Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Gió mùa - Quán cóc...



   Thế là Hà Nội đã chuyển mùa, với một đánh dấu rõ rệt khi đã ngả sang những khắc đầu của tiết cuối Thu. Một người em nhắn cho tôi: "... Cập nhật thời tiết cho huynh nhé, gió mùa đang về, mưa và chớm lạnh rồi. Trời này ngồi quán cóc mà nhâm nhi thì đỉnh ''.
Tôi đọc dòng tin trên và nhớ về một bầu trời sũng sịu một màn xám nặng thấp, chen thoảng những loang trắng mờ của mảng mây xốp như đang lững lờ qua một khe trời giữa hai dãy vách nhà ở một nơi phố cổ, chạy dọc và hun hút theo những phất phơ của làn hơi ẩm, được tạo nên bởi những li ti mưa hạt nhẹ làm loáng đen mặt đường ngõ, trong cái bấp bênh chợt thổi chợt dừng của những cơn gió lạnh đầu mùa, thứ lạnh se se làm khoác thêm áo gió thời trang, điệu đà khăn lụa hờ hững. Cơn gió mùa đầu tiên.


    Quán cóc Hà Nội có nhiều và đa dạng. Vỉa hè, góc phố với những chiếc ghế cọc cạch bằng gỗ hoặc bằng nhựa, thấp và ngồi sát xuống vỉa hè. Và thường thì, bàn cũng là những chiếc ghế cọc cạch, thô ráp đó, được đặt dưới một chiếc rá nhỏ, hay một chiếc khay nhựa, xước xát và cũ kỹ, hằn đầy những vệt mưu sinh bởi tháng năm... Góc Nguyễn Thái Học - Văn Miếu, trông sang bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia có một quán như vậy, điển hình. Quán bán cá rô ron rán, đậu phụ rán chấm nước mắm chanh pha tỏi ớt cay. Rượu gạo nấu lấy, trong vắt tăm sủi bong bóng li ti khi lắc nhẹ, rượu nếp còn nguyên cái, đục mờ màu nước vo gạo. Phải thứ rượu ngon, rót ra còn thoảng hơi thơm. Dưới những tán bàng già, cũ kỹ sần sụa vỏ, khô khẳng theo tiết mùa, nối thêm 1 sợi dây vào tấm nilon treo võng che những hạt mưa và đôi lúc, là để chắn gió, tụm lại từng nhóm mà ngồi như vậy.


   Nhưng cái quán mà em tôi muốn nói, là một cái quán ở ngõ Tạm Thương, đi từ Hàng Bông rẽ vào cũng được mà đi từ chợ Hàng Da rẽ xuống cũng xong, hoặc ngoặt từ Hàng Nón xuống cũng có chỗ thông vào. Ngày Hà Nội còn bao cấp, đó là nơi bán rượu cho những người thích nhâm nhi mà không ồn ào. Gọi là quán Ông Cụ.

   Ông cụ ngâm rượu thuốc, chủ yếu là rượu rắn và tắc kè. Rượu để trong những bình thủy tinh to, bày trên giá từ đất đến sát trần. Căn quán bé, cũ kỹ từ sàn nhà đến vật dụng. Trần thấp lè tè, rộng cỡ gần chục mét vuông, để được 3 cái bàn khoảng 60cm vuông, với dăm cái ghế đẩu nhỏ, khách cỡ 7, 8 người là chủ ra cửa đứng. Tường xây gạch chỉ từ thời Pháp. Cũng chả có gì nhiều để nhậu, chỉ có lạc rang và sau này ông cụ chế thêm món là ngẩu pín và ngọc pín, còn gọi là . Ngẩu pín thì hầm thuốc bắc, cho thêm vài cọng hành và rau bạc hà, húp nước rất ngọt và thơm. Pín đưa vào miệng, giòn sật và phang phảng hơi ngậy béo. Ngọc pín thì xào hành hoa và rau răm, cho ra cái đĩa sứ nhỏ. Ngọc pín ăn ngon mà mềm, thơm, đưa rượu rất hợp.

   Rượu thường được rót vào một cái chén hoa hồng lớn, đầy tắp miệng, lại đặt vào một cái bát nhỏ. Nhiều người đến đây chỉ uống một đến hai chén như vậy là về. Một cút rượu rót đầy được ba chén hoa hồng như vậy, và rượu không rẻ. Vì thế để khỏi phí rượu, ông cụ đặt chén vào cái bát nhỏ đó, nếu khách có làm rớt rượu khi bưng lên thì cũng chỉ rớt ra bát thôi, vẫn uống được lại. Rượu cụ ngâm rất đậm đặc, uống cháy cổ những hớp đầu tiên, nhưng uống quen lại thích. Quán không có nhiều người biết, chỉ những ai thực sự thích rượu và uống rượu là chính mới ghé đến. Sau khi ông cụ mất, mấy chị con gái đứng ra bán, làm thêm món ếch xào măng, sau nữa thì ếch chiên. Nhưng chủ đạo thì vẫn là lạc rang và ngẩu pín mà thôi.

