cồ Nam Vệ đã xong. Tân Vệ Nam Vương đã
chấp chính. Các ngôi đại thần cũng đã yên chủ vị. Chấp sự Tể tướng vẫn
đắc cử tại Tân Mão niên. Tứ trụ triều đình nghe lời đồn đoán cũng đã đâu
vào đó, người kể chuyện chỉ biết nghe và thuật lại, sau ngày tháng Năm,
hội nghị gián nghị đại phu chấp pháp sẽ chính thức uyển cử các đại thần
văn võ vào 2 vị trí tứ trụ còn khuyết lại. Mong rằng tân niên tươi
sáng, dù dấu hiệu đầu năm chưa khả quan với các chỉ số và giá tăng điêu
đứng, nhưng chẳng phải vì thế mà bi mà lụy. Chẳng rõ thế nào, nhiều hồi
sau sẽ rõ.
lúc nói chuyện anh k hấp dẫn bằng lúc anh viết!