   Những hôm khách đông, lại dọn bàn ra kê vào vách tường sát ngõ, cạnh cửa. Ngồi hai người thì vừa, ba người hơi chật mà bốn người thì thỉnh thoảng lại phải đứng lên nhường đường cho người qua lại. Bởi con ngõ nhỏ, nhưng người ta vẫn phải sống nên dù mặt ngõ, vẫn thành hàng thành quán được. Sau này, ngõ Tạm Thương một thời nổi rầm lên không phải bởi câu ca cũ '' Trai Ngõ Trạm, gái Tạm Thương '', mà là vì là tụ điểm của món nem chua rán.

   Quán Ông Cụ có một căn xép nhỏ, lót ván gỗ. Đi lên những bậc thang gỗ bé tẹo cũng ọp ẹp theo từng bước chân kêu cót két, là khom người chui vào. Chui theo đúng nghĩa đen, bởi cái lỗ chỉ rộng đủ ngang thân người, và không đứng thẳng lên được. Vào trong là ngồi xếp bằng tròn. Căn gác bé nhưng rất ấm cúng. Có một cái cửa sổ nhỏ như cái lỗ tò vò nhìn xuống ngõ. Thân quen mới cho lên, và cũng phải từ bốn người mới được lên đó. Vì nhà cũ, thang yếu, cái sàn gỗ cũng yếu lắm rồi. Nhưng ngồi ở cái căn xép đó, nhìn qua khung cửa sổ nhỏ kia trong một ngày mưa phùn gió bấc, nhâm nhi chén rượu thuốc sánh đậm, trong một không gian cũ như từ xa xưa, mà ngẫm ngợi, mà thả mình vào sự giao thoa của cũ kỹ xa lắng với hiện thực gió mưa qua khung cửa nhỏ, ngắm những hạt mưa đang xiên xéo và thi thoảng, tiếng ù thổi qua nóc nhà, qua các mái hiên, lại lộp độp rỏ xuống từ máng xối những giọt thủng vào tấm nilon căng tạm, cảm nhận cái sâu lắng của hồn cốt phố cổ đang tồn tại trong văn minh phẳng của thế giới đang xích lại gần nhau, thì là một cái thú đầy văn hóa của nghiệm suy.

   Những ngày mưa gió, tôi hay thường rủ các bạn hữu lên Tạm Thương, chui lên căn xép nhỏ đó, thu mình vào cái chật chội cũ kỹ kia mà cùng nhau chia sẻ cái thú ẩm thực. Từ khung cửa nhỏ đó, có thể gọi người bán rong đang rao dưới kia lên. Một cái rổ cắp nách hạ xuống, có cơm nắm muối vừng, giò bò, giò lụa và chả. Những rổ tạ này theo những chủ nhân từ bên mạn Như Quỳnh - Hưng Yên sang, dạo khắp các ngõ ngách bàn cờ của phố cổ Hà Nội. Những món ăn dân dã cho Hà Nội, đa phần là thế, đã từ xa xưa, đều từ các làng xóm thôn quê lân cận Hà thành mà tập kết đến.

   Trà sáng, rượu trưa... Căn quán đó thường khi là nơi đến mỗi bận sáng ra, khoác thêm một áo lạnh trong một trời mây xám ảm, có gió mùa đang vi vút trên những từng không. Hay mỗi khi sắc trời báo hiệu những cơn mưa gió, là đã chuẩn bị để tụ hội bạn bè. Những bây giờ, tôi đã không còn những thắc mắc thuở xưa khi thấy những người trầm tư bên chén rượu ở nơi quán ông cụ, bởi bây giờ, tôi cũng đã là một trong những số họ... Sài Gòn đầy nắng, mưa gió điều hòa, nhưng một ngày có gió mùa đầu tiên về Hà Nội, tôi lại chợt nhớ đến những áo khoác đang treo ngoài kia, nhớ đến những bạn bè, những anh em có thể sẽ gọi...

 

27 nhận xét:

  1. Đọc tản văn chắc chẳng ai có thể chê được nữa...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mà chê thì cũng phải chịu vậy thôi.

      Xóa
    2. Cái bà gì FF bên trên nói nghe phát ớn. Tôi chê đó thì đã làm sao? làm gì được tôi nào. Phỏng....hehhee :))

      Xóa
    3. Riêng chú Lãnh, chê thì không làm gì, chỉ đổ rượu vào mồm thôi :))

      Xóa
  2. Nipem thì không "quán cóc" Hà Nội bao giờ, nhưng nghe huynh lãng đãng nhớ cũng nhớ theo. Hà Nội mùa này đẹp nhứt trong năm ( Trừ những ngày xấu, hì) . Em chỉ nhớ quán kem và quán ốc thui ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Kem nào và ốc ở đâu ? Anh mà viết về ốc thì có khi cô Lip bay gấp ra HN đấy :))

      Xóa
    2. Ừa, hum nào em ra, Ốc nhé...hihi

      Xóa
  3. Hum nay Hà Nụi mưa gió em à, chị không phải đến Nhạc viện, ở nhà ngồi trong chăn nhấm nháp cafe và đọc Tiêu Phong nè...rất thích.
    Thích nhứt là, đọc xong thấy thêm quyết tâm gác bút...chờ hóng bài của TP thui....hihi
    An lành nhé " bé TP" đẹp trai của chị. HN vẫn nhớ, vẫn chờ em...như ngày nào trong cái khu TT TC của chị em mình. .
    God Bless You !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nghe chị Lam Khê tả cái lạnh HN mà em cũng thấy... gai cả người! :D

      Xóa
    2. Uhm, hơi lạnh rùi F à, trên balcon nhà chị gió lém.

      Xóa
    3. Chị vẫn teen hoá ghê lắm. Sao gác bút? :D

      Xóa
    4. Bi giờ thấy đọc và ngẫm thích hơn...F. uôi. hihi
      Đùa chút chứ sự thực thì chị mới đầu tư một TT dậy về nghệ thuật nên cần phải chuyên tâm vào đó hơn em à. :)

      Xóa
    5. Cả hai năm vừa rùi chị đọc ít, comment cũng ko, thấy nhớ xóm cũ ( YH ) của mấy chị em mình ghê mà bận bịu ko theo mọi ngừi được F à. Giờ ổn hơn rùi sẽ quay lại... đọc và còm nhóe. hí hí

      Xóa
    6. Vậy ạ. Có lẽ em cũng nên đăng ký học về nghệ thuật một cái xem sao. Tất nhiên là không học đàn rồi.
      Chị thành công nhé!
      Không cần còm đâu. Hẹn gặp chị ở HN. Sớm thôi! :)

      Xóa
    7. TT của chị dậy thanh nhạc và các lại nhạc cụ, nhất là Piano. violin và Guitare F à, chỉ ko dậy về ...đàn ông, đàn bà và đàn con thoai. hehe . :P
      Ok em. Củm ơn em nhìu nhé F iu. <3

      Xóa
    8. Chị dạy về đàn ông, đàn bà, đàn con thì ai học? Người ta tự dạy nhau hết rồi! :-)

      Xóa
    9. ối rời em ui, ngừi ta dậy đầy ra kìa mà ối ngừi học nhóe, dưng chị thì chuyên Piano thoai...hì hì.

      Xóa
    10. Đấy là F hổng bít tài lẻ của chị roài, chị hông dậy chứ chị mà dậy á thì đầy ngừi học. há há há ( bắt chước anh Cẩm iu tí nhẻ. :D )

      Xóa
    11. Sao tài của chị em lại không biết? Biết quá đi ấy chứ. Thế nên phải nói là khâm phục! :D

      Xóa
    12. Ok F, có dịp chị em miềng sẽ nói chiện riêng nha, 888 ở nhà TP thấy kỳ wa à. Sorry TP nha. :)

      Xóa
  4. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  5. Bé Tiêu Phong đệp giai của mềnh qua tuần chuẩn bị ăn nhậu nhóe! :))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mẹ bố khỉ...:)) Chú Lãnh làm thêm ít emphetamin chống buồn ngủ nhóe :))

      Xóa
    2. Hừ ! Lãnh huynh dzám làm lơ Thụy à ?

      Xóa

  6. Thật ra ... Entry này của Phong ca rất hay ...
    Giống như những bài tản văn khác, nó mượt mà và trôi chảy tự nhiên, có vẻ như không cần sắp xếp trau chuốt gì cả ... Đọc rất thích vì tính chân thực của bối cảnh, của những thời khắc đã trôi qua, những mảnh kỷ niệm đã được ký ức lắp ghép lại ...

    Có lẽ cái bóng ... hơi bị lớn của tản văn đã che lấp bớt đi những bài thơ của Phong ca thì phải ... :))

    Trả lờiXóa